Trao đổi về 6 phẩm chất cần đạt được trong chương trình giáo dục phổ thông

09/05/2017 07:02
Nguyễn Trọng Bình
(GDVN) - “Yêu đất nước”, “yêu con người” thật ra cũng không phải là chuyện gì đó quá cao xa hay trừu tượng mà đó là mỗi cá nhân chỉ cần sống cho thật đàng hoàng, tử tế.

LTS: Đóng góp ý kiến về Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, thầy Nguyễn Trọng Bình, giảng viên khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại Học Cửu Long trao đổi về 6 phẩm chất mà học sinh cần đạt được.

Theo đó, tác giả chỉ ra một số hạn chế trong nội dung 6 phẩm chất này và đưa ra một đề xuất khác.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

1. Trong phần III của Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ giáo dục soạn thảo và ban hành [1] có đề ra yêu cầu về 6 phẩm chất mà học sinh cần đạt được trong suốt qua trình học tập là: “yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm”.

Vấn đề này cũng được ban soạn thảo giải thích trong phần phụ lục. Từ thực tiễn giáo dục nước nhà thời gian qua, cá nhân tôi thấy có một số băn khoăn xin mạn phép góp vài lời trao đổi như sau:

Trước hết, tôi cho rằng nếu Ban soạn thảo chương trình đã xác định 6 “phẩm chất” trên là mục tiêu và “đích đến cuối cùng” của chương trình giáo dục lần này thì nên chăng cần hiểu đó như là những phẩm để hướng tới tinh thần chung về một vấn đề mà lâu nay nhiều người hay đề cập.

Đó là: “triết lý giáo dục” với tinh thần “khai phóng” cho toàn bộ đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện…” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai.

Đặc biệt, những phẩm chất, mục tiêu ấy phải làm sao khắc phục được những hạn chế, yếu kém của chương trình giáo dục trước đây…

Thầy Nguyễn Trọng Bình cho rằng 6 phẩm chất trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có thể rút ngắn thành 3 phẩm chất. (Ảnh minh họa: Báo Phú Thọ)
Thầy Nguyễn Trọng Bình cho rằng 6 phẩm chất trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có thể rút ngắn thành 3 phẩm chất. (Ảnh minh họa: Báo Phú Thọ)

Vì thế, thiết nghĩ việc xác định tên gọi và nội hàm các khái niệm các “phẩm chất”, trước hết phải làm sao thật cụ thể, rõ ràng và mang tính khái quát cao.

Thứ nữa, phải chuyển tải được giá trị cơ bản cốt lõi làm nên giá trị của một con người - những giá trị mang tính phổ quát của nhân loại nói chung.

Từ đây, nhìn lại 6 “phẩm chất” mà dự thảo đề ra, tôi cho rằng chỉ có hai yếu tố “trung thực” và “trách nhiệm” là ít nhiều đáp ứng được những tiêu chí trên.

Trong bốn yếu tố còn lại thì hai yếu tố “yêu đất nước”, “yêu con người” suy cho cùng đó là những vấn đề thuộc về “bản năng”, “thuộc tính”, là lẽ hiển nhiên của mỗi cá nhân trong bất kỳ cộng đồng, dân tộc nào.

Và với dân tộc Việt Nam ta, hẳn mọi người đã biết “yêu nước thương nòi” từ lâu vốn đã là một “thương hiệu” nổi tiếng, một “truyền thống quý báu”.

(Vấn đề là thời gian qua, trong quá trình giáo dục, học sinh Việt Nam được giảng dạy vấn đề này như thế nào mà thôi. Tuy nhiên, đây là một câu chuyện khác nữa và nếu có dịp chúng ta sẽ bàn sau).

Vì thế, có lẽ vấn đề này chỉ nên ngầm hiểu với nhau chứ không nhất thiết phải đặt ra. Hơn nữa nếu đặt ra như thế có khác gì là sự phủ nhận hai “phẩm chất” này trong toàn bộ nội dung chương trình giáo dục trước đây?

Còn về chuyện “chăm học”, “chăm làm” theo tôi không thể xem là những “phẩm chất” cốt lõi làm nên giá trị của một cá nhân, cộng đồng, dân tộc.

Cứ cho là anh siêng năng, chịu khó, cần cù, chăm học, chăm làm đi nhưng nếu anh học và làm sai phương pháp và không hiệu quả thì cũng chẳng giúp ích gì! 

2. Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, nên chăng ban soạn thảo chương trình cần nghiên cứu để “thu gọn” 6 “phẩm chất” trên lại. Nhân đây, tôi cũng xin mạo muội đề xuất 3 “phẩm chất” cơ bản và cốt lõi như sau:

Một là, TÍNH TỰ CHỦ

Trao đổi về 6 phẩm chất cần đạt được trong chương trình giáo dục phổ thông ảnh 2

Thầy Trần Trí Dũng bàn về phẩm chất và năng lực học sinh trong chương trình mới

Hai là, LÒNG TỰ TRỌNG

Ba là, TINH THẦN TRÁCH NHIỆM

Trước hết, xin được nói về Tính tự chủ. Vậy thì “tự chủ” là gì? Tại sao mục tiêu giáo dục cần hướng đến rèn luyện cho thế hệ trẻ tính “tự chủ”?

Về nguồn gốc, theo Giáo sư Cao Huy Thuần, tinh thần “tự chủ” bắt nguồn từ câu hỏi “Khai sáng là gì?” cùng câu trả lời nổi tiếng “Là con người bước ra khỏi tình trạng vị thành niên” [2] của triết gia người Đức, Immanuel Kant (1724-1804).

Từ đây, “tự chủ” hiểu nôm na là “con người tự làm chủ bản thân mình”; là khả năng tự ý thức về sự trưởng thành của mỗi cá nhân để có thể tự đi bằng chính đôi chân của mình mà không phải vịn hay chịu lệ thuộc vào người khác…

Hay nói khác đi, tự chủ là quá trình tự nhận thức về bản thân. Đây là phẩm chất tối quan trọng để khẳng định sự tồn tại cũng như giá trị của một cá nhân nào đó theo tinh thần triết học “khai sáng” về con người.

Trong ý nghĩa này, có thể thấy một nền giáo dục trước hết phải làm sao giúp cho một đứa trẻ từng bước nhận ra chính nó, làm chủ bản thân nó trong từng thời điểm, từng hoàn cảnh là điều rất quan trọng.

Hơn nữa, những cá nhân biết “tự chủ” cũng đồng thời là những cá nhân không ngừng “tự vấn”, không ngừng “hoài nghi”, không ngừng “phản biện” và sáng tạo... – đây là những phẩm chất quan trọng để mỗi người tự khẳng định mình qua đó góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội về một lĩnh vực nào đó mà họ theo đuổi.

Nhìn vào thực tiễn nền giáo dục nước nhà thời gian qua, có thể nói đây là một điểm hạn chế cần phải nhanh chóng khắc phục.

Nói cách khác, một nền giáo dục chỉ biết chú trọng và đề cao “tinh thần tập thể”, “chủ nghĩa bình quân” nhưng lại coi thường, xem nhẹ vai trò và tiếng nói con người cá nhân là một nền giáo dục phiến diện, méo mó và thất bại.

Về Lòng tự trọng

“Tự trọng” trước hết là trung thực với bản thân mình từ suy nghĩ, lời nói cho đến hành động. Người trung thực đương nhiên là không dối gian, không lươn lẹo, không luồn cúi; là biết tự xấu hổ nếu trót gây ra những lầm lỗi, sai trái…

Ngoài ra, người có lòng tự trọng là người luôn sống trong tâm thế và thái độ tự tin chứ không tự ti; hoặc đối lập với “tự ti” là “tự sướng”, ảo tưởng, ngạo mạn (tự hào một cách thái quá) về bản thân mình, dân tộc mình liên quan đến một vấn đề nào đó.

Không những vậy, “tự trọng” chính là điều kiện và tiền đề quan trọng sinh ra tính kỷ luật, tinh thần tự giác và tinh thần trách nhiệm… ở mỗi cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng và xã hội.

Trong trường học, một học sinh biết “tự trọng” sẽ không quay cóp, không gian lận trong thi cử; thầy cô giáo có “tự trọng” sẽ không “đì” học sinh vì các em không đến nhà mình học thêm; lãnh đạo ngành giáo dục biết “tự trọng” sẽ không bị “bệnh thành tích” “bệnh phong trào” hay “hình thức”,…

Nhìn ra xã hội, quan chức, lãnh đạo có “tự trọng” sẽ tự nguyện xin từ chức và xin lỗi nhân dân vì không hoàn thành nhiệm vụ; sẽ không tham nhũng, không lấy của công làm của riêng; khi về hưu thì tự giác trả lại nhà công vụ chứ không đợi Nhà nước đòi…

Người dân biết “tự trọng” sẽ có ý thức thượng tôn pháp luật, không tự ý lấn chiếm vỉa hè; không xả rác, phóng uế, khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng… làm ảnh hưởng đến môi trường và những người xung quanh.

