Trẻ 5 tuổi làm quen với tiếng Anh: Có nơi chỉ 3 trẻ/lớp, làm sao để thực hiện?

03/06/2023 06:41
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau 2 năm triển khai chương trình làm quen với Tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo, nhiều trường vùng cao vẫn chưa thể thực hiện do không có giáo viên.

Kể từ ngày 31/3/2021, Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo chính thức có hiệu lực.

Theo đó, việc tổ chức cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh được tổ chức 35 tuần/năm, tối thiểu 02 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động khoảng từ 25-35 phút.

Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu

Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu

Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đã ban hành văn bản số 2030/SGDĐT-GDMN-TH về việc hướng dẫn triển khai Chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ em mẫu giáo ở những nơi đủ điều kiện đến phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố trên địa bàn.

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai chương trình này, tại một số địa phương của tỉnh vẫn đang vướng phải những khó khăn nhất định về giáo viên, nguồn kinh phí.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thị Hương - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè (Lai Châu) cho biết:

“Theo hướng dẫn của Thông tư 50 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phòng đã nhận được những hướng dẫn cụ thể của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh để triển khai tới các trường mầm non.

Tuy nhiên, khi đưa vào thực tiễn để triển khai, huyện Mường Tè hiện nay chỉ có 3 trường với 200 trẻ ở các trường trung tâm thực hiện chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ em mẫu giáo do phụ huynh có nguyện vọng đăng ký cho con em học".

Phó trưởng phòng thông tin thêm, do không có nguồn giáo viên tiếng Anh chuyên giảng dạy cho trẻ cấp mầm non nên các trường đã linh hoạt bằng cách thuê giáo viên ở trung tâm, hoặc mời giáo viên trường tiểu học trống tiết buổi chiều để thực hiện ca dạy, giúp trẻ làm quen với ngôn ngữ mới.

Còn lại đối với các trường xa trung tâm, vùng sâu, vùng biên giới đều chưa có đủ điều kiện để triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo.

Cô Hương cho biết khó khăn đầu tiên đến từ vấn đề thiếu về nguồn lực giáo viên bộ môn tiếng Anh giảng dạy ở các vùng có điều kiện khó khăn.

Hiện nay trên địa bàn huyện, giáo viên tiếng Anh dạy cấp 1, cấp 2 còn thiếu rất nhiều nên việc đảm bảo nguồn lực giúp trẻ em 5 tuổi biết đến tiếng Anh rất chật vật để sắp xếp.

Ngoài ra, trong danh sách công khai về trung tâm ngoại ngữ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, không có trung tâm nào thuộc địa bàn huyện Mường Tè nên việc mời giáo viên tiếng Anh từ trung tâm về dạy cho trẻ 5 tuổi của các trường là bất khả thi.

Đặc biệt, tại các trường, điểm bản xa trung tâm còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập nên chưa thể đảm bảo cho các em học sinh có môi trường tiếp cận tiếng Anh hiệu quả.

Là một trong số trường học triển khai được chương trình này trên địa bàn, Trường mầm non Bum Nưa (Mường Tè) đã thực hiện Chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ 5 tuổi từ đầu năm học 2022-2023.

Cô Hoàng Thị Hoa - Hiệu trưởng trường chia sẻ: “Về điều kiện tiếp cận tiếng Anh học sinh vùng cao có phần thiệt thòi hơn các vùng thuận lợi. Sau một năm thực hiện chương trình, nhà trường nhận thấy các em rất hào hứng, thích thú, bước đầu nắm bắt được cơ bản một số từ ngữ đơn giản.

Nếu các em được tiếp nhận, làm quen với tiếng Anh sớm thì sẽ đáp ứng được yêu cầu cho các cấp học tiếp theo thuận lợi hơn. Ngoài ra, các em cũng tự tin hơn khi có cơ hội tiếp xúc với các học sinh ở các địa phương khác”.

Trường hiện đang có 31 học sinh 5 tuổi theo học, các giáo viên tiếng Anh được nhà trường mời từ cấp tiểu học và thuê từ trung tâm về giảng dạy. Số lượng tiết học là 1 tiết/tuần, mỗi tiết kéo dài 30-35 phút với nhiều hoạt động sôi nổi.

