Triển khai Quản lý điện mặt trời mái nhà cho toàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc

02/11/2022 08:20
Mộc Hương
GDVN- Các đơn vị tăng cường giải pháp khắc phục những khó khăn trong quản lý, giám sát Điện mặt trời mái nhà cho toàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Triển khai Quản lý điện mặt trời mái nhà

Nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát Điện mặt trời mái nhà, Tập đoàn điện lực Việt Nam yêu cầu các Tổng công ty báo cáo sản lượng Điện mặt trời mái nhà theo từng ngày (48 chu kỳ), tuần, tháng và năm.

Tuy nhiên, với trên 8.000 khách hàng Điện mặt trời mái nhà, trong quá trình thực hiện Tổng công ty Điện lực miền Bắc gặp nhiều khó khăn như: Số lượng điểm đo lớn, dữ liệu thu thập không đầy đủ, việc theo dõi thông tin công suất/sản lượng được thực hiện thủ công nên khó khăn trong việc tổng hợp báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và báo cáo Tập đoàn điện lực Việt Nam theo ngày, tuần, tháng.

Đứng trước những khó khăn trên, Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Bắc đã chủ động nghiên cứu, thiết lập và triển khai module “Quản lý điện mặt trời mái nhà cho toàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc”, đáp ứng các yêu cầu:

- Thu thập được đầy đủ dữ liệu đọc xa sản lượng Điện mặt trời mái nhà theo từng ngày (48 chu kỳ), đối với những điểm đo không đủ 48 chu kỳ, sẽ thực hiện tính toán và bù dữ liệu vào các chu kỳ.

- Quản lý danh mục Điểm đo lắp đặt điện mặt trời trung áp, hạ áp, cập nhật trạng thái điểm đo đang cắt điện, điểm đo không thu thập được do các nguyên nhân (như hỏng modem, cháy nguồn, không có sóng của các nhà mạng).

- Cho phép người dùng Tổng công ty và Điện lực chủ động cập nhật lại sản lượng Điện mặt trời mái nhà chốt số liệu báo cáo Tổng công ty.

- Cho phép các Điện lực đăng ký kế hoạch sản lượng Điện mặt trời mái nhà theo từng ngày.

- Công tác tổng hợp báo cáo phục vụ chỉ đạo điều hành nhanh chóng, chính xác và kịp thời.

- Có các chức năng khóa báo cáo tại đơn vị và Tổng công ty.

- Cập nhật dữ liệu vào DB-BI để đồng bộ lên BI-EVN.

Năng lượng mặt trời được xem là nguồn năng lượng tái tạo sạch, có xu hướng ngày càng phát triển và mở rộng hơn.

Việc áp dụng quản lý Điện mặt trời mái nhà đã mang lại nhiều lợi ích trong công tác quản lý, phù hợp với xu thế chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh, quản lý vận hành lưới điện, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và uy tín của ngành điện.

Triển khai giám sát công suất phản kháng trong hệ thống điện

Sáng ngày 01/11, Tổng công ty Điện lực miền Bắc tổ chức họp triển khai thực hiện giám sát công suất phản kháng trong hệ thống điện.

Thực hiện văn bản 5644/EVN-KD+KTSX ngày 06/10/2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc thực hiện giám sát công suất phản kháng trong vận hành hệ thống điện, sáng ngày 01/11, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tổ chức họp triển khai thực hiện giám sát công suất phản kháng trong hệ thống điện.

Theo báo cáo, về việc thực hiện thống kê sản lượng công suất phản kháng giao/nhận qua các máy biến áp 110kV, trong tháng 9, ban Kỹ thuật đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc để lấy dữ liệu về sản lượng công suất phản kháng tại các điểm đo các máy biến áp 110kV (cả khách hàng và ngành điện).

Kết quả là chưa thu thập được sản lượng của Công ty Điện lực Hải Phòng, Ninh Bình; Nhiều Công ty Điện lực có tỉ lệ mất điểm đo lớn, do đó, dữ liệu tổng hợp chưa chính xác, ví dụ Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Sơn La, Hà Tĩnh, Hà Giang, Vĩnh Phúc; Nhiều điểm đo bị thay đổi trong quá trình đóng điện công trình mới hoặc do người dùng thay đổi dẫn tới dữ liệu sẽ bị sai khác.

Tại cuộc họp các ban chuyên môn báo cáo và trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc để triển khai theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại văn bản 5644/EVN-KD+KTSX ngày 06/10/2022.

