Triển khai CTGDPT 2018: Làm gì để giải quyết bức bối trong dạy môn tích hợp?

28/10/2022 14:30
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình “mở” nhưng các cấp quản lý vẫn “đóng”, hay bức bối trong dạy môn tích hợp, là những vấn đề đang tồn tại trong triển khai CTGDPT2018.

Mong muốn tổng kết lý luận, thực tiễn và đề xuất giải pháp

Sáng ngày 28/10, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Tạp chí Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề “Lý luận và thực tiễn triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các cơ sở giáo dục và đào tạo”.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết: “Mục đích của hội thảo nhằm góp phần đánh giá thực trạng triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phát biểu khai mạc hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phát biểu khai mạc hội thảo.

Đồng thời, hội thảo cũng tăng cường sự kết nối giữa các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan nghiên cứu giáo dục với cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục phổ thông trong việc thực hiện thành công chương trình.

Hội thảo cũng nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 55 năm thành lập Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Trung - Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục phát biểu đề dẫn tại hội thảo: “Chương trình Giáo dục phổ thông mới được ban hành năm 2018 cùng với nhiều hoạt động triển khai đang được thực hiện đồng bộ, toàn diện. Chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm hướng tới việc đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước cũng như xu hướng phát triển của giáo dục phổ thông trên thế giới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Trung - Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục phát biểu đề dẫn tại hội thảo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Trung - Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục phát biểu đề dẫn tại hội thảo.

Chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, mà giờ đây, chúng ta sẽ gọi là Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (ngắn gọn hơn là Chương trình), Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên, các sở giáo dục và đào tạo đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động như: tập huấn giáo viên ngay từ khi đang viết chương trình về những tư tưởng mới định hướng cho quá trình xây dựng Chương trình; điều chỉnh, đổi mới, xây dựng mới chương trình đào tạo giáo viên; thí điểm dạy học theo các bộ sách giáo khoa khác nhau để đáp ứng mục tiêu Chương trình,...

Hiện nay, sau 5 năm triển khai chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là sau 3 năm triển khai việc dạy học theo các bộ sách giáo khoa mới, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cũng có rất nhiều thông tin phản hồi từ thực tiễn dạy và học, cũng có những phân tích, đánh giá và có nhiều kết quả nghiên cứu đóng góp cho lý luận. Các kết quả này phản ánh sự sinh động trong thực tiễn dạy và học, triển khai Chương trình và có thể có nhiều ý nghĩa, bình luận cho việc triển khai Chương trình ở các bước tiếp theo.

Do đó, tại hội thảo này, Ban tổ chức mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý chia sẻ các kết quả nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn, đề xuất những giải pháp nhằm hỗ trợ cho các cơ quan quản lý, hỗ trợ cho các nhà trường, các viện, các cơ sở giáo dục trong việc tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành”.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tổng cộng có 137 báo cáo gửi về, trong đó có 68 bài báo gửi về từ các giảng viên nghiên cứu viên; 69 báo cáo được gửi về từ các giáo viên, cán bộ quản lý trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, sở giáo dục và đào tạo. Mặc dù có rất nhiều các báo cáo gửi về từ các cơ sở giáo dục phổ thông, nhưng ban tổ chức lựa chọn và công bố được trong kỷ yếu tóm tắt tổng số là 62 bài báo, trong đó chủ yếu là các báo cáo tới từ các cơ sở giáo dục đại học, và một số ít các báo cáo từ các chuyên gia thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo.

Nhiều vấn đề trong triển khai chương trình mới

Trong khuôn khổ phiên toàn thể, diễn ra 5 báo cáo chính: Giải pháp cơ bản đổi mới đào tạo, bồi dưỡng giáo viên - Yếu tố quyết định chất lượng giáo dục phổ thông (Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Đại học Thái Nguyên); Vấn đề chương trình quốc gia, chương trình nhà trường, sách giáo khoa trong xây dựng và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí - Bộ Giáo dục và Đào tạo); Thực trạng và biện pháp triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019-2025 (Tiến sĩ Đỗ Thanh Tùng - Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai); Các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả bồi dưỡng giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Một phân tích từ kết quả khảo sát đội ngũ giáo viên tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc Việt Nam (Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Đức - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2); Thực tiễn sư phạm trong nhà trường phổ thông: Phân tích từ góc nhìn của lý thuyết kiến tạo và lý thuyết xã hội giáo dục của Brenstein (Tiến sĩ Nguyễn Phương Thảo - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).

Báo cáo viên tham gia trình bày tại phiên toàn thể.

Báo cáo viên tham gia trình bày tại phiên toàn thể.

Trong phần thảo luận, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy đặt vấn đề: “Hiện nay, mặc dù đã đọc hết phần tóm tắt trong kỷ yếu, song tôi vẫn thấy một vấn đề chưa được nêu. Tôi nghĩ rằng, đây vừa là câu hỏi cũng là cách đặt vấn đề cho các nhà nghiên cứu.

Chúng ta đều biết, một trong những vấn đề tạo nên bức bách hiện nay khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, đó chính là dạy các môn tích hợp, dạy nghệ thuật, dạy Tin học, dạy Tiếng Anh. Đối với Lịch sử và Địa lý, về cơ bản, có vẻ ở các Sở Giáo dục và Đào tạo không bức xúc lắm. Tuy nhiên, lại có vấn đề ở Khoa học tự nhiên.

Câu chuyện đặt ra là, đến thời điểm này, giáo viên dạy tích hợp Khoa học tự nhiên đang triển khai đến lớp 7 và đã có dấu hiệu giáo viên nhiều tâm tư. Kiến thức Lý - Hóa - Sinh ở lớp 6 và lớp 7, giáo viên dạy tích hợp vẫn có thể “trụ được”, nhưng lên đến lớp 8, lớp 9 thì lại là câu chuyện: Ai là người dạy? - đây là câu hỏi đặt ra.

