Ngày 11/12, tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục đại học” (AI4Edu 2024) được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đại học.
Hội thảo được tổ chức bởi Câu lạc bộ các khoa - trường - viện Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (FISU Việt Nam), Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học CMC với sự tham gia của những nhà giáo dục, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin - trí tuệ nhân tạo và các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về trí tuệ nhân tạo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin, Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, Chủ tịch FISU Việt Nam chia sẻ: “AI4edu 2024 là một sự kiện quan trọng, đánh dấu những nỗ lực không ngừng của cộng đồng công nghệ thông tin trong cả nước, của các trường đại học trong việc góp phần định hình ứng dụng và phát triển của trí tuệ nhân tạo với giáo dục đại học của Việt Nam trong tương lai.
Chúng tôi hy vọng rằng AI4Edu 2024 là cơ hội để các chuyên gia thảo luận, chia sẻ những kết quả nghiên cứu, triển khai và những kinh nghiệm ứng dụng hiệu quả AI trong giáo dục đại học. Do đó, hội thảo mong muốn các chuyên gia đầu ngành trao đổi những định hướng quan trọng về sự hỗ trợ của AI để cùng phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong thời gian tới. Từ việc xây dựng chương trình giáo dục đào tạo về AI, khoa học dữ liệu cho đến ứng dụng AI trong quản trị đại học, hướng tới tầm nhìn xa hơn để giáo dục thành một nền tảng đổi mới sáng tạo”.
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Thanh Thủy, hội thảo tập trung trao đổi về các nội dung chính như: những tiến bộ mới nhất trong AI và các cơ hội ứng dụng vào giảng dạy và nghiên cứu; những mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực AI chất lượng cao; phân tích các thách thức trong việc tích hợp AI vào hệ thống giáo dục, từ giảng dạy cá nhân hóa đến quản lý thông minh. Và xây dựng các chiến lược phát triển dài hạn để đảm bảo rằng Việt Nam không chỉ là người sử dụng mà còn là người sáng tạo công nghệ AI trên bản đồ thế giới và khu vực.
Tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ rằng: “Đây là sự kiện đặc biệt diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đẩy nhanh quá trình chuẩn bị để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà chuyển đổi số là điểm nhấn quan trọng. Chuyển đổi số không đơn thuần là ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế, xã hội mà còn là một quá trình xác lập phương thức sản xuất mới, tiên tiến".
Giáo sư Chử Đức Trình cũng cho biết, trí tuệ nhân tạo đang trở thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy sự chuyển đổi toàn diện trong các lĩnh vực của cuộc sống. Đặc biệt là lĩnh vực giáo dục trong đó có giáo dục đại học. Do vậy, hội thảo này là cơ hội để các chuyên gia, nhà nghiên cứu mở rộng và thảo luận về tác động của trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy; về nghiên cứu và quản lý giáo dục đào tạo.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sự kiện này sẽ tiếp tục là một dấu mốc mới trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Theo ông Bùi Thế Duy, về vấn đề trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, trước hết, cần quan tâm và thảo luận về việc làm thế nào để đưa các công nghệ, các sản phẩm trí tuệ nhân tạo của thế giới vào trong đào tạo. Bên cạnh đó là vấn đề nghiên cứu, giảng dạy về trí tuệ nhân tạo; lấy lĩnh vực giáo dục làm nền tảng tạo ra thế mạnh đặc thù của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo Việt Nam. Và cuối cùng là vấn đề đưa trí tuệ nhân tạo vào trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập.
Tại hội thảo “Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục đại học” - AI4Edu có nhiều phiên tham luận trình bày toàn thể như:
Tham luận 1: Báo cáo đề dẫn về nhu cầu ứng dụng cũng như giảng dạy trí tuệ nhân tạo tại các trường đại học ở Việt Nam: thách thức và cơ hội.
Tham luận 2: Giảng dạy trí tuệ nhân tạo tại các trường đại học ở Việt Nam.
Tham luận 3: Ảnh hưởng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy.
Tham luận 4: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị đại học.
Tham luận 5: Đào tạo trí tuệ nhân tạo gắn với doanh nghiệp.
Tham luận 6: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ giải đáp cho giảng viên và sinh viên về công tác đào tạo.
Cũng tại hội thảo này, các diễn giả, các chuyên gia đến từ các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn VNPT,…cùng tham gia phiên toạ đàm panel “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường đại học”.
Tại phiên tọa đàm, các chuyên gia đã cùng thảo luận, đưa ra những phương hướng, chiến lược liên quan tới nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cải thiện chất lượng giáo dục đại học, tập trung vào việc xây dựng năng lực AI cho sinh viên và giảng viên. Đồng thời, triển khai các ứng dụng AI nhằm tối ưu hóa quy trình giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục.