Cảnh báo tình trạng ngộ độc lá ngón

19/03/2012 15:01
Theo Báo Công an Nghệ An
Theo kinh nghiệm dân gian: nếu uống nước lá ngón đã nấu thì không có cách gì cứu chữa được.

Lá ngón
Lá ngón
Gần đây, tại các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An xảy ra nhiều vụ ngộ độc liên quan đến lá ngón. Chỉ tính riêng tại 2 huyện Quế Phong và Kỳ Sơn, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 15 trường hợp ngộ độc lá ngón. Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông báo động về nhận thức của người dân cũng như sự lưu tâm vào cuộc của chính quyền địa phương.
Những cái chết thương tâm

Chúng tôi có mặt ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ (Quế Phong) khi bà con vẫn chưa hết bàng hoàng về cái chết thương tâm của cháu Xổng Chìa Xa, 6 tuổi.

Qua tìm hiểu được biết, cuối giờ chiều ngày 14/2, hai cháu Xổng Chìa Xa và Và Nhia Chia rủ nhau vào rừng hái lá chua để ăn. Do còn nhỏ tuổi, chưa phân biệt được các loại lá rừng nên các cháu đã hái nhầm lá ngón. Sau khi ăn phải, cả hai cháu đều ngộ độc nặng, bị ngất tại chỗ. Hơn 1 giờ sau, người dân trong bản đi rẫy về mới phát hiện và đưa hai cháu đi cấp cứu. Tuy nhiên, cháu Xồng Chìa Xa đã tử vong, còn Và Nhia Chia vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Ông Lô Xuân Thu, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết, ngoài cái chết thương tâm của cháu Xổng Chìa Xa, từ khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, trên địa bàn xã xảy ra 3 vụ ăn lá ngón làm chết 2 người ở bản Cha Lạnh và bản Pà Khổm, còn 1 người do phát hiện sớm nên cứu được.

Nói về nguyên nhân dẫn đến ngộ độc lá ngón, ông Thu cho biết: “Hầu hết những vụ ngộ độc lá ngón là do tự tử. Đại đa số nạn nhân là trẻ em gái và phụ nữ người Mông. Nguyên nhân dẫn đến cái chết thường xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong gia đình, bạn bè cãi vã nhau, một lời nói cay nghiệt, những hờn giận, ghen tuông…dễ khiến phụ nữ tìm đến giải pháp tiêu cực này. Thậm chí chỉ vì một lý do đơn giản là trong bản có người nói xấu mình họ cũng tìm đến lá ngón để giải quyết mâu thuẫn. Họ quan niệm rằng, chết vì giận người thân là cách tốt nhất để trừng phạt người còn sống, để cho người sống luôn phải nhớ thương, đau khổ, phải thui thủi lên nương, phải sống một mình…”.

Qua tìm hiểu được biết, ngoài nguyên nhân khách quan kể trên còn có một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng ngộ độc lá ngón tăng. Đó là do người dân một số huyện miền Tây Nghệ An thường lấy rễ cây rừng ngâm rượu uống. Một số trường hợp rễ lá ngón bám lẫn vào nên xảy ra nhiều cái chết thương tâm. Cũng có một số trường hợp ăn nhầm.

Hồi chuông cảnh báo
Các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An được xem là xứ sở của lá ngón, bởi đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của cái lá chết người này. Lá ngón không chỉ mọc trên đỉnh núi mà còn mơn mởn ngay triền đồi, đường đi, trường học...

Cây lá ngón thuộc loại cây bụi, thân gỗ nhỏ thẳng, dài 10 -12m. Cành non màu xanh lục nhạt không có lông. Cành già màu xám nâu nhạt. Lá mọc đối nhau, không có lông, màu xanh bóng, lá có hình trứng, thuôn dài về hai phía, mũi nhọn. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá hoặc đầu cành, hoa màu vàng, mùa hoa từ tháng 6 đến tháng 10. Tất cả các bộ phận rễ, thân, lá, hoa, quả và hạt đều chứa các chất độc hại. Người lớn chỉ cần ăn nhầm 3-5 lá đã có thể bị ngộ độc. Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng như: mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng dữ dội, mỏi cơ, đứng không vững, tim đập yếu, khó thở, giãn đồng tử và tử vong nhanh.
Theo kinh nghiệm dân gian: nếu uống nước lá ngón đã nấu thì không có cách gì cứu chữa được. Nếu ăn lá ngón tươi thì có một số cách cứu chữa kịp thời như: ngâm người trong nước lạnh, chặt cây chuối áp vào người cho mát; bằng mọi cách giúp người bệnh nhanh chóng nôn ra càng sớm càng tốt; sau đó kịp thời đưa đến trạm y tế nơi gần nhất để y, bác sĩ rửa ruột. Cũng có một số cách khác mà người dân các huyện miền núi vẫn làm như lấy lá rau má tươi rửa sạch, giã nát lấy nước để uống, hoặc rau muống giã nhỏ lấy nước uống cũng có thể giải độc lá ngón.

Đã có nhiều địa phương tổ chức phát động nhân dân triệt phá loại cây này nhưng hầu như đều thất bại. Tận diệt cây lá ngón ở các huyện vùng núi cao là điều không thể. Muốn phòng ngừa tận gốc, việc mấu chốt là cần có sự đồng lòng của toàn xã hội nhằm nâng cao nhận thức của người dân vùng cao.
Theo Báo Công an Nghệ An