Tư vấn tâm lý - gỡ rối hướng nghiệp - sức khỏe mùa thi

20/02/2012 17:35
Theo Tuổi trẻ
Phải ăn đủ lượng và chất, không được bỏ bữa …để giữ đường huyết trong máu hoạt động tốt và não bộ ổn định là những lời khuyên dành cho các thí sinh.
Mở đầu buổi tư vấn Nhóm sức khỏe mùa thi - gỡ rối hướng nghiệp - tư vấn tâm lý tại Cần Thơ, TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM cho biết trong thời điểm học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới thì việc đảm bảo trạng thái tâm lý thoải mái, đời sống tinh thần lành mạnh và sức khỏe dồi dào sẽ giúp các bạn bước vào kỳ thi sắp tới với thái độ tự tin và đạt kết quả cao. 
Dĩ nhiên học sinh sẽ chịu không ít áp lực với “rừng” thông tin của các trường, nhưng quyết định cuối cùng vẫn là của mình, học sinh không nên lay chuyển trước nhiều thông tin đa chiều của nhiều người mà hãy tự tin với sự lựa chọn của mình.
Để đạt được điểm rơi phong độ trong mùa thi, TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM chia sẻ: kỳ thi sắp tới là một cuộc đua đường dài nên học sinh phải có đủ sức khỏe, sức bền thật tốt. 
Muốn được như vậy phải ăn đủ lượng và chất, không được bỏ những bữa ăn chính và cần thêm những bữa phụ để giữ đường huyết trong máu hoạt động tốt và não bộ hoạt động ổn định. Tăng cường thêm chất béo, Omega 3, chất đạm, vitamin và chất khoáng. 
TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cũng lưu ý học sinh nên ngủ đủ giờ để não bộ được làm việc tốt nhất và tăng cường thêm các hoạt động nhằm duy trì thêm thể lực. Thầy Nguyễn Việt Dũng, phó Trưởng phòng thường xuyên chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Cần Thơ lưu ý học sinh nên cân nhắc khả năng học vấn và năng lực để chọn trường dự thi. 
Nếu học học lực tốt thì học sinh có thể đăng ký dự thi CĐ, trung cấp sau đó liên thông lên đại học. 
Ban tư vấn sức khỏe mùa thi, gỡ rối hướng nghiệp, tư vấn tâm lý tại ngày hội - Ảnh: Như Hùng
Ban tư vấn sức khỏe mùa thi, gỡ rối hướng nghiệp, tư vấn tâm lý tại ngày hội - Ảnh: Như Hùng
Học sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn - Ảnh: Như Hùng
Học sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn - Ảnh: Như Hùng

* Em không có điều kiện ăn sáng do nhà xa, buổi trưa thường xuyên ăn cơm tiệm nên cũng không đủ dinh dưỡng. Em cần ăn thêm những gì để đủ năng lượng cho cơ thể?

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: Em có thể mang theo cơm nắm, hộp đậu phộng muối mè, trứng luộc, đậu phộng nấu, đậu phộng rang, xôi, bánh tét, bánh ít (những loại ở nhà thường có) hoặc sữa tươi, đậu nành, khoai lang luộc... để ăn thêm sau bữa chính nhằm bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể và não để học tốt

* Gần tới mùa thi, học sinh cần được tăng thêm các loại thuốc nhằm duy trì trí nhớ tăng cường não bộ?

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: Hiện nay chưa có loại thuốc nào gọi là uống vào sẽ thông minh. Học sinh không nên uống thuốc tràn lan vì dễ gây nhiều xáo trộn trong cơ thể mà phải hỏi ý kiến bác sĩ để được cung cấp các loại thuốc cần thiết. 

* Em có thói quen vào phòng thi thì tay hay run và tâm lý không thoái mái?

- TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM: Nếu đặt nặng vấn đề ăn thua thì mình sẽ thấy rất khó khăn. Trong đời người chúng ta đối diện với rất nhiều kỳ thi. Mỗi kỳ thi sẽ có tầm quan trọng riêng nên cần phải xem mỗi kỳ thi như một cuộc sát hạch trong đời. Chính vì thế học sinh nên đối diện với kỳ thi hết sức thoải mái, không nên quá lo lắng hoặc sợ hãi. Vả lại khi chuẩn bị một tâm thế thải mái trước kỳ thi thì bước vào kỳ thi chúng ta sẽ bớt đi trạng thái lo lắng. 

* Lịch học của em gần như suốt cả tuần nên em rất mệt mỏi, học lực cũng sa sút. Em sắp bước vào kỳ thi nhưng tâm lý rất nặng nề. Xin cho em lời khuyên?

- TS Đinh Phương Duy: chuyện các em hồi hộp, lo lắng, không thoái mái trong học thi là rất bình thường. Muốn tâm lý thoải mái cần xem việc học như là cách để thỏa mãn nhu cầu: không nên xem cách học như để trả nợ. Bên cạnh nhu cầu học tập chúng ta cần có nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh và một môi trường học tập thân thiện.

