Trường ĐH muốn cán bộ làm chủ doanh nghiệp trực thuộc nhưng vướng về pháp lý

07/02/2023 06:44
Hoài Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhằm chuyển giao công nghệ, các trường ĐH có xu hướng thành lập doanh nghiệp tuy nhiên thủ tục pháp lý vẫn là rào cản lớn. 

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo

Thực hiện chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cơ sở giáo dục đại học có xu hướng liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài. Tuy nhiên, việc liên kết này còn có hạn chế và không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cán bộ nghiên cứu cũng như những người tham gia nhóm nghiên cứu.

Vì vậy, một số cơ sở giáo dục đại học đã thành lập doanh nghiệp trong trường để “gỡ khó”, tạo cầu nối giữa nhu cầu của xã hội với các nhà khoa học cũng như với những sinh viên có mong muốn khởi nghiệp.

Doanh nghiệp trong trường đại học được đánh giá là cơ sở, nền tảng để các trường đẩy nhanh tiến độ chuyển giao công nghệ, hỗ trợ người học tiếp cận với thị trường và nhu cầu của xã hội. Luật Giáo dục đại học 2018, trước đó là Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ có nội dung liên quan đến việc các trường được thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định đã có từ lâu nhưng số trường thành lập doanh nghiệp trực thuộc vẫn khá ít.

Mới đây, ngày 30/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Doanh nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện theo quy định được đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Chính phủ
Ảnh minh họa. Ảnh: Báo Chính phủ

Thực hiện việc thành lập doanh nghiệp trong nhà trường có thể kể đến: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoa học Tự nhiên được thành lập vào năm 2004; Đại học Bách khoa Hà Nội với hệ thống các doanh nghiệp; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa vào năm 2019;

Hay Trường Đại học Nam Cần Thơ với đa dạng doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực ngành nghề như: Tập đoàn Nam miền Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại DNC, Viện nghiên cứu và phát triển dược liệu...

Các doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội chuyển giao khoa học công nghệ, cơ hội nghiên cứu, ứng dụng thực tế cho người học, góp phần hoàn thiện kỹ năng, nâng cao chuyên môn. Đồng thời, đây cũng là một trong những điểm đến mà sinh viên muốn gắn bó sau khi tốt nghiệp.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Việc các trường đại học thành lập doanh nghiệp ngay trong trường sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cán bộ, người học và giúp nhà trường thực hiện sứ mạng của mình.

Thậm chí một trường có thể thành lập nhiều doanh nghiệp trực thuộc, không chỉ giới hạn bởi một doanh nghiệp duy nhất".

Ông Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên

Ông Trần Quốc Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên

Ông Trần Quốc Bình đánh giá, trước hết, doanh nghiệp trực thuộc nhà trường sẽ trở thành cầu nối giữa các nhà khoa học, người học với thị trường và nhu cầu của xã hội. Thứ hai, doanh nghiệp sẽ tạo ra môi trường rộng mở để các nhà khoa học và sinh viên thực hiện các hoạt động liên quan đến khảo sát thị trường và thử nghiệm sản phẩm.

"Nếu các nhà khoa học hay sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ một cách đơn độc mà không có sự tham gia, hỗ trợ của doanh nghiệp thì sẽ rất khó để tạo ra một sản phẩm tốt, có giá trị cao trên thị trường khoa học và công nghệ.

Nếu chỉ dựa vào việc kết nối với doanh nghiệp bên ngoài thì sẽ có nhiều rào cản đôi khi không thể vượt qua được về quan điểm, tầm nhìn, lợi ích, hay đơn giản là khoảng cách địa lý. Vì vậy, việc thành lập một số doanh nghiệp trực thuộc sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho nhà trường, nhất là các trường đại học định hướng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo", ông Trần Quốc Bình nhận định.

Tồn đọng nhiều khó khăn khi thành lập doanh nghiệp trong trường đại học

Từ năm 2004, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoa học Tự nhiên (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có một số lần thay đổi mô hình tổ chức và chiến lược hoạt động để phù hợp với môi trường kinh doanh và nhu cầu phát triển của nhà trường.

Nhìn chung, mặc dù có những giai đoạn hoạt động trầm lắng, nhưng trong gần 20 năm qua, doanh nghiệp này vẫn được đánh giá là mắt xích quan trọng giúp các nhà khoa học trong trường triển khai các hoạt động nghiên cứu ứng dụng. Là đầu mối để các nhà khoa học cũng như sinh viên khởi nghiệp tiếp cận các nguồn kinh phí từ bên ngoài, bao gồm cả nguồn kinh phí đến từ các địa phương và các doanh nghiệp.

