Trao đổi về “nét ngài” của Thúy Vân trong Truyện Kiều

18/02/2015 06:05
CẢNH CHƯƠNG
(GDVN) - Chúng ta đều có cơ sở để khẳng định cách miêu tả “nét ngài” là hình ảnh “nét mày ngài” của nàng Vân hơn là nét người, dáng người của nhân vật này.

Tiếp tục mạch trao đổi về cách hiểu sự mô tả của Nguyễn Du về hình dáng nhân vật Thúy Vân trong Truyện Kiều, Tòa soạn nhận được bài trao đổi của tác giả Cảnh Chương, trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 22/01/2015 có bài viết của tác giả Huy Thư: Thúy Vân mày rậm hay thân hình nở nang?, bài viết khiến tôi nhớ lại cuộc tranh luận cũng về nội dung này cách đây hơn 10 năm (vào tháng 9/2003) trên một tờ báo giấy,... Khi đó tôi đang còn là sinh viên và rồi câu chuyện cũng lùi dần, bây giờ đọc bài viết của tác giả Huy Thư cảm thấy thú vị; trong thời điểm hiện tại có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn, tôi xin được chia sẻ một vài ý kiến với tác giả và độc giả như sau:

Về phương diện chữ

Trong các bản Truyện Kiều đều phân biệt rõ chữ “ngài” có bộ “trùng” (虫):chỉ “con ngài” với chữ “người” có bộ “nhân đứng”(人)chỉ người. Trong Truyện Kiều có hơn 200 từ “người” (chính xác là 225 chữ - Trừ bản Kinh thời Tự Đức 1870 chép câu 20 là “Khuôn lưng đầy đặn, nét người nở nang”) đều viết có bộ “nhân” và có 5 chữ “ngài” đều có bộ “trùng” để chỉ “mày ngài” (ở các câu: 20, 927, 1213, 2167, 2274), xuất phát từ chữ “nga my” (蛾眉): “Nghĩa là râu của con ngài, chỉ lông mày của người con gái đẹp, cong vút và dài như râu con ngài ( đôi khi chỉ cả lông mày đàn ông ): “Mày ngài lẫn mặt rồng lồ lộ, sắp song song đôi lứa nhân duyên” (Cung oán ngâm khúc ). “Đa tình chi mấy bạn nga my” ( Nguyễn Công Trứ )”. (Xin xem Hán Việt từ điển: Thivien.net).

Toàn bộ “Truyện Kiều” có 05 chữ “ngài”. Chữ “ngài” ở câu 20 nói về Thúy Vân như ta đã biết; chữ “ngài” ở câu 927 để chỉ các cô gái lầu xanh khi Kiều bị họ Mã đưa đến lầu xanh và thấy: “Bên thì mấy ả mày ngài/ Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi”; chữ “ngài” ở câu 1213 để chỉ Tú Bà dạy Kiều về làm nghề “Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” để thu hút khách, luyện tập thể hiện ánh mắt, nét mày: khi mắt liếc, khi mày đưa: “Khi khóe hạnh, khi nét ngài/ Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa”; chữ “ngài” ở câu 2167 để miêu tả lông mày Từ Hải: “Râu hùm, hàm én, mày ngài”; và chữ “ngài” cuối cùng trong Truyện Kiều ở câu 2274 cũng nói về Từ Hải: sau khi “nửa năm hương lửa đương nồng” phải chia tay Kiều vì “Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”, Từ Hải với “Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” ra trận, thắng trận và trở về đón rước Kiều, Kiều nhận ra Từ vẫn như xưa với: “Rỡ mình, là vẻ cân đai/ Hãy còn hàm én, mày ngài như xưa”.

Trao đổi về “nét ngài” của Thúy Vân trong Truyện Kiều ảnh 1Thúy Vân "mày rậm" hay thân hình nở nang?

(GDVN) - Một câu thơ 6 chữ của đại thi

Như vậy trong hệ thống từ dùng của Truyện Kiều, chữ “ngài” đều có bộ “trùng” và thống nhất để chỉ lông mày. Việc hiểu chữ “nét ngài” để chỉ dáng người theo cách phát âm của tiếng Nghệ là khó có khả năng xảy ra. 05 chữ “ngài” trong Truyện Kiều đã thống nhất một ý khẳng định rõ điều đó. Vì khi viết chữ Nôm khác với viết chữ quốc ngữ như chúng ta đang dùng, có sự phân biệt bộ rõ ràng. Hơn nữa đặt giả thiết: trong hơn 200 chữ “người” trong Truyện Kiều có những lúc tác giả có thể chuyển là “ngài” để vừa hợp gieo vần vừa biểu ý nhưng nhà thơ đã không viết như vậy. Những câu như:

               - ...Chung quanh những nước non người,

Đau lòng lưu lạc nên vài bốn câu.”