Môn Tin học ở trường phổ thông cũng vậy, hiện nay, chúng tôi có khoa Sư phạm Tin học, tuy nhiên, đào tạo không phải chỉ để dạy môn Tin học trong các trường tiểu học, trung học cơ sở,... mà chúng tôi đào tạo kỹ sư tin học, đào tạo chuyên gia công nghệ thông tin... Do đó, nhân lực về trường phổ thông là không có.

Vậy bây giờ chúng ta phải đào tạo, bồi dưỡng giáo viên như thế nào để có thể dạy Tin học, thì lại vướng vào chính sách. Không có chuyên môn dạy Tin học thì không thể dạy. Vậy các nhà làm chính sách phải làm thế nào?

Giáo viên ở tiểu học mà phải dạy Tin học, Tiếng Anh thì gặp một loạt vấn đề. Đặt ra: Chúng ta phải đào tạo đơn tuyến hay đa tuyến?

Khi chính sách chưa theo kịp yêu cầu ở trường phổ thông, những trường đại học đào tạo sư phạm phải phải thay đổi chương trình, phải có sự dẫn dắt ngay từ bây giờ”.

Trao đổi thêm về vấn đề đổi mới chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Thực tế, chương trình giáo dục thì “mở” nhưng các cấp quản lý thì vẫn “đóng”, Hiệu trưởng “đóng”, giáo viên muốn “mở” nhưng không biết làm thế nào. Bộ cho phép tự chủ, nhà trường và giáo viên cũng phải biết tự chủ và dám tự chủ, phải xây dựng một tập thể vì học sinh, cho học sinh được tự chủ.

Nhiều khi, nghĩ chương trình là mới, nhưng triển khai thực hiện lại không mới, không “mở”. Đó là thói quen đã từ lâu lắm, cần thực tiễn lâu dài để thay đổi”.

Hướng tới đề thi có tính khái quát, cô đọng trong môn Lịch sử

Tại hội nghị, sau các báo cáo toàn thể dưới sự chủ trì của Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Nghị; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Phương Nga; Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, Ban tổ chức mời các báo cáo trình bày về hai nội dung, tương ứng với hai tiểu ban: Tiểu ban 1 - “Lý luận, thực tiễn và giải pháp triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018” (Chủ trì: Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Đức); Tiểu ban 2 - “Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018” (Chủ trì: Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hương Trà, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Quốc Chung).

Trình bày tại Tiểu ban 1.

Trình bày tại Tiểu ban 1.

Tại Tiểu ban 1, sau khi các báo cáo viên tham gia trình bày, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho ý kiến: “Về môn Lịch sử, tôi xin có ý kiến sau, lịch sử chỉ xảy ra một lần, nhưng vấn đề đặt ra, giáo viên dạy cho học sinh như thế nào, định hướng ra sao cho học sinh trên những cứ liệu, chứ không phải áp đặt tư tưởng.

Về Hoạt động dạy học và hoạt động trải nghiệm: Dạy học phải có tính logic, hướng đến cho học sinh phát triển năng lực tư duy, vận dụng kiến thức; Hoạt động trải nghiệm không cần như vậy, xuất phát từ vấn đề thực tiễn của địa phương, từ vấn đề của nhà trường, của học sinh, hướng đến năng lực chung. Hiện nay người ta đang gọi là “môn Hoạt động trải nghiệm” nhưng như thế là sai, thậm chí còn có cả sách giáo khoa nữa. Chương trình Hoạt động trải nghiệm quy định rất mở, chúng ta phải dạy học sinh phát hiện vấn đề rồi mới đến giải quyết vấn đề.

Sách giáo khoa chỉ là một đáp ứng tình thế ban đầu, hy vọng trong vài năm tới, giáo viên sẽ không cần sách giá khoa cho Hoạt động trải nghiệm.

Có người hỏi, hoạt động trải nghiệm trong môn học và hoạt động trải nghiệm tổng thể khác nhau như thế nào? Tôi xin trả lời: Hoạt động trải nghiệm trong môn học rất cần, nhưng hướng đến mục tiêu môn học đó, không cẩn thận lại thành dùng sách giáo khoa để dạy. Hoạt động trải nghiệm tổng hợp là dùng thực tiễn để giảng dạy, không phụ thuộc vào môn học nào, thông qua các hoạt động tập thể, các câu lạc bộ...”.

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao chứng nhận cho các báo cáo viên.

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao chứng nhận cho các báo cáo viên.

Trao đổi lại với những băn khoăn của các đại biểu về đổi mới trong kiểm tra đánh giá môn Lịch sử, Tiến sĩ Phạm Văn Lực - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đề cập: “Kiểm tra đánh giá với Lịch sử hiện nay vẫn đang là thi trắc nghiệm khách quan, vẫn hỏi về con số, số liệu, sự kiện nhiều hơn chứ không phải nội dung đưa ra vận dụng giải quyết vấn đề trong thực tiễn.

Theo tôi đề xuất, hướng đổi mới phải tiến tới, ngoài phần thi trắc nghiệm, cần có những phần dữ liệu lịch sử để yêu cầu học sinh khái quát cô đọng lại và có chính kiến của mình về đoạn trích lịch sử đó. Kiểm tra kiến thức học thuộc, ghi nhớ của học sinh”.

Kết thúc phiên thảo luận, Ban tổ chức trao chứng nhận cho các báo cáo viên tham gia trình bày tại hội thảo.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Trong kỷ yếu tóm tắt, các báo cáo được lựa chọn, sắp xếp thành 2 nhóm nội dung:

Phần 1: Lý luận, thực tiễn và giải pháp triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018;

Phần 2: Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngân Chi