Trung Quốc sắp hạ thủy tàu sân bay, tăng cường hiện diện toàn cầu

20/09/2015 09:39
Đông Bình (Tổng hợp)
(GDVN) - Tàu sân bay 001A có thể hạ thủy vào ngày sinh của Mao Trạch Đông, hải quân Trung Quốc-Malaysia tập trận gây quan ngại, biên đội hộ tống 20 chạy khắp thế giới.

“Cuối năm, Trung Quốc sẽ hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên”

Hãng tin Central News Agency (CNA) Đài Loan ngày 18 tháng 9 đưa tin, chiếc tàu sân bay do Trung Quốc tự chế tạo đầu tiên có thể sẽ hạ thủy vào ngày 26 tháng 12 năm nay - ngày sinh nhật cố chủ tịch Mao Trạch Đông, tạm thời đánh số là 001A.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Theo chuyên gia quân sự Đài Loan Lương Quốc Lương, bài viết do tờ "Minh báo" Hồng Kông đăng cùng ngày đã tiết lộ thông tin này, sau đó họ trả lời phỏng vấn CNA, đã xác nhận nội dung bài viết.

Theo Lương Quốc Lương, tháng 8 năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến nhà máy đóng tàu Đại Liên thị sát tình hình chế tạo chiếc tàu chiến này, đồng thời tự tay viết "Tròn 2 năm khởi công tự chế tạo tàu sân bay đầu tiên của Trung Hoa".

Thời gian ghi rõ là từ ngày 23 tháng 8 năm 2013 đến ngày 23 tháng 8 năm 2015. Tức là, chiếc tàu này bắt đầu chế tạo từ ngày 23 tháng 8 năm 2013.

Ông cho biết, từ nhà lãnh đạo thế hệ thứ nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc trở đi đều có thói quen đến thị sát trong quá trình chế tạo các trang bị quan trọng. Nếu hoạt động thị sát trên của Tập Cận Bình là sự thực thì đã phản ánh việc chế tạo tàu sân bay 001A đã phần lớn được hoàn thành.

Ông chỉ ra, thời gian chế tạo tàu sân bay động cơ hạt nhân thứ 7 của Mỹ là 2 năm 8 tháng. Trong khi đó, tàu sân bay 001A không phải trang bị động cơ hạt nhân, trọng tải cũng nhỏ hơn rất nhiều, việc chế tạo đã trải qua 2 năm 4 tháng. Vì vậy, có thể hạ thủy vào ngày 26 tháng 12.

Trung Quốc chế tạo nhiều tàu khu trục Type 052D để hộ tống cho tàu sân bay tương lai
Trung Quốc chế tạo nhiều tàu khu trục Type 052D để hộ tống cho tàu sân bay tương lai

Nghe nói, tàu sân bay 001A có kế hoạch hạ thủy vào ngày 26 tháng 12, đã được xác định trước khi bắt đầu chế tạo, vì vậy điều này được gọi là "ngày tốt".

Theo bài báo, sau khi hạ thủy, tàu sân bay 001A sẽ đậu ở bến tàu để tiến hành lắp ráp; sau khi hoàn thành chuyển sang tiến hành thử nghiệm và chạy thử, nếu đạt tiêu chuẩn sẽ đưa vào hoạt động.

Lương Quốc Lương dự đoán, tàu sân bay 001A rất có thể lắp máy phóng hơi nước, sức chiến đấu sẽ "chỉ đứng sau" tàu sân bay Mỹ, hơn nữa sẽ "mạnh hơn" cả tàu sân bay động cơ hạt nhân của các nước khác, trong đó có Pháp.

Ông cho rằng, sức chiến đấu của tàu sân bay 001A sẽ gấp 6 lần tàu sân bay Liêu Ninh hiện có, nguyên nhân là máy phóng hơi nước do Trung Quốc nghiên cứu chế tạo "tốt hơn" máy phóng hơi nước lắp cho tàu sân bay hiện có của Mỹ.

