Trung-Mỹ có thể đánh nhau ở Biển Đông trong năm bất ổn 2015?

13/01/2015 12:48
Việt Dũng
(GDVN) - Đánh giá tình hình năm qua, báo Mỹ thấy năm 2015 cũng rất u ám với rất nhiều cảnh tượng khác nhau trên toàn thế giới, trong đó có Biển Đông.
Máy bay Mỹ không kích IS (ảnh tư liệu)
Máy bay Mỹ không kích IS (ảnh tư liệu)

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 12 tháng 1 dẫn trang mạng "Washington Post" Mỹ ngày 1 tháng 1 đăng bài viết “15 tình huống tiềm tàng làm cho tình hình năm 2015 sẽ xấu đi”, cho rằng, một năm mới nên đem lại hy vọng mới và tinh thần lạc quan cho tương lai.

Nhưng, sau khi năm 2014 với nhiều xung đột và thảm kịch đi qua, thực sự khó có cảm giác tích cực. Nhìn ra toàn cầu, tờ "Washington Post" đã đưa ra những dự đoán về tình hình năm 2015.

Nội chiến Syria và bạo lực Iraq leo thang

Theo bài báo, các phần tử vũ trang cực đoan của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) đang ở vào thế thủ, bị các chiến dịch không kích do Mỹ đứng đầu áp chế, cũng ngày càng yếu đi do năng lực tự thân hạn chế.

Nhưng, tổ chức Thánh chiến trỗi dậy nhanh chóng trong năm 2014 này sẽ không sớm suy yếu, tiêu diệt tổ chức này không chỉ cần hành động quân sự thống nhất, mà còn cần có tầm nhìn rộng lớn để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Iraq và Syria.

Điều này liên quan đến đối phó với Tổng thống Syria Bashar Assad, ông đang chỉ huy một cuộc nội chiến tàn khốc khiến cho 200.000 người Syria thiệt mạng, vài triệu người ly tán.

Điều này còn liên quan tới ứng phó với tình hình bất ổn nguy hiểm ở Iraq, chính trường ở đó bất hòa dẫn tới vòng bạo lực mới, gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn nghiêm trọng hơn so với thời kỳ xung đột phe phái từ năm 2006 đến năm 2008.

Vấn đề của 2 khu vực Syria và Iraq đều không có biện pháp giải quyết dễ dàng, vì vậy vô số người vô tội sẽ tiếp tục chịu cực khổ.

Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến những biến đổi lớn và hỗn loạn, từ khi Israel thành lập nước vào năm 1948 đến nay chúng ta còn chưa từng nhìn thấy sự biến đổi lớn và hỗn loạn sâu sắc như vậy.

Dự kiến năm 2015 sẽ có nhiều vấn đề hơn cần giải quyết, nhưng điều gây lo ngại là, trước mắt còn không có bất cứ dấu hiệu nào báo hiện tình hình chính trị ổn định sẽ tới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải làm nhiều việc để đối phó khủng hoảng kinh tế
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải làm nhiều việc để đối phó khủng hoảng kinh tế

Khủng hoảng kinh tế Nga

Trong thời điểm kết thúc năm 2014, giá dầu không ngừng tụt dốc đã làm trọng thương nước Nga, làm cho đồng tiền của nước này sụt giá, đồng thời tạo nên sức ép đối với Tổng thống Vladimir Putin.

Các ngân hàng và doanh nghiệp Nga nợ nước ngoài khoảng 600 tỷ USD, Moscow chi một khoản dự trữ ngoại hối lớn, cứu trợ cho những tổ chức tài chính chủ yếu.

Quan hệ hòa hoãn với phương Tây (và nới lỏng trừng phạt) sẽ làm giảm hoàn cảnh khó khăn của ông Vladimir Putin, nhưng hiện nay hai bên hầu như không có dấu hiệu làm dịu quan hệ. Hơn nữa, sự đau đớn trong nước có thể dẫn đến nhiều hành vi hiếu chiến hơn của Nga ở nước ngoài.

Tiến trình hòa bình Palestine-Israel

Một dự thảo nghị quyết được Palestine thúc đẩy ở Hội đồng bảo an Liên hợp quốc chưa được thông qua, nhà lãnh đạo Palestine Abbas hiện đang tranh thủ cam kết của Tòa án hình sự quốc tế đối với địa vị nhà nước Palestine, hơn nữa, về lý thuyết, có thể dẫn đến quan chức cấp cao Palestine bị khởi tố tội phạm chiến tranh.

