Lịch sử phát triển của súng tiểu liên AK-47

05/07/2011 08:07
Với những ảnh hưởng của mình, AK-47 đã được gọi là một biểu tượng trong quân sự, một thứ vũ khí làm thay đổi bộ mặt chiến tranh.

(GDVN) - AK-47 là một trong những súng trường thông dụng của thế kỷ 20, được thiết kế bởi Mikhail Timofeevich Kalashnikov. Tên súng là viết tắt của "Avtomat Kalashnikova mẫu năm 1947" (tiếng Nga: Автомат Калашникова образца 1947 года). Theo phân loại của khối Xã hội chủ nghĩa, AK-47 thuộc loại tiểu liên, họ súng máy. Theo phân loại của NATO, AK-47 thuộc loại súng trường tấn công, cũng thuộc họ súng máy.

Cho đến thời điểm hiện tại, AK-47 và các phiên bản của nó là thứ vũ khí được ưa chuộng nhất, được lựa chọn bởi trên 50 quân đội, rất nhiều các lực lượng vũ trang, du kích khác từ khắp mọi nơi trên thế giới. Chi phí thấp, độ tin cậy, và hiệu quả rất cao trong điều kiện chiến đấu không tiêu chuẩn của loại súng này làm cho nó trở thành loại vũ khí cá nhân thông dụng nhất thế giới, dù tầm bắn hiệu quả nhất của nó trong khoảng 300 đến 400m, tối đa chỉ đến 600m.

Michail Timofeyevish Kalashnikov, tác giả khẩu AK-47
Michail Timofeyevish Kalashnikov, tác giả khẩu AK-47

Với những ảnh hưởng của mình, AK-47 đã được gọi là một biểu tượng trong quân sự, một thứ vũ khí làm thay đổi bộ mặt chiến tranh.

Bối cảnh

Trong Đệ nhị thế chiến, người Đức phát triển mẫu súng trường tấn công, dựa vào nghiên cứu cho thấy đa số cuộc đấu súng xảy ra ở cự ly gần, trong vòng 300 mét. Uy lực của loại súng trường đương đại là quá thừa trong khi mật độ hỏa lực lại quá thưa cho đa số cuộc đấu súng tiểu liên.

Kết luận của các nhà quân sự Đức là cần sáng chế một loại súng kết hợp giữa súng trường và súng tiểu liên có các tính năng cơ bản như hộp đạn có sức chứa lớn, hỏa lực dày và chính xác với tầm bắn trung bình có hiệu quả đạt đến 300 mét. Để giảm chi phí chế tạo, loại súng tiểu liên Mauser được cải tiến, không dùng đạn nhẹ 7,92 x 33 mm nữa mà chuyển sang dùng loại đạn 7,92 x 57 mm là loại đạn có liều thuốc phóng hơn.

AKMS Kiểu 4B (trên), với một khẩu Kiểu 2A
AKMS Kiểu 4B (trên), với một khẩu Kiểu 2A

Như vậy, có thể kết luận rằng súng trường Sturmgewehr 44 (StG44) không phải là là loại súng đầu tiên có những tính năng này; khẩu Cei-Rigotti của Ý cũng như khẩu Hoàng đế Nga và khẩu súng trường tự động Fedorov ra đời trước nó đã có dạng thiết kế của súng trường tấn công.

Tuy nhiên, người Đức lần đầu tiên đã chế tạo hoàn chỉnh loại súng trường tấn công này, được đánh giá là khá chính xác và tiện ích trong tác chiến. Vào khoảng cuối chiến tranh, mặc dù đối đầu với Liên Xô nhưng những kinh nghiệm dày dặn của họ cũng ảnh hưởng đến lý thuyết quân sự của Liên Xô trong năm hậu chiến.

Vài nét về tác giả và quá trình sáng chế

Mikhail Kalashnikov (Михаил Тимофеевич Калашников) bắt đầu sự nghiệp thiết kế súng từ năm 1942, khi ông đang dưỡng thương trong bệnh viện trong chiến dịch Bryansk. Sau khi nhận thấy những bất ổn trong thiết kế súng tiểu liên, ông tham gia vào cuộc thi vũ khí mới sẽ sử dụng đạn 7.62 x41 mm được phát triển bởi Elisarov và Semin vào năm 1943 (đạn 7.62 x41 mm có trước đạn 7.62 x39 mm hiện nay).