Một là, yêu cầu các khách hàng sử dụng điện thuộc đối tượng quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BCT trang bị thiết bị bù công suất phản kháng để đảm bảo hệ số công suất theo quy định.

Hai là, thu thập đầy đủ dữ liệu đo đếm công suất phản kháng (theo từng khoảng thời gian 30 phút) tại: (i) các điểm đo đếm giao nhận điện năng đầu nguồn giữa Tổng Công ty Điện lực miền Bắc với các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối khác và truyền dữ liệu về Kho dữ liệu đo đếm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; (ii) các điểm đo đếm tại khách hàng sử dụng điện thuộc đối tượng phải mua công suất phản kháng, khách hàng có công suất sử dụng cực đại đến 40 kW (nhưng không liên tục trong 03 kỳ hóa đơn liên tiếp), khách hàng có trạm biến áp riêng, các công tơ xuất tuyến 110kV, công tơ xuất tuyến trung áp, công tơ tổng trạm biến áp phân phối hạ áp. Bắt đầu thực hiện từ ngày 15/10/2022.

Nghiên cứu đề xuất mở rộng các đối tượng sử dụng điện phải đảm bảo hệ số công suất (cosφ) ≥ 0,9 (thêm các đối tượng có mục đích sử dụng điện ngoài mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; giảm mức công suất sử dụng cực đại đã quy định tại Nghị định số 137/2013/NĐ-CP; tăng hệ số k trong công thức tính toán tiền mua công suất phản kháng quy định tại Thông tư số 15/2014/TT-BCT). Báo cáo Tập đoàn để đề xuất với Bộ Công Thương.

Ba là, xây dựng đề án phân tích, dự báo nhu cầu công suất phản kháng đối với từng nhóm khách hàng theo từng tỉnh/thành phố trong giai đoạn 2022-2025.

Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Vũ Anh Phương - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc thống nhất các số liệu và xây dựng hệ thống giám sát, ban Kinh doanh cùng phối hợp với Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc, Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Bắc để hoàn thiện, báo cáo Tập đoàn; và làm việc với Công ty Điện lực Hải Phòng, Ninh Bình về vướng mắc chưa thu thập được sản lượng công suất phản kháng.

Bên cạnh đó, Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Bắc phải xem xét tìm giải pháp để giảm việc mất điểm đo.

Về nhiệm vụ, xây dựng đề án phân tích, dự báo nhu cầu công suất phản kháng đối với từng nhóm khách hàng theo từng tỉnh/thành phố trong giai đoạn 2022-2025, ông Vũ Anh Phương yêu cầu các Ban xem xét, lấy ý kiến các đơn vị để phục vụ công tác báo cáo Tập đoàn.

Hướng dẫn sử dụng thiết bị bay không người lái quản lý đường dây

Trước đó, ngày 31/10, lớp đào tạo hướng dẫn vận hành sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) đã được khai giảng tại Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc với sự tham gia của 49 học viên đến từ 27 Công ty Điện lực trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc.

Toàn cảnh lễ khai giảng lớp đào tạo.

Toàn cảnh lễ khai giảng lớp đào tạo.

Trong 4 ngày đào tạo, học viên được các chuyên gia của hãng DJI và ANAFI hướng dẫn sử dụng, bảo quản, thay thế sửa chữa thiết bị bay không người lái của hãng; được cán bộ Cục tác chiến giới thiệu, phổ biến các quy định của nhà nước về phạm vi bay, thời gian bay của thiết bị bay không người lái; được thực hành tại thao trường với thiết bị bay thực.

Học viên được hướng dẫn điều khiển UAV trên thao trường.

Học viên được hướng dẫn điều khiển UAV trên thao trường.

UAV là thiết bị bay không người lái được ngành điện ứng dụng trong công tác quản lý vận hành lưới điện.

Thiết bị bay không người lái được gắn camera chất lượng cao, bay dọc theo đường dây, quay phim và chụp lại hình ảnh rõ nét, chính xác, nhờ đó giúp nhân viên quản lý vận hành phát hiện kịp thời để xử lý các khiếm khuyết trên đường dây, góp phần ngăn ngừa các sự cố trong quá trình vận hành, giúp tiết kiệm nhân lực, phương tiện và thời gian; giảm nguy cơ tai nạn lao động do trèo cao; nâng cao năng suất lao động.

Mộc Hương