* Từ trước đến nay em luyện thi khối tự nhiên nhưng sau này em phát hiện ra em có sở thích xã hội nhiều hơn. Tâm trạng em hiện rất bối rối? 

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: khi chúng ta chọn ngành nghề nào đó phải tìm hiểu những người đã từng học ngành đó sau khi ra trường họ làm công việc gì để xem có phù hợp với sở thích của mình hay không. Khi xác định đúng ngành nghề thì khi ra trường lúc vào nghề bạn sẽ không bị hụt hẫng với ngành nghề đã chọn. Vả lại sở thích không chưa đủ mà cần phải có đam mê với ngành học.
- TS Đinh Phương Duy: thực tế nhiều bạn học khối A nhưng vẫn thể hiện khuynh hướng xã hội, niềm đam mê các lĩnh vực xã hội trong công việc của mình. Nhiều người là bác sĩ, kỹ sư nhưng vẫn làm thơ, viết văn rất tốt.

* Em chọn được ngành ưng ý nhưng hiện nay nhiều người nói ngành đó ra trường không có việc làm ổn định. Em có nên thay đổi ý định không hay vẫn trung thành với quyết định của mình?

- Thầy Nguyễn Việt Dũng, phó Trưởng phòng thường xuyên chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Cần Thơ: Khi đã đam mê thì em nên theo đuổi ngành mình đã chọn, không nên dao động về tâm lý. Vả lại khi có đam mê thì em sẽ có quyết tâm lẫn ý chí đi theo ngành đó. Có thể hiện tại ngành em chọn chưa “hot” nhưng tương lai ngành của em sẽ rất nhiều người quan tâm và nhiều cơ hội việc làm. 

* Con tôi rất ít ăn rau và trái cây, sợ cháu không có đủ chất và sức để học. Cần bổ sung chất gì cho cháu? 

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: ăn ít rau và trái cây không chỉ thiếu vitamin và khoáng chất mà còn thiếu chất xơ (dễ gây táo bón). Học sinh cần ăn nhiều rau và trái cây, ngoài ra có thể bổ sung thêm các loại thuốc bổ bổ vitamin và chất khoáng vào buổi sáng và nên dùng ngay bây giờ, không nên để cận ngày thi mới dùng.

* Ngành tâm lý ở Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM khác với Trường ĐH Sư phạm ra sao?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM: Đây là năm thứ tư Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM tuyển sinh ngành tâm lý. Tỷ lệ thí sinh thi vào ngành tâm lý rất cao. Việc đào tạo ngành tâm lý ở các trường thường có 70% nội dung chương trình đào tạo giống nhau, 30% còn lại là thế mạnh riêng của từng trường. Tuy nhiên, ngành tâm lý ở trường chúng tôi thường có điểm trúng tuyển cao hơn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

* Áp lực trong ngành luật có cao không? Khả năng giao tiếp có ảnh hưởng gì khi làm việc ngành luật? Khi học luật có đòi hỏi đủ điều kiện về ngoại ngữ không? 

- ThS Lê Văn Hiển, phó phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM: học ngành luật sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức về pháp luật. Nếu các bạn có thêm các kỹ năng mềm sẽ rất thuận lợi trong quá trình làm việc. Nhà trường có quy định chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và sinh viên phải đạt điều kiện này mới được tốt nghiệp. 

* Em đang tập trung toán, lý, hóa để chuẩn bị thi đại học mà xao lãng các môn học khác. Em sợ ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp. 

- Thầy Nguyễn Việt Dũng: Muốn vào đại học thì em phải hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp rồi mới tham dự kỳ thi đại học nên tuyệt đối không nên xem nhẹ các môn khác. Em cần cân đối lại việc học cho hợp lý.

* Tụi em giờ đây học quá nhiều, ngủ không đủ giấc, có dễ ảnh hưởng đến trí nhớ không?

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh: Khi mất ngủ hoặc bạn nhồi nhét kiến thức vào đầu quá nhiều bạn sẽ bị triệu chứng mau quên. Cần xem lại lịch học tập để có sự sắp xếp hợp lý, có thời gian nghỉ ngơi và não bộ hoạt động tốt.

* Em học giỏi Anh văn và muốn thi ngành sư phạm Anh nhưng ba mẹ em muốn em thi ngành y. Em biết phải làm sao?

- TS Đinh Phương Duy: hai ngành này khác nhau về khối thi. Điều quan trọng là khi đã thích ngành mình chọn thì em phải chứng minh được cho ba mẹ thấy rằng ngành đó phù hợp với tính cách, năng lực, sở thích của mình. Dĩ nhiên cha mẹ nào cũng sẽ ủng hộ và tôn trọng quyết định đúng đắn và quyết tâm theo đuổi của con.

Danh sách ban tư vấn

- TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM
- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM
Theo Tuổi trẻ