Ứng dụng công nghệ - giảm suất sự cố trong truyền tải điện

31/10/2022 08:20
Mộc Hương
GDVN-Thời gian qua, các đơn vị Truyền tải điện đều ghi nhận những chuyển biến tích cực trong quản lý, vận hành, cho thấy rõ vai trò quan trọng của chuyển đổi số.

Phát hiện sự cố không thể nhận ra nếu kiểm tra bằng mắt thường

Thực hiện chủ đề năm 2022 “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả” năm 2022, thời gian qua, Truyền tải điện Gia Lai, thuộc Công ty Truyền tải điện 3, đã đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ khoa học tiên tiến vào công tác quản lý vận hành lưới truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định và giảm suất sự cố.

Một trong các giải pháp đó là sử dụng Máy dò kỹ thuật số MPL - H11S. Đây là thiết bị công nghệ tiên tiến để dò tìm, kiểm tra phát hiện các khiếm khuyết của hệ thống tiếp địa bảo vệ chống sét trên hệ thống đường dây truyền tải điện (dây tiếp địa bị đứt, không đủ chiều dài, chôn lấp không đủ độ sâu,…) mà bằng mắt thường của người công nhân không thể phát hiện được.

Truyền tải điện Gia Lai đã dò tìm, kiểm tra trên toàn bộ các xuất tuyến đường dây 500kV và 220kV do đơn vị quản lý và đã phát hiện được nhiều khiếm khuyết của hệ thống tiếp địa.

Sử dụng Máy dò kỹ thuật số MPL - H11S.

Sử dụng Máy dò kỹ thuật số MPL - H11S.

Từ kết quả kiểm tra đó, đơn vị đã tập trung nhân lực, phương tiện triển khai xử lý ngay những khiếm khuyết đã phát hiện được, cụ thể: Xử lý độ chôn sâu tia nối đất không đạt yêu cầu tại 13 vị trí; Xử lý hướng đi các tia tiếp địa gần nhau, chồng chéo nhau, bố trí tia tiếp địa bất đối xứng dẫn đến hiệu quả tản sét kém tại 50 vị trí; Xử lý tia bị đứt, ăn mòn tại 12 vị trí; Dò tìm để hoàn công lại hệ thống tiếp địa tại 46 vị trí.

Trong đó, tiến hành đào những vị trí dây tiếp địa bị đứt và hàn lại; thay mới các dây bị rỉ, sét; tăng cường thêm các dây tiếp địa ở những vị trí trị số điện trở tiếp địa không đạt; đào đất để chôn lại các dây tiếp địa trước đây chôn không đủ độ sâu theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật…

Ông Nguyễn Viết Trị (Phó Phòng Kỹ thuật, Truyền tải điện Gia Lai) cho biết: “Nhờ sử dụng Máy dò kỹ thuật số MPL - H11S, đơn vị đã nhanh chóng xử lý hoàn thành các khiếm khuyết của tiếp địa bảo vệ chống sét trên toàn bộ các xuất tuyến đường dây 500kV, 220kV do đơn vị quản lý”.

Sử dụng flycam phát hiện vị trí tưa dây trên đường dây 500kV 575 Pleiku - 572 EaNam.

Sử dụng flycam phát hiện vị trí tưa dây trên đường dây 500kV 575 Pleiku - 572 EaNam.

Giải pháp trên bước đầu đã đem lại hiệu quả, số vụ sự cố do sét trên các xuất tuyến đường dây đã giảm rõ rệt.

Tính đến hết tháng 7 năm 2022, các đường dây do đơn vị quản lý vận hành không để xảy ra sự cố do sét, hệ thống làm việc ổn định, cung cấp điện an toàn, liên tục hơn.

“Công việc này nếu làm theo cách truyền thống trước đây, người công nhân đi kiểm tra bằng mắt thường thì không thể nào phát hiện ra những vị trí tiếp địa trụ điện bị khiếm khuyết và nếu sử dụng các dụng cụ đo thông thường để kiểm tra cũng khó nhận biết nguyên nhân do đâu.

Do vậy muốn kiểm soát thì phải đào đất dọc theo các tia tiếp địa để dò tìm, kiểm tra lỗi… mất rất nhiều thời gian và tốn rất nhiều công sức của người công nhân mà hiệu quả rất thấp, vấn đề sự cố đường dây do sét vẫn không giải quyết được” - Phó Phòng Kỹ thuật, Truyền tải điện Gia Lai phân tích.

Ông Nguyễn Viết Trị cũng cho biết thêm: “Từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị cũng đã tăng cường sử dụng flycam để kiểm tra tình trạng dây dẫn, dây chống sét, dây cáp quang, phụ kiện… Qua đó đã phát hiện và kịp thời xử lý một số vụ việc có khả năng cao ảnh hưởng đến vận hành an toàn của lưới điện.

