Ôn thi Đại học: 1001 Bí quyết thi đậu Đại học, Cao đẳng

13/03/2012 17:30
Theo tintuyensinh
Hãy nghe các thủ khoa và á khoa các trường ĐH-CĐ năm 2009 chia sẻ bí quyết ôn thi và cách làm bài thi của mình.
Vừa học vừa tự kiểm tra

Thủ khoa trường ĐH Ngoại thương Hà Nội Phạm Mạnh Cường là 1 trong 11 thí sinh trên cả nước đạt điểm số tuyệt đối 30/30. Cách học của Cường thuộc diện “cổ điển”, tức là tích lũy kiến thức từ từ, chắc chắn. Cường nói rằng kiến thức được xây dựng như một công trình, phải bắt đầu từ những viên gạch thì mới có một công trình bền vững. Những gì “ăn xổi ở thì” sẽ không có kết quả tốt đẹp.

" Để tránh bị bế tắc khi gặp những câu quá khó trong đề thi cần sử dụng phương pháp loại trừ"- Thùy Dung ( Thủ khoa trường ĐH Ngoại thương).

Nguyễn Tiến Dũng – thủ khoa trường ĐH Luật Hà Nội thì học và ôn luyện kiến thức một cách hệ thống, học tới đâu ôn tới đó, kết hợp làm thử đề thi trên mạng. Trong quá trình học nếu không hiểu cần giải đáp ngay vì chính những vấn đề khó hiểu đó rất có thể làm bạn gặp khó khăn trong phòng thi. Học và bám chắc kiến thức sách giáo khoa, tìm hiểu rõ nguồn gốc vấn đề, giúp vững vàng trước mọi tình huống. Thường xuyên có lịch ôn lại kiến thức đồng thời kết hợp trả lời các câu hỏi trắc nghiệm lý thuyết trên mạng ôn thi trực tuyến.

Theo Lê Văn Huỳnh – thủ khoa khối A trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), kinh nghiệm học của bạn là làm ngay và đầy đủ tất cả các bài học trên lớp, đồng thời tự tìm những tài liệu khác để nắm kiến thức sâu hơn. Huỳnh cho biết, cách đơn giản và dễ thực hiện nhất là viết ra giấy những kiến thức, những điều cần ghi nhớ. Điều này giúp nhớ nhanh và lâu hơn. Đặc biệt, Huỳnh ít ôn bài theo phương pháp trắc nghiệm vì cho rằng cách học đó không có hệ thống.

Với Thùy Dung, thủ khoa trường ĐH Ngoại thương (khối D) thì “bật mí” cách học môn ngoại ngữ như sau: phải luyện tập thường xuyên, mỗi ngày dành ra khoảng 30-60 phút để thực hành. Ngoài ra, cần phải làm nhiều bài tập để nắm vững các kiến thức cơ bản và các dạng bài. Đối với các bài tập về ngữ âm, phải nắm chắc các quy luật. Đối với những bài tập về từ vựng, phải đọc nhiều, thực hành nhiều, với mỗi từ phải đặt vào trong văn cảnh, cụm từ cụ thể để biết được từ đó hay đi kèm với giới từ nào, thuộc loại từ nào, từ đó có thể nhớ lâu và hiểu sâu về từ đó.

Đạt số điểm tuyệt đối 30/30, Đàm Văn Đông – chàng trai đến từ khối THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội đã trở thành một trong hai thủ khoa khối A của trường ĐH Kinh tế Quốc dân trong kỳ thi năm 2009. Đông cho biết: Với môn Lý nên chú ý phần điện, Hóa học cần chắc phần lý thuyết ngay từ đầu, còn môn Toán cần chú trọng phần bất đẳng thức. Hơn nữa với mỗi môn học phải có phương pháp riêng phù hợp. Đối với môn Toán, bạn cho rằng nên học theo từng dạng bài, tìm ra nhiều phương pháp để giải đề, luyện tập thật nhiều. Hiểu rõ bản chất và cách tư duy các công thức toán học. Còn môn Hóa phải nhớ các công thức hóa học, vận dụng các định luật bảo toàn một cách nhuần nhuyễn. Riêng đối với những môn trắc nghiệm khi làm bài phải chú ý cẩn thận, tránh những chỗ “lừa”. Phải luyện tập thật nhiều để ghi nhớ từng dạng bài.