Điều này có thể bóp chết hy vọng mong manh tái khởi động đối thoại giữa Israel và nhà cầm quyền Abbas, mặc dù rất nhiều người nói "phương án giải quyết hai nước" sớm đã chết non.

Đồng thời, Israel đang chuẩn bị một cuộc bầu cử Quốc hội mới, cuộc bầu cử này có thể kết thúc sự thống trị của Thủ tướng cánh hữu Netanyahu. Nhưng, từ liên minh đối lập tiềm năng chuẩn bị thách thức ông Netanyahu để phán đoán: Chính sách của Israel đối với Palestine có thể sẽ không thay đổi nhiều lắm.

Nước Pháp đang nỗ lực chống khủng bố
Nước Pháp đang nỗ lực chống khủng bố

Nhiệm vụ của EU

Năm 2015, rất nhiều quốc gia châu Âu sẽ tổ chức bầu cử, bao gồm Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha - quốc gia bị khủng hoảng tàn phá. Bắt đầu từ cuộc bầu cử được tổ chức sớm ở Hy Lạp vào tháng này, dự kiến những đảng phái nghi ngờ đồng Euro và phản đối thắt chặt tài chính sẽ được lợi rất lớn, hơn nữa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các bước tiếp tục hòa nhập của châu Âu.

Afghanistan sau chiến tranh

Cuối tháng 12 năm 2014, Mỹ tuyên bố chính thức kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan. Nhưng, Washington đã để lại một chính quyền yếu ớt vẫn dễ bị Taliban tấn công. Mặc dù Quân đội Mỹ đóng ở Afghanistan 13 năm, nhưng đặc điểm hiếu chiến và thực hiện các hoạt động phá hoại của Taliban chưa yếu đi.

Bầu cử Sri Lanka

Dự tính, cuộc bầu cử Tổng thống của đảo quốc này (dự định tổ chức vào ngày 8 tháng 1) chỉ là một hình thức đối với Tổng thống đương nhiệm Rajapaksa. Nhưng, vài tháng gần đây, các sự kiện phản bội đáng kinh ngạc trong phe cánh của ông có nghĩa là cuộc đấu đá này sẽ là cuộc chạy đua kịch liệt nhất mà ông Rajapaksa từng tham gia.

Ngoài ra, do những người phê phán lo ngại vị Tổng thống có xu hướng độc tài, bên ngoài tốt nhất là không nên coi nhẹ khả năng trong vài ngày tới xuất hiện bạo lực trên đường phố, gian lận phiếu bầu và giao dịch mờ ám.

Ngay từ đầu năm 2015, Trung Quốc đã điều tàu tiếp tế giao thông cỡ lớn Tam Sa-1 ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khiêu khích
Ngay từ đầu năm 2015, Trung Quốc đã điều tàu tiếp tế giao thông cỡ lớn Tam Sa-1 ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khiêu khích

Khủng hoảng Yemen và Libya

Trong bóng tối của cuộc xung đột mang tính thảm họa ở Iraq, Syria và chính biến Ai Cập, năm 2014 tiến trình quá độ dân chủ của Yemen và Libya khiến người ta lo ngại. Ở Libya, cuộc đấu đá giữa hai chính quyền song song trầm trọng hơn (một trong số đó được thế lực thế tục và nhân viên chính quyền Gaddafi cũ ủng hộ, một được các dân quân Hồi giáo ủng hộ), dẫn đến xuất hiện tình cảnh đáng lo ngại như đốt cháy cơ sở dầu mỏ quan trọng.

Ở Yemen, lực lượng vũ trang Houthi đã gạt chính quyền Trung ương ra ngoài, đang giao chiến với dân quân phe Sunni trong đó có những phần tử của tổ chức Al Qaeda. Năm 2015, số người chết có thể sẽ tăng lên, tình hình tê liệt có thể sẽ trầm trọng hơn.

Tuyên bố phe chủ chiến của Iran và Mỹ

Không còn nghi ngờ gì nữa, Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Iran Rouhani đều muốn trước thời hạn cuối cùng tháng 7 năm 2015 đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran để làm cho đàm phán đạt thành công.

Nhưng những nhân vật phe diều hâu của Tehran và Washington sẽ nỗ lực tối đa phá hoại hai bên đi tới hòa giải. Đạt được thỏa thuận với Iran sẽ tiếp tục là một thành tựu nổi bật của ông Obama sau khi khởi động bình thường hóa quan hệ với Cuba vào tháng 12 năm 2014, nhưng điều này xem ra khả năng vẫn rất nhỏ.