Không chỉ đảm bảo về thời gian và số tiết dạy, trường còn trang bị tương đối đảm bảo về cơ sở vật chất như có phòng học tiếng Anh riêng, máy chiếu, ti vi để hỗ trợ trong quá trình giảng dạy.

Tuy trường có đến 90% học sinh là con em của người dân tộc thiểu số nhưng phụ huynh đều rất ủng hộ cho con tham gia học tiếng Anh. Nguồn kinh phí duy trì các buổi học được huy động 100% từ phụ huynh học sinh.

Nói đến khó khăn trong quá trình triển khai, cô Hoa cho biết chỉ còn vướng mắc trong vấn đề nguồn lực giáo viên. Vị Hiệu trưởng mong muốn có biên chế cho giáo viên tiếng Anh giảng dạy ở các trường mẫu giáo.

Bởi theo cô, khi có vị trí làm việc chính thức cho giáo viên dạy tiếng Anh sẽ thu hút được những giáo viên sẽ có chuyên môn tốt, tập trung và dành riêng thời gian đào tạo cho các em sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn.

Còn đối với việc đi thuê giáo viên, hay mời giáo viên về dạy phần lớn chỉ thực hiện dạy theo giờ, theo tiết nên rất khó để đảm bảo được chất lượng giáo dục.

Còn tại Trường mầm non Vàng San (Mường Tè), tuy đã nhận được văn bản hướng dẫn chi tiết của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, nhà trường vẫn chưa thể triển khai dạy tiếng Anh cho 54 trẻ vì không có giáo viên dạy.

Cô Nguyễn Chinh Chiến - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Để thực hiện cho trẻ em làm quen với tiếng Anh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, trước hết phải cân nhắc có biên chế giáo viên tiếng Anh. Hơn nữa cần có thêm kinh phí để giáo viên mầm non được bồi dưỡng tiếng Anh, lúc đó hiệu quả của giáo viên ngoại ngữ mới thấy rõ được”.

Ngoài ra, theo vị Hiệu trưởng các trang thiết bị dạy, học tiếng Anh cũng cần được quan tâm và đầu tư kinh phí.

Trường thuộc vùng khó của huyện, đa số cha mẹ của trẻ em là người dân tộc thiểu số nên kinh tế còn muôn vàn khó khăn, chưa có điều kiện để đóng góp kinh phí cho trẻ tham gia học.

Vị Hiệu trưởng thông tin thêm, ngoài trường trung tâm còn có 7 điểm trường lẻ và đều lớp ghép với nhiều độ tuổi. Có lớp chỉ có ba trẻ 5 tuổi nên việc triển khai chương trình làm quen tiếng Anh cho các em vẫn còn nhiều bất cập.

Theo cô Chiến, nếu cứ tiếp tục đà này thì không biết đến bao giờ các em học sinh của mình mới được tiếp cận với tiếng Anh. Theo cô Hiệu trưởng, vấn đề bức thiết cần giải quyết là cần có giáo viên biên chế về trường, chuyên dạy tiếng Anh cho trẻ.

Muốn như vậy, ngành giáo dục của tỉnh cần có chế độ thu hút giáo viên tiếng Anh, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn. Ngoài ra, cần đảm bảo một mức lương ổn định, phù hợp với trình độ để các giáo viên yên tâm công tác.

Vị hiệu trưởng cho biết, trên thực tế một số giáo viên tại huyện đã đi học giảng dạy tiếng Anh cho các cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Tuy nhiên, khi thi tuyển không đỗ nên đã bỏ nghề để chuyển sang làm các công việc khác.

Tiếng Anh được biết là môn học khá đặc thù, yêu cầu về trình độ chuyên môn cao. Cũng vì lẽ đó mà giáo viên trẻ ở các địa phương vùng cao tham gia đào tạo ngành sư phạm đối với môn học rất ít dẫn đến bị thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lực dạy.

Phương Nga