Trường ngoài công lập và những vướng mắc về cơ chế sở hữu (2)

21/12/2016 06:49
TS.Lê Viết Khuyến
(GDVN) - Việc "trộn lẫn" các khái niệm sở hữu đã khiến cho việc chuyển đổi các trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục càng gặp nhiều trục trặc.

LTS: Sau 2 văn bản Luật Giáo dục 2005 và Nghị quyết 05/2005/NQ-CP đã được nêu trong kỳ 1 của bài viết "Trường ngoài công lập và những vướng mắc về cơ chế sở hữu" thì trong năm 2005 và các năm tiếp theo, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thêm một số văn bản khác có liên quan tới định hướng cụ thể cho khu vực giáo dục đại học ngoài công lập.

Trong kỳ 2, TS.Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tiếp tục nêu cụ thể những nội dung này. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


* Nghị định số 75/2005/NĐ-CP ngày 2/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11/5/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 75/2006/NĐ-CP. 

Trong cả hai Nghị định này đều khẳng định "không thành lập các cơ sở giáo dục dân lập ở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học".

Và "đối tượng tham gia Hội đồng quản trị (của các trường dân lập, tư thục) phải là những người có vốn góp xây dựng trường". 

Đây là điều rất khó hiểu bởi vì bản thân loại hình trường đại học dân lập vốn chứa khá nhiều yếu tố "không vì lợi nhuận" nhưng lại bị loại bỏ.

* Định hướng cho hoạt động của các trường đại học tư thục là Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục ban hành tại Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg ngày 17/1/2005 của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế thay thế ban hành tại Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. 

Ít lâu sau quy chế này được điều chỉnh đôi chút tại Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg ngày 10/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Cả hai quy chế được xây dựng theo mô hình tổ chức và hoạt động của một công ty cổ phần. 

Trường ngoài công lập và những vướng mắc về cơ chế sở hữu (2) ảnh 1
Trường ngoài công lập và những vướng mắc về cơ chế sở hữu (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Tất cả đều bắt đầu từ Đại hội đồng cổ đông của những người góp vốn, từ đó bầu ra Hội đồng quản trị đại diện cho quyền lợi và quyền lãnh đạo của những "ông chủ" này, tức là đại diện cho quyền sở hữu nhà trường. 

Hội đồng quản trị có những quyền hạn rất lớn quyết định mọi đường hướng phát triển của trường Đại học tư thục. Chính Hội đồng quản trị quyết định mức chi trả thu nhập cho người lao động và chia lãi cho các thành viên góp vốn. 

Cũng theo Quy chế đó các nhà giáo dục, các nhà khoa học và các nhà quản lý chỉ giữ vai trò thụ động và luôn chịu sự áp đặt quyền lực của những người góp vốn. 

Ngoài ra, quy định tại Điều 10: "Quyết định của đại hội đồng cổ đông được coi có giá trị hiệu lực khi được số cổ đông đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết (đối vốn) của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận”.

Điều này đã dẫn tới tình trạng ở nhiều trường Đại học tư thục, các cổ đông đang "chạy xô" bán hoặc thu gom cổ phần để giành giật quyền lực. 

Với bức tranh như trên rõ ràng mô hình trường Đại học tư thục đưa ra tại Quy chế 61 và 63 hoàn toàn thuộc cơ chế vì lợi nhuận, một cơ chế không được Nhà nước ưu tiên khuyến khích như ở Nghị quyết 05 và Luật Giáo dục.

Trường ngoài công lập và những vướng mắc về cơ chế sở hữu (2) ảnh 2

Các trường ngoài công lập chuẩn bị nội dung để báo cáo Thủ tướng

(GDVN) - Ngày 14/12, Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi công văn tới các trường ngoài công lập về yêu cầu chuẩn nội dung để báo cáo Thủ tướng.

Với sự ra đời của các quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục, cho đến cuối năm học 2005 - 2006, trong khu vực giáo dục đại học ngoài công lập chỉ còn hai loại hình trường dân lập (19 trường) và tư thục.

Trong đó loại hình đầu còn mang một số sắc thái "không vì lợi nhuận" song loại hình sau đã chuyển hẳn qua cơ chế vì lợi nhuận.

*Để tiếp tục triển khai Nghị định 75/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg ngày 29/5/2006 chuyển toàn bộ 19 trường Đại học dân lập qua loại hình Đại học tư thục. 

Với quyết định này trong khu vực giáo dục đại học, các yếu tố "không vì lợi nhuận" đã dần được thay thế bằng các yếu tố "vì lợi nhuận".

