Trọng tài thương mại sẽ hỗ trợ cán bộ trước khi ban hành văn bản

18/02/2019 06:24
Hưng Long
(GDVN) - Giúp việc cho các vị trí quan trọng ở nhiều nước trên thế giới thường có một bộ phận pháp chế rất hùng hậu và “quét” lại các văn bản trước khi được ban hành.

Trọng tài Thương mại được dự báo sẽ là phương thức giải quyết tranh chấp được các tổ chức, doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn trong thời gian tới.

Nắm bắt được xu thế trên, Đảng và Nhà nước đã đưa chế định trọng tài và phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vào các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đây cũng được xem là một nội dung trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020 và trong chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu. (Ảnh: Hưng Long)
Luật sư Nguyễn Văn Hậu. (Ảnh: Hưng Long)

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC), kiêm Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại Thành Phố Hồ Chí Minh (HCCAA) xung quanh vấn đề này.

Là luật sư được giới truyền thông “đặt hàng” những vấn đề pháp lý nóng hổi, ông suy nghĩ gì về sự phản biện đóng góp với cơ quan soạn thảo ban hành chính sách? Việc tiếp thu như thế nào?

Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng như hiện nay, truyền thông có vai trò rất to lớn đối với quá trình phổ biến, tuyên truyền pháp luật cũng như quá trình xây dựng pháp luật thông qua các hoạt đông góp ý, phản biện xã hội.

Có một may mắn cho cá nhân tôi vì đã nhận được sự tin tưởng của một số các cơ quan báo chí khi thường dành cho tôi các câu hỏi về các vấn đề pháp lý phát sinh, có sự quan tâm của đông đảo người dân và dư luận xã hội. 

Tôi nhận thấy, vai trò của phản biện xã hội là rất lớn, đặc biệt là đối với công tác xây dựng pháp luật. Thông qua hoạt động phản biện, nhiều góc nhìn của vấn đề được soi rọi, đối chiếu với thực tiễn.

Mặt khác, trong xã hội có giai cấp, có sự xuất hiện của nhà nước, bao giờ cũng tồn tại nhiều nhóm lợi ích khác nhau. Chính sách của nhà cầm quyền đưa ra có thể đem lại lợi ích cho các nhóm xã hội cũng khác nhau.

Vì vậy cần phải có sự bàn luận, phân tích đánh giá của các lực lượng khác nhau trong xã hội về chủ trương, chính sách đó của nhà cầm quyền, nhằm tiếp cận chân lý.

Trong chế độ ta phản biện xã hội được hiểu là đưa ra các lập luận, chứng cứ, đánh giá chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, hay một đề án liên quan đến đời sống dân sinh, hoặc một quyết sách lớn của Quốc gia..,

Qua đó, nhằm chỉ ra cái hợp lý, cái bất hợp lý; đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn chính một chính sách, chủ trương náo đó theo hướng “phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đại đa số nhân dân dân”, tránh được các quy định mang tính “lợi ích nhóm”.

Thực tiễn, trong quá trình phản biện, có nhiều lần cơ quan soạn thảo đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến phản biện. Trong đó, có thể kể tới: chính sách về thu hút đào tạo nhân tài của Thành phố Hồ Chí Minh, về quy định đấu giá quyền sử dụng đất, một số những bất cập về chính sách dân sinh…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng không tránh khỏi một số lần các ý kiến phản biện chưa được xem xét ghi nhận một cách đầy đủ mà một trong những nguyên nhân là do có vấn đề “lợi ích nhóm”…

Năm qua, nhiều vụ xét xử về sai phạm trong quản lý kinh tế, nhiều quan chức cấp cao bị dính vào vòng lao lý. Theo ông, vai trò tư vấn và tham mưu luật pháp như thế nào?

Thật vậy, năm vừa qua đúng là một năm đánh dấu sự tăng vượt bậc của các vụ xét xử mà bị cáo là những quan chức cấp cao trong quản lý kinh tế.  Điều này có thể có nhiều nguyên nhân, trong đó, có những yếu tố chủ quan của từng cá nhân sai phạm, về sự xuống cấp đạo đức…

Trọng tài thương mại sẽ hỗ trợ cán bộ trước khi ban hành văn bản ảnh 2

Doanh nhân Khải Silk có thể bị phạt đến 15 năm tù 

Tuy nhiên, có một số các nguyên nhân khác cũng không kém phần quyết định, đó là sự chồng chéo thiếu thống nhất của hệ thống pháp luật, về tính phức tạp của pháp luật qua các thời kỳ.

Đặc biệt là các quy định liên quan tới quản lý đất đai, liên quan đến doanh nghiệp nhà nước và việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đặc biệt, đó chính là việc tư vấn và tham mưu luật pháp chưa được thực sự chú trọng.

Điều đó có nghĩa là, khi ban hành một quyết đinh nào đó, thường cơ quan/cá nhân có thẩm quyền chưa tham vấn ý kiến đầy đủ, hoặc chưa có một bộ phận giúp việc am tường pháp luật, để tư vấn và giúp việc. Chính vì vậy, các quyết định được ban hành khó tránh khỏi những sai sót cũng như vi phạm pháp luật.

Ở các nước phát triển, giúp việc cho các vị trí quan trọng, thường có một bộ phận pháp chế rất hùng hậu, mọi vấn đề trước khi được đưa ra đều phải được bộ phận pháp chế này “quét” lại trước khi được ban hành.

Chính vì sự cẩn trọng này mà các quyết định khi được ban hành rất ít khi có sự trái pháp luật. Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật vốn đã phức tạp, chồng chéo, nếu không có những đội ngũ am tường pháp luật, thì những vị trí nắm giữ quyền lực quan trọng sẽ khó tránh khỏi sai phạm.

Tiếp tục, đối với đội ngũ giúp việc, cần đưa ra quy chế về trách nhiệm, nghĩa vụ trong nội dung mình tham vấn. Theo đó, sẽ nâng cao trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của những người được giao trọng trách này.

Sự ra đời Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam có đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp cho Doanh nghiệp? So với Tòa án, trung tâm này có gì khác biệt?

Trung tâm trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) được thành lập theo Giấy phép số 12/BTP/GP ngày 14 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Với số lượng 86 Trọng tài viên là các luật gia, luật sư, các chuyên gia kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm và uy tín cao trong lĩnh vực giải quyết các tranh chấp. 

Có thể khẳng định VLCAC hoàn toàn đáp ứng được tất cả các nhu cầu giải quyết tranh chấp thương mại của Doanh nghiệp.

So với hình thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án, giải quyết tranh chấp thương mại theo phương thức tố tụng trọng tài có nhiều ưu điểm vượt trội.

Quan trọng hơn là phạm vi phán quyết của trọng tài rộng hơn rất nhiều so với quyết định của tòa án. Hiện chưa có công ước đa quốc gia về công nhận quyết định phán quyết của tòa án, nhưng trọng tài đã có công ước New York năm 1958, đến nay có 149 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên.

Nên một khi tham gia vào công ước này, phán quyết của trọng tài các nước thành viên có thể được công nhận tại nước khác. Và Việt Nam đã trở thành thành viên của công ước này.

Trân trọng cám ơn ông!

Hưng Long