Nói tóm lại, một dân tộc, một đất nước mà ở đó mỗi cá nhân luôn nêu cao lòng “tự trọng” chính là chỉ dấu quan trọng để khẳng định dân tộc ấy, đất nước ấy đã đạt đến ngưỡng của sự văn minh và tiến bộ.

Ba là, Tinh thần trách nhiệm

Đây là nội dung mà chương trình dự thảo đã đề cập, tuy vậy, ở đây tôi muốn nhấn mạnh thêm vài điểm như sau:

Thứ nhất, tinh thần trách nhiệm cần được hiểu là mỗi cá nhân phải sống có trách nhiệm trước hết là đối với bản thân mình.

Trao đổi về 6 phẩm chất cần đạt được trong chương trình giáo dục phổ thông ảnh 3

Ba kiến nghị của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa

Một người mà sống không buông thả, không có trách nhiệm với bản thân mình, không biết yêu bản thân mình thì khó mà nói chuyện sống có trách nhiệm với người khác hay rộng hơn là với cộng đồng, dân tộc, quốc gia...

Thứ hai, giáo dục nhất định phải xem việc rèn luyện cho thế hệ trẻ “tinh thần trách nhiệm” như là một nhiệm vụ tối quan trọng.

Tinh thần trách nhiệm phải được hướng dẫn và rèn luyện thường xuyên và ngay từ những việc nhỏ nhặt nhất.

Đặc biệt là phải trong mối quan hệ hài hòa giữa con người cá nhân với cộng đồng, tập thể; giữa trách nhiệm và quyền lợi bản thân với trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng, quốc gia, dân tộc…

Làm được điều này cũng chính là góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần “yêu đất nước”, “yêu con người” một cách vô tư, hồn nhiên, không toan tính, không mưu toan vụ lợi.

Như vậy, có thể nói “TỰ CHỦ”, “TỰ TRỌNG” và “TRÁCH NHIỆM” chính là 3 cạnh của một tam giác đều, chịu ảnh hưởng và tác động qua lại lẫn nhau; cái này là điều kiện, tiền đề sinh ra và hỗ trợ cái kia và ngược lại…

Thiển nghĩ đó chính là 3 phẩm chất cơ bản, cốt lõi góp phần từng bước hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách cho mỗi cá nhân mà bất kỳ nền “giáo dục khai phóng” nào cũng phải hướng đến.

3. Ở phương diện nào đó, có thể nói sứ mạng quan trọng nhất của mọi nền giáo dục không có gì quan trọng và khác hơn là phải “bền bỉ đánh thức sự tử tế” trong mỗi cá nhân.

Và nói cho cùng, vấn đề “yêu đất nước”, “yêu con người” thật ra cũng không phải là chuyện gì đó quá cao xa hay trừu tượng; mỗi cá nhân chỉ cần sống cho thật đàng hoàng, tử tế cũng là “yêu đất nước”, “yêu con người” rồi.

Vì sống đàng hoàng, tử tế chính là đã góp phần làm cho đất nước thêm bình yên, con người được an lành, hạnh phúc.

"Từ rất xa xưa, cha bác có dạy rằng: tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc.

Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn.

Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người, người tử tế, trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm! ... " [3]

Trên đây chính là lời bình trong bộ phim nổi tiếng “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy cách đây 30 năm.

Có lẽ, không có gì phù hợp hơn là xin được phép mượn những ý tứ và lời lẽ sâu sắc trên để kết lại cuộc trao đổi này tại đây.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo – “Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”, tháng 4/2017.

2. Cao Huy Thuần, “Hãy bay với hai cánh vào hiện đại” (in trong sách “Chuyện trò”). Nhà xuất bản Trẻ, 2013.

3. Lê Thanh Dũng, Trần Văn Thủy – “Chuyện nghề của Thủy”. Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2016

Nguyễn Trọng Bình