Trung tướng "bình dân" Nguyễn Việt Thành trong lòng đồng đội, nhân dân

13/07/2012 05:32
Duy Chiến
(GDVN) - Đại tá Nguyễn Thanh Danh , nguyên cán bộ công tác tại Ban chỉ huy tỉnh đội Long An, đã nghỉ hưu tại xã Thanh Bình là đồng đội của tướng Nguyễn Việt Thành nói: “Dân vùng này toàn theo “Việt cộng”, nhà nào cũng có “Việt cộng” nên có người thành tướng “Việt cộng” như Tư Bốn là tự hào lắm".
“Xứ này ai không biết Tư Bốn”!

Nhà tướng Thành (gọi thân mật là Tư Bốn) nằm cách TP.Mỹ Tho không xa nhưng từ TP.HCM đi xuống rẽ vào thị xã Tân An (tỉnh Long An) đi về hướng Tân Trụ sẽ gần hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là qua thị xã Tân An, bạn có thể hỏi bất cứ ai nhà “ông Tư Bốn” là người dân sẽ tận tình hướng dẫn cho đi tiếp. Hoặc vào TP.Mỹ Tho cũng vậy, người dân rất tận tình khi bạn hỏi đường về nhà “ông Tư Bốn”! 

Trung tướng Nguyễn Việt Thành thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ xã
Trung tướng Nguyễn Việt Thành thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ xã

Mùa mưa đã đến với vùng Nam Bộ nên trên những cung đường về nhà anh Tư Bốn nắng mưa bất chợt lắm, đầu này đang chang chang nắng đổ thì đầu kia, những người dân đang hối hả chạy kéo bạt che kín ngõ. Ghé vào tiệm tạp hóa đầu xã, hỏi nhà tướng Tư Bốn, anh thanh niên tên Hùng bỏ công việc đang làm dở dang, tận tình bước ra hướng dẫn: “Nhà ông Tư còn tuốt dưới kia, anh chạy khoảng 2 cây số nữa rồi hỏi tiếp nghen. Xứ này ai mà không biết ổng!”.

Một chị bán vé số nghe hỏi nhà ông Tư Bốn liền chen vào: “Hôm nay, ổng có nhà đấy. Hồi sáng đi qua tui thấy ổng quanh quẩn ở nghĩa trang xã, chắc dọn dẹp chuẩn bị “lễ liệt sĩ đây!”. Tôi hỏi vui: “Có khi nào chị mời ổng mua vé số không?”, chị bán vé số cười: “ Hổng dám đâu, ổng là tướng mà mua vé số gì? Tui gặp ổng hoài, chỉ gật đầu chào, ổng cười, có lần còn bắt tay tui nữa! Nghe nói ổng giúp bà con xứ mình nhiều lắm, nhỏ con tui là học sinh trường Thanh Bình kể, cuối năm học vừa rồi ổng tặng quà cho các cháu nhà khó khăn học giỏi nữa!”.

Đường đến nhà tướng Thành đã tráng nhựa bằng phẳng mấy năm rồi, đi không cực như trước kia. Một cụ già tên Bảy Lâm đã trên 80 tuổi kể: “Tư Bốn hồi nhỏ khổ lắm, gia đình theo cách mạng nên bị chính quyền o ép hết chỗ nói. Nó giỏi lắm, tới mùa là dắt trâu đi cày tối ngày. Nó hiền lành ai cũng thương. Vậy mà gan lắm, dám đào 7 hầm bí mật trong nhà  nuôi giấu mấy ổng (tức cán bộ hoạt động bí mật – PV) mà chính quyền hổng hay biết. Sau nó “dọt” vô cứ, cảnh sát mới tìm ra 7 căn hầm. Nhà Tư Bốn bị hành dữ…”.

Ngồi trong quán cóc ven đường, cụ già say sưa kể về Tư Bốn thời chiến tranh khốc liệt. Cụ chỉ mấy anh thành niên cũng đang ngồi nghe: “Cỡ tụi bây đâu biết thời đó ác liệt ra sao. Lúc ấy, bọn thanh niên, đàn ông tụ tập nhậu nhẹt, quậy phá thì không sao nhưng nếu tụm lại uống nước trà, đánh cờ tướng là lính kín, cảnh sát bắt liền vì tụi nó nghi là “quốc sự”, hoặc là “Việt cộng”.