    -“... Nàng rằng: Muôn sự ơn người,

Thế nào xin quyết một bài cho xong. “

-“... Khi về hỏi liễu Chương-đài,"

Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay!”

-“...Chiến hòa sắp sẵn hai bài,

Cậy tay thầy thợ mượn người dò la.”

-“...Thúc ông sùi sụt ngắn dài,

Nghĩ con vắng vẻ thương người nết na.”

-“... Thuê năm ngư phủ hai người,

Đóng thuyền chực bến kết chài giăng sông.”

-“...Trông lên linh vị chữ bài,

Thất kinh mới hỏi: Những người đâu ta?”

-“... Hai em phương trưởng hòa hai,

Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa! “

Đều có thể chuyển chữ “người” thành chữ “ngài” theo cách đọc của tiếng Nghệ để hợp vần, nhưng tác giả hoặc các bản Kiều đều không khắc in như thế (hiện nay vẫn chưa phát hiện bản gốc của tác giả). Thậm chí đặc biệt như câu:

Quây nhau lạy trước Phật đài,

Tái sinh trần tạ lòng người từ bi.”

Có thể chuyển đổi chữ “người” thành chữ “ngài” (theo cách phát âm tiếng Nghệ) vừa hợp vần vừa ý nghĩa: chữ “Ngài” sẽ thể hiện sự kính trọng đối với Phật. Nhưng tác giả vẫn viết là “người” mà không theo cách đọc của tiếng Nghệ. Và, một điểm cũng phải để ý rằng Nguyễn Du có quê gốc ở Nghệ Tĩnh nhưng ông sinh ra và lớn lên ở Thăng Long, rồi ở nhờ quê vợ Sơn Nam Hạ (Thái Bình), sau đó làm quan ở Quảng Bình, Huế...; tính ra thời gian ông ở Tiên Điền chỉ khoảng 7 năm trong cuộc đời 54 năm tài hoa đó.

Về bút pháp

Văn học trung đại thường dùng bút pháp ước lệ, tượng trưng. Nguyễn Du khi sáng tác cũng dùng hệ thống bút pháp đó. Các tác giả trung đại khi nói đến người quân tử thường so sánh với tùng, cúc, trúc; viết về người con gái đẹp thường dùng hình ảnh của “liễu yếu đào tơ”, là mai, là cúc (“Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai” – Truyện Kiều). Trong truyện thơ các nhà thơ phân làm hai hệ thống nhân vật: chính diện và phản diện. Nhân vật chính diện thường được dùng thiên nhiên để ước lệ, miêu tả; nhân vật phản diện thường dùng hiện thực để miêu tả. 

Bởi vậy khi Nguyễn Du miêu tả chị em Thúy Kiều, nhà thơ đã dùng: Mai ví với “cốt cách” của hai nàng, dùng “tuyết” ví với “tinh thần”, mây với “tóc”, tuyết với “màu da”. Khi miêu tả Kim Trọng, nhà thơ cũng dùng tự nhiên làm chuẩn mực: “Đề huề lưng túi gió trăng... Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời... Một vùng như thể cây quỳnh cành dao”. Trong khi đó, miêu tả những nhân vật như Mã Giám sinh, Nguyễn Du dùng những hình ảnh hiện thực trần trụi: “Quá niên trạc ngoại tứ tuần/ Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”. Đặc biệt nhà thơ miêu tả Tú Bà thể hiện rất rõ bản chất con người và nghề nghiệp của mụ: “Thoắt trông nhờn nhợt màu da/ Ăn chi to lớn đẫy đà làm sao”. Bởi vậy khi miêu tả Thúy Vân, Nguyễn Du không thể dùng “nét ngài” để chỉ dáng người nở nang đầy “hiện thực” của Thúy Vân được mà chỉ có thể là nét mày ngài.

Bút pháp ước lệ, tượng trưng này nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cũng dùng để miêu tả Nguyệt Nga và Kim Liên trong tác phẩm nổi tiếng “Lục Vân Tiên”: “Con ai vóc ngọc mình vàng/ Má đào mày liễu dung nhan lạnh lùng”. Và nhà thơ đất Đồng Nai cũng dùng “mày tằm” để miêu tả Lục Vân Tiên:

Liếc coi tướng mạo Vân Tiên,

Khá khen họ Lục phước hiền sinh con.

Mày tằm mắt phụng môi son,

Mười phân cốt cách vuông tròn mười phân.

(Còn khi nhà thơ miêu tả Bùi Kiệm – tên phản bạn, máu dê, ép duyên Nguyệt Nga thì rất thông tục: “Còn người Bùi Kiệm máu dê/ Ngồi chai bề mặt như sề thịt trâu...).

Qua cách miêu tả Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta đã có thể có thêm cơ sở để lý giải thêm về vấn đề giữa “nét ngài” của Thúy Vân và “mày ngài” của Từ Hải. Đó là vì các nhà thơ trung đại đã dùng bút pháp tượng trưng, chỉ chung cho lông mày của nam và nữ. Hơn nữa, ở đây có một sự thống nhất ở hai nhà thơ Nguyễn Du và Nguyễn Đình Chiểu, và chúng tôi mượn cách lí giải của nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo khi nói về “mày ngài” của Từ Hải: “...mày ngài, nếu hiểu theo cái nghĩa duy nhất có thể có của nó, chỉ hợp với giai nhân hay thư sinh chứ không hợp với Từ Hải. Vì đã là đấng anh hùng như Từ thì phải “hổ đầu, yến hạm, ngoạ tàm my” như Quan Vũ mới được. Nếu hiểu mày ngài theo nghĩa đúng của nó thì sẽ sai mất điển tích. Quả có vậy. Nhưng nếu vì một lý do nào đấy Nguyễn Du không muốn lấy trọn, mà chỉ muốn lọc lấy một phần thôi, thì sao? Nếu ông hình dung Từ Hải không giống như Quan Vũ, mà lại giống như… Từ Hải (của Thanh Tâm Tài Nhân chẳng hạn) thì sao?”. 

Và nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo dẫn đoạn duy nhất có miêu tả dung mạo của Từ Hải ở hồi XVIII trong “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân như sau: “Bạch diện tú my (mặt trắng, mày đẹp); hổ đầu yến hạm” (đầu hùm, hàm én), và bình: “bức phác hoạ chân dung này dường như chia làm hai phần, một phần là những nét của một thư sinh, một phần là những nét của một võ tướng”. Cao Xuân Hạo lại dẫn đoạn tiểu sử của Từ Hải ở hồi XVII: “Chàng tinh cả lục thao tam lược, nổi danh cái thế anh hùng, trước vốn theo nghề nghiên bút, thi hỏng mấy khoa, sau xoay ra buôn bán. Tiền của có thừa, hay giao du với giới giang hồ hiệp khách...?” là đoạn có thể biện minh cho bức chân dung lưỡng diện của Từ Hải. Ông nghĩ: “Và ta có cơ sở để giả định Nguyễn Du chấp nhận bức chân dung song diện này chứ không đồng nhất tướng mạo của Từ Hải với tướng mạo của một Quan Vân Trường, vì ông sống ở một thời đại có đủ điều kiện để chấp nhận và thưởng thức một kiểu nhân vật không vẹn thuần như thế. Nếu vậy, ta có thể hiểu rằng những nét thư sinh trong dung mạo của Từ Hải đã được Nguyễn Du phác bằng hai chữ “mày ngài”. Nguyễn Du đã bỏ nét “bạch diện” có lẽ vì nó không hợp với một con người suốt mười năm “phong trần mài một lưỡi gươm” và cũng không gây được mỹ cảm bao nhiêu, nhất là khi được diễn đạt bằng hai từ Việt “mặt trắng”. Còn Tú My mà diễn bằng “mày ngài” thì chắc cũng đủ thỏa mãn những độc giả khó tính” (Cao Xuân Hạo: Nghĩa của “ mày ngài” trong câu thơ “ râu hùm, hàm én, mày ngài” in trong Đào Thái Tôn: Văn bản Truyện Kiều – nghiên cứu và thảo luận, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2001; các trích dẫn ở tr. 494, 495, 496).

Trao đổi về “nét ngài” của Thúy Vân trong Truyện Kiều ảnh 2Vẻ đẹp Thuý Vân và những ngộ nhận

(GDVN) - Mở đầu Truyện Kiều có đoạn tả tài sắc hai thiếu nữ nhà họ Vương, trong đó 4 câu, từ 19 đến 22 là để tả Thuý Vân; riêng câu 20 đã gây nhiều tranh luận ...

