Từ khi học đại học đến khi lấy bằng có thể kéo dài 15 năm

23/02/2023 06:44
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT về xây dựng và ban hành quy chế đào tạo đại học, SV có thể được kéo dài thời gian đào tạo tối đa tới 15 năm.

Nhiều trường đại học hiện nay đã xây dựng và ban hành quy chế đào tạo đại học theo tinh thần Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đáng chú ý, quy chế này có nhiều điểm mới được đánh giá là sẽ mang lại thuận lợi cho người học hơn so với quy chế cũ. Đặc biệt là trong việc điều chỉnh về thời gian đào tạo tối đa và kéo dài thời gian đào tạo tối đa với sinh viên chưa hoàn thành chuẩn đầu ra.

Áp dụng quy định mở của quy chế này, các trường đại học xây dựng những quy định khác nhau về thời gian đào tạo tối đa, theo đó, các trường đào tạo khối ngành y dược có thời gian đào tạo tối đa khá dài.

Đơn cử như trong mục 5, Điều 2 của Quyết định số 838/QĐ-ĐHYD về việc ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học của Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thì thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khóa học không vượt quá 02 lần thời gian theo kế hoạch học tập toàn khóa đối với mỗi hình thức đào tạo. Cụ thể, thời gian tối đa đối với các chương trình bác sĩ là 12 năm, dược sĩ là 10 năm và cử nhân là 8 năm.

Ngoài ra, trong mục 4, Điều 12 của Quyết định này về công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp của trường thì sinh viên đã hết thời gian học tập tối đa theo quy định nhưng chưa đủ điều kiện tốt nghiệp do chưa hoàn thành những học phần giáo dục quốc phòng - an ninh, giáo dục thể chất hoặc chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, trong thời hạn 03 năm tính từ khi thôi học được hoàn thiện các điều kiện còn thiếu và đề nghị xét công nhận tốt nghiệp.

Như vậy, với quy chế đào tạo hiện hành thì thời gian đào tạo tối đa của sinh viên nhà trường có thể lên tới 11 đến 15 năm tùy theo ngành học.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phan Thanh Tiến, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế cho rằng: việc các trường xây dựng và ban hành quy chế đào tạo đại học theo tinh thần Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kéo dài thời gian đào tạo là rất nhân văn.

Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế tại buổi nhập học đầu khóa tuyển sinh năm 2022. (Nguồn: Hội Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế).

Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế tại buổi nhập học đầu khóa tuyển sinh năm 2022. (Nguồn: Hội Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế).

Theo thầy Tiến, trong quy định cũ, tại Điều 6 của Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT về Ban hành quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ thì thời gian tối đa hoàn thành chương trình bao gồm: thời gian thiết kế cho chương trình quy định, cộng với 2 học kỳ đối với các khóa học dưới 3 năm; 4 học kỳ đối với các khóa học từ 3 đến dưới 5 năm; 6 học kỳ đối với các khóa học từ 5 đến 6 năm.

Như vậy, với những sinh viên thuộc ngành đào tạo 4 năm như ở Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế thì theo quy định cũ - chỉ có thể kéo dài thêm 2 năm đào tạo tối đa. Việc này đã gây ra khó khăn, nhiều sinh viên không thể tốt nghiệp vì những lý do bất khả kháng như có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm; những sinh viên học cùng lúc hai chương trình;...

Khi thời gian đào tạo tối đa được kéo dài hơn theo quy định hiện hành, những sinh viên vì hoàn cảnh bất khả kháng có thể giãn thời gian học của mình để vừa đi làm thêm kiếm tiền đóng học phí vừa sắp xếp đi học số lượng môn phù hợp mà không lo bị ảnh hưởng đến quá trình tốt nghiệp.

Hơn nữa, trường cũng có nhiều sinh viên học song song 2 chương trình. Tuy nhiên, vì chương trình 2 bắt buộc phải hoàn thành trong thời gian đào tạo tối đa của chương trình 1, mà trước kia chỉ có 6 năm đào tạo tối đa nên một số em đã không thể tốt nghiệp được chương trình 2.

Bởi vậy mà quy định hiện hành theo Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giúp nhiều sinh viên hoàn thành được các mục tiêu học tập của mình, mang đến nhiều quyền lợi hơn cho người học.

Mặt khác, theo quy chế đào tạo đại học hiện hành, trường hợp sinh viên đã hết thời gian học tập tối đa theo quy định nhưng chưa đủ điều kiện tốt nghiệp do chưa hoàn thành những học phần điều kiện gồm giáo dục quốc phòng - an ninh hoặc giáo dục thể chất hoặc ngoại ngữ, công nghệ thông tin, trong thời hạn 03 năm tính từ khi thôi học được hoàn thiện các điều kiện còn thiếu và đề nghị xét công nhận tốt nghiệp.

Để đạt được năng lực đầu ra ngoại ngữ (cả với ngành không chuyên và chuyên) đều không dễ dàng, nhiều sinh viên đã hết 4 năm đào tạo nhưng chưa đủ điều kiện xét tốt nghiệp bởi lý do này.