Lúc đó, quân đội Xô Viết đang mở một cuộc thi thiết kế một loại súng mới với yêu cầu là đáng tin cậy trong môi trường lầy lội, ẩm ướt và giá lạnh của Liên Xô, Kalashnikov tham gia. Ông thiết kế một mẫu súng carbine dựa trên phần lớn thiết kế khẩu súng M1 Garand của Hoa Kỳ, và mẫu này thua mẫu của Sergei Gavrilovich Simonov (mẫu súng của Simonov sau này trở thành khẩu CKC).

Cùng thời gian đó, quân đội Xô Viết cũng bắt đầu quan tâm với việc phát triển một loại súng trường tấn công thực thụ, sử dụng đạn M1943 có kích thước ngắn hơn. Mẫu thiết kế đầu tiên của kiểu súng này được Aleksei Sudaev giới thiệu năm 1944. Tuy nhiên trong các cuộc thử nghiệm nó bị đánh giá là quá nặng nề.

Một cuộc thi thiết kế khác được tổ chức vào hai năm sau đó, và lần này đội thiết kế của Kalashinkov lại tiếp tục đăng ký tham gia. Đó là một khẩu súng trường hoạt động dựa trên nguyên tắc trích khí ngang, mở khóa nòng để nạp đạn giống như mẫu carbine năm 1944 của ông, cùng với một hộp đạn cong chứa 30 viên.

АКМSU báng gấp, nòng ngắn dùng cho lính dù
АКМSU báng gấp, nòng ngắn dùng cho lính dù

Các mẫu súng của ông (ký hiệu AK-1 và AK-2) đã tỏ ra đáng tin cậy và vượt lên mẫu của các đối thủ khác, lọt vào vòng 2 của cuộc thi cùng với các mẫu thiết kế của A.A Demetev và F. Bulkin. Cuối năm 1946, khi các khẩu súng bắt đầu được thử nghiệm, một trong những trợ lý của Kalashnikov là Aleksandr Zaytsev đề xuất một sự cải tổ lớn đối với thiết kế của phiên bản AK-1 với mục đích chính nhằm nâng cao độ tin cậy của súng.

Lúc đầu, những người lính nhận khẩu AK một cách miễn cưỡng. Họ đã quen đối phó với đối thủ bằng khẩu súng trường trong tay. Tuy nhiên, cuối cùng thì Aleksandr Zaytsev dã thuyết phục được họ, kết quả là khẩu súng mới đã để lại một chùm lỗ thủng trên bia và vượt qua cuộc bắn kiểm tra tại trường bắn thử nghiệm.

Cũng từ đây, súng trường tấn công Kalashinkov mẫu 1947 đã chứng tỏ được sự đáng tin cậy, tính đơn giản của nó và bắt đầu được trang bị cho Quân đội Xô Viết từ năm 1949 với cái tên Súng trường tự động Kalashnikov (Автомат Калашникова), gọi tắt là AK, cỡ nòng 7,62 mm.

Nguyên lý thiết kế

Mặc dù Kalashnikov đã phủ nhận rằng AK-47 dựa trên khẩu MP 44 của người Đức, nhưng người ta vẫn cho rằng AK-47 đã chịu nhiều ảnh hưởng từ thiết kế của STuG-44.

AK-47 đúng là đã tích hợp được những đổi mới công nghệ súng trường so với trước đó: quá trình điểm hỏa được thực hiện bằng bệ khóa nòng lùi có lò xo đẩy về, sử dụng cụm khóa nòng kiểu then xoay như khẩu M1 Garand/M1 carbine, hệ thống trích khí được bố trí như khẩu MP 44.

Nhóm thiết kế của Kalashnikov có điều kiện tiếp cận tất cả các loại vũ khí này và không việc gì phải "sáng chế lại cái bánh xe", mặc dù họ bao giờ không thừa nhận rằng thiết kế của họ áp dụng nguyên nguyên bản khẩu súng trường tiến công Sturmgewehr 44 của Đức.

Phiên bản AKS báng gấp kiểu Đông Đức
Phiên bản AKS báng gấp kiểu Đông Đức

Tuy nhiên, việc AK-47 có dựa theo nguyên mẫu MP 44 hay không vẫn chưa rõ ràng. AK-47 có trích khí động lực xung ngắn tương tự như súng máy [DP-27]. MP-44 trích khí tiết lưu áp lực hành trình dài. AK-47 là máy khóa nòng xoay hai tai. MP-44 là máy khóa nòng chèn nghiêng giống SVT và PTRS.

