Trung Quốc vơ vét sạch đinh lăng vì tác dụng tốt như nhân sâm?

12/07/2011 06:16
(GDVN) - Ông D. mua lẻ từng bụi và gom đến khi được khoảng gần chục tấn ông sẽ cho xe chở ra biên giới xuất sang Trung Quốc.

(GDVN) - Đinh lăng là một loại cây thuốc quý nên không chỉ có Trung Quốc thu mua mà ở Việt Nam một số công ty dược đã tiến hành tự nuôi trồng loại cây này để chiết xuất hoạt tính của nó làm các loại thuốc.
{iarelatednews articleid='7090'}

Thu mua từ chuối hột đến gốc đinh lăng


Gần đây ở các vùng nông thôn của Thái Bình người ta rộ lên tin đồn thu mua các loại cây cảnh, cây dược liệu trong đó có đinh lăng để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nhiều năm về trước, đinh lăng được người dân trồng ở những bụi cây với mục đích vừa lấy lá ăn, vừa làm dậu nên loài cây này trở thành thông dụng nhưng gần đây người ta không còn trồng nhiều loại cây dược liệu này. Một vài hộ gia đình trồng với mục đích để lấy lá ăn.

Ông Bùi Xuân Ba một người dân sống tại xã Đông Kinh, Đông Hưng, Thái Bình cho biết từ cuối năm ngoái trào lưu đi thu mua cây cảnh, cây dược liệu để bán sang Trung Quốc diễn ra tại nhiều khu vực trong tỉnh khiến cho người dân gặp nhiều xáo trộn. Từ những năm trước, hạt gấc, chuối hột của người dân đều được gom lại bán sang Trung Quốc.

Gia đình ông có một gốc đinh lăng trồng ở trước nhà để lấy lá ăn. Trước đó, thi thoảng cũng có lái buôn đến hỏi mua. Ban đầu người ta trả 200 nghìn đồng nhưng lần cao điểm nhất người mua đã trả 1,2 triệu đồng. Khóm đinh lăng này được chia làm 3 gốc lớn và đã có củ nên giá trị càng rất lớn.
 

Cây đinh lăng này đươc một người rao bán với giá 2 triệu đồng
Cây đinh lăng này đươc một người rao bán với
giá 2 triệu đồng


Phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc điện thoại trao đổi với một người đàn ông tên Tiến D. sinh năm 1958, trú tại Khoái Châu, Hưng Yên. Ông D. là một tiểu thương chuyên thu mua cây đinh lăng để bán sang Trung Quốc.  Đinh lăng được mua lẻ theo kg với giá 12 nghìn đồng/kg. Ông D. dự tính một gốc đinh lăng có tuổi thọ trên 10 năm, thân cao tầm 1,5 mét có giá khoảng trên 1 triệu đồng/khóm.

Ông D. thu mua theo hình thức có nhiều lái buôn nhỏ đặt ở các vùng như Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương… để mua lẻ từng bụi và gom đến khi được khoảng gần chục tấn ông sẽ cho xe chở ra biên giới xuất sang Trung Quốc. Thông thường, ông D. mua với số lượng lớn trên 1 tấn trở lên. Gia đình có cây bán lẻ phải tìm đến người mua lẻ.

Trung Quốc đang tận thu nguồn dược liệu


Là người có nhiều năm nghiên cứu về cây đinh lăng, Tiến Sĩ Nguyễn Duy Thuần – Phó viện trưởng Viện Dược Liệu Trung Ương cho biết cây đinh lăng có tác dụng tăng cường sinh lực. Loài cây này thuộc họ sâm nên tác dụng của nó như cây sâm.

Củ đinh lăng có giá trị rất quý, giúp chữa mệt mỏi, căng thẳng. Ở Việt Nam, một số công ty được đã có những vườn dược liệu quý trong đó có cả cây đinh lăng.