“Như tôi được biết, nhiều trường yêu cầu năng lực đầu ra ngoại ngữ là B1, B2; còn đầu ra với những ngành đào tạo chuyên ngoại ngữ là C1.

Số lượng sinh viên của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế thi lần 1 đạt ngay chứng chỉ đầu ra ngoại ngữ cũng chỉ vào khoảng 60-70%, còn lại phải thi vài lần mới đạt được. Thậm chí, trường cũng có sinh viên phải gần hết thời gian đào tạo tối đa mới đạt được chuẩn đầu ra.

Do vậy, theo tôi thì quy định này mang lại lợi ích tích cực cho quá trình hoàn thiện các chuẩn đầu ra. Bởi chuẩn đầu ra về ngoại ngữ hiện nay là khá khó, đặc biệt là với những nơi đào tạo đặc thù như trường chúng tôi”, thầy Tiến nói.

Hơn nữa, thầy Tiến cũng cho rằng, nhiều sinh viên sau khi đã hoàn thành xong chương trình đào tạo mà chưa đáp ứng được chuẩn đầu ra thì với khoảng thời gian được kéo dài là 3 năm tính từ khi hết thời hạn học tập tối đa theo quy định, nếu những sinh viên đó đi làm, công việc sử dụng ngoại ngữ thì năng lực thực hành tiếng sẽ được tăng lên cũng như sẽ có nhiều thời gian ôn tập hơn để chắc chắn đạt được chuẩn đầu ra theo yêu cầu.

Để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên, thầy Tiến cho hay, trường đã xây dựng 5 cấp độ thực hành tiếng cho sinh viên chuyên ngữ trong 5 học kỳ đầu gắn với 5/6 bậc của chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Từ đó, khi học xong cấp độ 5 và học thêm các khối kiến thức Ngôn ngữ học, Văn hóa, Văn học, sinh viên có thể thi đạt được chuẩn đầu ra bậc 5/6 (C1) mà trường yêu cầu.

Cũng theo Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế, số lượng sinh viên phải học đến thời gian đào tạo tối đa của trường thường rơi vào những em học song song hai chương trình.

Cũng trao đổi về vấn đề trên, Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho hay, theo tinh thần của Thông tư 08/2021-TT/BGDĐT ngày 11/08/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 347/QĐ-ĐHKTĐN về việc ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học cập nhật những điểm mới mà Thông tư 08 đưa ra.

Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. (Ảnh: NVCC).

Tiến sĩ Nguyễn Hải Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. (Ảnh: NVCC).

Theo thầy Hoàn, mục đích của quy định mới này là hướng đến việc giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trong cuộc sống, khó có thể học đúng kế hoạch học tập theo tiến độ bình thường. Thực tế thì cũng không có nhiều sinh viên muốn kéo dài thời gian học tập vì có thể sẽ gặp phải một số khó khăn trong quá trình học tập kéo dài và cả công việc khi ra trường.

Thứ nhất, khi lựa chọn kéo dài thời gian học tập, sinh viên phải chấp nhận việc thay đổi chương trình đào tạo. Bởi theo quy định hiện hành thì cứ sau 2 năm, chương trình đào tạo được cập nhật và thay đổi. Do vậy, nếu người học không theo dõi sự cập nhật và bám sát đúng theo chương trình học thì rất dễ gặp vướng mắc, ảnh hưởng đến kết quả học tập của bản thân.

Thứ hai, mức học phí càng về sau có thể càng tăng, nên khi sinh viên lựa chọn kéo dài thời gian học tập sẽ phải chịu mức học phí tăng theo các khóa sau.

Thứ ba, việc quản lý dữ liệu sinh viên của các bộ phận, phòng ban chức năng sẽ tốn nhiều thời gian, công sức hơn nếu sinh viên ở lại càng lâu trong trường.

Thứ tư, cùng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, ở một số ngành nghề, số lượng nhân sự được tuyển dụng sẽ ngày càng giảm dần và nếu sinh viên ra trường muộn thì trong tương lai có thể khá khó khăn khi xin việc.

Cũng theo thầy Hoàn, số lượng sinh viên phải học đến thời gian học tập tối đa cũng rất ít, thường nếu ra trường muộn cũng chỉ rơi vào khoảng từ 1-2 năm. Nguyên nhân có thể do sinh viên lựa chọn ngành học không phù hợp với khả năng, chưa hoàn thành chuẩn đầu ra, không tích lũy đủ tín chỉ,...

Để hạn chế tình trạng sinh viên ra trường muộn, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã nâng cao việc hướng nghiệp cả trước và sau khi tuyển sinh để sinh viên lựa chọn được ngành học phù hợp; công tác truyền thông đến sinh viên về những quy định, quy chế được trường hết sức quan tâm và sát sao; tăng cường sự kết nối với sinh viên qua nhiều kênh thông tin của trường,...

Khánh An