Tuyển sinh bậc Tiểu học ở nước Đức diễn ra như thế nào?

12/04/2018 06:00
Đinh Tuyết Mai
(GDVN) - Cha mẹ có con đủ 6 tuổi tính đến ngày 31/8 có trách nhiệm tự tìm hiểu và làm thủ tục xin học cho trẻ tại trường tiểu học ở gần nơi họ sinh sống.

LTS: Giới thiệu về hệ thống tuyển sinh vào các trường phổ thông ở Cộng hoà Liên bang Đức, trong bài viết này, nhà giáo Đinh Tuyết Mai  chia sẻ cụ thể về việc tuyển sinh vào lớp 1 tại đây.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo Luật Giáo dục ở Cộng hoà Liên bang Đức, tất cả thanh thiếu niên Đức hoặc con cái của người nước ngoài định cư ở Đức, ở độ tuổi từ 6 đến 16, bắt buộc phải đi học ở các trường phổ thông công lập hoặc tư thục.

Ở độ tuổi này, các em thuộc nhóm "Phổ cập bắt buộc". Nếu học sinh thuộc nhóm "Phổ cập bắt buộc" không đến học ở trường hoặc bỏ học, Ban Giám hiệu nhà trường phải lập tức thông báo cho phòng giáo dục, phòng thanh thiếu niên và phụ huynh để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tuyển sinh bậc Tiểu học ở nước Đức diễn ra như thế nào? ảnh 1

Đà Nẵng “mở cửa” cho trường ngoài công lập tuyển sinh

Bộ Giáo dục Cộng hoà Liên bang Đức trao toàn quyền giáo dục phổ thông cho các tiểu bang thực hiện từ A đến Z.

Theo luật hiện hành, học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 tại các trường công lập ở Đức không phải đóng học phí.

Mỗi em có đủ tiêu chuẩn về sức khỏe cũng như trí tuệ đều có quyền được học tập ở các trường công lập gần nơi sinh sống nhất của gia đình.

Các trường phổ thông công lập phải có trách nhiệm nhận tất cả học sinh có đầy đủ tiêu chuẩn vào học, không phân biệt màu da và tôn giáo…

Phòng Giáo dục địa phương nhận trách nhiệm trước Bộ Giáo dục điều hành và kiểm tra nhiệm vụ tuyển sinh đầu cấp của các trường phổ thông trong địa bàn quản lý.

Hệ thống giáo dục phổ thông ở Đức không phân chia trường theo 3 cấp (cấp I; cấp II và cấp III) như ở Việt Nam.

Mỗi trường phổ thông từ cấp dưới đến cấp trên, công lập hay tư thục, đều phải tuân theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục, kết hợp chặt chẽ với các phòng chức năng có liên quan để thực hiện nhiệm vụ tuyển sinh hằng năm.

Dưới đây là cơ cấu phân loại trường phổ thông cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 ở Đức.

Xin giới thiệu hệ thống trường dưới dạng tương tự như trường phổ thông ở Việt Nam (nếu có) để bạn đọc dễ hình dung:

1) Grundschule (tương tự như trường Tiểu học ở Việt Nam): Là các trường công lập, được phân bố đều ở các địa phương: xã, huyện, thành phố, Trường có nhiệm vụ trang bị kiến thức cơ bản từ lớp 1 đến lớp 4 cho học sinh ở độ tuổi từ 6 đến 10.

Về cơ bản nhà nước Đức không khuyến khích và không tạo điều kiện để thành lập trường tư thục cho học sinh ở giai đoạn giáo dục cơ bản này.

2) Realschule và Hauptschule (tương tự như trường trung học cơ sở ở Việt Nam): Là hai loại trường công lập hoặc tư thục, trang bị kiến thức cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 10 ở khắp các tiểu bang (Realschule) và từ lớp 5 đến lớp 9 ở một số tiểu bang (Hauptschule).

Hiện nay Bộ Giáo dục đang thảo luận và đề xuất biện pháp loại bỏ dạng trường Hauptschule.

3) Gymnasium - Trường trung học chất lượng cao: Là các trường công lập hoặc tư thục, giảng dạy học sinh từ lớp 5 đến lớp 12 trên toàn lãnh thổ Cộng hòa Liên bang Đức.

Chất lượng giáo viên cũng như chỉ tiêu tuyển chọn cho học sinh vào các trường này đòi hỏi cao hơn và tùy theo quy định riêng của từng tiểu bang.

Trong bài viết này, tôi tập trung giới thiệu chi tiết về việc tuyển sinh vào lớp 1 ở trường Tiểu học trên toàn lãnh thổ Cộng hòa Liên bang Đức. (Việc tuyển sinh vào các cấp cao hơn sẽ được giới thiệu tiếp theo…).

Tuyển sinh vào lớp 1 ở các trường Tiểu học (Grundschule) tại Cộng hoà Liên bang Đức

Ngày khai giảng năm học mới hàng năm ở Đức thường từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 tùy theo từng tiểu bang.

Các bậc cha mẹ có con đủ 6 tuổi tính đến ngày 31/8 phải có trách nhiệm tự tìm hiểu và làm thủ tục xin học cho trẻ tại trường tiểu học ở gần nơi họ sinh sống.

