Từ chuyện nhờ bạn hiếp vợ, khuyến đẻ con gái ngẫm phận đàn bà

02/03/2013 15:12
Theo Mi An/Đất Việt
Những ngày qua, đề tài một người vợ trẻ bị chồng nhờ bạn hiếp để lấy cớ ly dị khiến cho dư luận xót xa, không tin nổi chuyện như thế mà vẫn xảy ra. Trong khi ấy, nghe nói đang có chính sách hỗ trợ gia đình sinh con gái một bề tới 3.000 tỷ đồng làm dấy lên cuộc tranh luận về kỳ thị giới tính. Nghe lao xao tiếng đời, thấy phận đàn bà sao mà khổ thế...
Mấy hôm nay, tôi cứ nghĩ hoài về trường hợp của cô gái trẻ ở Nam Đàn (Nghệ An), học hết lớp 9, ở nhà làm ruộng, bước chân vào tình yêu vài tháng, kết hôn, rồi cũng chỉ vài tháng sau khi làm vợ, chồng em lập mưu nhờ bạn hiếp dâm vợ mình để lấy cớ ly dị vì vợ ngoại tình. Em gái đáng thương đã phát điên, phải đi điều trị tâm thần, giờ vẫn sống lay lắt ở nhà mẹ. Một cuộc đời tan nát vì em lấy phải một gã chồng táng tận lương tâm, gã chồng- không đáng gọi là người mà phải là quỷ dữ, vì là một con người thì làm sao có thể nghĩ ra một âm mưu bẩn thỉu như vậy? Gã bạn đốn mạt kể lại, bạn nhờ gã làm như thế với cô gái vì cô không biết làm việc gia đình. Chao ôi, ở cái thời nào rồi mà chỉ vì một lý do như thế, người chồng có thể nghĩ ra một mưu kế rợn người như vậy để đối xử với vợ mình? Chẳng lẽ không có ai dạy cho hắn- gã chồng đốn mạt ấy những bài học luân lý đơn sơ, rằng “vợ chồng một ngày nên nghĩa”, “đã mang là nghĩa vợ chồng, dầu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời”?
Cô gái bị chồng nhờ bạn hiếp để ly dị.
Cô gái bị chồng nhờ bạn hiếp để ly dị.
Tôi biết các cô gái thời nay được mẹ “thả lỏng” hơn thời xưa nên có thể vụng đường thu vén, nhưng có câu vợ dại thì dạy dỗ, uốn nắn, bảo ban, tại sao lại phải dùng cách khốn nạn đến như thế để rũ bỏ người đã tin cậy trao thân gửi phận cho mình?
Có phải vì ảnh hưởng của truyền thông không? Có phải vì giờ này cứ giở báo ra là thấy vợ tưới xăng đốt chồng, chồng dùng cuốc giết vợ, con giết cha, cha giết con khiến cho cái thú tính trong mỗi người đều trỗi dậy, tới mức không còn biết thế nào luân thường đạo lý nữa? Có phải vì sự giáo dục của gia đình, của nhà trường, của xã hội đã không đến nơi đến chốn, để cho những người trẻ như gã chồng ấy không biết hành xử thế nào cho ra dáng một người đàn ông? Có lẽ rất nhiều lý do để dẫn tới một thảm kịch gia đình như vậy, một thảm kịch khiến chúng ta bàng hoàng, phẫn uất, xót thương. Mà những thảm kịch như thế với người phụ nữ sẽ còn nhiều, nếu như dân trí nói chung và học thức của nữ giới- đặc biệt ở khu vực nông thôn không được cải thiện. Bên cạnh vụ án gây sốc này, một sự kiện gây xôn xao khá nhiều trên các diễn đàn, đặc biệt là các diễn đàn dành cho phụ nữ, đó là đề án 3.