TS Bùi Kiến Thành: Cấp phép nhà máy bia mới là nguy cho kinh tế

13/02/2014 07:28
Hoàng Lực
(GDVN) - Trước việc các hãng bia chạy đua xây dựng dự án nhà máy bia liên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng đây là mối nguy cho nền kinh tế và giống nòi.

Năm 2013 ghi nhận người Việt Nam sử dụng 3 tỉ lít bia/năm, trung bình mỗi người Việt Nam uống khoảng 32 lít bia/năm. Con số kỉ lục trên lý giải tại sao ngành sản xuất bia luôn đạt được tốc độ tăng trưởng đều đặn ở mức 10%/ năm.

Chính vì duy trì mức tăng trưởng đều và có một thị trường ổn định ngay trong nước nên trong một thời gian ngắn hàng loạt thương hiệu bia đua nhau mở thêm nhiều nhà máy mới với công suất hàng chục triệu lít mỗi năm.

Sabeco khởi công Dự án Nhà máy Bia Sài Gòn - Kiên Giang (ảnh theo báo Đầu tư)
Sabeco khởi công Dự án Nhà máy Bia Sài Gòn - Kiên Giang (ảnh theo báo Đầu tư)

Gần đây nhất Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã khởi công Dự án Nhà máy Bia Sài Gòn - Kiên Giang tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc (xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang). Tổng vốn đầu tư dự án 600 tỉ đồng, công suất 50 triệu lít/năm.

Trong khi đó, cuối năm 2013, Sabeco đưa vào hoạt động nhà máy bia Sài Gòn - Ninh Thuận (vốn đầu tư 450 tỉ đồng) với công suất 50 triệu lít/năm và sẽ nâng lên 100 triệu lít/năm cho những năm tiếp theo. Sabeco cũng khởi công dự án Sài Gòn - Cần Thơ công suất 50 triệu lít/năm, vốn đầu tư xấp xỉ hơn 450 tỉ đồng.

Trong ba năm trở lại đây, Sabeco đang dẫn đầu về tốc độ mở rộng, đầu tư mới các nhà máy sản xuất. Ước tính Sabeco hiện đã đầu tư 24 dự án, trong đó đã có 20 dự án nhà máy đi vào hoạt động với tổng công suất hiện có hơn 1,8 tỉ lít bia! Chưa hết, trong giai đoạn 2014-2015, doanh nghiệp dự kiến sẽ đầu tư thêm ba dự án mới, với các nhà máy sẽ được mọc nhiều hơn nữa ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nếu khu vực phía Nam, Sabeco đang vươn mình mạnh mẽ, thì khu vực phía Bắc chứng kiến sự bành trướng của Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco). Sau thành công trong năm 2010, khi nhà máy bia Hà Nội - Mê Linh giai đoạn hai chính thức được khánh thành với công suất 200 triệu lít/năm, năm 2011 Habeco tiếp tục khánh thành mới nhà máy bia Hà Nội - Thái Bình công suất 50 triệu lít/năm. 

Đến nay, riêng Habeco đã có cả chục nhà máy nhỏ khắp miền Bắc, miền Trung như tại Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình...

Không chỉ các “đại gia” Sabeco, Habeco tăng cường đầu tư, tại hầu hết các địa phương đều có các nhà máy bia nhỏ đua nhau mọc lên. Bên cạnh đó là khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI) cũng đang từng bước tấn công thị trường Việt Nam, trong đó đáng chú ý là Carlsberg (Đan Mạch); bia Budweiser (Mỹ)…

Trước việc các hãng bia đua nhau mở rộng quy mô bằng việc khởi công, khánh thành hàng loạt nhà máy, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - TS Bùi Kiến Thành cho rằng, Việt Nam cần hết sức thận trọng với dự án nhà máy bia bởi đây là mối nguy lớn với nền kinh tế, ảnh hưởng giống nòi.

“Việc cấp phép xây dựng với các dự án gây ảnh hưởng sức khỏe của nhân dân như nhà máy bia, thuốc là là không nên. Nhìn thực tế, nhà máy bia hiện tại của chúng ta đã rất nhiều, ngành sản xuất bia cũng không phải là ngành công nghệ cao cần ứng dụng, chuyển giao công nghệ”, chuyên gia  kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết.

Theo đó, nếu có thêm nhà máy bia được đi vào hoạt động có nghĩa thị trường nội địa có thêm nguồn cung là một lượng bia lớn đi kem với đó chắc chắn lượng bia tiêu thụ của người Việt sẽ tiếp tục tăng. Tứ đó dẫn đến tác hại cho xã hội.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cho biết, trước khi cấp phép mình phải xem dự án sản xuất kinh doanh đó làm ra sản phẩm nào, có lợi ích gì cho xã hội. Với bia, rượu... tác hại của nó thấy rõ vì thế việc có cấp phép các dự án xây dựng mở rộng nhà máy bia cần phải thận trọng.

Theo ông Thành, nguy hại kinh tế đến từ việc sử dụng bia rượu đó là vấn đề uống rượu bia ảnh hưởng sức khỏe, giảm năng xuất lao động. Cùng với đó sử dụng bia rượu dẫn đến tai nạn lao động, tai nạn giao thông dẫn đến vấn đề xã hội to lớn.

“Sức khỏe người dân ảnh hưởng dẫn đến chi phí về y tế, chi phí chữa bệnh, dân tộc say sưa, giống nòi bị ảnh hưởng. Tất cả các vấn đề đó những người có trách nhiệm trong cấp phép, hoạch định chính sách cần phải suy nghĩ”, chuyên gia Bùi Kiến Thành phân tích.

Đặc biệt, chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng cảnh báo không nên cấp phép xây dựng các dự án nhà máy bia, thuốc lá cho khối doanh nghiệp nước ngoài (FDI): “Thu hút đầu tư FDI chúng ta phải tính đến những ngành công nghệ cao, chuyển giao công nghệ còn với ngành sản xuất bia, thuốc lá không mang lại lợi ích kinh tế mà mang tác dụng ngược lại nên chúng ta không nên cấp phép dự án như vậy”. 

Hoàng Lực