Vài điều ngẫm nghĩ từ cải cách chất lượng sách giáo khoa trong quá khứ

16/09/2019 06:11
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Câu chuyện cải cách sách giáo khoa nếu so sánh các tư duy đó với các thử nghiệm giáo dục hơn 30 năm qua, chúng ta đã và đang thấy giáo dục Việt Nam ở đâu?

Mặc dù tiêu đề bài viết nói đến sách giáo khoa và cải cách, nhưng thú thật, tôi muốn nói đến vài ví dụ nhỏ, để hy vọng khơi lên những suy nghĩ rộng hơn, đó là chương trình – sách giáo khoa – giáo trình và chất lượng đầu ra của những điều chúng ta đang nói đến về cải cách chương trình giáo dục

Cho con trẻ học sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tương lai của chúng ta sẽ ra sao?

Tất nhiên, đây là những điều cơ bản chúng ta có thể nhìn thấy, “đo lường” thấy, để nói đến khả năng thực tế so sánh và đánh giá về chất lượng ảnh hưởng đến học sinh, sinh viên, nhưng tất cả những yếu tố trên vẫn chưa bao gồm những yếu tố tiên quyết khác.

Ví dụ như giáo viên – chất lượng giảng dạy/nghiên cứu – những hỗ trợ học sinh, sinh viên từ cơ sở hạ tầng đến các yếu tố đời sống – sức khỏe – tâm lý – hoạt động ngoài chương trình và vô số các yếu tố không nhìn thấy được, hoặc có thể không đo lường được, yếu tố của đam mê và lòng yêu thích “học/nghiên cứu” của học sinh, sinh viên.

Quốc văn giáo khoa thư lớp Sơ đẳng, bản năm 1935 bởi Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận.
Quốc văn giáo khoa thư lớp Sơ đẳng, bản năm 1935 bởi Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận.

Ngày đọc được bài viết về bộ sách giáo khoa đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập (dù trên danh nghĩa) [1], bộ sách Hoàng Xuân Hãn và thời Trần Trọng Kim năm 1945, tôi ngạc nhiên khi nhận ra chúng ta đã có những con người, dù thời Trần Trọng Kim/Hoàng Xuân Hãn và sau này, 1954 hay cho đến bây giờ, theo nhà giáo Phạm Toàn, soạn thảo những bộ sách giáo khoa đầu tiên cho người Việt Nam, mà đến nay vẫn còn hữu ích trong sử dụng [2]. 

Bỏ qua tất cả những yếu tố về chính trị, tất cả đều ghi nhận được khả năng “tự làm” một bộ sách và chương trình giảng dạy của người Việt cho người Việt, thậm chí, có người bình luận rằng, thời đó không có thí điểm hay thử nghiệm gì mà cũng vẫn chạy “êm”.  

Lịch sử tóm tắt những thời điểm làm sách giáo khoa của Việt Nam, xin mời đọc tham khảo bài của nhà giáo Phạm Toàn, dù giọng văn “Hà Nội”, nhưng đúng và có lẽ đó là động lực của nhóm nhà giáo trong việc tìm đến “làm lại” bộ sách giáo khoa cho Việt Nam ở Cánh Buồm.

Điều Trần Trọng Kim/Hoàng Xuân Hãn làm một bộ sách giáo khoa và chương trình giảng dạy cho hệ thống giáo dục Việt Nam đó không khác mấy cách Derek Bok và nhóm giáo sư của Harvard thực hiện thay đổi toàn bộ giáo trình (curriculum) của hệ giáo dục đại học năm 1970 [3].  

Chi tiết về cách thức Bok và nhóm giáo sư thay đổi chương trình học đại học ở Harvard xin đọc tham khảo ở đây [3].

Hệ thống Đại học ở Mỹ, D. Bok.
Hệ thống Đại học ở Mỹ, D. Bok.

