Trò nghèo Ams dạy ngươì lớn cách sử dụng đồng tiền

15/11/2011 07:49
Thu Giáo (tổng hợp)
(GDVN) - "Em chỉ dành một phần nhỏ trong tiền được ủng hộ để mua thuốc cho mẹ, còn lại, em sẽ mang đi giúp đỡ các em HS nghèo vùng cao".
Mặc dù hoàn cảnh khó khăn là vậy, nhưng khi được các nhà hảo tâm ủng hộ một số tiền, Nguyễn Trung Hiếu - cậu học trò trường Ams với bài văn lạ đã quả quyết: "Em chỉ dành một phần nhỏ để mua thuốc cho mẹ, còn lại, em sẽ mang đi giúp đỡ các em HS nghèo vùng cao".
 
Hành động của Hiếu đã khiến người lớn phải suy nghĩ về cách sử dụng đồng tiền và về câu chuyện giáo dục ở Việt Nam.

Hiếu đã hành xử xứng đáng nhưng chưa phải là tốt nhất

Nhà văn Tạ Duy Anh chia sẻ, ông từng có cuộc sống giống như Hiếu, nên có sự đồng cảm với cậu học trò nghèo này. Theo ông, bản thân đồng tiền không có tội. Nhưng những người nắm giữ nó thì không ai là vô can.

“Tôi quan niệm rất rành mạch về tiền bạc. Không thể thiếu nó hàng ngày. Không thể né tránh nó dưới bất cứ danh nghĩa nào, càng không có lý do gì để ghét bỏ tiền bạc, nhất là khi nó thể hiện công sức lao động của mình”, ông Anh nói.

Nhà văn Duy Anh quan niệm, tiền không phải là thứ tạo ra tất cả. Không có tiền thì khổ-như trường hợp của Hiếu-nhưng nhiều tiền chưa chắc đã sướng. Hãy sống, lao động và hưởng thụ thành quả tương ứng với công sức mình và hài hoà với hoàn cảnh chung của cộng đồng, biết kiếm tiền, biết tiêu tiền, không tôn thờ nó, không đạo đức giả trong ứng xử với tiền.

“Không có cuối con đường nào lại không mở ra một con đường khác. Hiếu đã hành xử một cách xứng đáng nhưng chưa phải là cách tốt nhất”, nhà văn Duy Anh nhắn nhủ tới Hiếu và các bạn trẻ.

Nhà văn – nhà biên kịch Thùy Linh chia sẻ chính câu chuyện thật của bà, bà từng nghe lời mẹ thi vào ngôi trường mà bà không thích, nhưng bà không bao giờ trách mẹ vì nhà bà không có điều kiện.

Nhà văn Thùy Linh cũng cho rằng, nhiều người thay đổi về cuộc đời, số phận vì tiền. Vì thế tiền rất quan trọng. “Nhưng đồng tiền có thể can thịêp vào số phận, cuộc đời bạn chứ không thể mang đến hạnh phúc đích thực cho bạn. Còn hạnh phúc đó là gì thì lại là quan niệm của từng người”, nhà văn Thùy Linh đưa ra quản điểm của mình.

Người ta luôn nói, đồng tiền chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích. Nhưng nhìn quanh xã hội chúng ta đang sống thì thấy con người đảo điên vì tiền, bán mình vì tiền, trơ trẽn vì tiền, độc ác vì tiền…Trách gì Hiếu? Sự chênh lệch giàu nghèo ở nước ta khiến những người có lương tri cảm thấy phẫn nộ, nghệt thở, đau đớn. Những siêu xe tốt nhất, hịên đại nhất, mới nhất đều được đem về VN bán hết vèo. Nhưng có vô vàn những đứa trẻ vùng cao sống trong những ngôi nhà tồi tài, trống hoác chỉ thèm có thêm miếng thịt vào mỗi bữa cơm chỉ có chút muối và gói mì tôm làm canh.

Làm thế nào để tái phân phối giàu có trong xã hội?