Bệnh dịch Ebola Tây Phi

Năm 2014, Tổ chức y tế thế giới nỗ lực chống lại dịch bệnh chết người này, dịch bệnh này đã cuốn sạch 3 nước Tây Phi - không được chuẩn bị đầy đủ và thiếu thiết bị. Hiện nay, một nghiên cứu của Mỹ dự đoán, đến ngày 20 tháng 1 năm 2015, có thể sẽ có tới 1,4 triệu trường hợp mắc bệnh.

Một số chuyên gia đề xuất, nếu không có vắc-xin phòng bệnh, tình hình dịch bệnh sẽ không thể trừ tận gốc. Vắc-xin có thể ra đời vào giữa năm 2015, nhưng không chắc sẽ có hiệu quả hoàn toàn.

Năm 2014, Trung Quốc triển khai thêm rất nhiều tàu chiến ở Biển Đông và xu thế này còn tiếp tục, những tàu chiến này phần nhiều là để tác chiến trên Biển Đông. Điều này gây nghi ngờ về các ý đồ của Trung Quốc...
Năm 2014, Trung Quốc triển khai thêm rất nhiều tàu chiến ở Biển Đông và xu thế này còn tiếp tục, những tàu chiến này phần nhiều là để tác chiến trên Biển Đông. Điều này gây nghi ngờ về các ý đồ của Trung Quốc...

Quan hệ căng thẳng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Bài báo cho rằng, năm 2015 là tròn 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, điều này nhất định sẽ kích thích những phát biểu dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc và Nhật Bản. Ai có thể quên được cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 11 năm 2014?

Tokyo và Bắc Kinh vẫn tranh cãi ở một số đảo đá liên quan, những đảo đá này thuộc sự quản lý của Nhật Bản, nhưng chính phủ hai bên đều chủ trương chủ quyền.

Theo bài báo, các nhà quan sát còn cảnh báo, cần lưu ý đến các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông. Hành động lộng quyền/độc đoán của Trung Quốc ở Biển Đông đã dẫn đến các cuộc đối đầu trên biển và xung đột nhỏ với tàu chiến của Philippines và Việt Nam. Khả năng Mỹ can dự Biển Đông cũng tới gần.

Bất bình đẳng toàn cầu

Cuộc khảo sát cuối năm 2014 đã thể hiện rõ mối quan ngại của đại đa số người trên Trái đất: Nguy cơ thất nghiệp và song song với nó là sự bất bình đẳng xã hội không ngừng trầm trọng hơn.

Mặc dù các ngân hàng lớn đã phục hồi từ đại suy thoái, rất nhiều người dân bình thường vẫn đang tìm cách ứng phó với ảnh hưởng của các biện pháp thắt chặt tài chính của chính phủ và giảm thu nhập. Xu thế liên quan cho thấy, ở một số khu vực, khoảng cách thu nhập năm 2015 sẽ chỉ mở rộng.

CHDCND Triều Tiên

Năm 2014, thông qua quan sát Bình Nhưỡng, trong đó một bộ phim Hollywood diễn biến thành một trong những sự kiện điểm nóng địa-chính trị chủ yếu vào tháng 12 năm 2014. Chính quyền Kim Jong-ul là chính quyền không minh bạch và thần bí nhất trên thế giới.

Hội đồng Đối ngoại Mỹ cho rằng, sự khiêu khích quân sự của CHDCND Triều Tiên (có thể do bất ổn nội bộ gây ra) có thể là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất phải đối mặt của các nhà hoạch định chính sách ngoại giao Mỹ trong năm 2015.

Tình hình khó khăn của người Rohingya

Để ý một chút tới nhóm người "không có quốc gia" nổi bật nhất trên thế giới. Tổng dân số của người Rohingya ở phía tây Myanmar trên triệu người, lịch sử của họ ở Myanmar có thể truy nguồn đến vài thế hệ trước. Tuy nhiên, họ không được Chính phủ Myanmar thừa nhận là công dân hợp pháp, Chính phủ Myanmar cho rằng họ là người Hồi giáo xâm nhập từ Bangladesh.

Cùng với việc các đảng phái ở Myanmar tiến hành chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm 2015, đến cả lãnh đạo phe đối lập nổi tiếng nhất của nước này Aung san Suu kyi cũng từ chối bênh vực cho người Rohingya.

Việt Dũng