AK-47 có kiểu băng đạn gài trong khi MP-44 là băng đạn cắm như [AR15|AR15/M16] sau này. Hướng thiết kế của hai súng cũng không có sự tương đồng. Cùng là súng xung phong, thì AK-47 và đạn 7,62x39mm phát triển bằng cách "cắt ngắn súng trường" để thỏa mãn hai chức năng bắn khi xung phong và bắn đối kháng. Súng có ốp lót tay cầm trước để cầm như súng trường, khoảng cách từ cuối báng tới vị trí nắm phía trước thích hợp để bắn ngắm đối kháng tầm xa.

Trong khi đó MP 44 được thiết kế theo hướng "kéo dài súng ngắn" để thỏa mãn riêng một chức năng xung phong. Súng không có ốp lót tay phía trước, người bắn phải cầm vào cổ băng như MP 40, rất thích hợp để bắn khi xung phong nhưng không hề thích hợp cho bắn đối kháng như súng trường.

AN-94 có thêm ống phóng lựu GP-30 dưới nòng chính
AN-94 có thêm ống phóng lựu GP-30 dưới nòng chính

Về phiên chế, AK-47 được thiết kế để thay thế cả tiểu liên và súng trường, trong khi MP 44 chỉ thay thế cho các loại tiểu liên đang được quân Đức trang bị lúc đó. Hướng thay thế vũ khí bộ binh tiêu chuẩn của Đức là MP 44, Gewehr 43 và MG 42 thay thế cho MP 40, K98k và MG 34, đầy đủ tiểu liên, súng trường và súng máy, trong đó MP 44 và MP 40 đều là súng xung phong chủ lực.

Ngay cả tên súng MP 44 cũng cho thấy hướng thiết kế: MP = maschinepistolen ("súng ngắn liên thanh" hay "tiểu liên"), trước khi được Hitler thay thế bằng StG (Sturmgewehr = Súng xung kích, "gewehr" là "súng", khác với "büchse" là "súng trường"). Đạn 7,92x33mm của MP 44 cũng phát triển theo phương thức đạn súng ngắn, có thuốc đạn quá áp đặc trưng của các loại súng ngắn và tiểu liên, cũng được gọi là "pistolepatrone" ("Đạn súng ngắn").

Bởi vậy, khó có thể nói AK-47 thiết kế dựa theo concept của MP 44. Thậm chí AK-47 đã thành hình trên bản vẽ trước khi MP 44 tới tay quân Liên Xô vào cuối Thế chiến II. Kể từ khi Kalashnikov bắt đầu thiết kế súng cho đến khi nó được chấp nhận trang bị, thì máy súng và hướng thiết kế không có gì thay đổi, chỉ có hình dạng bên ngoài là biến đổi rất lớn, qua nhiều phiên bản trước khi thành hình như thường thấy.

Một sĩ quan huấn luyện của lực lượng cảnh sát quốc gia Afghanistan với khẩu súng Kiểu 56 (một bản sao của AKS-47 sản xuất ở Trung Quốc) trong tay.
Một sĩ quan huấn luyện của lực lượng cảnh sát quốc gia Afghanistan
với khẩu súng Kiểu 56
(một bản sao của AKS-47 sản xuất ở Trung Quốc) trong tay.

Một điểm thú vị trong thiết kế của AK-47 là tổ hợp thân súng (bao gồm hộp khóa nòng, nắp hộp khóa nòng, bệ khóa nòng, khóa nòng, bộ phận cò - búa, lò xo và thoi đẩy về) và hộp tiếp đạn rất lỏng lẻo, kêu "lọc xọc" khi rung lắc mạnh.

Tuy nhiên, khác với những gì mà người ta tưởng tượng, các bộ phận này gắn kết với nhau rất chắc chắn, độ rơ đặc biệt giữa các bộ phận và cấu tạo khối thô, to, nặng của chúng tạo ra khả năng hoạt động hoàn hảo trong mọi môi trường, loại bỏ khả năng bị hóc đạn hay kẹt hệ thống cò - búa, khóa nòng do bụi bẩn hay bùn đất, cặn dầu mỡ.

