Trận đấu văn bằng, ba bên cùng đá, vậy ai thổi còi?

17/08/2019 07:30
Xuân Dương
(GDVN) - Trận đấu pháp lý về văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học có thể coi là trận đấu ba bên bất phân thắng bại trong lịch sử “hành là chính” nước nhà.

Ba bên tham gia cuộc đấu là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và chính quyền cấp tỉnh/thành phố (đôi khi được thay thế bằng cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục đại học).

Trao đổi với báo chí về văn bằng, chứng chỉ Tin học, ngoại ngữ được một số địa phương đề cập khi tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng:

“Từ việc quy định cho đến việc mở lớp đào tạo cấp chứng chỉ thì Bộ Giáo dục - đào tạo chưa làm”. [1]

Không biết có phải đã tiên liệu trước sự việc mà ngày 20/05/2019, tức là gần 03 tháng trước khi Bộ trưởng Tân phát biểu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông báo số 538/QLCL-QLVBCC về việc thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Đóng cửa những cơ sở giáo dục kém chất lượng dễ hay khó?
Đóng cửa những cơ sở giáo dục kém chất lượng dễ hay khó?

Thông báo công bố danh sách 176 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin (Tin học) theo Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông và 08 cơ sở đủ điều kiện tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đáng chú ý là Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT ban hành từ năm 2016 còn Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ban hành từ năm 2017.

Vậy thì vì sao các chuyên viên và lãnh đạo cấp phó không cập nhật, thông báo cho Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, rằng “mấy cái quy định ấy” đã có từ hai ba năm trước rồi?

Đấy là nói về hai bộ, còn chính quyền địa phương và các “chủ quản” thì sao?

Báo Laodong.vn - Cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - vừa có phóng sự điều tra hai cơ sở giáo dục đại học dính đến chuyện đào tạo và cấp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ là Đại học Đông Đô và Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam. [2]

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng có hai bài phản ánh tình trạng đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh của Đại học Chu Văn An tại Hà Nội. [3], [4] 

Được biết trường này phủ nhận việc đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh, tuy nhiên ngày 16/08/2019 truy cập vào thông báo tuyển sinh năm 2019 của trường này thấy có ngành đào tạo “Ngôn ngữ Anh”, vậy đây là văn bằng 1 hay viết nhầm?

Ảnh chụp màn hình ngày 16/08/2019 thông báo tuyển sinh của Đại học Chu Văn An
Ảnh chụp màn hình ngày 16/08/2019 thông báo tuyển sinh của Đại học Chu Văn An

Theo quy định tại khoản 7, điều 6 Nghị định Số 127/2018/NĐ-CP, các đại học ngoài công lập chịu sự quản lý của chính quyền địa phương nơi trường đóng trụ sở tức là Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.

Một số lượng lớn các cơ sở giáo dục đại học công lập lại do các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội “chủ quản”, chẳng hạn cơ quan chủ quản của Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam là Trung ương Đoàn.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là “chủ” và cũng không được “quản” thì phải chăng việc xử lý sai phạm không thuộc trách nhiệm của Bộ, cùng lắm Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ có thể đề nghị các “chủ quản” chứ không thể quyết định.

Lấy câu chuyện sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại ba tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang làm ví dụ. 

Giáo dục, lại phải nói cho ra nhẽ (1)
Giáo dục, lại phải nói cho ra nhẽ (1)

Báo chí gọi đây là “vết nhơ” là vụ tham nhũng “tồi tệ nhất” của giáo dục nước nhà song mọi hoạt động xử lý sau đó đều do cơ quan Đảng và chính quyền địa phương thực hiện.

Vụ ở Hà Giang được báo chí quan tâm và có nhiều bài viết với cảnh báo khả năng “chìm xuồng” song Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể làm gì, hay bộ này cũng tiên liệu trước, rằng có phản ứng cũng vô ích?

Do phân cấp quản lý hay cũng còn do tâm lý không muốn “ôm rơm nặng bụng”? 

Có một cách khá đơn giản, chẳng cần chuyên viên chính hay chuyên viên cao cấp mới nghĩ ra được, xin mách cho mấy bên tham gia cuộc đấu chứng chỉ thế này:

Kỳ thi quốc gia tốt nghiệp trung học phổ thông luôn có môn ngoại ngữ.

Chỉ cần Bộ Nội vụ liên thủ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông báo tổ chức “ké” một số phòng thi cho cán bộ, công chức thi môn ngoại ngữ, việc chấm thi tiện thể cũng “ké” luôn.

Sau đó những ai đạt thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp chứng chỉ với thời hạn ba năm để người có nhu cầu tiện sử dụng, thế là an toàn, thế là không phải đá đi đá lại!

Có điều người viết tiên liệu việc này chẳng ai hào hứng, cả người tổ chức lẫn người đi thi, vì sao vậy? 

Phổ điểm thi quốc gia 2019 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy cả nước có 789.435 thí sinh dự thi môn tiếng Anh, có tới 542.666/789.435 bài thi có điểm dưới trung bình, chiếm tỷ lệ 68,74%.

Nhìn vào tỷ lệ trượt của “trẻ con”, các “đương kim cán bộ” hoặc “ngấp nghé cán bộ” chẳng ai dại gì thi kiểu này, 10 người thi thì trượt 7.

“Vết nhơ giáo dục” - người Việt hôm nay chẳng lẽ không ai phải chịu trách nhiệm?
“Vết nhơ giáo dục” - người Việt hôm nay chẳng lẽ không ai phải chịu trách nhiệm?

Về phía tuyển dụng, tổ chức thi mà trượt nhiều thế lấy đâu ra cán bộ làm việc.

Về phía cơ sở giáo dục, thật khó chấp nhận khi mất một nguồn bố sung kinh phí. 

Về phía quản lý, tự bỏ mất quyền “xin – cho” họa chỉ có người ...

Cách thứ hai:

Các “Liên bộ” cùng nhau thống nhất loại bỏ hai loại văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong hồ sơ. Làm được việc này có mấy cái lợi:

Thứ nhất, “lỗi đánh máy”, “lỗi văn bản”, “lỗi phông chữ” luôn là công cụ hữu hiệu khi phải xử lý sự cố, toàn người giỏi tin học thì làm gì còn lỗi.

Thứ hai, ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, có ý kiến đề nghị không được viết trên bao bì sản phẩm “Made in Việt Nam” mà phải là “Chế tạo tại Việt Nam”, vậy cần gì ngoại ngữ! 

Còn cách thứ ba xin mách nốt:

Để các bên không phải đá bóng sang sân bên kia, Tòa Hành chính cấp cao nhất nên đứng ra phân xử, khi đã xác định được bên nào đúng, bên nào sai thì kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kết luận (chứ đừng tự kết luận). 

Liệu còn cách nào khác để mách nước thì người viết chưa nghĩ ra, xin quý độc giả góp thêm cho rôm rả.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/bo-truong-bo-noi-vu-quy-dinh-cam-ket-co-chung-chi-khi-tuyen-dung-het-suc-vo-ly-2019081518351423.htm

[2] https://laodong.vn/xa-hoi/cho-chung-chi-ngoai-ngu-can-bo-phong-dao-tao-bao-gia-734506.ldo

[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dai-hoc-chu-van-an-vuon-ra-thu-do-dao-tao-van-bang-2-tieng-anh-post200031.gd

[4] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/dai-hoc-chu-van-an-noi-khong-biet-truong-bach-nghe-dao-tao-van-bang-2-tieng-anh-post200070.gd

Xuân Dương