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho các gia đình sinh con gái một bề. Người thì bảo có tiền thì tốt đấy, còn hơn các vị cứ nói suông bao năm nay mà chẳng thay đổi được tỷ lệ mất cân bằng giới tính. Người thì bảo “chúng tôi không cần sự bố thí, giờ đi đến đâu người ta cũng bảo: á à, nhà này toàn vịt giời nên được ưu tiên đây, càng khoét sâu mặc cảm”. Tôi thuộc diện phụ nữ “không liên quan”, không được hưởng lợi vì sinh toàn con trai, nhưng nghe những luồng ý kiến hai chiều, tự nhiên cũng thấy bối rối. Sao nhỉ, giả sử mình là bà mẹ của hai hay nhiều cô con gái, liệu mình sẽ mừng vui hay tủi thân trước quyết định này? Thời buổi kinh tế khó khăn, tự nhiên có một khoản tiền để hỗ trợ nuôi con, con đi học được hỗ trợ học phí, được cộng điểm khi thi đại học, kể cũng đỡ đấy chứ. Nhưng lý do để nhận được điều đó, chỉ vì con mình sinh ra “trót mang” phận gái, thì nghe ra cũng thấy bẽ bàng làm sao. Là con gái đáng thương thế sao? Con gái có kém gì con trai đâu nhỉ, tổng thống cũng làm rồi, bay vào vũ trụ cũng bay rồi, lọt vào danh sách tỷ phú quyền lực cũng lọt rồi, con gái chẳng có gì để mà phải tự ti trước con trai. Thế nhưng ở cái đất nước này, ở cái xã hội mà tư tưởng trọng nam khinh nữ đã bén rễ ngàn đời nay, nghĩ đến thân phận đàn bà, thấy cụ Nguyễn Du nói cách đây hơn 300 năm sao mà đúng thế “Đau đớn thay phận đàn bà...”. Mà suy cho cùng, nói thật lòng, thì để thay đổi phận đàn bà, không ai làm tốt hơn đàn bà, chứ đừng trông mong vào đàn ông. Mỗi người mẹ, khi sinh ra một đứa con gái, bên cạnh những tri thức ở nhà trường, hãy chuẩn bị cho nó thật tốt những kỹ năng sống khác. Hãy dạy con mình biết thu va hà vén, làm tốt việc nội trợ, chăm sóc gia đình, chồng con, hãy dạy con mình cách đối nhân xử thế với họ mạc làng xóm, với thiên hạ bằng đức hy sinh, lòng nhân ái, khiêm nhường. Tôi tin rằng, với một cô gái như vậy, có người chồng nào không trân trọng họ không? Và một cô gái được mẹ trau dồi và nuôi dưỡng cả phần thể xác lẫn tâm hồn như vậy, có chọn cho mình một người chồng thô lỗ tục tằn, “dùi đục chấm mắm cáy”, vũ phu hay không? Mỗi người mẹ, khi sinh ra một đứa con trai, cũng phải biết dạy bảo chúng phải biết thương yêu và trân trọng những người khác phái, yếu đuối và dễ bị tổn thương. Dạy chúng để trở thành những người chồng chu đáo và tử tế của tương lai, biết sẻ chia công việc gia đình với vợ. Đàn bà cũng làm khổ đàn bà nhiều nhất, dằn vặt nhau, trì triết nhau, hành hạ nhau hơn chán vạn lần đàn ông. Nếu mỗi bà mẹ chồng, mỗi người con dâu đều sống với nhau bằng lòng bao dung, san sẻ yêu thương và quý trọng nhau thật lòng, thì những bi kịch gia đình sẽ bớt đi nhiều lắm. Thế mới nói, cho dù xã hội có bỏ ra 3.000 tỷ đồng hay gấp trăm lần số đó nhưng một khi những người đàn bà chưa ý thức được vai trò của mình trong công cuộc “giải cứu thân phận đàn bà” thì bao nhiêu tiền cũng chỉ là “gánh vàng đi đổ sông Ngô” mà thôi. Tôi cầu mong những người phụ nữ trước tiên hãy biết yêu thương và trân quý lấy những giá trị của mình và yêu thương lấy nhau, để đàn bà nước Nam bớt khổ, chứ đừng trông chờ vào cái 3.000 tỷ đồng nào đó.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Theo Mi An/Đất Việt