Cũng như vậy, ở “Lục Vân Tiên”, Nguyễn Đình Chiểu đã miêu tả Lục Vân Tiên là một chàng trai tuấn tú, văn võ song toàn: “Văn đà khởi phụng đằng giao/ Võ đã tam lược sáu thao ai bì” cho nên hình ảnh của Lục Vân Tiên là: “Mày tằm mắt phụng môi son/ Mười phân cốt cách vuông tròn mười phân”. Đó là cách miêu tả ước lệ, tượng trưng nét “song diện” (chữ dùng của GS. Cao Xuân Hạo), văn võ song toàn của Lục Vân Tiên chứ không phải là như miêu tả một hổ tướng hữu dũng. Và như vậy, trong hình ảnh ước lệ, người đọc có thể chấp chận được.

Đặt trong tổng thể tác phẩm và tổng kết

Trong suốt tác phẩm “Truyện Kiều”, Nguyễn Du muốn nói đến thuyết “tài mệnh tương đố” (Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau) và Kiều là nhân vật thể hiện thuyết đó của Nguyễn Du. Một người tài sắc vẹn toàn như nàng Kiều sẽ bị trời xanh đố kỵ, ghen ghét và phải chịu “nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”. Trong 24 câu thơ, từ câu 15 đến câu 38, giới thiệu và miêu tả chị em Thúy Kiều và Thúy Vân thì bốn câu đầu là lời giới thiệu chung hai chị em đều có vẻ đẹp “mười phân vẹn mười” và “mỗi người một vẻ” nhưng đều có “cốt cách” của “mai”, “tinh thần” như “tuyết”:

Đầu lòng hai ả tố nga,

Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.

Mai cốt cách, tuyết tinh thần,

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Chi tiết thứ nhất: “mai cốt cách” đã không thể hiểu nàng Thúy Vân sẽ có một thân hình, “nét người” nở nang được.

Sau đó, nhà thơ dùng thủ pháp “vẽ mây nẩy trăng”, dùng bốn câu thơ tiếp để miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân (không miêu tả tài):

Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

Để rồi làm nổi bật nàng Thúy Kiều:

Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn.

Như vậy phần hơn của Kiều là cả tài và sắc. Trong suốt 16 câu tiếp theo nhà thơ nói rõ điều đó. Trong khi Nguyễn Du không miêu tả tài của Thúy Vân thì đối với Thúy Kiều, nhà thơ nhắc đến cả tài thơ, họa, ca ngâm, đặc biệt là tài đàn, Kiều còn tự sáng tác một “Thiên bạc mệnh”. Cuối cùng nhà thơ nhấn mạnh: “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”. Tài của nàng Kiều có thể tìm người thứ hai nhưng sắc thì chỉ có một. Điều đó Nguyễn Du đã nhấn mạnh đến cái nguyên nhân cái cốt lõi của “Tài mệnh tương đố” ở con người bạc mệnh này. Nét đẹp sắc sảo cùng với cái tài, tình của Kiều đã bị trời xanh “đánh ghen”, đày đọa.

Chính vì vậy, nét đẹp “mỗi người một vẻ” là nét đẹp sắc sảo ở Kiều và nét đẹp “trang trọng”, “đoan trang” hồn hậu ở Vân. “Khuôn trăng đầy đặn” của Vân chỉ có thể phù hợp cân đối với “nét mày ngài” nở nang, tươi sáng, phúc hậu; thêm vào đó là nụ cười như hoa, lời nói như “ngọc thốt đoan trang” ... tất cả rất lôgic. Con người Thúy Vân phúc hậu, không quá “sắc sảo” đó đã không bị “tài tình chi lắm cho trời đất ghen” như quan niệm của nhà thơ cũng như của thời đại, bởi vậy đã có được một cuộc sống hạnh phúc cùng Kim Trọng với “Một cây cù mộc, một sân quế hòe”:

Một nhà phúc lộc gồm hai,

Nghàn năm dằng dặc quan giai lần lần.

Thừa gia chẳng hết nàng Vân,

Một cây cù mộc một sân quế hòe .

Phong lưu phú quý ai bì,

Vườn xuân một cửa để bia muôn đời.

Có thể thấy, từ phương diện chữ, đến bút pháp, đến nội dung ý nghĩa chỉnh thể của tác phẩm, chúng ta đều có cơ sở để khẳng định thêm cách miêu tả của Nguyễn Du đối với nàng Thúy Vân. Và bởi vậy, nên chăng hiểu “nét ngài” là hình ảnh “nét mày ngài” của nàng Vân hơn là nét người, dáng người của nhân vật này.

CẢNH CHƯƠNG