Tư Bốn học giỏi, ngoan lắm nhưng bị phát hiện là gia đình theo Việt cộng, học trường nào cũng bị đuổi, tới lần thứ 11 bị đuổi, Tư Bốn ở nhà, thời gian sau trốn đi”. Tôi hỏi: “Giờ anh Tư về hưu, bác có thường gặp lại ảnh không?”, bác Bảy Lâm cười ha hả: “Xứ này ai không biết Tư Bốn? Tư Bốn cũng mệt lắm, nhà nào có đám tiệc gì cũng mời, Tư Bốn dễ gì từ chối. Tui cụng ly với Tư Bốn hoài chớ gì. Nó là Tướng nhưng bình dân, gần gũi với bà con lắm, ai cũng thương cũng quý! Mấy ổng ủy ban khó khăn gì cũng kêu Tư Bốn hết thảy…”.

“Tư Bốn là niềm tự hào của chúng tôi”

Đại tá Nguyễn Thành Danh, nguyên cán bộ tỉnh đội Long An về hưu. Nhà Đại tá Danh cách nhà Tướng Thành không xa lắm. Đám giỗ nhà Đại tá Danh, Tướng Tư Bốn có mặt hơi muộn vì tiếp khách ở xa đến thăm. Đại tá Danh kể: “Tôi lăn lộn trên nhiều chiến trường, rồi ra Bắc học, năm 1972 vô lại chiến đấu giải phóng. Hồi đó đã nghe về Tư Bốn rồi, ổng gan lì có tiếng mà”.

Trung tướng Nguyễn Việt Thành vẫn tham gia công việc địa phương
Trung tướng Nguyễn Việt Thành vẫn tham gia công việc địa phương

Lúc chuyên án phá băng nhóm tội phạm Năm Cam và đồng bọn nổ ra, Đại tá Danh nghĩ, Tư Bốn quyết liệt tới cùng, lũ Năm Cam Năm quýt gì đấy khó mà thoát tội. Quả y như vậy. Bởi những năm sau giải phóng, Tư Bốn là người gây dựng nên Phòng Cảnh sát giao thông Tiền Giang. Ngày đó, Cảnh sát giao thông Tiền Giang nổi tiếng là nghiêm, không hề tiêu cực, tới nỗi có lãnh đạo tỉnh đã nói: “Đặc sản của Tiền Giang là cảnh sát giao thông!”. 

Nói về “Tướng về hưu” Tư Bốn, anh Ba Hùng (Nguyễn Thanh Hùng), Phó Bí thư Đảng ủy xã Thanh Bình kể lại: “Ngày mới về hưu, ảnh nói với anh em Đảng ủy và Ủy ban xã rằng ảnh không có gì là công thần cả, ảnh chỉ muốn được chan hòa với bà con, địa phương xã nhà!”. Đúng như lời nói ngày đầu trở về, Tướng Thành đã giúp đỡ quê hương rất nhiều.

Trạm xá, trường học của xã xập xệ, thiếu thốn, tướng Thành vừa đóng góp, vừa đi vận động Mạnh thường quân các nơi tu sửa, dựng lại đàng hoàng cho bà con đến khám chữa bệnh, cho con cháu chỗ, nơi học hành. Các cháu học sinh hiếu học, nhà nghèo đều được “bác Tư Bốn” tận tình quan tâm, tìm nguồn tài trợ giúp, động viên. Bản thân “bác Tư” thường xuyên dùng số tiền lương đóng góp, động viên các cháu cố gắng học giỏi để xây dựng quê hương".

Ba Hùng kể tiếp: “Tháng trước vào hè, ảnh lãnh lương xong xuất hơn chục triệu cho 3 trường làm quà cho các cháu…

Là xã có nhiều liệt sĩ, trên 300 gia đình chính sách, Tướng Tư Bốn cũng rất quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, tu sửa, chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ ở xã, nơi nhiều đồng đội và anh em của ông an nghỉ. Nhà quản trang đàng hoàng như hôm nay cũng một tay anh Tư xốc vác, gom góp cất nên. Chính anh Tư là người “thiết kế”, vẽ bằng than trên nền gạch kiến trúc của nhà quản trang này. Ngày lễ, ngày tết, bà con, cán bộ xã tụ họp tại đây làm nơi tri ân các anh hùng đã mất vì Tổ quốc.

Cũng như nhiều địa phương khác, hàng ngày thường phát sinh biết bao nhiêu chuyện phức tạp, từ tranh chấp, khiếu kiện đến… cãi lộn. Chính quyền xã thường đau đầu với những việc như vậy. Nhưng ở Thanh Bình từ ngày có anh Tư về nghỉ hưu, chính quyền mừng lắm vì biết tài dân vận của anh Tư nên ‘cậy nhờ” liền. Anh Bé Bảy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho hay, nhiều vụ phức tạp, anh Tư đến nói chuyện với bà con, họ nói: “Nói như anh Tư thì đâu có chuyện gì!”. Những gia đình có chuyện trong nhà, anh Tư chỉ nhẹ nhàng vài câu là… tiêu hết! Tài vậy đấy!".
Duy Chiến