Trong đó, nổi bật nhất là phát hiện dây dẫn bị tưa đứt một số sợi tại khoảng cột 130-131 đường dây 500kV 575 Pleiku - 572 EaNam; phát hiện dây diều bám trên đường dây 220kV Pleiku - NMĐ Sinh khối An Khê,… Ngay sau khi phát hiện, đơn vị đã chủ động đăng ký xử lý, tránh được nguy cơ sự cố có thể xảy ra.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt, trong thời gian tới Truyền tải điện Gia Lai sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm góp phần hiện đại hóa công tác quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện, xây dựng và phát triển lưới điện thông minh và đảm bảo vận hành hệ thống truyền tải điện an toàn, ổn định, tin cậy là góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng năng suất lao động”.

Vừa giảm sức lao động, vừa cho kết quả chính xác nhất

Vốn đã quen với việc đo khoảng cách pha đất thấp, do khoảng cách từ ngọn cây đến dây, đo độ võng đường dây theo kiểu truyền thống nên những ngày đầu, khi được tiếp cận với thiết bị bay không người lái, anh Phạm Vũ Linh (Đội Mai Châu, Truyền tải điện Hòa Bình, Công ty Truyền tải điện 1) gặp không ít khó khăn và bỡ ngỡ.

Tuy nhiên, nhờ tích cực tham gia các lớp đào tạo, nâng cao năng lực ứng dụng thiết bị bay không người lái, anh Linh dần dần điều khiển, sử dụng một cách thuần thục.

Theo anh Linh, với cách làm truyền thống, thủ công trước đây, không những phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn cao, mà thậm chí đôi lúc không thể thực hiện do địa hình tuyến khó khăn, núi dốc, hiểm trở. Nhưng giờ đây, với thiết bị bay không người lái, vừa giảm sức lao động, lại cho kết quả một cách chính xác nhất.

Anh Linh chia sẻ: “Công nghệ bay giúp chúng tôi nhàn hơn rất nhiều, đứng ở dưới đường kiểm tra các hư hỏng, rất thuận tiện, không phải trèo lên. Bây giờ công nghệ 4.0 cũng giảm sức lực con người đi rất nhiều”.

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, thiết bị bay không người lái đã hỗ trợ cho đơn vị một cách hiệu quả trong quản lý, vận hành, kiểm tra..., giảm sức lao động và nâng cao hiệu quả làm việc rõ rệt.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia ứng dụng công nghệ flycam để kiểm tra đường dây.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia ứng dụng công nghệ flycam để kiểm tra đường dây.

Gần đây, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc sử dụng các thiết bị bay không người lái, Truyền tải điện Hòa Bình mạnh dạn thí điểm ứng dụng thêm công nghệ Lidar, gắn liền với thiết bị bay không người lái.

Anh Lương Ngọc Cương (Phó phòng Kỹ thuật, Truyền tải điện Hòa Bình) chia sẻ: Công nghệ Lidar được kết hợp với thiết bị bay không người lái, sẽ bay quét đường dây truyền tải điện, sau đó dữ liệu dựa vào phần mềm sẽ phân tích được bản đồ 3D của tuyến đường dây. Qua đó, người quản lý vận hành sẽ kiểm soát được các số liệu chính xác khi khoảng cách từ ngọn cây đến dây, các yếu tố nguy hiểm trong hành lang, đều phát hiện được và có cảnh báo... cho người quản lý biết được điểm nào cần xử lý ngay, điểm nào cần có kế hoạch xử lý trong tương lai”.

Ông Nguyễn Văn Giang (Giám đốc Truyền tải điện Hòa Bình) cho biết: “Những năm gần đây, phong trào nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới đưa vào phục vụ công tác quản lý, vận hành lưới truyền tải điện luôn được lan tỏa rộng khắp trong toàn đơn vị.

Đối với mục tiêu chuyển đổi số nằm trong chương trình chung chuyển đổi số của tất cả các ngành nghề, và đặc biệt riêng với Truyền tải điện Hòa Bình, thì yếu tố văn hóa doanh nghiệp tại đơn vị góp một phần rất lớn để phát triển chuyển đổi số, đặc biệt luôn tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, tạo một môi trường luôn luôn vận động, thúc đẩy nhanh hơn, mạnh hơn tiến đến mục tiêu chuyển đổi số”.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT

18 Trần Nguyên Hãn - Hoàn Kiếm - Hà Nội

www.npt.com.vn

info@npt.evn.vn

facebook.com/Truyentaidienquocgia

SĐT: 042 222 6666 - FAX: 042 220 4455

Mộc Hương