Nếu nói vắn tắt về phương thức tổ chức cách làm sách giáo khoa, bác Nguyễn Hiến Lê, một người chỉ viết và dịch các tác phẩm của nước ngoài giới thiệu cho Việt Nam, từ năm 1950 đã viết tóm lại có 3 ý chính về làm sách giáo khoa trong cuốn Tự Học thành công [4]:

(i) Những con người có trí tuệ, năng lực giáo dục và thực tiễn trải nghiệm trong giáo dục và trong cuộc sống, đủ để hiểu, học cái gì để làm gì và phục vụ điều gì;

(ii) Những người có khả năng viết dễ hiểu, súc tích và hướng được người học đi đến những tri thức cơ bản, nhưng không bó hẹp điều hiểu biết đó trong môn/ngành học mình giảng dạy hay đang viết sách;

(iii) Những con người biết yêu thương con người, học sinh sinh viên và có phẩm giá đạo đức làm người thầy đúng nghĩa, sẽ biết cách viết sách cho học trò mình học đúng cách.

Dựa trên lịch sử làm sách giáo khoa của Việt Nam từ 1945 đến nay, chúng ta học được gì?

Điều gì đã làm chúng ta, như nhà giáo Phạm Toàn nói, “bóng dáng” của việc làm các chương trình cải cách rất vội vã, chóng vánh và gần như dựa vào tiền tài trợ của nước ngoài để “diễn” cho các loại hình cải cách giáo dục [2], mà theo nhận xét của các giáo viên viết lời bình, “Chúng tôi khổ vì diễn, dạy thì ít, diễn thì nhiều”, mà chỉ để ai đó kiếm chút triệu đô la tiền tài trợ của quốc tế, hàng chục triệu học sinh và giáo viên Việt Nam được mang ra thử nghiệm, như chương trình VNEN là điển hình.  

Một vài suy nghĩ về triết lý và sách giáo khoa của Cánh Buồm

Trong chương trình nước ngoài mang vào Việt Nam, với chương trình tiên tiến, chúng ta chưa kịp làm sao cho nó “ngay ngắn” và có chất lượng, những tuyên bố về “nhập khẩu sách giáo khoa” về dạy, mà không hề đặt câu hỏi “ai dạy và dạy ai”?

Ngôn ngữ học bằng tiếng Anh hay bất kỳ ngoại ngữ nào khác của học sinh, sinh viên chúng ta đang ở đâu?

Tôi không dám có ý kiến bình luận về cải cách toàn bộ hệ thống giáo dục, từ phổ thông đến đại học, nhưng tôi nghĩ, điều gì đúng cho sinh viên, đúng cho chất lượng đào tạo và học tập, điều đó phải là ưu tiên số 1. 

Câu chuyện giáo dục phổ thông với cải cách sách giáo khoa, chương trình, hay nhập khẩu sách về dạy tại đại học với chương trình tiên tiến, nếu so sánh các tư duy đó với các thử nghiệm giáo dục hơn 30 năm qua ở Việt Nam, chúng ta đã và đang nhìn thấy giáo dục Việt Nam ở đâu?

Biết bao nhiêu thế hệ Việt Nam đã trả giá, cho những thử nghiệm giáo dục và để đạt được mục đích gì?

Tài liệu tham khảo:

[1] Quốc văn giáo khoa thư lớp Sơ đẳng, bản năm 1935 bởi Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/muc-dich-cua-chung-toi-la-thay-duoc-mot-tam-hon-viet-o-tung-te-bao-xa-hoi-post179588.gd

https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nha-giao-Pham-Toan-Toi-thay-bong-dang-cua-Chuong-trinh-2000-dang-hien-hien-post177083.gd;

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nha-giao-pham-toan-cai-cach-phai-gian-di-post176677.gd

[3] Hệ thống Đại học ở Mỹ, D. Bok

[4] Tự Học thành công, Nguyễn Hiến Lê, 1950

Nguyễn Thị Lan Hương