Trung Quốc: J-10 có thể sản xuất khoảng 30 chiếc/năm, J-10B sắp biên chế

22/02/2015 10:29
Đông Bình
(GDVN) - Đầu năm 2014, Không quân Trung Quốc sở hữu 220 máy bay J-10A và J-10BS, đến năm 2020 sẽ lên tới 400 chiếc; J-10B được tập hợp nên có thể sắp biên chế.
14 máy bay chiến đấu J-10B xếp hàng ở sân bay của Công ty TNHH máy bay Thành Đô (nguồn Jane's Defence Weekly)
14 máy bay chiến đấu J-10B xếp hàng ở sân bay của Công ty TNHH máy bay Thành Đô (nguồn Jane's Defence Weekly)

Mạng "Jane's Defense Weekly" Anh có bài viết "Hình ảnh cho thấy máy bay chiến đấu J-10B sắp đi vào hoạt động" cho rằng, đầu tháng 1/2015, các bức ảnh về 14 máy bay chiến đấu J-10B trên sân bay của Công ty TNHH máy bay Thành Đô (vốn tên là Nhà máy 132 quốc doanh) cho thấy, loại máy bay chiến đấu cải tiến này có thể sắp lần đầu tiên biên chế cho đại đội chiến đấu hàng không.

Một đại đội máy bay chiến đấu của Không quân Trung Quốc thông thường có khoảng 24 chiếc máy bay.

Chuyên gia phân tích Trung Quốc cho rằng, tập trung những máy bay chiến đấu này có thể là để chuẩn bị cho một buổi lễ bàn giao hoặc hoạt động tuyên truyền. Hình ảnh cho thấy, những máy bay chiến đấu này bôi sơn màu xám thông thường của Không quân Trung Quốc, nghĩa là chúng có thể sắp được triển khai.

Sau khi bắt đầu thử nghiệm vào cuối năm 2008, hình ảnh của lô máy bay J-10B phiên bản sản xuất hàng loạt đầu tiên xuất hiện vào tháng 12 năm 2013. Cả năm 2014, những người quan tâm đến máy bay của Trung Quốc đã công bố hình ảnh của loạt máy bay này, trước hết là lớp sơn màu vàng, sau đó là sơn màu xám cho thấy nó sắp đi vào hoạt động.

Mặc dù thời gian bay thử lần đầu tiên của J-10B được biết là vào tháng 12 năm 2008, nhưng đến tháng 3 năm 2009 mới bắt đầu xuất hiện những hình ảnh ban đầu. So với J-10A, những cải tiến nổi bật của J-10B bao gồm cửa hút gió khuếch tán siêu âm, đầu máy bay dẹt hơn một chút so với ban đầu, đồng thời trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động mới, trước kính chắn gió lắp hệ thống tìm kiếm theo dõi hồng ngoại mới, khoang điều khiển mạ kim loại để làm giảm tỉ lệ phản xạ radar và lắp hệ thống tác chiến điện tử mới ở đoạn trước cánh máy bay và chót đuôi buông.

Do J-10B đã trang bị radar mảng pha phạm vi do thám rộng hơn, dự tính nó sẽ có thể sử dụng tốt hơn tên lửa không đối không dẫn đường chủ động PL-12 tầm bắn 100 km cùng với phiên bản cải tiến của loại tên lửa này và loại tên lửa mới có tầm bắn xa hơn khác. Từ năm 2008 đến nay, nguồn tin từ Trung Quốc ám chỉ, tên lửa PL-12 sử dụng động cơ xung áp và có tầm bắn xa hơn có thể đang được nghiên cứu chế tạo.

Mặc dù máy bay chiến đấu 2 chỗ ngồi J-10B còn chưa ra đời, nhưng có người suy đoán, trong tương lai có thể sẽ xuất hiện máy bay chiến đấu 2 chỗ ngồi J-10B có thể phân cao thấp với J-16. Một dấu hiệu có khả năng liên quan đến điểm này là, Công ty TNHH công nghiệp máy bay Thành Đô đã tiến hành thử nghiệm ống thông gió đối với bình xăng của máy bay chiến đấu J-10.

Máy bay J-10B lô sản xuất hàng loạt đầu tiên sẽ sử dụng động cơ phản lực AL-31FN của Nga. Mặc dù một chiếc máy bay mẫu sử dụng động cơ nội WS-10A xuất hiện vào tháng 7 năm 2011, nhưng dư luận phỏng đoán, tính năng không tốt hoặc sản lượng không đủ có thể đã làm cho thời gian lắp động cơ WS-10A bị trì hoãn.

Tháng 4 năm 2014, một quan chức châu Á cho rằng, đầu năm 2014 Không quân Trung Quốc sở hữu 220 chiếc máy bay chiến đấu J-10A và J-10BS 2 chỗ ngồi, đến năm 2020 con số này dự đoán sẽ tăng lên tới 400 chiếc. Điều này cho thấy, mỗi năm sẽ sản xuất khoảng 30 chiếc máy bay chiến đấu dòng J-10 tiên tiến.

Một khi J-10B đi vào hoạt động sẽ có triển vọng giúp cho Trung Quốc giành được ưu thế trên không trong cuộc xung đột eo biển Đài Loan. Không quân Trung Quốc có thể dựa vào máy bay chiến đấu Su-30MKK, máy bay chiến đấu J-11 và J-16 (cải tiến từ Su-30) và máy bay chiến đấu J-10, đưa tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn (BVR) vào chiến trường. Nghe nói, những máy bay chiến đấu này còn có thể mang theo tên lửa hành trình chống hạm YJ-12.

Những lực lượng quân sự này sẽ làm phức tạp hóa các hành động can thiệp cuộc khủng hoảng Đài Loan mà Mỹ có khả năng tiến hành. Ngoài ra, điều này còn cho thấy, một khi hai nước Trung-Ấn xảy ra xung đột ở khu vực xung quanh Tuyến kiểm soát thực tế, Không quân Ấn Độ sẽ khó mà ứng phó.

Mặc dù Trung Quốc đã đạt được tiến bộ rõ rệt trên phương diện nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu như máy bay hải quân J-15 và các máy bay chiến đấu tàng hình J-20, J-31, nhưng những vấn đề trong tự nghiên cứu chế tạo động cơ và máy bay chi viện của họ cũng còn nổi cộm.

Có dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc có thể đang đạt được tiến triển trên phương diện tự nghiên cứu chế tạo động cơ. Ngày 9 tháng 1, Công ty TNHH động cơ Thành Đô đã công bố thông tin mới hơn cho biết, đã tiến hành kiểm tra thành công đối với một động cơ nội mới ở nơi thử nghiệm trên không IL-76 từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2014.

Động cơ này rất có thể là động cơ có tỷ lệ đường rẽ lớn WS-20. Động cơ WS-20 xuất hiện sớm nhất ở nơi thử nghiệm IL-76 là vào tháng 1 năm 2014, nghe nói cuối cùng sẽ lắp cho máy bay vận tải chiến lược Y-20. Trong khi đó, Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, máy bay ném bom chiến lược H-6 cũng có thể lắp loại động cơ này.

Đông Bình