Trải thảm đỏ chi 50 triệu tiền hỗ trợ, liệu Hậu Giang có thu hút được giáo viên?

11/07/2022 06:42
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Số tiền thu hút không lớn, chỉ 10 triệu đồng/ năm nhưng có lẽ đến thời điểm này, Hậu Giang là tỉnh đầu tiên có chính sách thu hút giáo viên dạy các môn học mới.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều môn học được đưa lên, đưa xuống các cấp học phổ thông nên dẫn đến tình trạng đa phần các địa phương thiếu giáo viên vì phần lớn những môn học này mang tính đặc thù rất riêng.

Chính vì thế, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã thông qua Nghị quyết về chính sách thu hút giáo viên dạy một số môn học tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh với số tiền là 50 triệu đồng/người/5 năm.

Đây thực sự là một tín hiệu tốt nhằm thu hút nhân lực ngành sư phạm về Hậu Giang công tác nhưng liệu chính sách thu hút giáo viên đã có rồi nhưng nguồn tuyển giáo viên đối với các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật liệu có khả thi không?

Bởi thực tế, không chỉ Hậu Giang thiếu giáo viên dạy các môn học này mà đa phần các địa phương còn lại trên cả nước cũng đang thiếu giáo viên các môn học này. Giải bài toán này không hề dễ dàng trong những năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Một số môn học sẽ thiếu khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Một số môn học sẽ thiếu khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018

(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Hậu Giang tiên phong "rải thảm đỏ" mời giáo viên một số môn học về tỉnh công tác

Thông tin từ Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết tỉnh đã thông qua Nghị quyết về chính sách thu hút giáo viên dạy một số môn học tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Trong 3 năm qua, công tác tuyển dụng giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo và các huyện đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, số lượng nộp hồ sơ dự tuyển không đủ, kết quả đạt không cao. Chính vì thế, hiện toàn ngành còn thiếu hơn 180 giáo viên một số môn học.

Cụ thể: số lượng giáo viên tiếng Anh là 86 (cấp tiểu học cần 73 người, trung học cơ sở cần 7 người, trung học phổ thông cần 6 người); giáo viên Tin học là 52 (cấp tiểu học cần 32, trung học cơ sở cần 13, trung học phổ thông cần 7); Âm nhạc và Mĩ thuật cần 23 giáo viên (dạy cấp trung học phổ thông) mỗi môn. [1]

Có lẽ, chính từ việc khó tuyển dụng các môn học này nên Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ cho giáo viên khi về tỉnh này công tác là 50 triệu đồng/người/5 năm.

Nếu so với các môn học khác, nhiều sinh viên sư phạm ra trường không tìm kiếm được cơ hội việc làm vì đang dư thừa giáo viên thì các môn học Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật đang có rất nhiều lợi thế.

Đặc biệt, đặt trong điều kiện của tỉnh Hậu Giang - một tỉnh còn nhiều khó khăn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thì đây là một sự cố gắng và thể hiện được sự chăm lo, đầu tư cho giáo dục cho tỉnh nhà.

Dù số tiền thu hút chưa phải là lớn, chỉ 10 triệu đồng/ năm nhưng có lẽ đến thời điểm hiện nay thì Hậu Giang đã là tỉnh đầu tiên có chính sách thu hút giáo viên khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, dù tỉnh Hậu Giang có chính sách thu hút, các môn học này cũng rất khó để tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là giáo viên Tin học và Tiếng Anh vì với yêu cầu chuẩn trình độ hiện nay ở các bậc phổ thông là đại học.

Nhưng, một cử nhân Tin học, Tiếng Anh liệu các em sinh viên khi ra trường có thiết tha đi làm giáo viên với mức lương ban đầu là hơn 3 triệu đồng/ tháng hay không? Bởi khi được tuyển dụng, giáo viên tập sự sẽ được hưởng 85% lương. Trong khi, trình độ đại học sẽ hưởng hệ số 2,34 của lương cơ bản hiện nay là 1.490.000 đồng.

Vì thế, cho dù có chính sách thu hút, đãi ngộ những năm đầu tiên thì việc tuyển sinh giáo viên một số môn học này vẫn rất gian nan. Bởi sinh viên tốt nghiệp các môn học này có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cao hơn rất nhiều so với công tác trong ngành giáo dục.

