Ứng viên GS mà gửi bừa, không biết tạp chí mạo danh thì không thể chấp nhận được

21/02/2022 06:40
Ánh Giao
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hội đồng giáo sư ngành không thể cho qua những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo – tiêu chuẩn đầu tiên được nêu trong Quyết định 37/2018/QĐ-TTg.

Xoay quanh câu chuyện một số ứng viên giáo sư, phó giáo sư có bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí đã bị loại ra khỏi danh sách Scopus (thời điểm tác giả đăng bài) hoặc tạp chí phi pháp, hay ứng viên thuộc khối khoa học xã hội kê khai bài báo quốc tế uy tín xuất bản trên tạp chí nghiên cứu lĩnh vực Toán học, Máy tính, một lần nữa, dư luận xã hội lại đặt ra vấn đề về đạo đức học thuật trong giới khoa học hiện nay.

Vi phạm liêm chính khoa học không đủ tiêu chuẩn GS, PGS

Bàn về những tranh cãi trong đợt xét duyệt ứng viên giáo sư, phó giáo sư thời gian qua, trao đổi với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, một nhà khoa học (đề nghị không nêu tên) – đồng thời là thành viên trong Hội đồng giáo sư ngành năm 2021 nói rằng, trường hợp ứng viên nào đăng bài báo khoa học trên các tạp chí phi pháp, mạo danh,… là đã vi phạm liêm chính khoa học.

Theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định tiêu chuẩn chung được nêu ra đầu tiên của chức danh giáo sư, phó giáo sư là ‘không vi phạm đạo đức nhà giáo’. (Ảnh minh họa)

Theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định tiêu chuẩn chung được nêu ra đầu tiên của chức danh giáo sư, phó giáo sư là ‘không vi phạm đạo đức nhà giáo’. (Ảnh minh họa)

“Có trường hợp ứng viên đăng bài trên tạp chí mạo danh nhưng vẫn được tính điểm. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, vấn đề ở đây không phải chỉ là điểm số, quan trọng hơn là trường hợp này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức học thuật.

Trong Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư được nêu ra là "không vi phạm đạo đức nhà giáo".

Liên quan đến đạo đức nhà giáo có rất nhiều câu chuyện, nhưng với những trường hợp cố tình vi phạm thì không thể chấp nhận.

Ứng viên đăng bài đề tài ngành này trên một tạp chí ngành khác, đăng trên tạp chí giả mạo thì chắc chắn đã biết, không phải bị ai lừa gạt mà là cố tình vi phạm, biết sai mà vẫn làm, đó là hành vi vi phạm liêm chính khoa học và vi phạm đạo đức nhà giáo.

Vậy xử lý những trường hợp này như thế nào? Không thể vi phạm liêm chính khoa học nhưng vẫn được xét duyệt, không thể loại một bài báo vi phạm, còn lại cứ tính đủ điểm rồi vẫn được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Một khi đã vi phạm đạo đức nhà giáo tức là không đủ tiêu chuẩn làm giáo sư, phó giáo sư”, nhà khoa học này nêu quan điểm.

Cũng theo nhà khoa học này, đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Nếu để lọt những ứng viên vi phạm đạo đức học thuật thì sẽ tạo ra sự gian dối trong cộng đồng khoa học, để rồi những người này sẽ đào tạo thế hệ tiến sĩ mới. Bản thân họ đã coi chuyện gian dối là bình thường thì làm sao đào tạo nên những nhà khoa học liêm chính trong tương lai.

Cố tình vi phạm cần phải xử lý nghiêm

Về việc một ứng viên đưa bài báo lĩnh vực Chính trị - xã hội đăng trong một tạp chí chuyên về giáo dục Toán học và máy tính, sau đó vẫn đưa vào danh sách để xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, ứng viên này đã chia sẻ trên báo Tuổi trẻ rằng: "Không có quy định buộc phải đăng trên tạp chí nào cả. Đây cũng là lỗi của quy chế quy định, chỉ nói bài được đăng trên tạp chí, về những nội dung của mình, mà tôi viết chính trị xã hội.

