Ôn thi Đại học: Bí quyết học khối A của thủ khoa Học viện Ngân hàng

06/03/2012 06:00
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - Tiếp xúc với thủ khoa Nguyễn Khánh Linh ấn tượng bởi một cô gái thông minh, trí tuệ và xinh đẹp

Thủ khoa có “gia sư riêng”

Nguyễn Khánh Linh đạt danh hiệu Thủ khoa Học viện Ngân Hàng với số điểm đáng nể: Toán 9, Lý 9, Hóa 10.

Linh sinh ra và lớn trong một gia đình có truyền thống về học tập. Mẹ Linh là giáo viên Trường Tiểu học Trung Giã nên ngay từ nhỏ em đã được mẹ kèm cặp trong việc học hành.

Linh tâm sự: “Mẹ là nguồn động viên to lớn của em trong  cuộc sống cũng như trong quá trình học tập. Mẹ đã luôn là...gia sư riêng của em, dìu dắt em từ nhưng nét chữ đầu tiên. Em luôn biết ơn sự quan tâm, động viên của mẹ đã giúp em bước vào cánh cửa đại học mà em mơ ước”.

Bà Nguyễn Thị Phú, mẹ của Khánh Linh tâm sự: “Cô thấy các em có cách học nhóm rất thú vị. Chúng lấy đề thi trên mạng, photocopy rồi phát cho các bạn trong nhóm. Hẹn đến giờ sẽ nhất định làm bài. Những hôm đầu cô cũng không hiểu nổi khi đồng loạt xuất hiện những tin nhắn có hai chữ: Hết giờ. Sau mới biết Khánh Linh lấy điện thoại của mẹ bấm giờ để thi cùng các bạn”.

Mẹ Linh còn chia sẻ, giao thừa năm nào Linh cũng lấy sách vở ra chọn bài khó nhất để làm. Em say sưa làm tới khi nào cho ra kết quả mới thôi. Linh coi như đây là món quà dành tặng em trong cả năm học hứa hẹn thành công.

Khi rảnh rỗi, Linh vẫn thường kèm em trai học bài thay mẹ. Hai chị em cùng chia sẻ với nhau về những bài tập khó. Qua đó Linh có thể dạy em học bài lại củng cố được kiến thức cơ bản.

Nguyễn Khánh Linh chụp ảnh kỷ niệm cùng thầy giáo dạy toán
Nguyễn Khánh Linh chụp ảnh kỷ niệm cùng thầy giáo dạy toán

Phương pháp khoa học trong học tập

Để học tốt môn toán, Linh không học theo dạng bài mà học theo phương pháp làm bài.

Theo Linh sách tham khảo thường chia một bài toán thành nhiều dạng. Để học thuộc được tất cả các dạng này rất khó nhớ nên cần biến đổi dạng bài mới lạ thành những dạng quen.

Với môn lý, Linh thường sưu tập đề trên mạng, các trường chuyên để rèn kỹ năng làm bài và biết thêm nhiều dạng bài tập mới. Trắc nghiệm lý năm nào cũng có một số bài tập mới, nếu không được làm qua thì thí sinh sẽ bị lúng túng và mất thời gian làm bài. Nhóm bạn của Linh thường... rủ nhau đi thi thử tại các trường lân cận để biết năng lực bản thân và rèn luyện tâm lý phòng thi.

Linh bật mí, để học tốt môn hóa cần có nền tảng vững chắc, chăm chỉ học lý thuyết, các hiện tượng phản ứng, bản chất các phương trình phản ứng.

Lý thuyết môn hóa không khó nhưng phải quát hết 3 năm học cấp III, bao gồm những ý nhỏ trong SGK. Linh thường tự tổng hợp đề cương ôn tập lý thuyết vô cơ, hữu cơ, các dạng bài tập, các phương pháp giải nhanh.

Trong ba môn thi, Linh thích nhất là môn Hóa. Linh kể, khi mới vào lớp 10 Linh quyết định đầu tư cho môn hóa khi thấy môn học này khác và khó hơn so với toán, lý. Với sự nhiệt tình của cô giáo, Linh dần cảm thấy hóa không còn quá khó và không ngờ cô bạn lại yêu thích môn hóa hơn cả môn toán- môn học Linh luôn thấy hứng thú.

Linh cho biết, khi làm bài, điều quan trọng nhất là phải bình tĩnh, đặt mục tiêu cho bản thân để cố gắng chứ không phải là tự tạo áp lực trong phòng thi. Nếu có sự chuẩn bị kiến thức càng kỹ thì tâm lý thi không nặng nề. Khi làm bài thi cần làm cẩn thận, bài dễ trước, bài khó sau để không mất thời gian và mất tinh thần.

Linh lựa chọn trường Đại học Ngân hàng bởi theo tìm hiểu, em được biết Ngân hàng là ngành đang phát triển và trở thành một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế. Đang là sinh viên năm thứ nhất, Linh cho biết, để đạt được kết quả cao cần tích cực, sôi nổi trên lớp đồng thời chủ động tìm hiểu kiến thức, nếu không thì sẽ rất khó bắt nhịp với chương trình giảng dạy của giảng viên.

Linh mơ ước được đi du học để học hỏi tri thức ở các nước phát triển, mở mang tầm nhìn của mình về nền giáo dục, văn hóa của các nước trên thế giới.

Nguyễn Khánh Linh (bên phải) cùng Á khoa khối A Học viện Ngân hàng
Nguyễn Khánh Linh (bên phải) cùng Á khoa khối A Học viện Ngân hàng
Đỗ Quyên Quyên