Cẩn thận ngay cả với câu hỏi dễ

Phạm Mạnh Cường chia sẻ kinh nghiệm làm bài thi: Cuộc thi học sinh giỏi quốc gia ngoài kiến thức thì cần có tố chất bẩm sinh, còn kỳ thi ĐH thì chỉ cần nắm rõ kiến thức, làm bài chặt chẽ, đúng, đủ là đạt điểm cao. Trong các kỳ thi, Cường chỉ nháp hướng làm bài ra giấy, rồi làm trực tiếp bài thi. Sau khi kết thúc bài làm thì kiểm tra lại xem còn thiếu chi tiết gì sẽ bổ sung. Trong 3 môn thi, Cường thích nhất môn Hóa, bạn nói rằng đề Hóa rất hấp dẫn, vì có nhiều câu “đánh lạc hướng” nên nhiều bạn không đọc kỹ sẽ “mắc bẫy”. Điều này buộc học sinh phải học thật kỹ và cẩn thận, đó cũng là một cách học hữu hiệu đối với mỗi người.

Với môn ngoại ngữ, một bí quyết quan trọng của Thùy Dung là phải quan sát cẩn thận, không nên đánh mất điểm ở những câu đơn giản. Chú ý các tín hiệu, cụm từ chỉ thời gian để xác định xem câu đó diễn tả hành động xảy ra ở thì nào, từ đó có cách chia động từ cho phù hợp. Còn đối với các dạng bài đọc hiểu, thường có rất nhiều từ mới chưa biết, thì chỉ nên nắm nội dung chính, sau đó đoán từ để trả lời các câu hỏi ở phần sau.

Để tránh bị bế tắc khi gặp những câu quá khó trong đề thi, cần sử dụng phương pháp loại trừ. Khi chưa biết được đáp án nào là chính xác, thì dùng cách loại bỏ những đáp án biết chắc là sai. Với dạng đề thi trắc nghiệm thì đây là một phương pháp vô cùng quan trọng và hiệu quả.

Thùy Dung thường luyện kỹ năng ở các dạng bài cụ thể, sau đó tổng hợp thành cách làm bài chung cho các dạng đề. Vì vậy, trước khi làm bài, chỉ cần xác định bài tập đó thuộc dạng đề nào, rồi hình dung ra các bước để giải quyết.

Nguyễn Việt Hà, trường THPT Thăng Long, Hà Nội là 1 trong 11 thí sinh trên toàn quốc đạt từ 29 điểm trở lên ở cả 2 khối A và B. Là thủ khoa 29,5 điểm duy nhất của Học viện Ngân hàng, bạn bao giờ cũng muốn hiểu tận cùng các vấn đề, muốn lý giải tận gốc rễ những điều băn khoăn chứ không dễ dàng chấp nhận khi chưa thấy hợp lý. Hà cũng chịu khó sáng tạo, mày mò, để tìm ra cách giải hiệu quả. Mỗi tối, bạn thường dành khoảng 3 tiếng đồng hồ học, sau đó hệ thống lại các kiến thức đã học trong ngày.

Chiến thuật làm bài

* “Những câu dễ các bạn nên làm nhanh để khi đến câu khó còn nhiều thời gian để giải đi giải lại cẩn thận. Trước khi vào phòng thi Tú tự nhủ phải thật bình tĩnh, không vội vàng, vì vậy đề tuy không khó lắm nhưng Tú vẫn kiểm tra thật kỹ, cuối giờ mới nộp bài”. (Thủ khoa “kép” Phạm Ngọc Tú đạt điểm cao cả ĐH Bách khoa và ĐH Nông nghiệp)

* “Trước hết cần nắm vững lý thuyết, luyện nhiều bài tập tự luận và trắc nghiệm. Cần phải đọc kỹ đề bài và phân bố thời gian hợp lý, cố gắng hoàn thành bài trước 10-15 phút để kiểm tra lại bài”. (Lê Thị Thương, Á khoa trường ĐH Y Thái Bình)

* “Trong thời gian học (kể cả trên lớp hoặc trực tuyến), buổi tối trước khi đi ngủ nên dành từ 20 phút tới một giờ để làm bài kiểm tra trực tuyến kiến thức vừa học hoặc vừa ôn luyện để đánh giá kiến thức thu được. Tuy nhiên nên kết hợp giữa việc học trực tuyến và học trên lớp để có được hiệu quả cao nhất”. (Quách Đăng Hưng – Á khoa ĐH Ngoại thương với số điểm 29,5 và đậu ĐH Y Hà Nội với 27 điểm)

Theo tintuyensinh