Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Tướng Thước bàn việc Bộ Chính trị kiểm điểm: Chưa ai làm được như vậy!

15/08/2012 07:12
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Tôi theo dõi tất cả các đợt sinh hoạt trước, công tác chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình của đợt này là chu đáo…”.
Ngày 13/8, tại Hà Nội, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh chủ trì Hội nghị.

Trao đổi với Giáo dục Việt Nam về kết quả Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên tư lệnh quân khu IV đánh giá: “Tôi nghe 3 đồng chí ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư - những người trực tiếp làm công tác chuẩn bị của bộ phận thường trực, thì thấy rằng những vấn đề phản ánh được viết trên báo mà trình bày đó là sự thật. Và tôi xem đó như là một kết quả bước đầu. Từ trước đến giờ, chưa ai làm được như vậy.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Tôi có niềm tin và hi vọng sẽ có một sự chuyển biến nhất định bởi vì trong đó có một số nội dung, những vấn đề gì đã rõ thì Bộ Chính trị kết luận, những gì chưa rõ thì Ủy ban kiểm tra, các Ban Đảng sẽ kiểm tra, làm rõ. Tất cả để chuẩn bị cho Bộ Chính trị họp vào tháng 9 tới đây kết luận và hoàn thành các văn bản để chuẩn bị cho Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đây là Bộ Chính trị mới tự phê bình còn Ban Chấp hành Trung ương Đảng có nhiệm vụ phê bình Bộ Chính trị để ra một quyết định thực hiện theo nghị quyết Trung ương 4. Lúc ấy, phải ngồi lại xem chất lượng như thế nào nhưng trước mắt như vậy là có một sự chuyển biến tích cực”. 

Trung tướng Thước nói tiếp: “Tôi theo dõi tất cả các đợt sinh hoạt trước, công tác chuẩn bị kiểm điểm tự phê bình của đợt này là chu đáo. Một là trước lúc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Bộ Chính trị chỉ đạo cho các Đảng bộ trực thuộc, các cơ quan Trung ương trực thuộc đóng góp ý kiến cho tập thể và cá nhân. Thứ hai là các đồng chí Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và tương đương được mời đến để phổ biến các văn kiện cho các hoạt động tới đây là một việc mới.

Theo như giải trình, tất cả những ý kiến được đóng góp đều được tổng hợp và giữ nguyên văn. Cái gì để báo cáo tập thể Bộ Chính trị thì báo cáo Bộ Chính trị, những ý kiến đóng góp cá nhân thì sẽ giữ nguyên văn các ý kiến để cho các cá nhân tự nghiên cứu”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo Tướng Thước, “có lẽ chưa có đợt sinh hoạt chính trị nào mà kéo dài được đến 12 ngày. Đây không phải là kiểm điểm toàn diện mà có vấn đề suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, về công tác cán bộ. Khoảng thời gian đó trong điều kiện đất nước đang có nhiều vấn đề nóng bỏng thể hiện quyết tâm của Bộ Chính trị. Lần này nói rất ngắn về các ưu điểm mà chủ yếu nói về các khuyết điểm và cách khắc phục các khuyết điểm còn tồn tại đúng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4.

Những vấn đề gì chưa rõ thì tiếp tục được thẩm tra đến tháng 9 này sẽ có kết luận ví dụ như trách nhiệm trong vụ Vinashin, Vinalines là của ai…

Như vậy trong công tác kiểm điểm phê bình và tự phê bình để đánh giá đúng thực trạng thì vấn đề quan trọng nhất là xử lý những việc đó như thế nào, tiếp tục thế nào để khắc phục những hạn chế và phát huy những điểm tích cực. Cách đặt vấn đề như thế là rất đúng”.

Nói về ý nghĩa của công tác kiểm điểm phê bình và tự phê bình, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết: “Nếu phê bình và tự phê bình, đấu tranh quyết liệt những khuyết điểm, làm rõ vấn đề để đi đến thống nhất, đoàn kết là điều rất đáng quý. Nhưng phê bình, tranh luận, đấu tranh không triệt để đi đến thỏa hiệp thì lại không ổn. Nếu dĩ hòa vi quý để đi đến đoàn kết thì đoàn kết đó là rất nguy hiểm.

Trong cuộc đời tôi, tôi đã nhiều lần chứng kiến những cuộc tranh luận quyết liệt, nảy lửa về các vấn đề lớn của đất nước như công tác dân vận, gây dựng lực lượng sau Tết Mậu Thân năm 1968, chiến dịch Tây Nguyên… Đó là những lần tranh luận quyết liệt diễn ra trong nhiều ngày, cuối cùng cũng đi đến những quyết định dù thực hiện rất khó khăn nhưng lại mang ý nghĩa sống còn góp phần vào thắng lợi của đất nước ta”...  
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang