Hồi ký gây sốc của nữ giang hồ khét tiếng Tâm "si-đa''

22/03/2012 07:43
Theo Tiền Phong
Trong khoảng 10 năm, cuộc đời Tâm là chuỗi ngày đứng đường - bị hốt - cải tạo - trốn trại, rồi lại về đứng đường. Cứ thế, từng năm tháng tuổi trẻ đi qua.

"Đúng ra tôi không dám viết cuốn hồi ký này, bởi cuộc đời tôi không lấy gì tốt đẹp. Những khó khăn và tồi tệ nhất trên đời, tôi đã trải qua. Hận thù và nông nổi đã giết chết tuổi trẻ của tôi”, tác giả Trương Thị Hồng Tâm, 55 tuổi, nhân viên hoạt động xã hội ở TPHCM đã viết như vậy trong lời mở đầu cuốn sách Hồi ký Tâm “si-đa” vượt lên cái chết, vừa ra mắt độc giả.
Ngoài việc viết sách để “có tiền mua một căn nhà nhỏ cho tôi và các con (4 đứa con nuôi, trong đó có 3 đang mang trong mình virus HIV) cùng ở”, chị cũng muốn ai đó tránh những va vấp như chị trước đây.

Tuổi thơ bão táp

Trong cuốn tự truyện, nhân vật “tôi” có một tuổi thơ đầy bão táp. Mẹ cô bé Tâm là vợ lẽ của một viên sĩ quan chế độ cũ, đóng quân ở Cần Thơ. Có bốn mặt con với bà, ông tiếp tục có thêm người đàn bà khác.

Những trận đánh chửi, cãi nhau giữa hai ông bà thường xuyên diễn ra. Ông bỏ đi theo dì ghẻ. Bà cũng bỏ đi theo trai, để lại bốn đứa con nheo nhóc nơi nhà trọ mà Ngọc, đứa út vẫn còn đang ẵm ngửa. 
Tâm “si-đa” trong buổi ra mắt tự truyện.
Tâm “si-đa” trong buổi ra mắt tự truyện.
Bé Tâm chỉ còn cách đi ăn cắp cơm nguội, đi xin sữa về nuôi các em, sẵn sàng hứng chịu những lời sỉ vả cay nghiệt của hàng xóm. May nhờ chủ nhà tốt bụng, đánh điện tín kêu người cha về đón con.
Trong một đoạn hồi ký của mình, chị Tâm viết: “Vừa thấy ba, chị em tôi khóc như mưa. Thằng Ngọc nằm trên võng nghe tiếng ba cũng khóc quá chừng. Ba ẵm thằng Ngọc xuống, người nó thúi hoắc vì cả tháng trời chưa được tắm”.

Chính vì thiếu sự chăm sóc của người lớn nên cậu bé đã mắc bệnh nặng. Trong một lần cõng em chơi lò cò (lúc này cả bốn chị em đã được đón về quê nội ở với ông bà), bé Tâm phát hiện em Ngọc đã “cứng ngắc, cong queo” , chết từ lúc nào không hay.

Mấy chị em ở với nội tuy thiếu thốn nhưng được nội hết lòng yêu thương, chăm sóc, được cho đi học. Năm bé Tâm học lớp 4, má ghé về thăm. Nhưng bà bị nội cấm cửa.

Ở với nội được 4 năm thì ba về đón mấy chị em đi, dù nội không đồng ý và không muốn. Ba chị em về sống trong nhà riêng của ba trong trại gia binh tại Bình Tuy (nay thuộc Đồng Nai và Bình Thuận) cùng người vợ kế của ba là dì Sáu.

Dì Sáu yêu thương lũ nhỏ, nhưng bên ngoài, ba lại có thêm vợ nữa. Dì Sáu bỏ đi. Ba để hai đứa em trai ở lại trại gia binh và đưa bé Tâm về nhà vợ mới, tức dì Lành.

Và cô bé dần biến thành con ở của dì Lành và con trai riêng của dì. Việc nặng, đòn roi liên tục, ba không tin những lời bé tố cáo vợ lẽ… Một đêm, bé Tâm, 8 tuổi, trốn về trại gia binh rồi từ đó theo một người chị về Sài Gòn tìm mẹ.

Lang thang nhiều ngày, cuối cùng cô bé tìm thấy mẹ ruột. Nhưng bà không dám nuôi cô vì chồng mới không đồng ý.

Bé Tâm ở nhờ hết nhà này nhà nọ, lúc làm đứa sai vặt ở sòng bài, lúc phụ người ta làm vàng mã, lúc đi bán bánh dạo… Có lần bé suýt bị gã chủ nhà đầu hai thứ tóc giở trò thú tính.

Năm Tâm 14 tuổi, ba cô đến đón cô về lại. Tuy nhiên, dì ghẻ giàu có, bài bạc rượu chè mỗi ngày. Cô bé cũng đã bước vào tuổi dậy thì, lại mang trong mình sẵn những suy nghĩ tiêu cực, oán giận cha, mẹ.

Và trở thành đứa bất trị, ăn chơi bạt mạng, tụ tập đua xe, vũ trường, đủ cả. Cô kết giao với đủ loại anh chị giang hồ và bắt đầu bập vô ma túy.

Năm 1975, chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Tâm, 18 tuổi, quyết định không đi di tản như bạn bè. Ngày lang thang ở chợ ăn cắp đồ, kiếm tiền mua ma túy. Tối về bến xe khu vực Lê Lai ngủ.

Ba đi cải tạo tận miền Bắc, dì ghẻ vẫn mê đỏ đen nên nhà cửa dần sa sút, bần hàn. Muốn về má ruột nhưng sợ dượng không cho vào, Tâm đành ở nhà dì ghẻ, ngày ngày chứng kiến lũ em đi lượm rau muống dạt ngoài chợ, về nấu loãng với hạt bo bo.