Bày tỏ quan điểm của mình, theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, bài văn của Hiếu gióng lên một điều mà chúng ta thấy rõ ràng là ở tầm vĩ mô phải rất tỉnh. Đất nước đang phát triển với tốc độ khá nhanh trong thời gian vừa qua, sự giàu có đang đến và nó chia không đồng đều khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách giàu nghèo đang dãn ra rất nhanh.
TS Nguyễn Sĩ Dũng
TS Nguyễn Sĩ Dũng
“Những người không có cơ hội đó, hay có người thiếu hụt đi chỉ mấy đồng như cậu bé này, có thể cậu bé này chỉ mong manh như thế, có thể cậu bé này bị đẩy sang một tình thế không thể kiếm tiền được trong hệ thống nếu không thể tiếp tục học được nữa. Có rất nhiều gia đình như vậy nên điểm mấu chốt cần giải quyết ở đây là: làm thế nào để tái phân phối lại giàu có để đạt được công bằng nhưng lại không triệt tiêu động lực để làm giàu, để phấn đấu”, tiến sĩ Dũng nói.

Đồng tình quan điểm trên, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh, bài văn gây sốc về đồng tiền còn là bài học về giáo dục.  

Theo ông Dương Trung Quốc, làm văn không phải chỉ đánh thức được kỹ năng là những kiến thức giáo khoa mà phải đánh thức được tâm hồn, cách suy nghĩ và đấy là điều hết sức quan trọng cho sự ra đời của một người bạn trẻ.
 
Từ bài văn của Hiếu toát lên một điều: Nghèo là hoàn cảnh chứ không phải là giá trị và mỗi con người muốn tìm ra cái giá trị của mình trong cái hoàn cảnh kia của mình phải biết vươn lên. Giá trị của đồng tiền là ở chỗ anh biết sử dụng nó.

Ngành Giáo dục đừng "‘bay bổng" quá”!

TS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc Bảo tàng dân tộc học, Ủy viên hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, bài văn viết về đồng tiền khiến người lớn phải suy nghĩ lại về lớp trẻ hiện nay.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy. Ảnh IE
PGS.TS Nguyễn Văn Huy. Ảnh IE
“Chúng ta cứ nghĩ rằng lớp trẻ hội nhập nhanh quá mà quên truyền thống, rồi mất gốc…Qua bài văn học trò này, chúng ta thấy rõ hơn rằng trong xã hội ta hiện nay, những cái thuộc về truyền thống, những tình cảm sâu đậm, đáng quý...vẫn tồn tại đâu đó trong giới trẻ và chúng ta phải tin tưởng vào họ. Chính lớp trẻ chủ động chọn lựa những gì tốt nhất, quý nhất để phát huy truyền thống”, ông Huy nói.

Từ bài văn về đồng tiền của Hiếu còn khiến nhiều người nghĩ về câu chuyện giáo dục. Đó là phải có kỹ năng sống thực tế.

Theo tiến sĩ Huy, ngành giáo dục phải làm thế nào để thực dụng hơn, chứ đừng ‘bay bổng quá”. Không nên cứ học văn thì cứ phải buộc học sinh phải học thuộc lòng, học sử thì phải nhớ hết trận. Những thứ đó không hề có ích mà chỉ gây sự nhàm chán, đối phó mà thôi.

Không phải cứ đưa học sinh đến thăm bảo tàng là để học kiến thức, đi vào bảo tàng để nghe thuyết minh mà quan trọng các thầy giáo, cô giáo đến bảo tàng để giúp học sinh cách tiếp cận di sản như thế nào, cách phân tích di sản như thế nào, cách để hiểu các hiện vật như thế nào.  

Cũng theo ông Huy, việc những khoa trường liên quan đến kinh tế, làm ăn...thì rất được chuộng còn những khoa, trường thuộc ngành nhân văn thì đang lép vế. Xã hội phải dạy cho con người rất nhiều kỹ năng mà việc mở những kỹ năng như thế là rất đúng, những bộ môn nghiên cứu đang quá ít thì cũng cần phải xem lại.

“Trước đây chúng ta phải học thuộc lòng nhưng bây giờ phải học kỹ năng sống và học thì phải mất tiền”, theo tiến sĩ Huy.
 
Về vấn đề này, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất (nguyên giảng viên khoa tâm lý trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) gửi thông điệp tới những người nghiên cứu soạn thảo chương trình, đội ngũ giáo viên. Đó là cần có sự gợi mở cần thiết, lấy học sinh làm trung tâm chứ không phải dạy theo một công thức, lối mòn nhất định.

“Ngành giáo dục cần có những cải cách trong giáo dục nhất là môn văn học. Làm thế nào để văn học thực sự là văn học, thể hiện cảm xúc của mỗi cá thể, hướng tới chân thiện mỹ. Học sinh có thể biểu hiện được nhận thức của con người đối với ngũ thường là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, ông Chất nhấn mạnh.
Thu Giáo (tổng hợp)