Trẻ con người Tày làm gì trong ngày đầu năm?

06/02/2019 08:19
Trần Phương
(GDVN) - Tết cổ truyền cũng là dịp giáo dục con trẻ về tâm hồn, đạo đức, xây dựng nhân cách thông qua những sinh hoạt rất tự nhiên.

LTS: Xã Phương Độ, cách trung tâm thành phố Hà Giang chừng 6 km. Tại đây, bản Tha là một trong những số ít địa danh mang đậm nét bản sắc văn hóa của người Tày Hà Giang.

Là một người dân tộc Tày, phóng viên Nguyễn Văn Toan (Báo Hà Giang) đã có những chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về những tục lệ gắn với một đứa trẻ người Tày trong ngày đầu xuân.

Rửa mặt với hoa đào, hoa mận

Ngày mùng một tết, người Tày Hà Giang chúng tôi gọi là: "Vằn pác pi". Trong ngày này cũng như các dân tộc anh em khác trên cả nước, người Tày cũng có những tục lệ từ xa xưa. Đặc biệt có những tục lệ thú vị gắn với trẻ nhỏ, đối tượng luôn được ưu ái trong ngày đầu xuân năm mới.

"Nả lung biooc tào, nả khao biooc mặn" hiểu nôm na là: "Mặt sáng hoa đào, mặt trắng hoa mận". Nếu như chiều ba mươi, cả nhà đun nước lá thuốc để tắm, gội sạch sẽ gột rửa những gì của năm cũ thì sớm mùng một cũng có tục rửa mặt với hoa chào năm mới.

Đây là một trong những việc đầu tiên mà người Tày chúng tôi làm khi thức dậy vào buổi sáng ngày đầu năm.

Sau một đêm, cả nhà cùng thức đón giao thừa, ít nhiều mệt mỏi, nhưng ngày đầu tiên của năm mới mọi người vẫn dậy sớm để cùng nhau chuẩn bị mâm cơm cúng đầu năm.

Thường thì các bà và các mẹ sẽ là những người thức dậy đầu tiên, người cho gà, lợn ăn, người nhóm bếp, rồi mới gọi cả nhà dậy. Riêng đám trẻ nhỏ chúng tôi cũng ít khi ngủ nướng vào ngày đầu năm này lắm. Tôi nhớ khi còn bé, sáng mùng một nào cũng thức dậy đầy háo hức.

Ra sàn phơi lấy khăn mặt, hít thở không khí xuân sớm, để khi trở vào nhà đã thấy mẹ đợi ở gần cửa, trên tay mẹ cầm sẵn hai nhành hoa đào và hoa mận cộng thêm một thẻ hương.

Mâm thờ gia tiên của người Tày.
Mâm thờ gia tiên của người Tày.

Ra khỏi cổng nhà hai bên cắm cây nêu vẫn xanh rì, tôi đi lên mó nước chung của xóm để thực hiện nghi lễ rửa mặt đầu năm. Thường thì khi đến bó nước, tôi đã thấy những người đi rửa mặt trước cắm ở đấy hoa mận, hoa đào nở sáng rực quanh nguồn nước trong veo.

Đầu tiên tôi sẽ cắm thẻ hương mẹ đã châm đang tỏa ra làn khói mỏng manh vào cạnh bó nước. Sau đó mới cắm hai nhành hoa xuống cùng chỗ thẻ hương.

Hoa đào hồng phớt vừa bung đủ cánh, với hoa mận cánh mỏng trắng tinh khiết, đẹp mê người trong buổi sớm trong lành.

Trong khi rửa mặt miệng khẽ đọc câu thần chú:

                                Khai khẩy khai chấp

                            Khảu pi mấu khấu pi đây

                            Nả lung biooc tào, nả khao biooc mặn

                            Khảu pi mấu khấu pi đây

                           Đảy dú đây pây nẩu...

Dịch nghĩa:

Bán ốm bán đau

                  Đến năm mới vào năm tốt

                  Mặt sáng hoa đào, mặt trắng hoa mận

                 Đến năm mới vào năm tốt

                  Được sức khỏe dồi dào...

                Thầm cầu mong cho mình một năm mới có nhiều sức khỏe, bình an.

Kỷ niệm với con trâu

Người Tày chúng tôi quan niệm răng chắc khỏe như răng con trâu mới tốt. Vậy nên đứa bé nào thay răng mới mà lâu mọc lại sẽ được ông bà, bố mẹ nhắc đi xin răng trâu trong sáng mùng một.

Đây có lẽ là một trong những phong tục đặc biệt chỉ có ở trẻ con người Tày trong ngày đầu năm.

Tôi còn nhớ như in ngày mùng một, năm tôi lên bảy, nhổ hai chiếc răng cửa trước Tết khá lâu mà chưa thấy mầm răng nhú lên. Sáng mùng một, bố ngồi bên bếp lửa nói với tôi: "Ài" (*), đi vái con vài Bạch xin nó cho mấy cái răng đi".

Tôi nghe lời mở cửa ra khỏi nhà, đi sang chuồng trâu, kính cẩn khoanh tay đứng trước mặt con trâu đực lực lưỡng, vái nó ba cái. Trong khi vái không quên lẳm nhẩm: "Trâu ơi cho tao xin mày một cái răng".