Tàu hộ vệ Vận Thành tham gia hoạt động diễu binh ở Indonesia

Tân Hoa xã ngày 19 tháng 9 đưa tin, hoạt động diễu binh hạm đội quốc tế chúc mừng tròn 70 năm ngày độc lập của Indonesia đã được tổ chức ở vùng biển vịnh Tomini vào sáng ngày 19 tháng 9. Tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành, Hải quân Trung Quốc đã tham gia diễu binh.

Hoạt động diễu binh quốc tế Tomini-2015 ở Indonesia
Hoạt động diễu binh quốc tế Tomini-2015 ở Indonesia

Diễu binh hạm đội quốc tế thường là hoạt động nghi lễ ngoại giao long trọng của hoạt động quốc tế quan trọng hoặc một quốc gia mời các nước hữu nghị tham gia khi có các ngày lễ quan trọng như Quốc khánh.

Đây là hoạt động ngoại giao quân sự lần đầu tiên giữa hải quân hai nước kể từ khi Trung Quốc và Indonesia xây dựng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cho đến nay.

Vùng biển tổ chức hoạt động lần này nằm ở khu vực đảo Sulawesi, miền trung Indonesia. Sáng ngày 19 tháng 9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và khách quý nhiều nước đã đến khu vực diễu binh ở thành phố Parigi trên đảo.

Tham gia diễu binh có tàu đổ bộ 520 của Hải quân Indonesia, các tàu chiến của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Singapore, Malaysia.

Tàu hộ vệ Vận Thành, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tham gia diễu binh quốc tế Tomini-2015 ở Indonesia
Tàu hộ vệ Vận Thành, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tham gia diễu binh quốc tế Tomini-2015 ở Indonesia

Được biết, tàu hộ vệ Vận Thành là tàu hộ vệ Type 054A của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc, ngày 14 tháng 9 đến Indonesia, sau đó bỏ neo ở vịnh Tomini. Binh sĩ tàu hộ vệ Vận Thành và binh sĩ Indonesia cùng các nước đã tổ chức diễn tập trên sa bàn chiến thuật, đã tham gia nhiều hoạt động giao lưu trong đó có thể thao.

Đến 18 giờ ngày 19 tháng 9, tàu hộ vệ Vận Thành rời vịnh Tomini, quay trở về Trung Quốc.

Đại tá Địch Bảo Nhiên, chi đội trửng chi đội tàu khu trục, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc cho biết, thông qua nhiệm vụ lần này, đã tăng cường sự hiểu biết và tin cậy giữa Hải quân Trung Quốc với Hải quân Indonesia và hải quân các nước, thể hiện Hải quân Trung Quốc và Indonesia mong muốn giao lưu và hợp tác với nhau.

Trung Quốc-Malaysia diễn tập ở eo biển Malacca gây quan ngại cho Mỹ

Tờ "Tin tức Tham khảo" và tờ "Tin tức" Trung Quốc ngày 19 tháng 9 đưa tin, Trung Quốc và Malaysia ngày 17 tháng 9 bắt đầu tiến hành diễn tập quân sự liên hợp trên biển lần đầu tiên. Địa điểm của cuộc diễn tập lần này là eo biển Malacca - nơi có vị trí chiến lược rất quan trọng.

Ngày 12 tháng 9, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc khởi hành cảng Tam Á, đến eo biển Malacca tham gia diễn tập quân sự liên hợp với Malaysia. Trong hình là tàu hộ vệ Nhạc Dương số hiệu 575 Type 054A, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.
Ngày 12 tháng 9, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc khởi hành cảng Tam Á, đến eo biển Malacca tham gia diễn tập quân sự liên hợp với Malaysia. Trong hình là tàu hộ vệ Nhạc Dương số hiệu 575 Type 054A, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.

Lực lượng tham gia của phía Trung Quốc có 3 tàu chiến chủ lực (tàu khu trục tên lửa Lan Châu, tàu hộ vệ tên lửa Nhạc Dương, tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu), 7 máy bay chiến đấu (4 máy bay vận tải, 3 máy bay trực thăng hải quân), 1160 binh sĩ lục, hải, không quân.

