Văn bằng, chứng chỉ giả, bằng thật chất lượng giả và nguy cơ thiếu lò đốt củi

03/11/2021 09:16
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không ít ý kiến cho rằng nếu không trừng trị mạnh, pháp luật không đủ sức răn đe thì thói gian dối bằng cấp sẽ còn phổ biến.

Tác giả các tiểu thuyết kiếm hiệp chia giang hồ thành hai phe đối nghịch: Quân tử và Tiểu nhân, mỗi phe lại gồm hai loại người: Quân tử hoặc Ngụy quân tử; Tiểu nhân hoặc Chân tiểu nhân.

Trong bốn loại người này, “Chân tiểu nhân” dù vẫn là những kẻ xấu xa, đê tiện song ngạc nhiên là không bị người đời khinh bỉ mạnh như bọn “Ngụy quân tử”.

Bọn Chân tiểu nhân làm việc xấu một cách công khai, nhiều người biết song không (hoặc chưa) thể làm gì được chúng vì chúng đã “mua” tất cả những chỗ cần mua rồi.

Bọn Ngụy quân tử có cách ngụy trang khiến người tiếp cận cảm giác chúng như “Bồ tát”, như tấm gương về liêm khiết song thực sự lại “miệng nam mô, bụng bồ dao găm”, ẩn chứa phía sau dáng vẻ đạo mạo, sự “nhân ái” là những âm mưu, thủ đoạn, là chuyện giết người không chớp mắt,…

Cuộc sống hiện nay ở nước ta không thiếu những con người, thậm chí là cả những phe nhóm hoặc thuộc vào hàng “Chân tiểu nhân” hoặc là “Ngụy quân tử”.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình Phùng Văn Chiến có thể liệt vào hàng “Chân tiểu nhân” bởi người này chưa tốt nghiệp đại học và đã dùng bằng Kiến trúc sư “rởm” được cho là do Đại học Đông Đô cấp.

Vị Viện trưởng này công khai bằng “rởm” của mình trong hồ sơ, nghĩa là ngài kiến trúc sư rởm này đã “công khai” trình ra cho cơ quan tuyển dụng, cơ quan quản lý một văn bằng “rởm” chứ không lén lút giấu văn bằng đó trong túi hồ sơ.

Phải mất khá nhiều năm, phải do tố cáo của quần chúng mới phát hiện ông Chiến dùng bằng “rởm” không chỉ là lỗi của người xài bằng mà còn là của người/cơ quan xét duyệt hồ sơ, của người đề bạt chức Viện trưởng cho ông Chiến, của cơ quan kiểm tra nơi ông Chiến công tác,…

Ông Chiến xài bằng “Rởm” một cách công khai tức là rất chân thực nên thuộc diện “Chân tiểu nhân” chứ không thể là “Ngụy quân tử”.

Hàng loạt cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ có trong túi các loại văn bằng “xịn” 100%, nghĩa là phôi bằng thật, dấu đỏ thật, chức danh và nhân thân người ký văn bằng cũng thật, chỉ mỗi cái chất lượng kiến thức của người có bằng là “rởm” thì được xếp vào hàng “Ngụy quân tử”.

Ảnh minh họa: Vtv

Ảnh minh họa: Vtv

Nhóm “Ngụy quân tử” về tài năng chắc không thuộc diện dốt ăn, dốt nói, không đến nỗi bét bảng trong chuyện “khoa chân múa tay” trên bục, sau micro nên khá nhiều kẻ lừa được cả cấp trên và … cành bứa (tức là ngang hàng), còn chuyện lừa (hay là đe dọa?) cấp dưới thì khỏi phải bàn luận.

Có nhiều đại diện giới “Ngụy quân tử” được cả xã hội biết đến, trong đó có không ít tên tuổi đã từng đứng sau micro chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, huấn thị về rèn luyện tư cách đạo đức người công bộc của dân nhưng sau chiến dịch đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì cùng nắm tay nhau “xộ khám”.

Chuyện không ít người sử dụng văn bằng, chứng chỉ “rởm” hoặc bằng cấp thật nhưng trình độ “rởm” để chui vào cơ quan nhà nước vốn là chuyện được chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nói rõ: “Thực tế những người có bằng giả hay bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”. [1]

Chuyện này cũng đã được nhiều Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến tại các phiên họp Quốc hội. Năm 2019 ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phát biểu:

“Trước đây, cơ quan chức năng đã ráo riết làm, phát hiện không ít trường hợp cán bộ dùng bằng cấp giả, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Thực tế này cho thấy, việc kiểm soát chất lượng cán bộ và kiểm soát văn bằng, chứng chỉ còn nhiều lỗ hổng”. [2]

Vậy “lỗ hổng” ấy là gì và nằm ở đâu?

Tìm câu trả lời không khó, khó là ở chỗ “chúng ta” có dám chấp nhận câu trả lời ấy là đúng?

Thứ nhất, “lỗ hổng” ấy là gì?

Đó là lỗ hổng luật pháp. Không có bất kỳ điều luật nào trong các bộ luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ ràng tội danh “Sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả hoặc bằng thật nhưng chất lượng giả”.

