TS Nguyễn Tiến Luận: Tôi rất xúc động khi sắp tạm biệt VIPUA

19/12/2014 06:49
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Nói một cách thật lòng, chúng tôi rất cảm ơn Hiệp hội, nói hơn nữa là một sự biết ơn, và xã hội cũng phải ghi nhớ điều đó.

Ngày mai (20/12), Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam sẽ chính thức ra mắt. Hòa chung niềm vui ấy, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin gửi tới quý độc giả những chia sẻ của TS. Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Nguyễn Trãi về những kết quả của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Ngoài công lập sau gần 10 năm cống hiến cho nền giáo dục nước nhà.

Cảm xúc của ông thế nào khi đón nhận sự ra đời Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam?

TS Nguyễn Tiến Luận: Tôi rất mong chờ ngày Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam chính thức ra mắt, bởi nó cho thấy nhà nước ta đang ngày càng quan tâm sâu sắc hơn cho sự nghiệp giáo dục – con đường duy nhất đưa chúng ta sánh vai với các cường quốc.

Trước hết, tôi muốn nói đến sự ra đời của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập. Gần 10 năm thành lập và phát triển, Hiệp hội đã có nhiều đóng góp quan trọng, đem lại nhiều lợi ích cho nền giáo dục nước nhà, thúc đẩy giáo dục Việt Nam hội nhập quốc tế nhanh hơn.

TS Nguyễn Tiến Luận: Nói một cách thật lòng chúng tôi rất cảm ơn Hiệp hội, nói hơn nữa là một sự biết ơn, và xã hội cũng phải ghi nhớ điều đó. Ảnh: Ngọc Quang.
TS Nguyễn Tiến Luận: Nói một cách thật lòng chúng tôi rất cảm ơn Hiệp hội, nói hơn nữa là một sự biết ơn, và xã hội cũng phải ghi nhớ điều đó. Ảnh: Ngọc Quang.

Có một điều hết sức quan trọng là Chính phủ đã nhận ra rằng chúng ta phải đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, trong toàn bộ tiến trình đi đến định hướng mới cho nền giáo dục có những dấu ấn rất rõ nét của Hiệp hội trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập. Và có một điều hết sức quan trọng, đấy là Hiệp hội đã rất nhiều lần bày tỏ quan điểm, phản biện các chính sách giáo dục của nhà nước, góp phần thúc đẩy nền giáo dục phát triển lành mạnh hơn, mạnh mẽ hơn, từng bước khắc phục những hạn chế với giáo dục đại học.

Đơn cử như chuyện thay đổi cách thức tuyển sinh đại học, cao đẳng thời gian qua, nếu không có sự phản biện mạnh mẽ của Hiệp hội, của dư luận xã hội thì nhà nước vẫn cứ chi ra hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho chuyện thi cử, rồi gia đình các thí sinh cũng chi phí rất tốt kém. Nếu cộng dồn lại thì số tiền xã hội phải gánh cho những kỳ thi lên tới cả nghìn tỷ đồng.

Nói một cách thật lòng chúng tôi rất cảm ơn Hiệp hội, nói hơn nữa là một sự biết ơn, và xã hội cũng phải ghi nhớ điều đó.

Tôi biết GS. Trần Hồng Quân cách đây mấy chục năm và đã thấy được rất nhiều tư tưởng đổi mới của Giáo sư từ ngày ấy rồi. Giáo sư quý mến và nhớ tới tôi cũng là vì tôi đã đưa hàng nghìn học sinh đi du học, và có nhiều chuyện chúng tôi đã mạnh dạn trao đổi, đó là nước ngoài họ làm thế nào thì chúng ta học tập và làm theo.

Ông mong mỏi điều gì ở Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam?

TS Nguyễn Tiến Luận: Tôi kỳ vọng trong thời gian ngắn nhất Hiệp hội sẽ có tiếng nói thúc đẩy để giảm bớt thủ tục bớt rườm rà với các trường, đưa chương trình nước ngoài vào chuyển giao công nghệ để các trường tự chủ tốt hơn. Tôi luôn mong rằng một ngày nào đó không xa các em sinh viên được học chương trình nước ngoài tại đất nước mình, không phải đi xa nữa, không phải trả những khoản phí quá lớn như hiện nay.