Để có tiền nuôi em, Tâm ra đường Hàm Nghi, bán đồng hồ dỏm và cuối cùng quyết định bán trinh để lấy 50.000 đồng. Từ bán trinh đến làm gái đứng đường chỉ vài bước chân. Bán dâm để nuôi em, bán dâm để có tiền thỏa mãn cơn ghiền ma túy.

Trong khoảng 10 năm, cuộc đời Tâm là chuỗi ngày đứng đường - bị hốt - cải tạo - trốn trại lại về đứng đường.

Cứ thế, từng năm tháng tuổi trẻ đi qua. Vừa trốn khỏi trại cải tạo, không biết lần thứ bao nhiêu rồi, về tới Sài Gòn,việc đầu tiên Tâm làm là tìm ma túy.

“Chích xong, tôi về khu Lê Lai. Ở đây có chỗ tắm giặt, gửi hoặc mướn quần áo, nơi dành riêng cho dân bụi đời. Một ngàn đồng cho một lần tắm, mướn bộ đồ ba ngàn đồng nữa là xong, ai biết dân bụi đời mặc đồ mướn? Tôi lại tiếp tục cuộc sống trên đường phố. Tiếp tục đứng đường. Son phấn ư? Khỏi cần mua, đã có người cho thuê. Trang điểm một gương mặt chỉ tốn 2 ngàn đồng. Những kẻ bụi đời như tôi đều có chung một suy nghĩ mua son phấn để xài, lỡ bị bắt coi như mất hết”.

Hạnh phúc tưởng chừng đã đến với Tâm vào năm 1987 khi cô gặp Hòa, một khách làng chơi muốn cưới cô. Nhưng về làm vợ anh này, mới biết anh ta đã có vợ và sẵn sàng đẩy cô ra Phan Thiết bán bia ôm, như cô vợ đầu, để gửi tiền về cho hắn, dù khi lấy cô, hắn từng ra điều kiện “em phải bỏ nghề mại dâm khi về làm vợ anh”.

“Vợ tao là con gái của soạn giả (cải lương) nổi tiếng, là con của soạn giả Thanh Cao đó mày biết không? Vậy mà nó còn đi bán bia ôm để phụ với tao. Còn mày, mày là cái gì hả”, Hòa nói với vợ lẽ như vậy. Chia tay Hòa, Tâm trở lại nghề cũ.

Sang trang mới

Năm ấy Tâm ngoài 30. Một hôm đang ế khách thì cô gặp một nhóm người “toàn đến nói chuyện trời đất, si đa si điếc gì đó”. Bực mình vì không có tiền, cô trút cơn giận vào họ.

Nhưng họ đến riết, không phải để mua dâm, mà tuyên truyền về bệnh xã hội. Dần dà, sự kiên nhẫn của họ đã được đền đáp. Tâm bắt đầu lắng nghe, tuy chưa hiểu lắm. Rồi họ rủ chị đi làm công tác xã hội, động viên chị đoạn tuyệt quá khứ.

Đêm ấy, Tâm thấy thời làm gái của mình đã hết. Chị đi ngủ đêm với khách, bị mười mấy thằng làm hội đồng, còn bị lột sạch quần áo. Chị nghĩ tới nhóm công tác xã hội và muốn thử thời vận…

Và vượt qua đủ thứ điều tiếng của bạn bè trong đám giang hồ, chị trở thành nhân viên công tác xã hội, chuyên tiếp cận gái mại dâm, đối tượng nghiện hút để tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.

Cái tên Tâm “si-đa” ra đời trong thời gian này. Lương tháng chẳng là bao, nhưng lòng chị thấy thanh thản hơn. Tuy vậy, làm người tốt chẳng hề đơn giản.

Đủ chuyện xảy đến. Thậm chí có lúc chị muốn quay lại đường cũ. Đã có lần mua ma túy chơi lại... Nhiều lúc chị hoang mang, tuyệt vọng khi phát hiện mình là công cụ kiếm tiền của một số người mệnh danh làm việc vì xã hội, vì lòng nhân ái.

Thậm chí hạnh phúc mà chị có được với một người đàn ông đồng cảnh ngộ cũng ngắn ngủi vì anh sớm ra đi do HIV/AIDS.

Những trận cãi vã với má ruột, lúc này sống cô độc ở gầm cầu thang một chung cư, những nỗi éo le của cuộc sống lắm khi tưởng chừng đã cuốn chị đi.

Nhưng nghĩ đến cảnh những người sống bụi đời, vô sản đến mức đi thuê từ cái bàn chải đánh răng, khi được tặng bàn chải riêng cũng không nhận, vì chẳng biết cất chúng ở đâu, chị thấy cuộc sống hiện tại của mình vẫn tốt đẹp hơn. Và chị đã vượt lên tất cả.

Giờ đây, chị cảm thấy rất hạnh phúc vì có các con, trai có, gái có. Cho dù cuộc sống vẫn nhiều nỗi gian truân. Các con vẫn ngày ngày vật lộn với bệnh tật.

Chị, tuy sức khỏe ngày một kém vì căn bệnh nan y, vẫn tìm đủ mọi cách để đứng vững, để có tiền thuê nhà cho các con ở, để có tiền chạy chữa thuốc men cho chúng, và cũng để đợi tới ngày có CMND, có hộ khẩu.

Để ít ra, nếu chưa đủ tiền mua nhà, chị cũng có thể đường hoàng đứng tên làm hợp đồng thuê nhà cho các con ở, thay vì phải đi nhờ người khác đứng tên giùm như bây giờ.
Theo Tiền Phong