Ưu tiên xét tuyển ELTS thì học sinh miền núi sẽ gặp khó khăn, khó cạnh tranh

17/01/2022 06:44
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ giúp thí sinh có thêm một sự lựa chọn nhưng gây lo ngại về nhiều hệ lụy.

Tính đến nay có khoảng hơn 20 trường đại học trên cả nước công bố dự kiến tuyển sinh năm 2022 mà trong đó có phương thức ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng đối với những thí sinh có điểm IELTS, TOEFL, hoặc dùng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển kết hợp với các thành tố khác như điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Chính sách này đã tạo nên một cơn sốt học và thi lấy chứng chỉ IELTS đặc biệt ở các thành phố lớn. Nhiều giáo viên lo ngại việc này sẽ tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Chi phí học IELTS lớn nhưng hiệu quả mang lại có thể không tương xứng

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên tại Hà Nội cho rằng việc học sinh đổ xô đi học IELTS sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Ví dụ như việc nhiều trung tâm luyện thi IELTS được mở mà không có sự kiểm chứng về chất lượng và quản lý của cơ quan chức năng. Nhiều gia đình ở nông thôn và cả thành thị không có điều kiện kinh tế tốt cũng bị cuốn vào phong trào đó. Chi phí để học IELTS là rất lớn trong khi hiệu quả mang lại có thể không tương xứng.

Thầy Ngọc cho rằng IELTS chỉ nên là 1 trong các tiêu chí để xét tuyển với tỷ lệ nhỏ và cho một số ngành học nhất định, có nhiều đặc điểm phù hợp, hơn là mở rộng một cách tràn lan.

Nhìn rộng ra, không nên lấy năng lực tiếng Anh làm giới hạn cả đầu vào lẫn đầu ra của sinh viên. Nhiều trường hiện nâng chuẩn tiếng Anh đầu ra cho sinh viên lên cao dần, theo thầy Ngọc sẽ có những sinh viên năng lực chuyên môn rất tốt nhưng hạn chế ngoại ngữ vì nhiều lý do khác nhau không thể ra trường. Như vậy là rất vô lý.

Trong thực tế cuộc sống, ở bất cứ ngành nghề nào, thậm chí là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì phần lớn mọi người vẫn thực hiện tốt công việc của mình mà không cần thường xuyên sử dụng ngoại ngữ ở trình độ cao.

Nhiều người hay gán trình độ tiếng Anh với sự hội nhập, phát triển, giàu có, thịnh vượng. Tuy nhiên, trong thực tế, các quốc gia giàu có ở Đông Á có nhiều nét tương đồng về văn hóa với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ... người dân không phải ai cũng giỏi tiếng Anh.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thanh Nga - giáo viên tiếng Anh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Trường Trung học phổ thông Hướng Hóa là trường nằm ở địa bàn miền núi thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đời sống, kinh tế gia đình học sinh còn gặp nhiều khó khăn bởi hầu hết phụ huynh làm nghề nông và buôn bán nhỏ lẻ, nay còn bị ảnh hưởng dài ngày bởi Covid-19.

Khi nhà trường triển khai học online học sinh gặp rất nhiều khó khăn như thiếu thiết bị (máy tính, điện thoại thông minh, ...); đường truyền Internet thiếu ổn định, nhiều em học sinh dân tộc thiểu số phải lên núi mới có sóng 4G để học hoặc đến trụ sở Ủy ban xã học nhờ.”

Cô Nga thông tin thêm việc duy trì sĩ số đã khó, việc dạy ngoại ngữ cho học sinh miền núi còn khó hơn; đặc biệt là dạy tiếng Anh cho học sinh dân tộc thiểu số bởi các em phải học tiếng Việt bên cạnh tiếng mẹ đẻ.

Học sinh lớp 12 ở Trường Trung học phổ thông Hướng Hóa đang tập trung ôn tập để tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Phần lớn những em có nguyện vọng vào đại học dự định chọn phương thức sử dụng kết quả kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông để làm hồ sơ xét tuyển đại học.

Cô Nga cho biết: “Trong năm học 2020-2021, ngoài việc học sinh dự thi vào các trường đại học top đầu, số lượng học sinh tham gia xét tuyển kết quả học bằng học bạ ngày càng tăng.