Ở đây dường như có sự đi chệch với hướng chỉ đạo từ Luật giáo dục và từ Nghị quyết 05 của Chính phủ.

*Để triển khai Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 20/2010/TT-BGDĐT ngày 16/7/2010 quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi trường đại học dân lập sang loại hình trường Đại học tư thục. 

Theo hướng dẫn tại Thông tư này sẽ có sự chuyển đổi chủ sở hữu nhà trường: từ chủ sở hữu tập thể các thành viên trong nhà trường qua chủ sở hữu tư nhân của các nhà góp vốn. 

Điều bất hợp lý ở đây còn ở chỗ căn cứ để được công nhận là "người góp vốn" lại chỉ có tiền bạc, đất đai và vật dụng mà người đó mang vào trường, không tính đến các loại “vốn trừu tượng" như trí tuệ, công sức của các nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà quản lý. 

Bởi vậy có tình trạng là sau chuyển đổi, trường đại học bị tuột khỏi tay số đông người thực sự có công lớn trong việc thành lập và xây dựng  trường đại học dân lập để chuyển vào tay những nhà đầu tư có nhiều tiền. 

Chính vì vậy mà hiện nay chủ trương này chưa nhận được sự đồng thuận cao giữa các nhà đầu tư, các thành viên sáng lập và đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trong nhà trường.         

Để khắc phục bất cập đó việc đưa đồng thời cả hai khái niệm “sở hữu tư nhân” (vốn chỉ có đối với loại trường tư thục hoạt động vì lợi nhuận) và “sở hữu chung hợp nhất không phân chia” (thường chỉ có ở loại trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận) vào cùng một Quy chế 61 (sửa đổi) cũng không mang lại khả quan. 

Trái lại, chính việc trộn lẫn các khái niệm sở hữu như trên đã dẫn tới sự can thiệp thô bạo vào quyền của những nhà đầu tư có ý định đưa nhà trường của mình đi theo hướng vì lợi nhuận;

Và làm cho việc chuyển đổi các trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục càng gặp nhiều trục trặc; có trường muốn ở lại với mô hình đại học dân lập để tiếp tục theo sở hữu tập thể nhưng không được chấp thuận;

Đồng thời còn dẫn đến cả sự tranh chấp quyền lực khốc liệt không đáng có giữa các thành viên trong không ít trường đại học tư thục hiện nay .

*Tiếp tục theo đuổi mục tiêu triển khai Quyết định 122  của Thủ tướng Chính phủ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành tiếp Thông tư số 45/2014/TT-BGDĐT ngày 17/12/2014 Quy định về việc chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục (thay cho Thông tư 20/2010/TT-BGDĐT ngày 16/7/2010 không được xã hội chấp nhận). 

Theo quy định tại văn bản này, các trường đại học dân lập (sở hữu tập thể) nhất thiết phải chuyển qua loại hình trường đại học tư thục vì lợi nhuận (sở hữu tư nhân) mặc dù Điều lệ trường đại học ban hành tại Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 16/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã thừa nhận cả 2 loại hình trường đại học tư thục: vì lợi nhuận và hoạt động không vì lợi nhuận. 

Trường ngoài công lập và những vướng mắc về cơ chế sở hữu (2) ảnh 3

Lãnh đạo các trường ngoài công lập phản đối chỉ tuyển công chức học công lập

(GDVN) - Lãnh đạo các cơ sở giáo dục ngoài công lập cho rằng, việc địa phương chỉ tuyển công chức hệ công lập là phân biệt, đối xử, vi phạm quy định tuyển dụng...

Những trường đại học dân lập muốn chuyển qua loại hình trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận (sở hữu chung của cộng đồng nhà trường – tương tự sở hữu tập thể) đều nhất thiết phải qua khâu trung gian là trường đại học tư thục (vì lợi nhuận). Đây là một quy định cực kỳ vô lý. 

Mặt khác, ngay các trường đại học dân lập thực sự có nguyện vọng chuyển qua loại hình trường đại học tư thục (vì lợi nhuận) cũng không dễ dàng chấp nhận Thông tư này.

Bởi tại Điều 5 quy định chỉ có vốn góp ban đầu và vốn góp trong quá trình hoạt động mới được chuyển thành cổ phần còn các tài sản hình thành từ kết quả hoạt động của trường dân lập chỉ được chuyển thành tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia của trường tư thục. 