Gần đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoa học Tự nhiên đang thực hiện chủ trương tăng cường hoạt động dịch vụ, khai thác trang thiết bị của nhà trường cùng với tài nguyên chất xám để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện nay việc thành lập doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc mà chưa có những hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý. Đây không chỉ là khó khăn của riêng các trường đại học mà còn là rào cản chung của các cơ sở công lập khi muốn thành lập một doanh nghiệp.

Thứ nhất, nguồn vốn để thành lập doanh nghiệp trong nhiều trường hợp không thể tách bạch giữa vốn riêng của nhà trường và vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.

Lý do là trong một trường đại học công lập, các hoạt động nghiên cứu đều ít nhiều sử dụng nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước như mặt bằng, trang thiết bị, kết quả của các đề tài, dự án,... với tỷ lệ rất khó xác định và cũng chưa có những hướng dẫn cụ thể.

Thứ hai, việc định giá các tài sản trí tuệ được đầu tư ngân sách Nhà nước cũng đang rất khó khả thi do các tài sản này đều là những sản phẩm khoa học và công nghệ đặc thù, tiềm năng và giá trị của nó chỉ xác định được sau một thời gian đủ lớn triển khai trên thị trường.

Thứ ba, quy định về việc doanh nghiệp trong trường đại học khai thác cơ sở vật chất, mặt bằng cũng như trang thiết bị là tài sản công cũng chưa được cụ thể, rõ ràng.

Ngoài ra, theo pháp luật hiện hành, cán bộ viên chức không được làm chủ doanh nghiệp. Trong khi đó, các trường đại học lại rất mong muốn người làm chủ doanh nghiệp trực thuộc phải là một cán bộ trong trường để đảm bảo các vấn đề chuyên môn đặc thù.

Nhìn chung, các quy định của Nhà nước liên quan đến thành lập doanh nghiệp trong trường đại học nói riêng và thành lập doanh nghiệp trong các cơ sở công lập nói chung còn chưa rõ ràng, cụ thể và hoàn thiện.

Trong thời gian tới, có lẽ chúng ta sẽ cần có những quy định rành mạch về việc thành lập doanh nghiệp ở trường đại học - trong bối cảnh hiện nay, nhiều chủ trương đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các cơ sở nghiên cứu, đặc biệt là những cơ sở giáo dục đại học đang được Nhà nước chú trọng đầu tư.

Khi thực hiện đổi mới sáng tạo hoặc đưa một sản phẩm ra thị trường, nếu không có doanh nghiệp bên ngoài tiếp nhận, thì trường cần phải có một doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up). Rõ ràng ở đây chúng ta có nhiều vướng mắc trong việc thành lập một đơn vị như vậy, trong đó chủ yếu là vướng mắc liên quan đến nguồn gốc tài chính.

Tuy nhiên, cơ quan chủ quản rất khó xác định nguồn lực để góp vốn vào doanh nghiệp. Đó có thể là nguồn vốn từ Nhà nước; từ ngân sách tự chủ từng trường hoặc đôi khi là sự kết hợp giữa hai nguồn này.

Vì vậy, hiện nay, các trường đại học vẫn mong mỏi các cơ quan quản lý sớm có quy định cụ thể hơn để gỡ rối cho nhà trường trong việc thành lập doanh nghiệp.

"Cá nhân tôi nghĩ, trong thời gian tới, việc thành lập doanh nghiệp trong các trường đại học sẽ trở nên phổ biến hơn. Chắc chắn nó sẽ trở thành xu hướng trong tương lai. Bởi vì đó là xu thế của cơ sở giáo dục đại học trong tự chủ và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

Các trường muốn đổi mới sáng tạo, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học thành công, chắc chắn sẽ cần phải có doanh nghiệp để các hoạt động nghiên cứu ứng dụng được triển khai hiệu quả hơn.

Khi thành lập doanh nghiệp, các trường cần thực hiện thủ tục, chuẩn bị những giấy tờ pháp lý nào? Đâu là mô hình vận hành doanh nghiệp hiệu quả? Việc tổ chức và duy trì doanh nghiệp đó ra làm sao?

Đây là những câu hỏi mà các cơ quan quản lý cần hỗ trợ và bản thân các trường đại học có thể chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Chỉ có như vậy, việc thành lập doanh nghiệp trong trường đại học mới có thể phát huy được hết những hiệu quả cho nhà trường và cho xã hội", ông Trần Quốc Bình nói.

Hoài Linh