Năm nay, nếu các trường đại học lớn dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển kèm điều kiện có chứng chỉ IELTS thì học sinh miền núi sẽ gặp khó khăn, khó có cơ hội cạnh tranh với các em học ở địa bàn có điều kiện thuận lợi.”

Học sinh Trường Trung học phổ thông Hướng Hóa tham gia hoạt động trải nghiệm tìm hiểu lịch sử tại nhà tù Lao Bảo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Hướng Hóa tham gia hoạt động trải nghiệm tìm hiểu lịch sử tại nhà tù Lao Bảo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lo ngại bất bình đẳng giữa thí sinh ở nông thôn và thí sinh ở thành thị

Đinh Trần Anh Tuấn, học sinh lớp 12, trường Trung học phổ thông Hướng Hóa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Nhiều bạn học sinh trong trường có hoàn cảnh khó khăn nên để học và thi IELTS là rất khó. Nếu muốn thi IELTS chúng em phải đến những thành phố lớn như Huế, Đà Nẵng. Phí thi khoảng 5 triệu đồng chưa kể đến tiền học phí.”

Nguyễn Ngọc Mai, học sinh lớp 12 ở một trường trung học phổ thông ở Nghệ An chia sẻ: “Em nhận thấy dự kiến tuyển sinh của các trường đại học có xu hướng dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào chứng chỉ IELTS và giảm chỉ tiêu đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều này khiến em rất lo lắng vì em không có chứng chỉ IELTS nên cơ hội sẽ ít hơn so với những bạn khác có chứng chỉ.”

Mặc dù có chứng chỉ IELTS hay không thì học sinh cũng phải cố gắng, học tập hết mình nên khi biết được chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển dành cho thí sinh có chứng chỉ IELTS khá lớn khiến Mai và nhiều bạn khác không có đủ điều kiện học và thi chứng chỉ này, bị giảm bớt cơ hội vào các trường đại học chất lượng.

Sau khi tham khảo dự kiến phương án tuyển sinh của các trường, Mai quyết định chọn phương thức xét tuyển bằng học bạ và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì theo nữ sinh nếu không đỗ những trường như mình mong muốn thì cũng sẽ có cơ hội ở các trường đại học khác.

Năm lớp 11, nhận thấy các trường đại học bắt đầu chú trọng việc dành chỉ tiêu cho thí sinh có chứng chỉ IELTS, Mai đã suy nghĩ về việc học IELTS. Vốn dự định thi khối D01 (Toán, Văn, Anh) từ trước nên Mai có một số lợi thế để học và thi chứng chỉ này. Tuy nhiên sau khi cân nhắc và lắng nghe lời khuyên từ mọi người nữ sinh quyết định không học IELTS mà dành thời gian ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Mai lý giải: “Theo em thấy thì học và thi để có chứng chỉ IELTS là rất tốt đối với mỗi cá nhân. Tuy nhiên đối với những gia đình không dư dả như em và nhiều bạn khác thì việc học để thi cần phải suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều vì chi phí học và thi IELTS khá đắt đỏ.”

Theo tìm hiểu của Mai ở nơi nữ sinh đang sống học phí cho mỗi khóa học IELTS khoảng 20 triệu đồng chưa kể chi phí cho mỗi lần thi khoảng 5 triệu đồng và còn phụ thuộc vào năng lực của thí sinh. Điều này quyết định việc mình học mấy khóa, từ cấp độ nào, thời gian và chi phí học cũng khác nhau.

Mai chia sẻ: “Theo em việc học IELTS cần nhiều thời gian và phụ thuộc vào năng lực của từng người nên nó không hề đơn giản. Không thể học trong một thời gian ngắn mà đạt điểm IELTS cao được.”

IELTS viết tắt cho International English Language Testing System, tạm dịch là Hệ thống Kiểm tra Anh ngữ Quốc tế với 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc và Viết. IELTS là cuộc thi kiểm tra trình độ thông thạo Anh ngữ quan trọng và phổ biến nhất thế giới cho mục đích học tập, làm việc và định cư.

Nhật Tân