Muốn xử lý hình sự người dùng văn bằng giả chỉ có thể vận dụng 02 điều trong Bộ luật Hình sự:

Điều 340: “Tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức”;

Điều 341: “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Điều 340 tạo kẽ hở rất lớn không chỉ cho tội phạm mà còn cho người xét xử vận dụng, muốn xử người phạm tội theo điều 340 thì hành vi phạm tội phải đồng thời thỏa mãn hai điều kiện: “sửa chữa” và “sử dụng”. Kẻ chỉ “sửa chữa giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức” sau đó “để trên bàn” (bản thân không sử dụng) hoặc người chỉ “sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức” nhưng không sửa chữa thì không thể bị xử lý.

Muốn vận dụng điều này để xử lý tội phạm thì phải thay liên từ “và” bởi từ “hoặc”.

Khoản 1, điều 341: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” cho thấy khung hình phạt quá rộng và không có tính răn đe nghiêm khắc.

Sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mạo để leo cao, chui sâu vào cơ quan công quyền mà chỉ bị phạt 30 đến 100 triệu đồng thì khác gì gãi ngứa cho bọn tham nhũng.

Báo Cand.com.vn viết:

“Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Ủy viên Thường vụ tỉnh Cà Mau, tại cuộc họp mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thanh Bình đã cho tài xế mang vào phòng họp 100 triệu đồng. Ông Bình cho biết đây là khoản "chạy chức" của cấp dưới, tuy nhiên, không tiết lộ danh tính người đưa tiền”. [3]

Phải chăng chính vì pháp luật chưa đủ sức răn đe nên không ít ý kiến cho rằng nếu không ban hành các điều luật mới, không trừng trị thật mạnh bọn sử dụng giấy tờ giả mạo thì thói gian dối bằng cấp sẽ còn phổ biến và đội ngũ cán bộ tha hóa sẽ vẫn sống khỏe dù thỉnh thoảng vài kẻ bị vào lò.

Thứ hai, “lỗ hổng” ấy nằm ở đâu?

Vụ việc Đại học Đông Đô cấp 431 văn bằng, giấy chứng nhận giả (tiếng Anh hệ chính quy văn bằng 2) đã được cơ quan công an kết luận, theo đó 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả đã được kiến nghị xử lý theo quy định. Còn 221 trường hợp được cấp văn bằng giả đã xác định được họ tên, tuổi người được cấp bằng nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác. [4]

Vì sao lại “không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác” của hơn 200 người mặc dù đã biết họ, tên, tuổi (tức là ngày sinh) của họ?

Vấn đề tiếp theo là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ.

Tiêu chuẩn mỗi chức danh viên chức, công chức đều kèm theo một loạt văn bằng, chứng chỉ và phải chăng đây chính là nguyên nhân khiến tệ nạn dùng bằng giả tràn lan không kiểm soát được?

Liệu Chính phủ có nên ban hành một văn bản quy phạm pháp luật, kèm theo một công cụ công nghệ thông tin (sử dụng trí tuệ nhân tạo) để hậu kiểm tính hợp pháp của văn bằng, chứng chỉ cùng với hậu kiểm trình độ người dự kiến tuyển dụng, bổ nhiệm?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng:

“Không chỉ với những người có nhu cầu văn bằng, chứng chỉ giả để xin việc làm mà với cả những cán bộ “nguồn” muốn có thêm văn bằng, chứng chỉ để cạnh tranh, leo lên các chức vụ cao hơn nhưng lại không muốn thi hoặc không có thời gian đi học”. [4]

Ý kiến của ông Lê Thanh Vân cho thấy chừng nào việc lựa chọn “cán bộ nguồn” còn dựa vào ý kiến chỉ đạo theo quy hoạch, không (hoặc chưa) tổ chức thi tuyển hoặc thi tuyển không minh bạch thì chuyện sử dụng bằng giả hoặc bằng thật chất lượng giả vẫn còn đất sống.

Vậy hiện nay, liệu có thể và bằng cách nào xác định trong toàn hệ thống, có bao nhiêu người đang sử dụng văn bằng chứng chỉ giả hoặc bằng thật chất lượng giả?

Nếu không tổng rà soát văn bằng chứng chỉ toàn bộ công chức, viên chức, nếu cứ xem vấn nạn bằng giả chỉ là một lỗi nhẹ so với việc bòn rút ngân sách, nhận hối lộ, hống hách với dân,… thì có lẽ những người như ông Phùng Văn Chiến sẽ không thiếu đất sống và tình trạng thiếu lò đốt củi sẽ sớm xuất hiện.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/bang-gia-chi-lot-duoc-vao-co-quan-nha-nuoc-163130.html

[2] https://vov.vn/chinh-tri/can-bo-dung-van-bang-chung-chi-gia-con-bao-nhieu-nguoi-chua-bi-lo-981114.vov

[3] https://cand.com.vn/thoi-su/Bi-thu-Tinh-uy-nop-100-trieu-dong-tien-chay-chuc-i125714/

[4] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/khong-xac-dinh-duoc-noi-cong-tac-cua-nhieu-nguoi-dung-bang-gia-truong-dong-do-761129.html

Xuân Dương