Trực thuộc sở y tế khiến trường cao đẳng y khó đủ đường

18/03/2023 06:42
Kim Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trực thuộc sở y tế, trường cao đẳng y tế không chủ động được trong công tác triển khai, tổ chức các công việc, hoạt động đào tạo và phát triển.

Hiện nay, hầu hết các trường cao đẳng y tế đều trực thuộc uỷ ban nhân dân tỉnh. Điều này là phù hợp với quy định tại Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH Quy định về điều lệ trường cao đẳng "Cơ quan chủ quản trường cao đẳng công lập là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương".

Tuy nhiên, vẫn còn có một số trường cao đẳng y tế trực thuộc sở y tế. Chính điều này đã gây không ít khó khăn trong việc xin chủ trương và triển khai các hoạt động đào tạo, phát triển nhà trường.

Ảnh minh hoạ. Báo điện tử VTV

Ảnh minh hoạ. Báo điện tử VTV

Chia sẻ vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo một trường cao đẳng y tế cho biết, từ khi được nâng cấp từ trung cấp thành cao đẳng thì nhà trường lại chuyển từ trực thuộc uỷ ban nhân dân tỉnh về trực thuộc sở y tế.

Theo đánh giá của vị này, các trường trực thuộc sở y tế đều gặp khó khăn chung là quy trình thực hiện, tổ chức hoạt động đều phải qua thêm một bước nữa.

Trước đây, khi trực thuộc uỷ ban nhân dân tỉnh thì nếu có khó khăn gì sẽ xin trực tiếp bao gồm từ đội ngũ, đầu tư....

Ví như về đầu tư, hiện nay nhà trường phải trình qua sở y tế, rồi sở y tế trình lên uỷ ban nhân dân. Tức là thêm khâu, thêm bước, mất nhiều thời gian hơn, các hoạt động bị chậm trễ và thủ tục thêm một bước. Chưa kể, khi được duyệt chủ trương, được làm hay không còn phụ thuộc sở y tế quyết định.

Thậm chí, có những việc nằm ngoài khả năng chỉ đạo của sở y tế nên khi trường xin chủ trương rất khó khăn. Bởi chuyên môn của sở y tế thì chủ yếu quản lý về phòng bệnh, khám chữa bệnh, hoạt động chuyên môn về y, dược chứ không phải về quản lý đào tạo.

Nhiều nội dung nhà trường phải báo cáo trực tiếp với các đơn vị quản lý liên quan, đồng thời lại phải báo cáo với cơ quan chủ quản, thủ tục nhiều bước và rối cho các trường.

Theo vị lãnh đạo này, trực thuộc sở y tế, nhà trường không chủ động được trong công tác triển khai, tổ chức các công việc mà bị phụ thuộc rất nhiều, do thực hiện qua nhiều bước, nhiều công đoạn.

Vì trực thuộc Sở Y tế nên trường được xem là đơn vị tương đương với một số phòng của sở, trong khi đó, phụ cấp của hiệu trưởng đang được thực hiện theo đúng Thông tư 33/2005 - tức là tương đương với phụ cấp của lãnh đạo Sở.

Từ khi chuyển về trực thuộc sở y tế thì đầu tư cho trường cũng bị hạn chế, gặp nhiều khó khăn. Trong khi tại địa bàn tỉnh có 2 trường trực thuộc uỷ ban nhân dân tỉnh thì phát triển rất mạnh.

Lãnh đạo trường này kiến nghị, cần thống nhất trong đầu mối quản lý với các trường cao đẳng y dược theo đúng chuyên môn, như vậy mới phát huy hiệu quả. "Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ nên quản lý về đào tạo nghề, không nên quản lý về chuyên môn đối với các trường đào tạo khối ngành sức khỏe. Như trước đây, dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quản lý về chuyên môn đào tạo rất khoa học, thực tế, hiệu quả", vị hiệu trưởng nêu nhận định.

Chia sẻ với phóng viên, Bác sĩ Trần Vũ Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình cho biết, từ năm 2013 đến nay nhà trường trực thuộc sở y tế.

So với thời kỳ trường trực thuộc uỷ ban nhân dân tỉnh thì quy mô tuyển sinh hiện nay giảm rất nhiều. Năm 2013, trước lúc về trực thuộc sở y tế trường có khoảng 3000 sinh viên, nhưng thời điểm này chỉ có 500.

Thời gian gần đây, mọi hoạt động của trường chỉ ở mức ổn định.

Khi trực thuộc sở y tế, mọi công việc, hoạt động cần thông qua thêm một bước nên cũng cần thêm thời gian.

“Thông tư 15/2021/TT-BLĐTBXH quy định "Cơ quan chủ quản trường cao đẳng công lập là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương", tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số trường cao đẳng y tế trực thuộc sở y tế, trong đó có Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình”, thầy Ngọc cho biết.

Kim Ngọc