Không chỉ Hậu Giang mà các địa phương cũng rất khó tuyển

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bắt đầu thực hiện giảng dạy ở các trường phổ thông từ năm học 2020-2021 ở lớp 1; năm học 2021-2022 đối với các khối lớp 2 và lớp 6 và năm học 2022-2023 tới đây đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Theo lộ trình thì ngành giáo dục sẽ thực hiện cuốn chiếu xong chương trình mới ở năm học 2024-2025 đối với các khối lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Nếu như 2 năm học vừa qua, việc triển khai chương trình mới không ảnh hưởng nhiều đến nhân lực của các nhà trường vì cơ bản giáo viên tại chỗ đã đáp ứng được yêu cầu các môn học mới.

Thế nhưng, bắt đầu từ năm học 2022-2023 tới đây thì hoàn toàn khác vì cấp tiểu học sẽ có môn Tin học ở lớp 3 và cấp trung học phổ thông sẽ có môn Âm nhạc, Mĩ thuật trong các môn tổ hợp lựa chọn và 2 phân môn này nằm trong môn học bắt buộc là Nội dung giáo dục địa phương.

Trong khi, chương trình 2006 không có môn Tin học ở tiểu học và các môn Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp trung học phổ thông. Chính vì vậy, các môn học này là những môn hoàn toàn mới ở tiểu học và trung học phổ thông nên các địa phương phải tuyển mới hoàn toàn.

Nhưng, cái khó nhất là nguồn tuyển các môn học này đang rất thiếu ở tất cả các địa phương trên cả nước vì đó là những môn học mang tính đặc thù như môn Âm nhạc và Mĩ thuật nên nguồn tuyển rất khan hiếm. Bởi, môn Âm nhạc và Mĩ thuật lâu nay vẫn là những môn kén người học và theo đuổi nên các trường sư phạm rất khó tuyển sinh và đào tạo như các môn học khác.

Vậy nên, các môn học này không chỉ đối với khối trung học phổ thông thiếu mà ngay cả cấp tiểu học và trung học cơ sở hiện nay cũng cơ nơi đang thiếu - đặc biệt là cấp tiểu học nên một số trường phải điều động giáo viên môn học khác nhưng có chút năng khiếu “dạy thế” cho 2 môn học này.

Trong khi, cấp trung học phổ thông bắt đầu từ năm học 2022-2023 tới đây rất cần giáo viên 2 môn học này. Bởi lẽ, trong Nội dung giáo dục địa phương (môn học bắt buộc) có phân môn Âm nhạc và Mĩ thuật.

Ngoài ra, Âm nhạc, Mĩ thuật còn là môn học lựa chọn ở cấp trung học phổ thông nhưng hiện nay đa phần các trường trung học phổ thông trên cả nước chưa tuyển được giáo viên 2 môn học này.

Để giải quyết và cân đối giáo viên các môn học mới khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 có lẽ bên cạnh chính sách thu hút như Hậu Giang thì các địa phương cần có chính sách điều động giáo viên giữa các cấp học với nhau.

Chẳng hạn như điều động giáo viên Tin học ở cấp trung học cơ sở xuống cấp tiểu học vì cấp trung học cơ sở khi thực hiện chương trình mới sẽ thừa. Bởi lẽ, môn Tin học chương trình hiện hành là 2 tiết Tin học/ tuần/ lớp nhưng chương trình 2018 chỉ còn 1 tiết/ tuần/ lớp.

Đối với môn Âm nhạc và Mĩ thuật tuyển mới sẽ rất khó, chính vì thế, các địa phương có thể linh hoạt điều giáo viên đang dạy ở tiểu học, trung học cơ sở lên dạy cấp trung học phổ thông trong năm đầu tiên vì mới áp dụng ở lớp 10 nên số tiết chưa nhiều. Các năm tiếp theo sẽ tuyển dụng dần dần…

Đối với môn Tiếng Anh có lẽ không khó khăn bằng 3 môn Tin học, Âm nhạc và Mĩ thuật vì cả 3 cấp học đã dạy môn học này. Chỉ có điều khi thực hiện chương trình 2018 thì số tiết tiếng Anh sẽ nhiều hơn khi môn tiếng Anh được dạy tự chọn từ lớp 1 và bắt buộc từ lớp 3.

Vì thế, có thể khi chưa tuyển được giáo viên mới thì các địa phương có chính sách chi trả tiền thừa giờ theo định mức thì mọi thứ sẽ ổn thỏa.

Nếu được thực hiện đồng bộ các giải pháp khác nhau, chúng tôi cho rằng việc thiếu giáo viên các môn học mới sẽ được khắc phục và không để xảy ra tình trạng không có giáo viên các môn học mới trong năm học 2022-2023 tới đây, cũng như các năm học kế tiếp.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov.vn/xa-hoi/giao-vien-ve-tinh-hau-giang-cong-tac-duoc-ho-tro-50-trieu-dong-post955014.vov

THANH AN