TP. Hồ Chí Minh: Hàng tấn chất tạo nạc chưa được làm rõ

09/04/2012 10:19
Theo Đại đoàn kết
Chỉ một tuần đầu tháng 4-2012 tại thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện hàng loạt các lô hàng thịt bẩn.

Chỉ sau ít ngày Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) công bố việc bắt giữ liên tiếp 5 vụ vận chuyển thịt bẩn và trứng gia cầm lậu vào thành phố, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) cho biết, tiếp tục bắt quả tang một lô hàng lên tới 1,4 tấn sản phẩm chứa chất tạo nạc tại Công ty TNHH Hồng Triển, có trụ sở tại KCN Tân Tạo (quận Bình Tân).
Lô thịt bẩn bị các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh thu hồi Ảnh: HỒNG PHÚC
Lô thịt bẩn bị các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh thu hồi Ảnh: HỒNG PHÚC
Theo Thượng tá Đặng Văn Tốt - Phó trưởng Phòng 6, C49, ngày 5-4 khi Đoàn kiểm tra liên ngành tới kiểm tra tại nhà kho của Công ty Hồng Triển đã phát hiện 1,4 tấn sản phẩm SSI (56 thùng, mỗi thùng gồm 25 gói, trọng lượng 1kg/gói), có chứa chất tạo nạc clenbuterol và salbutamol. Trên bao bì số hàng bị thu giữ mang nhãn hiệu Gold Protein Peptide do Công ty WuXi Zhengda Poultry (Trung Quốc) sản xuất. Qua điều tra ban đầu thì khả năng còn số lượng chất SSI tương đương (khoảng 1,45 tấn) mà đoàn kiểm tra vẫn chưa phát hiện ra. Do đó hiện C49 phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ việc kinh doanh chất tạo nạc của công ty này và một công ty khác liên quan.
Công ty Hồng Triển được Sở Kế hoạch - Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cấp phép hoạt động từ năm 2005, do bà Trịnh Tú Linh làm giám đốc, với chức năng chính là mua bán chất bổ sung thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Ngoài công ty Hồng Triển, bà Trịnh Tú Linh còn là phó giám đốc công ty TNHH Nam Hoa, cùng chức năng nhập khẩu các chất bổ sung cho chăn nuôi, trong đó chủ yếu là hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc. Đáng lưu ý, Công ty Nam Hoa (trụ sở tại quận Tân Phú), cũng do chính một người chị ruột của bà Linh là bà Trịnh Tú Lệ làm giám đốc. Khi trình các giấy tờ liên quan đến việc nhập khẩu lô hàng nêu trên, bà Linh khai nhận đã nhận lô hàng chất tạo nạc của Công ty TNHH sản xuất Nam Hoa gửi (!?).
Theo tài liệu mà công ty Hồng Triển cung cấp cho cơ quan chức năng thì vào ngày 21-2-2012 tại Chi cục Hải quan, cửa khẩu cảng Hải Phòng, công ty Hồng Triển nhập đến gần 3 tấn sản phẩm SSI, xuất xứ từ Trung Quốc. Sau khi nhập về TP. Hồ Chí Minh, công ty Hồng Triển đã bán 150 kg sản phẩm SSI cho 4 doanh nghiệp khác, trong đó công ty Chăn nuôi Tiền Giang mua 25 kg, hai doanh nghiệp tư nhân Phước Thạnh và Công ty TNHH Tiêu chuẩn dinh dưỡng gia súc quốc tế ở huyện Cần Đước (Long An) mua 100kg và 25kg chất SSI còn lại do Công ty TNHH thực phẩm dinh dưỡng Vàng (Đồng Nai) mua. Được biết, các sản phẩm SSI được bán với giá 262.000 đồng/kg cho các công ty này. Qua kiểm tra, phát hiện sau khi mua, Công ty Chăn nuôi Tiền Giang vẫn chưa tiến hành pha trộn chất SSI vào thức ăn chăn nuôi; các công ty khác mua sản phẩm này của công ty Hồng Triển hiện vẫn đang tiếp tục được theo dõi.

Theo các cơ quan chức năng tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ một tuần đầu tháng 4-2012 thành phố đã phát hiện hàng loạt các lô hàng thịt bẩn, cũng như sản phẩm chứa chất tạo nạc bằng đường bộ vào trung tâm thành phố tiêu thụ. Theo đó, ngoài vụ phát hiện 1,4 tấn sản phẩm chất tạo nạc của công ty Hồng Triển, ngày 4-4-2012, Trạm Kiểm dịch Động vật Thủ Đức phối hợp với Đội CSGT Rạch Chiếc cũng bắt giữ liên tiếp 5 vụ vận chuyển thịt bẩn và trứng gia cầm lậu trên 4 xe máy và 1 xe tải vào khu vực quận Bình Thạnh và các quận trung tâm. Tổng số lô hàng thịt bẩn được vận chuyển "tiểu ngạch” vào TP. Hồ Chí Minh lên tới trên nửa tấn sản phẩm động vật và gần 30.000 trứng gia cầm. Riêng thịt heo đã xuất hiện mùi hôi thối và người vận chuyển không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch. Tất cả các vụ vận chuyển thịt, trứng gia cầm bẩn đều xuất phát từ hướng Đồng Nai vào TP. Hồ Chí Minh.
Cách đây chưa lâu, khi trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết tại một buổi tọa đàm chuyên đề về kiểm soát thịt bẩn, thịt nhiễm chất tạo nạc tại TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, từng cảnh báo thực trạng trong khi đa số người dân, người tiêu dùng chưa nắm vững được các kiến thức về VSATTP, thì thịt bẩn được tuồn vào thành phố ngày càng tinh vi. Theo bà Mai, cách tốt nhất là người tiêu dùng nên mua thực phẩm tại các siêu thị và cửa hàng uy tín để tránh mua phải thịt bẩn, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Theo thống kê, mỗi ngày TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 1.000 tấn sản phẩm động vật, trong đó có khoảng 8.000 - 9.000 con heo, 500 con trâu, bò; tuy nhiên hơn 80% nguồn cung cấp phụ thuộc vào nguồn cung từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Theo Đại đoàn kết