Trả lương theo vị trí việc làm, giáo viên mới thoát vòng luẩn quẩn

28/06/2020 06:36
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần có hệ tiêu chí đánh giá mới, cơ chế chính sách mới để trả lương cho giáo viên thì mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn vị trí việc làm – bằng cấp, chứng chỉ.

Thời gian qua, nhiều bài viết của các nhà giáo đăng tải trên Giáo dục Việt Nam khi bàn về việc xếp lương cho giáo viên đều có chung nhận định: trả lương cho giáo viên theo vị trí việc làm và phẩm chất năng lực của họ mới tạo động lực cho giáo viên cống hiến.

Ngược lại, xét tuyển và trả lương chỉ dựa theo bằng cấp thì sẽ sản sinh ra một nền giáo dục học để thi, chạy đua bằng cấp, chứng chỉ và hệ lụy là tạo ra những người thầy hữu danh vô thực.

Vấn đề cần bàn là, việc trả lương cho giáo viên dựa trên hệ tiêu chí đánh giá nào để tránh kiểu “cá mè một lứa”, “sống lâu lên lão làng” khi chỉ chăm chăm vào các loại bằng cấp, chứng chỉ theo quy chuẩn.

Phải trả lương cho giáo viên theo vị trí việc làm. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Phải trả lương cho giáo viên theo vị trí việc làm. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Những cách làm hay của trường tư thục

Cá nhân người viết bài báo này đã có 7 năm làm công tác giảng dạy ở một số trường trung học phổ thông tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh và nhận thấy, hội đồng quản trị của hầu hết các trường trả lương cho giáo viên, nhân viên theo khối lượng và hiệu quả công việc rất thiết thực.

Trường tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh đều phân chia giáo viên theo 3 hạng rõ ràng: thứ nhất, ban giám hiệu (hiệu trưởng và hiệu phó chuyên môn); thứ hai, giáo viên quản nhiệm (bán trú, nội trú); thứ ba, giáo viên giảng dạy bộ môn.

Về phía lãnh đạo, đa số hội đồng quản trị các trường đều thuê hiệu trưởng, hiệu phó – những nhà giáo có học hàm, học vị và uy tín chuyên môn cao, hoặc những thầy cô quản lí ở trường công lập đã về hưu đảm nhiệm.

Hiệu trưởng, hiệu phó trường tư thục được trả lương rất cao và họ chỉ có nhiệm vụ chính là làm công tác chuyên môn sao cho hiệu quả để tạo uy tín với phụ huynh, thu hút học sinh vào học và cạnh tranh với những trường khác.

Còn giáo viên, trước hết là “giáo viên quản nhiệm” bán trú, có lẽ khá lạ lẫm với thầy cô ở trường công lập, nhưng với trường tư thục thì đây là một sáng tạo có thể nói mang tính đột phá trong tầm chiến lược của lãnh đạo trường.

Giáo viên quản nhiệm thường là những thầy cô mới ra trường, chưa có kinh nghiệm giảng dạy hoặc những người học ngành ngoài sư phạm (tổng hợp), chỉ được bố trí làm công tác chủ nhiệm (không đứng lớp).

Người làm công tác quản nhiệm là giáo viên cơ hữu của trường, được trả lương khoảng 4,5 đến 6 triệu đồng (ở thời điểm hiện tại); được đóng bảo hiểm theo quy định của Nhà nước; được ăn một bữa cơm trưa miễn phí và nhận tiền thưởng theo năng lực của từng cá nhân.

Chẳng hạn như, giáo viên duy trì được sĩ số; quản lí lớp tốt về mặt kỉ luật; tạo được môi trường học tập cho học sinh; được phụ huynh tín nhiệm… là một lợi thế rất lớn.

Quá trình làm công tác quản nhiệm, nếu giáo viên nào trau dồi chuyên môn tốt, được ban giám hiệu và đồng nghiệp đánh giá cao thì được bố trí kiêm nhiệm giảng dạy thêm một vài lớp, và dĩ nhiên là hưởng thêm một đầu lương trong cùng một thời gian làm việc 8 tiếng.

Còn giáo viên nào chưa đáp ứng chuyên môn hay thiếu năng lực sư phạm thì không bao giờ họ được giảng dạy, có thể được nhà trường tạo điều kiện làm giám thị kiểm tra định kì để tăng thêm thu nhập.

Cùng với đó là đội ngũ giáo viên quản nhiệm nội trú, công việc và chế độ họ cũng tương tự giáo viên quản nhiệm bán trú nhưng có đặc thù là làm vào buổi tối.

Sau 17 giờ khi học sinh tan học, giáo viên phải trong coi học sinh ăn uống, rồi quản lí giờ nghỉ ngơi của các em cho đến trước 19 giờ.

Sau 19 giờ, giáo viên lên lớp cùng với học sinh, giúp các em tự học, như dò bài, chỉ thêm bài tập, nhắc nhở hoàn thành bài vở theo dặn dò của thầy cô bộ môn.

Riêng giáo viên bộ môn thì được lãnh đạo nhà trường tuyển dụng kĩ càng thông qua bằng cấp theo quy chuẩn của ngành giáo dục, rồi phỏng vấn về chuyên môn nghiệp vụ, dạy thử (thử việc) sau một khoảng thời gian làm việc theo học kì hoặc theo năm.

Sau thời gian đó, nếu giáo viên bộ môn được học sinh, đồng nghiệp và phụ huynh tín nhiệm cao thì họ được kí hợp đồng làm việc và cho đóng bảo hiểm.

Giáo viên muốn được trả lương cao thì phải dạy nhiều lớp, rồi chất lượng học tập của học sinh được cải thiện qua các kì kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì hay thi tốt nghiệp trung học phổ thông – nghĩa là năng lực chuyên môn của người thầy được lượng hóa một cách rõ ràng bằng các tiêu chí cụ thể.

Giáo viên bộ môn tuy cùng dạy một môn học như nhau nhưng tiền lương bao giờ cũng khác nhau, phụ thuộc vào vào việc dạy khối lớp nào, năng lực chuyên môn so với đồng nghiệp.

Chẳng hạn như, giáo viên dạy lớp 12 thì tiền lương bao giờ cũng cao hơn với những người dạy lớp 10.

Hay cùng là giáo viên dạy lớp 12 nhưng tiền lương theo tiết của người này có khi cao hơn người kia đến vài ba chục ngàn, là do năng lực của họ đã được chứng minh qua thực tiễn giảng dạy.

Thầy hiệu trưởng (cũng là chủ tịch hội đồng quản trị) một trường trung học phổ thông tư thục ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh đã từng nói với chúng tôi rằng, thầy trả lương cho giáo viên không cào bằng mới là… công bằng nhất.

Và giáo viên cũng không khó để có thu nhập vài chục triệu đồng/tháng nếu dạy các môn nhiều nhiều tiết như Toán, Ngữ văn, Anh văn, Vật lí, Hóa học.

Điều đáng nói là, giáo viên bộ môn phải luôn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, phải tự làm mới mình qua từng tiết dạy để không bị tụt hậu, không bị chấm dứt hợp đồng làm việc – có thể đến bất cứ lúc nào.

Cho nên lãnh đạo cũng không hề yêu cầu họ phải học nâng cao trình độ trên chuẩn (thạc sĩ) hay cần có các loại chứng chỉ Anh văn, tin học.

Nhiệm vụ của giáo viên trường tư là luôn học tập, luôn dạy hết mình để tạo ra vị thế cho người thầy và thay đổi chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn.

Họ cũng không bao giờ bị ám ảnh bởi phong trào này, cuộc thi nọ hay suốt ngày bận rộn với đống hồ sơ sổ sách – một kiểu hành chính hóa công việc khiến giáo viên trường công phải vất vả, khổ sở và hao phí thời gian vô cùng.

Những phong trào, cuộc thi hay công việc hành chính đã có giáo viên quản nhiệm, nhân viên văn phòng đảm trách nên thầy cô bộ môn luôn toàn tâm, toàn ý lo cho chuyên môn.

Nhìn chung, hệ thống trường tư thục đã có hệ tiêu chí đánh giá tin cậy, minh bạch nên việc trả lương cho giáo viên rất công bằng, thiết thực chứ không phải chăm chăm vào bằng cấp, chứng chỉ theo kiểu “dán nhãn” như ở trường công.

Mời bạn đọc đón đọc kì 2: Nhất thiết phải trả lương cho giáo viên theo vị trí việc làm (trường công lập trả lương theo hệ tiêu chí nào?)

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tra-luong-theo-bang-cap-hay-theo-vi-tri-viec-lam-post210302.gd?fbclid=IwAR2mVQAF0SpaCMhLCX2BHScPS7Kl80tiypIJrX3Hw1QhERMuiBHU5921SV4

[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-va-cai-vong-luan-quan-vi-tri-viec-lam-bang-cap-chung-chi-post210366.gd?fbclid=IwAR3-xSohnY5goUiL2x9JrOuAVrSlJUbBVDAZ9hEQnFx-Nkc4u2r1Ny19nlg

Thạc sĩ Phan Thế Hoài