Không quy định bắt đăng thế này thế kia. Ví dụ ở Việt Nam buộc đăng Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Lý luận chính trị..., những tạp chí được quy định vào danh mục tính điểm. Còn đối với Scopus (chỉ số bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế) không quy định thì cứ đăng tính được cũng tốt, không được thì thôi”.[1]

Về lý giải của ứng viên này, chuyên gia cho rằng, một nhà khoa học chắc chắn phải phân biệt được Tạp chí nào là giả mạo, phi pháp và cần phải tuân thủ đạo đức học thuật. Để lọt những ứng viên vi phạm sẽ dẫn tới tiếp tục những vòng tròn gian dối. Rồi đây, những người vi phạm liêm chính học thuật trở thành giáo sư, bước vào các hội đồng để xét duyệt những ứng viên khác thì hệ lụy rất nghiêm trọng. Điều này là không thể chấp nhận.

Từ những tranh cãi về việc kiểm soát chất lượng bài báo khoa học của ứng viên giáo sư, phó giáo sư, có nhiều ý kiến cho rằng, để minh bạch, rõ ràng hơn trong quy trình xét duyệt, cần có danh sách cụ thể những tạp chí được công nhận để đối sánh một cách chính xác.

Bàn về vấn đề này, nhà khoa học cho rằng rất khó để quy định cụ thể và đề ra danh sách những tạp chí được công nhận vì nó thay đổi liên tục.

Xảy ra những câu chuyện này không thể đổ trách nhiệm rằng, do không có một danh sách tạp chí để đối sánh, rà soát. Điều này là không đúng. Bởi lẽ việc thẩm định chất lượng bài báo khoa học là nhiệm vụ, chức năng của Hội đồng giáo sư ngành. Hội đồng giáo sư ngành là cơ quan cao nhất thẩm định chuyên môn của các ứng viên để xét duyệt ứng viên đưa lên Hội đồng giáo sư nhà nước.

Hội đồng giáo sư ngành không thể cho qua những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo – tiêu chuẩn đầu tiên được nêu trong Quyết định 37. Vai trò thẩm định chuyên môn của Hội đồng giáo sư ngành là xem xét ứng viên có đủ tư cách với chức danh giáo sư, phó giáo sư hay không.

“Về lâu dài, muốn vấn đề xét duyệt ứng viên giáo sư, phó giáo sư được diễn ra minh bạch và thực hiện tốt yêu cầu về liêm chính khoa học, đạo đức nhà giáo, cần phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Cụ thể, các cơ quan chức năng, bắt đầu từ hội đồng chức danh phải xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liêm chính khoa học.

Hiện nay, có rất nhiều “chiêu trò” để đăng bài báo khoa học trên các tạp chí mạo danh, phi pháp, hoặc để tăng trích dẫn. Chúng ta cần nhìn vào thông lệ quốc tế để xử lý và ngăn chặn những trường hợp này. Ở các nước có nền khoa học phát triển, việc xử lý vấn đề này rất nghiêm minh.

Tôi cho rằng, đối với những trường hợp vi phạm, cần đưa ra thời hạn từ 2- 3 năm không được đăng ký hồ sơ xét công nhận chức giáo sư, phó giáo sư. Việc xử lý nghiêm minh sẽ giúp các ứng viên tự tuân thủ nguyên tắc, yêu cầu về liêm chính khoa học", chuyên gia khẳng định.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tuoitre.vn/lum-xum-bai-bao-quoc-te-mot-ung-vien-giao-su-xin-rut-khoi-danh-sach-dang-ky-2022021811385153.htm

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Trần Anh Tuấn – Chánh Văn phòng Hội đồng giáo sư nhà nước cho biết, các thành viên trong Hội đồng giáo sư được giao thẩm định hồ sơ phải làm nhiệm vụ kiểm soát chất lượng bài báo khoa học của các ứng viên. Bên Hội đồng giáo sư cũng không thống kê tổng số lượng bài báo khoa học không được công nhận. Hội đồng giáo sư thẩm định hồ sơ nào sẽ kết luận hồ sơ ấy.

Ánh Giao