Trẻ con dân tộc Tày bây giờ được quan tâm hơn nhưng những tập tục văn hóa xưa cũng bị mai một dần theo thời gian. (Ảnh: LC)
Trẻ con dân tộc Tày bây giờ được quan tâm hơn nhưng những tập tục văn hóa xưa cũng bị mai một dần theo thời gian. (Ảnh: LC)

Không biết cái ông trâu vốn chỉ có một hàm răng cả đời mình hào phóng thế nào nhưng kỳ lạ thay qua Tết hai chiếc răng cửa của tôi lần lượt nhú lên lúc nào tôi cũng chẳng biết nữa, chỉ biết hai cái răng ông trâu cho từ lúc nhú lên vừa to vừa chắc đi theo tôi suốt cuộc đời này.

Gắn với con trâu, trong ngày tết người Tày chúng tôi còn một tục lệ thú vị nữa, ấy là tục lấy trâu. Lấy trâu ở đây không có nghĩa là đi sang một nhà ai đó và xin về một con trâu mà là thế này:

Trẻ con người Tày làm gì trong ngày đầu năm? ảnh 3Những nghệ sĩ mang khăn quàng đỏ trên cao nguyên đá Đồng Văn

Sau khi cả nhà đã thức dậy rửa mặt bằng hoa đào hoa mận, người lớn đã sẵn tay nấu nướng thì việc của trẻ nhỏ là đi lấy trâu.

Vật mang theo duy nhất để lấy trâu là vài sợi sẹ để quấn bánh đã tước nhỏ. Đứa bé sẽ lên đồi sau nhà tìm lấy dăm ba đoạn cây hay ống bương, cột dây sẹ vào rồi kéo về buộc vào chân cột dưới gầm sàn. Ống tre, ống nứa tượng trưng cho trâu cái, đoạn gỗ chắc tượng trưng cho con đực. Hai loại "trâu" được lấy đủ đôi đủ cặp.

Ngày trước, người Tày ở nhà sàn, người ở tầng trên, gầm sàn là nơi trâu, bò, gà, vịt ở. Ngày nay lệ này đã bỏ, trâu, bò, gà, vịt đều có chuồng riêng.

Nhưng mỗi năm tục lấy trâu về vẫn được duy trì, đàn trâu sau khi kéo về vẫn buộc vào cột nhà dưới gầm sàn. Tục này tượng trưng cho ước muốn đàn trâu nhà mình sinh sôi nẩy nở, mỗi năm một đông.

Linh thiêng mâm cúng gia tiên

Cả ngày mùng một Tết, việc quan trọng nhất của mỗi nhà là chuẩn bị bữa cơm cúng gia tiên thật thịnh soạn. Mâm cơm để cúng tổ tiên, cầu các cụ phù hộ con cháu trong năm mới. Mâm cơm, để chờ đón khách đên xông nhà chúc tết đầu năm.

Người Tày quê tôi ăn Tết sáu ngày, trong sáu ngày ấy quan trọng nhất hai bữa cơm, bữa thứ nhất chính là cơm cúng gia tiên sắp vào ngày đầu năm, bữa thứ hai là ngày mùng ba Tết.

Vậy nên từ sáng sớm, cả nhà sẽ cùng nhau mỗi người một tay để hoàn thành mâm cơm.

Các thức ngon nhất của con lợn được mổ từ hôm 29 tết được đem ra dùng cho bữa này. Thường cơm có hai mâm, với các món đặc trưng như thịt nướng mẻ lá chanh, thịt nướng lá dong, sườn xào...

Ngày xưa, trẻ con người Tày tuyệt đôi tin con Trâu và muốn mình có bộ răng khỏe như răng trâu. (Ảnh minh họa: Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam)
Ngày xưa, trẻ con người Tày tuyệt đôi tin con Trâu và muốn mình có bộ răng khỏe như răng trâu. (Ảnh minh họa: Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam)

Trước đây trong bản đều có lệ ngầm thi xem nhà ai làm mâm cơm cúng gia tiên sớm nhất, nhà nào xong trước sẽ báo hiệu bằng cách đốt pháo.

Lúc mâm cơm bày trước bàn thờ, một dây pháo đỏ lựng được thả từ trên nhà xuống gần chạm nền, những đứa trẻ như tôi chỉ việc một tay bịt tai, một tay dí đóm châm vào ngòi.

Tiếng pháo đì đùng, xác pháo hồng bay lả tả rất thích mắt, báo hiệu một năm mới no đủ.

Pháo nổ hết tôi lại nhảy vào tìm những quả xịt để đốt thêm lần nữa. Cảm giác nhặt được một quả pháo chưa nổ là niềm vui với một đứa trẻ thời bấy giờ.

Ngày nay, pháo đã không còn trong ngày tết nữa, nhưng mâm cơm cúng gia tiên ngày đầu năm vẫn được con cháu sửa soạn đầy đủ.

(*)Ài: Cách cha mẹ người Tày gọi con trai một cách trìu mến.

Trần Phương