Thời gian vừa qua, câu chuyện các trường ngoài công lập bị đối xử không công bằng so với các trường công lập đã được đề cập nhiều, nhưng chưa được giải quyết triệt để. Các trường công lập được nhà nước hỗ trợ rất nhiều về cơ sở vật chất, sinh viên được hỗ trợ cả về học phí, trong thời gian gần đây lại có thêm nhiều trường công lập được nâng cấp lên Cao Đẳng, nâng cấp lên Đại học… nhưng mục tiêu quan trọng nhất là đào tạo ra các cử nhân không thất nghiệp thì lại là câu hỏi bỏ ngỏ, không biết quy trách nhiệm cho ai, cho cơ quan nào.

Trong khi đó nhiều trường ngoài công lập muốn được tạo điều kiện để hoạt động tốt thì lại gặp nhiều khó khăn. Tôi xin nói rằng đầu tư cho giáo dục là cả một quá trình rất dài mà chúng tôi phải rất tâm huyết thì mới đứng vững được, bởi vì có rất nhiều rủi ro chứ không còn gọi là trắc trở nữa. Chúng tôi ý thức rất rõ rằng “sự tồn tại của thầy chính là trò”.

Tôi năm nay đã 63 tuổi rồi mà cứ phải chạy đi xin thủ tục chỗ này chỗ khác thì tôi cũng không muốn. Chúng tôi cố gắng cống hiến vì đó là niềm vui, là một sự tự hào khi còn có thể đóng góp một phần nhỏ bé cho xã hội. Ở tuổi này, chúng tôi không làm việc để kiếm tiền mà rất muốn để lại cho thế hệ sau này một điều gì đó, một sự đóng góp cho xã hội tương lai. Còn nếu vì tìm kiếm lợi nhuận, chúng tôi không đầu tư vào giáo dục, nhất là khi động vào đâu cũng lắm thủ tục khó khăn như bây giờ.

TS Nguyễn Tiến Luận mong mỏi sinh viên sẽ được học chương trình nước ngoài ngay tại Việt Nam.
TS Nguyễn Tiến Luận mong mỏi sinh viên sẽ được học chương trình nước ngoài ngay tại Việt Nam.

Ông vừa đề cập tới số lượng cử nhân thất nghiệp ngày càng lớn, ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?

TS Nguyễn Tiến Luận: Thị trường lao động ngày nay đã khác ngày trước rất nhiều, cách đây 20 năm thì suy nghĩ còn đơn giản nhưng bây giờ trong thế giới phẳng thì phải thay đổi nhanh để thích ứng. Tuy nhiên, chúng ta thấy rất rõ là trong vòng hai thập kỷ qua, khi các nền giáo dục phát triển nhanh thì Việt Nam dường như lại chậm phát triển, chưa đạt được đúng với kỳ vọng của nhân dân. Chúng ta thấy rất rõ là mỗi năm có vài nghìn cử nhân thất nghiệp, thậm chí thạc sĩ cũng thất nghiệp. Đấy là chúng ta cứ đào tạo (hời hợt), cử nhân thiếu kỹ năng trầm trọng, và tất yếu dẫn tới các doanh nghiệp không tuyển dụng được, nhất là doanh nghiệp nước ngoài.

Chúng ta thấy rất rõ có một điểm chung của các cử nhân thất nghiệp là các em được học lý thuyết nhiều nhưng lại thiếu thốn kỹ năm trầm trọng. Học đến lúc ra trường rồi mà hỏi cơ cấu tổ chức công ty này, doanh nghiệp kia, các phòng ban hoạt động thế nào không biết. Ngay cả những kỹ năng sơ đẳng là photocopy, lập hồ sơ đăng ký tuyển dụng… cũng không biết làm.

Tôi nói chuyện này có thể nhiều người sẽ thấy giật mình, đấy là nhiều cử nhân thất nghiệp không chỉ có lỗi của quy trình đào tạo mà còn có phần lỗi của các gia đình. Vì sao? Tôi thấy một đứa trẻ khi sinh ra, cho tới lúc đi học, rồi vào tới đại học rồi mà cái gì gia đình cũng bao cấp hết, thành ra các em không có bất cứ sự chủ động nào, chẳng có áp lực gì hết. Rồi ra trường không có việc làm cũng chẳng thấy xấu hổ, cứ nghĩ có cái bằng vinh quy bái tổ là xong, xin việc thế nào tùy bố mẹ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)