Từ tất cả những phân tích trên rõ ràng Thông tư 45 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dù đã ban hành đến lần thứ 2, vẫn chưa đi được vào cuộc sống.  

Hơn nữa, các văn bản đã ban hành cho tới thời gian cuối năm 2014 chỉ áp dụng được chủ yếu cho loại trường tư thục vì lợi nhuận. 

Ở loại trường này cổ đông (tức là người góp vốn ) không chỉ được hưởng lợi tức không giới hạn mà còn có quyền can thiệp vào công việc điều hành nhà trường, được giữ các vị trí trọng trách trong trường;

Còn các cán bộ, nhân viên của trường (từ Hiệu trưởng trở xuống) thực chất chỉ là những người được các cổ đông (nhất là những cổ đông có cổ phần lớn) tuyển dụng. 

Do đó các nhà giáo dục, các nhà quản lý nếu không có vốn góp thì đương nhiên phải chấp nhận đứng ở vị trí bị điều hành.

Đối với loại trường này, sự cạnh tranh quyết liệt chỉ diễn ra, nếu có, giữa các cổ đông lớn, thông qua hình thức mua bán, chuyển nhượng cổ phần .
    
Từ những sự việc phức tạp đang diễn ra gần đây đối với hàng loạt các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập mà mới nhất là với trường Đại học Hoa Sen, xuất hiện nhu cầu trong các văn bản nhà nước cần phải tách bạch ra hai loại trường tư thục hoạt động vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận.

* Khái niệm trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận mặc dù đã được định nghĩa ở Khoản 7, Điều 4 Luật Giáo dục Đại học nhưng ở đây mới quan niệm tính chất không vì lợi nhuận chỉ biểu hiện thông qua việc phân bố lợi tức mà chưa quan tâm đến sự độc quyền can thiệp vào các hoạt động hàng ngày của các cổ đông lớn đối với nhà trường.

 Theo thông lệ chung của thế giới các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận phải  thể hiện 3 tiêu chí:

- Không chia lợi nhuận cho cá nhân (hoặc chia bằng hay thấp hơn mức lãi suất ngân hàng).

- Toàn bộ tài sản của trường thuộc sở hữu cộng đồng.

- Được quản lý bởi một hội đồng đại diện cho tất cả các nhóm có lợi ích liên quan trong cộng đồng xã hội, bao gồm nhiều thành phần: nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp, nhà giáo dục, nhà quản lý, chính trị gia,....
      
* Để khắc phục những hạn chế trên, khái niệm về trường đại học tư thục (vì lợi nhuận) và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận đã được Nhà nước cụ thể hơn tại các Mục 3 và Mục 4 Chương II Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ. 

Ở văn bản này, lần đầu tiên sự khác biệt giữa trường đại học tư thục (vì lợi nhuận) và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được giải thích tương đối đầy đủ. 

Theo đó, ở đại học tư thục (vì lợi nhuận) cơ quan quyền lực cao nhất là Đại hội đồng cổ đông, bao gồm tất cả các thành viên góp vốn của trường, bởi vì lực lượng này sẽ cử người của mình chiếm giữ hầu hết các ghế (quyết định) trong hội đồng quản trị. 

Ngoài ra, các thành viên góp vốn cũng được ưu tiên việc làm và công việc quản lý trong trường (xem Điểm d Khoản 2 Điều 23 Điều lệ trường đại học) nên xu hướng chung là người của họ cũng sẽ giữ các vị trí trọng yếu trong bộ máy nhà trường. 

Trong khi đó, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận không tổ chức đại hội đồng cổ đông. 

Tại đây, hội đồng quản trị là tổ chức quản trị, đại diện cho quyền sở hữu chung của cộng đồng nhà trường, là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà trường (xem Khoản 1 Điều 29 Điều lệ trường đại học). 

Điều lệ cũng quy định đại diện cho các thành viên góp vốn chiếm không quá 20% tổng số thành viên của Hội đồng quản trị. Điều đáng lưu ý là với những quy định như vậy khái niệm trường đại học tư thục không vì lợi nhuận khá gần với khái niệm trường dân lập.

Chính sự lẫn lộn về bản chất sở hữu của các loại hình trường đại học dân lập, tư thục (vì lợi nhuận) và tư thục hoạt động không vì lợi nhuận trong nhiều văn bản của Nhà nước về giáo dục là nguyên nhân chính của tình trạng mất đoàn kết đã và đang diễn ra trong nội bộ của nhiều trường ngoài công lập.

TS.Lê Viết Khuyến