Đây cũng là đặc điểm ưu việt khi chế tạo vì AK-47 có thể được sản xuất tại các xưởng có hệ thống máy móc tồi tàn nhất mà vẫn bảo đảm các thông số kỹ chiến thuật cao nhất. Thực tế chiến tranh Việt Nam cho thấy AK-47/AKS-47 vẫn bắn được trong tình trạng các bộ phận bên trong dính đầy bùn đất, thậm chí ngay sau khi được lôi ra khỏi nước.

Phát triển


Giai đoạn sản xuất ban đầu đã có những khó khăn. Trong mẫu súng đầu tiên, tấm kim loại mỏng của bộ phận đẩy khóa nòng lùi bị bật ra. Khó khăn cũng xuất hiện khi thanh dẫn hướng được hàn thường gây ra nhiều hiện tượng trượt lẫy. Những nhà chế tạo không dừng lại, họ thay tấm kim loại mỏng có tác dụng giảm giật bằng một khối kim loại nặng hơn.

Quá trình thay thế này gây nên một số tốn kém nhưng khi sử dụng bộ phận đẩy về bằng tay của khẩu mosin - nagant trước đây, nó vẫn hoạt động nhanh và chắc chắn; bộ phận đẩy về của khẩu súng trường này được gia công lại và thay thế vào đó. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho Liên Xô không thể trang bị nhiều súng mới cho quân đội trước năm 1956. Trong thời gian này, súng trường CKC tiếp tục được sản xuất.

Một binh sĩ thủy quân lục chiến Hoa Kỳ dạy một binh sĩ lực lượng Phòng vệ Iraq cách sử dụng AK-47
Một binh sĩ thủy quân lục chiến Hoa Kỳ dạy một binh sĩ lực lượng
Phòng vệ Iraq cách sử dụng AK-47

Một khi những khó khăn trong sản xuất đã được khắc phục, phiên bản thiết kế lại có tên AKM (M nghĩa " hiện đại hoá " hoặc " nâng cấp ", tiếng Nga: Автомат Калашникова Модернизированный được đưa vào sản xuất và trang bị năm 1959. Mô hình mới này sử dụng tấm kim loại che bộ phận đẩy về hình vát nghiêng, khuyết cạnh trên vị trí cuối nòng súng, lắp thêm bộ phận giảm giật ở miệng nòng.

Ngoài ra, bộ phận hãm búa đập được chế thêm để ngăn vỏ đạn không bắn vào xạ thủ khi chốt khóa nòng liên tục đóng mở trong chế độ bắn nhanh, tự động điểm hỏa.

Đây là cũng là điều đôi khi xem như "giải pháp tình thế", hoặc là một "sự đánh đổi", có ảnh hưởng làm giảm nhịp bắn mỗi phút trong chế độ bắn tự động. Nó cũng làm cho súng nhẹ đi gần một phần ba so với mẫu trước đó.

Việc sản xuất AK ở nước ngoài kể cả có giấy phép và không có giấy phép diễn ra khá phổ biến, trong đó nhiều nhất là mẫu AKM. Một phần do thương hiệu sản phẩm dễ hấp dẫn khách hàng nên mẫu này thường có số lượng chế tạo lớn hơn. Tất cả súng trường dựa trên thiết kế súng AK thường bị quy là AK - 47s ở miền tây, mặc dù đây chỉ là sửa đổi súng trường với 3 sản phẩm ban đầu đã được đưa ra sử dụng.

Ở đa số các quốc gia thuộc khối Đông Âu, hiểu biết về vũ khí đơn giản chỉ cần là "súng AK". Tấm hình phía trên bên phải minh họa sự khác biệt giữa kiểu sản phẩm thứ 2 nguyên bản và kiểu sản phẩm thứ 4 có thương hiệu, bao gồm sử dụng đinh tán chứ không phải là mối hàn trên sản phẩm có thương hiệu, cũng như cách tạo những gân sóng nhỏ trên ổ đạn làm cho ổ đạn có độ bền tốt hơn.

Vào năm 1978, Liên bang Xô Viết bắt đầu thay AK-47 và AKM của họ bằng súng trường thiết kế mới hơn: khẩu AK-74. Loại súng trường mới này và đạn chỉ bắt đầu được xuất khẩu tại các quốc gia Đông Âu khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Sự kiện nghiêm trọng này đã làm chậm lại việc sản xuất các vũ khí này của các nước trong khối Liên Xô cũ.

Xem cơ chế hoạt động của súng trường tấn công AK-47



Theo Wikipedia