Tuyển sinh bậc Tiểu học ở nước Đức diễn ra như thế nào? ảnh 2

Trường tư thục ở Sài Gòn không phải lo lắng như Hà Nội

Theo quy định, vào đầu tháng 2 hằng năm, phòng giáo dục sẽ gửi giấy thông báo rõ cho cha mẹ của trẻ biết: Tên và địa chỉ của trường tiểu học, nơi họ có quyền nộp hồ sơ xin học cho con.

Thời hạn làm thủ tục xin học và những giấy xác nhận cần thiết, được nhà trường hướng dẫn rất cụ thể tại bảng niêm yết tại trường đồng thời với thông báo đăng trên tờ tin địa phương hoặc hướng dẫn trên trang chủ website ("home page") của trường.

Tùy theo qui định của từng tiểu bang, thời gian xin nhập học cho trẻ tại trường tiểu học kéo dài 8 tuần và hạn cuối cùng thường vào đầu tháng 5.

Sau khi nhận đủ hồ sơ xin học, nhà trường có trách nhiệm trực tiếp xét duyệt hồ sơ và thông báo kết quả tới phụ huynh chậm nhất là đầu tháng 6.

A) Trách nhiệm của Vườn trẻ:

Hầu hết trẻ em bắt đầu đủ 3 tuổi, sẽ được theo học ở vườn trẻ. Thời gian bé học ở vườn trẻ là 3 năm.

Vào năm cuối cùng ở vườn trẻ (bé từ 5 tuổi trở lên), vườn trẻ trang bị cho các cháu những kiến thức cơ bản theo qui định của phòng Giáo dục, để chuẩn bị cho trẻ nhập học lớp 1.

Đồng thời thông qua các trò chơi hằng ngày ở vườn trẻ, các buổi dã ngoại, các buổi kể chuyện… cô giáo tạo điều kiện khích lệ và gây dựng tính tò mò, ham học cho trẻ...

Vì vậy, hầu hết các bé học năm cuối cùng ở vườn trẻ đều rất hồi hộp, mong mỏi đến ngày được tạm biệt vườn trẻ để vào lớp 1.

Vườn trẻ có trách nhiệm viết giấy nhận xét về khả năng, điểm mạnh và điểm yếu của trẻ trong năm học cuối cùng.

Bé trai tự hào chuẩn bị "hành lý" lên đường vào lớp 1
Bé trai tự hào chuẩn bị "hành lý" lên đường vào lớp 1

B) Trách nhiệm của cha mẹ:

Khi bé ngoài 5 tuổi, các bậc cha mẹ phải liên hệ trực tiếp với phòng Y tế để xin hẹn khám sức khỏe cho bé trước khi đi học phổ thông.

Đồng thời, phụ huynh phải liên hệ với phòng giáo dục hoặc tự tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông để chuẩn bị làm thủ tục đăng ký xin học cho con tại trường Tiểu học.

Nếu cha mẹ sao nhãng, không đăng ký đưa con đến trường, sẽ lập tức nhận được giấy báo xử lý của phòng Thanh thiếu niên và phòng Giáo dục.

Các giấy tờ bắt buộc phải hoàn tất khi đăng ký nhập học cho trẻ tại trường Tiểu học:

1) Đơn xin học cho trẻ có chữ ký của cha mẹ

2) Giấy khai sinh của trẻ

3) Giấy xác nhận đủ khả năng học tập:

Khi trẻ đủ 5 tuổi, cha mẹ phải lập tức xin lịch hẹn ở phòng Y tế để đưa con đến khám sức khỏe trước khi đi học. Việc khám sức khỏe cho trẻ trước khi đi học không mất tiền.

Chuyên khoa Y tế giáo dục, bao gồm bác sĩ nhi khoa và chuyên gia tâm sinh lý trẻ em, sẽ kiểm tra sức khỏe trước khi đến trường cho bé.

Tuyển sinh bậc Tiểu học ở nước Đức diễn ra như thế nào? ảnh 4

Muốn giáo dục phát triển, đừng làm khó trường tư

Ngoài việc đo chiều cao, cân nặng, kiểm tra tim, phổi, tai mũi họng, bệnh ngoài da… Chuyên gia tâm sinh lý trẻ em sẽ kiểm tra để để đánh giá khả năng nhìn nhận màu sắc, thính giác âm nhạc, khả năng đối đáp và trí nhớ của trẻ…

Khoảng một tuần sau đó, cha mẹ của trẻ sẽ nhận được "Giấy xác nhận đủ khả năng học tập" từ phòng Y tế.

Về cơ bản, tất cả trẻ em khỏe mạnh, phát triển bình thường, đều được cấp "Giấy xác nhận đủ khả năng học tập".

Trường hợp ngoại lệ: Nếu trẻ hiểu biết quá chậm, trí nhớ kém, nghe kém, nói ngọng, mù mầu sắc... Chuyên gia sẽ có hướng dẫn cụ thể, gửi trẻ đến các lớp đặc biệt để khôi phục cho trẻ những khuyết yếu này.