Đây là cuộc diễn tập quân sự liên hợp có quy mô lớn nhất trong lịch sử do Trung Quốc tổ chức với một nước thành viên ASEAN. Khoa mục diễn tập bao gồm hộ tống liên hợp, tìm kiếm cứu nạn liên hợp, giải cứu tàu bị bắt cóc liên hợp, sử dụng vũ khí thực tế, cứu trợ nhân đạo và hành động cứu nạn.

Mục đích diễn tập là "làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hai nước Trung Quốc-Malaysia, tăng cường giao lưu hợp tác quốc phòng hai quân đội, nâng cao năng lực ứng phó mối đe dọa an ninh hiện thực, cùng bảo vệ an ninh biển khu vực".

Theo tờ "Nam Hoa buổi sáng" Hồng Kông ngày 18 tháng 9, chuyên gia an ninh và các vấn đề Đông Nam Á cho rằng, cuộc diễn tập này cho thấy, Trung Quốc và Malaysia đang triển khai hợp tác quân sự "chặt chẽ" ở eo biển Malacca. Lưu ý là có 80% dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua eo biển này.

Tàu khu trục tên lửa Lan Châu số hiệu 170 Type 052C, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu khu trục tên lửa Lan Châu số hiệu 170 Type 052C, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Trương Minh Lượng - chuyên gia các vấn đề Đông Nam Á, Đại học Ký Nam, Trung Quốc cho rằng, diễn tập lần này sẽ gây quan ngại cho Mỹ và đồng minh.

"Mỹ và Nhât Bản chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ diễn tập quân sự liên hợp giữa Trung Quốc và Malaysia ở eo biển Malacca. Eo biển Malacca là một trong những tuyến đường hàng hải bận rộn nhất thế giới, có ý nghĩa địa-chiến lược quan trọng đối với Washington và Tokyo" - Trương Minh Lượng nói.

Cuộc diễn tập chưa từng có này cho thấy, hạm đội Hải quân Trung Quốc có năng lực “bảo đảm an ninh hàng hải” ở tuyến đường yết hầu của Biển Đông - Trương Minh Lượng tuyên truyền.

Theo Trương Minh Lượng, bảo đảm an ninh tuyến đường hàng hải eo biển Malacca là một bộ phận quan trọng trong chiến lược "một vành đai, một con đường" do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra. Đây là tham vọng xây dựng hàng lanh kinh tế và thương mại ở cả trên đất liền và trên biển của Trung Quốc.

Tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu, Hải quân Trung Quốc
Tàu bệnh viện Hòa Bình Phương Châu, Hải quân Trung Quốc

Chuyên gia hải quân Trung Quốc Nghê Lạc Hùng cho rằng, cuộc diễn tập quân sự lần này sẽ gây quan ngại cho Mỹ và Nhật Bản, bởi vì nó cho thấy, Trung Quốc đã "thành công lôi kéo Quân đội Malaysia về phía mình".

Theo Nghê Lạc Hùng, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã triển khai cạnh tranh quân sự trong vấn đề Biển Đông.

Hạm đội Hải quân Trung Quốc xuất hiện ở eo biển Malacca là muốn để Mỹ và Nhật Bản hiểu rằng, một số thành viên quan trọng của ASEAN không muốn chỉ dựa vào sự bảo hộ của Mỹ, hợp tác với Trung Quốc cũng là một sự lựa chọn.

Biên đội Hải quân Trung Quốc và Đan Mạch tổ chức diễn tập liên hợp

Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 19 tháng 9 đưa tin, 3 giờ chiều ngày 17 tháng 9 (giờ địa phương), biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc và Hải quân Đan Mạch đã tổ chức diễn tập cơ động liên hợp ở vùng biển phía bắc đảo Zealand, Đan Mạch.

Ngày 17 tháng 9 năm 2015, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập cơ động liên hợp với Hải quân Đan Mạch.
Ngày 17 tháng 9 năm 2015, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập cơ động liên hợp với Hải quân Đan Mạch.

Đây là lần đầu tiên tàu chiến hải quân hai nước tiến hành diễn tập liên hợp. Nội dung diễn tập bao gồm các khoa mục như tàu chiến hai nước tiến hành thông tin liên lạc, tập kết và vận động biên đội. Lực lượng tham gia diễn tập của Trung Quốc gồm tàu khu trục Tế Nam, tàu hộ vệ Ích Dương và tàu tiếp tế Thiên Đảo Hồ; còn Hải quân Đan Mạch cử tàu hộ vệ tên lửa Iver Huitfeldt tham gia.

Theo tuyên truyền của báo chí Trung Quốc từ tháng 4 đến nay, các tàu chiến của Trung Quốc thăm Đan Mạch lần này thuộc biên đội hộ tống tốp thứ 20 Hải quân Trung Quốc, lên đường từ sáng ngày 3 tháng 4 năm 2015 tại một quân cảng ở Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Sau đó đến vịnh Aden, vùng biển Somali thực hiện nhiệm vụ hộ tống.

Biên đội tàu chiến này chở theo 2 trực thăng, vài chục lính đặc nhiệm, hơn 800 binh sĩ nhiệm vụ. Vương Kiến Huân - Phó tham mưu trưởng và Diệp Kiến Lâm - phó chủ nhiệm chính trị Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc lần lượt lầm chỉ huy và chính ủy biên đội.

Biên đội hộ tống tốp 20 của Hải quân Trung Quốc (nguồn Tin tức Trung Quốc)
Biên đội hộ tống tốp 20 của Hải quân Trung Quốc (nguồn Tin tức Trung Quốc)

Trong đó, tàu khu trục tên lửa Tế Nam mới gia nhập Hải quân Trung Quốc vào cuối năm 2014 (biên chế cho Hạm đội Đông Hải), lần đầu tiên đi vịnh Aden thực hiện nhiệm vụ hộ tống, còn tàu tiếp tế tổng hợp Thiên Đảo Hồ đã thực hiện nhiệm vụ hộ tống cho 5 tốp và 3 lần.

Sáng ngày 14 tháng 4 năm 2015, biên đội này lần đầu tiên tiến hành tiếp tế trên biển ở vùng biển phía tây eo biển Malacca.

Chiều ngày 22 tháng 7, tàu khu trục Tế Nam của biên đội này đến cảng Mumbai, Ấn Độ, bắt đầu chuyền thăm Ấn Độ 4 ngày. Đây là lần thứ 8 tàu chiến Hải quân Trung Quốc thăm Ấn Độ. Trong thời gian này, tàu hộ vệ Ích Dương và tàu tiếp tế Thiên Đảo Hồ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hộ tống ở vịnh Aden và vùng biển Somalia.

Trong thời gian thăm Ấn Độ, chỉ huy biên đội đã hội kiến với Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Hải quân miền Tây Ấn Độ và hội kiến với quan chức chính quyền thành phố Mumbai và bang Maharashtra, đã tiến hành tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt và thực phẩm phụ.

Binh sĩ biên đội hộ tống tốp 20 của Hải quân Trung Quốc tiến hành giao lưu với biên đội hộ tống tốp 19 Hải quân Hàn Quốc (nguồn báo Quang Minh, Trung Quốc)
Binh sĩ biên đội hộ tống tốp 20 của Hải quân Trung Quốc tiến hành giao lưu với biên đội hộ tống tốp 19 Hải quân Hàn Quốc (nguồn báo Quang Minh, Trung Quốc)

Trong thời gian hộ tống, biên đội này đã tiến hành giao lưu sĩ quan trẻ với các nước như Pháp, Pakistan và Hàn Quốc.

Trong đó, ngày 13 tháng 8, tàu khu trục Tế Nam thuộc biên đội hộ tống Trung Quốc đã tiến hành gặp gỡ giao lưu với biên đội hộ tống thứ 19 Hải quân Hàn Quốc. Trước đó, ngày 4 tháng 8, tàu hộ vệ Ích Dương, Trung Quốc cũng đã tiến hành giao lưu với tàu khu trục Hàn Quốc.

Đến 10 giờ sáng ngày 23 tháng 8, biên đội tàu chiến này hoàn thành nhiệm vụ hộ tống (hộ tống cho 39 tốp 90 lượt tàu Trung Quốc và nước ngoài, xua đuổi 11 tốp 13 tàu tình nghi cướp biển), bàn giao nhiệm vụ này cho biên đội hộ tống tốp thứ 21 (gồm tàu hộ vệ tên lửa Liễu Châu, tàu hộ vệ tên lửa Tam Á, tàu tiếp tế tổng hợp Thanh Hải Hồ),

sau đó, biên đội này rời vùng biển vịnh Aden, bắt đầu đi thăm các nước trên thế giới. Đây là lần đầu tiên biên đội hộ tống Trung Quốc chuyển sang thăm các nước ngay sau khi kết thúc nhiệm vụ hộ tống biển xa trong thời gian hơn 4 tháng.

Ngày 21 tháng 7 năm 2015, tàu khu trục tên lửa Tế Nam của biên đội hộ tống tốp 20 Hải quân Trung Quốc đến thăm Ấn Độ (nguồn báo Nhân Dân, Trung Quốc)
Ngày 21 tháng 7 năm 2015, tàu khu trục tên lửa Tế Nam của biên đội hộ tống tốp 20 Hải quân Trung Quốc đến thăm Ấn Độ (nguồn báo Nhân Dân, Trung Quốc)

Được biết, lần này, hoạt động đến thăm các nước của biên đội hộ tống tốp thứ 20 Trung Quốc bao gồm vượt qua Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, đến Địa Trung Hải, biển Baltic, biển Caribbean, đi xuyên qua các tuyến đường hàng hải quốc tế quan trọng như kênh đào Suez, kênh đào Kiel, kênh đào Panama;

ngoài ra, biên đội này còn đến thăm các nước như Sudan, Ai Cập, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Mỹ, Cuba, Mexico, Australia, Đông Timor, Indonesia. Tổng thời gian là hơn 5 tháng, tổng hành trình hơn 30.000 hải lý.

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 19 tháng 9 cũng có bài viết cho rằng, hiện nay, Trung Quốc không ngừng thúc đẩy doanh nghiệp của họ triển khai hoạt động ở các nước có môi trường chính trị không ổn định lắm. Chiến lược này mặc dù đem lại lợi ích về kinh tế, nhưng cũng buộc Bắc Kinh phải đưa ra kế hoạch ứng phó khẩn cấp, bảo vệ công dân của họ.

Do đó, việc thực hiện các chiến dịch rút công dân quy mô lớn, nhanh chóng, có hiệu quả cao cũng đòi hỏi hải quân nước này phải phát huy vai trò quan trọng.

Hoạt động tiếp tế của biên đội hộ tống tốp thứ 20 Hải quân Trung Quốc ở vùng iển phía tây eo biển Malacca diễn ra vào ngày 14 tháng 4 năm 2015 (nguồn mạng Tân Hoa xã)
Hoạt động tiếp tế của biên đội hộ tống tốp thứ 20 Hải quân Trung Quốc ở vùng iển phía tây eo biển Malacca diễn ra vào ngày 14 tháng 4 năm 2015 (nguồn mạng Tân Hoa xã)

Đáng chú ý, tháng 3 năm 2015, sau khi thực hiện nhiệm vụ hộ tống ở vịnh Aden, Trung Quốc đã sử dụng tàu hộ vệ Lâm Nghi đến rút vài trăm công dân Trung Quốc ở Yemen. Trong vài ngày, Trung Quốc đã rút tổng cộng 629 công dân Trung Quốc và 279 công dân của 15 nước.

Còn theo các nguồn tin, Trung Quốc ngày càng cử nhiều tàu chiến đi thăm các nước trên thế giới để thể hiện năng lực quân sự trên biển của họ, xây dựng hình tượng “trỗi dậy hòa bình”, gây ảnh hưởng lên các nước, thúc đẩy lợi ích toàn cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, năng lực tác chiến toàn cầu của Hải quân Trung Quốc vẫn bị các chuyên gia quân sự quốc tế xem nhẹ - PV.

Đông Bình (Tổng hợp)