Theo nghiên cứu của Học viện Quân sự Việt Nam, dung dịch cao đinh lăng có tác dụng, tăng biên độ điện thế não, tăng tỉ lệ các sóng alpha, bêta và giảm tỉ lệ sóng delta. Những biến đổi này diễn ra ở vỏ não mạnh hơn so với ở thể lưới. Tăng khả năng tiếp nhận của các tế bào thần kinh vỏ não với các kích thích ánh sáng. Tăng nhẹ quá trình hưng phấn khi thực hiện phản xạ trong mê lộ tăng hoạt động phản xạ có điều kiện gồm phản xạ dương tính và phản xạ phân biệt.

Về việc Trung Quốc thu mua cây đinh lăng Tiến sĩ Thuần cho biết cũng như các loại cây dược liệu khác Trung Quốc đều thu mua ở Việt Nam. Đặc biệt, có nhiều loài dược liệu ở vùng núi phía bắc nước ta đang bị Trung Quốc mua tận diệt. “Họ mua về làm gì thì mình không biết, chỉ có thể đoán họ sẽ bào chế ra các hoạt chất để bán lại” – Tiến sĩ Thuần chia sẻ.

Theo đánh giá của PGS, TS Lê Thanh Bình, Viện Công nghệ Sinh Học Việt Nam việc thu mua cây đinh lăng của Trung Quốc ở một số vùng nông thôn của Việt Nam không phải lạ. Hiện nay ở Việt Nam chưa có một vùng nào chuyên trồng cây đinh lăng. Người dân chỉ trồng nhỏ lẻ nên việc thu mua này không rầm rộ mà chỉ tận thu.

Về phần mình, ông Bình nhận định hiện nay người dân Trung Quốc sợ thực phẩm của chính họ vì có chứa quá nhiều hóa chất nên sinh ra tâm lý sinh ngoại. Các sản phẩm nông sản, dược liệu mua từ Việt Nam với giá rất rẻ nhưng khi về Trung Quốc các sản phẩm này trở thành cao cấp vì “sạch”. Nhiều kiểm nghiệm cho thấy, các loại dược liệu ở Việt Nam không có chất bảo  như lưu huỳnh nên bán ở Trung Quốc với giá rất cao.

Ông Bình chỉ băn khoăn, khi có người hỏi mua nhiều, người dân lại đổ xô đi trồng đinh lăng để bán. Một nghịch lý, khi người dân trồng nhiều cây đinh lăng người ta lại không mua sẽ rơi vào cảnh chặt bỏ cây.

Một vị bác sĩ trong trường Học viện Y học Cổ truyền Trung ương cho rằng việc thu mua cây đinh lăng của Trung Quốc có thể họ tìm ra được nhiều công dụng của cây này hơn mình. Trên thực tế, có nhiều dược liệu chúng ta không sử dụng hết công dụng của nó nên đành bỏ phí trong khi Đông y Việt Nam bắt nguồn từ Đông Y Trung Quốc. Bản thân ông từng là sang Trung Quốc để tham gia các khóa học về Đông y, ông nhận thấy họ không truyền hết bài học cho mình, cái mình học được chỉ bằng 1/3 cái họ có.

Sở Nông nghiệp chưa có thông tin

Trong khi đó, trả lời trên báo Nông thôn ngày nay, ông  Trần Xuân Định - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thái Bình khẳng định, việc mua bán hoặc săn lùng loại cây này là chuyện bình thường. "Hiện nay, chúng tôi chưa có bất cứ thông tin nào về hiện tượng này. Riêng các địa phương trồng cây cảnh nhiều ở Thái Bình cũng chưa có hiện tượng thu gom đinh lăng".

Còn ông Lê Trung Cần - Trưởng phòng TNMT huyện Văn Giang (Hưng Yên) cho biết: "Đinh lăng không phải là cây cảnh nên không được trồng nhiều trên địa bàn. Hiện chúng tôi không có thông tin về tình trạng thương lái săn lùng loại cây này; hoặc nếu có, chỉ là hiện tượng. Còn việc mua rồi bán sang Trung Quốc cần phải xác minh lại".



Phương Thúy