Sau 1-2 năm, tùy theo sự phát triển của trẻ, các chuyên gia sẽ đánh giá và định hướng cho việc học tập tiếp theo của những em này.

Ngoài ra Chuyên khoa Y tế giáo dục còn kiểm tra "Sổ khám sức khỏe định kỳ và chứng chỉ tiêm phòng" của mỗi trẻ.

4) Giấy đăng ký hộ khẩu của cha, mẹ và học sinh

5) Giấy xác nhận của Vườn trẻ

Khi đã hoàn tất mọi giấy tờ cần thiết, phụ huynh sẽ phải liên hệ trực tiếp với trường Tiểu học để xin hẹn nộp đơn xin nhập học cho con.

Vào ngày nộp hồ sơ nhập học, ngoài giấy tờ cần thiết, cha mẹ phải mang chứng minh thư cá nhân và dẫn con trực tiếp đến trường để trình diện.

Hiệu trưởng hoăc một người đại diện cho Ban Giám hiệu nhà trường phải trực tiếp đón phụ huynh, học sinh mới và nhận hồ sơ.

C) Trách nhiệm của trường Tiểu học:

Nhà trường trực tiếp duyệt hồ sơ xin học của phụ huynh. Về cơ bản, nếu hồ sơ không có vấn đề gì đáng nghi ngờ phải kiểm tra lại, tất cả học sinh đều được nhận vào học ở lớp 1 tại trường.

Tùy theo số lượng học sinh mới, số lượng phòng học lớp 1 sẵn có và số lượng giáo viên của trường, Ban Giám hiệu sẽ phân chia số lượng học sinh mới vào từng lớp và phân bổ giáo viên phụ trách lớp.

Khi giáo viên đã nhận lớp với danh sách học sinh cụ thể, họ sẽ được nhân thêm hai bản sao quan trọng là "xác nhận đủ khả năng học tập" và nhận xét của Vườn trẻ.

Trên cơ sở đó, thầy cô giáo chủ nhiệm sẽ có sơ bộ nhận định về mỗi học sinh mới của mình.

Bước cuối cùng là khâu chuẩn bị đón học sinh vào ngày khai giảng năm học mới.

D) Ngày khai giảng năm học mới cho học sinh lớp 1 - Einschulung

Đây là một ngày kỷ niệm lớn trong cuộc đời của mỗi trẻ và phụ huynh.

Nhà trường thường tổ chức ngày Einschulung này như một ngày hội để đón chào học sinh mới vào trường tiểu học.

Ngày khai giảng này được tổ chức riêng cho học sinh lớp 1 và thường diễn ra vào thứ Bảy để cha mẹ, ông bà và họ hàng ruột thịt của trẻ có điều kiện tham dự.

Nhiệt liệt đón chào học sinh mới đi đến cổng trường tiểu học
Nhiệt liệt đón chào học sinh mới đi đến cổng trường tiểu học

Tại sân trường các thầy cô giáo trong Ban Giám hiệu và thầy cô chủ nhiệm lớp 1 nồng nhiệt chào đón học sinh và phụ huynh. Lễ khai giảng được tiến hành rất long trong và đầm ấm.

Trước khi khai mạc buổi lễ khai giảng năm học mới cho học sinh lớp 1
Trước khi khai mạc buổi lễ khai giảng năm học mới cho học sinh lớp 1

Cao điểm và hồi hộp nhất của lễ khai giảng là phần các học sinh mới được gọi tên lên sân khấu để đứng xếp hàng theo từng lớp 1a, 1b hoặc 1c…

Sau đó giáo viên chủ nhiệm của từng lớp cũng được mời lên sân khấu để nhận học sinh.

Hiệu trưởng bắt tay giáo viên cũng như từng học sinh và tuyên bố bắt đầu năm học mới.

Cô giáo chủ nhiệm đón học sinh vào phòng học
Cô giáo chủ nhiệm đón học sinh vào phòng học

Khi vào nhận phòng học, các em được làm quen với thầy cô giáo chủ nhiệm và các bạn cùng lớp.

Giáo viên yêu cầu mỗi em tự giới thiệu và viết tên của mình lên bảng đen…

Học sinh tự giới thiệu
Học sinh tự giới thiệu

Buổi lễ khai giảng ở trường kéo dài khoảng 2 - 2,5 tiếng. Sau đó mỗi gia đình tổ chức liên hoan riêng và có quà tặng riêng cho bé.

Tổ chức Hội thảo Tuyển sinh trường tư thục: Thực trạng và giải pháp

Với mong muốn góp phần tháo gỡ những khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường tư thục, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo về tuyển sinh ở các trường tư thục với mong muốn tìm kiếm các giải pháp đóng góp cho công tác quản lý của các Sở giáo dục và Đào tạo, đồng thời cũng tìm ra những giải pháp khắc phục khó khăn cho các trường tư thục.

Hội thảo dự kiến diễn ra vào cuối tháng 4/2018.

Để đăng ký tham dự hội thảo và gửi các ý kiến đóng góp tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường tư thục, xing vui lòng liên hệ:

toasoan@giaoduc.net.vn

Hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666
Đinh Tuyết Mai