Ai còn than thở về cuộc sống hãy nhìn nghị lực của cô gái 7 tuổi mới biết ngồi

14/08/2021 06:09
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Là người duy nhất thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” trong số 24 người mắc căn bệnh quái ác, Nguyễn Lê Phương My đã vượt qua bệnh tật để chiến thắng số phận.

Tháng 7 vừa qua, nhân ngày sinh nhật tuổi 21, Nguyễn Lê Phương My (trú tại Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội ) có những dòng chia sẻ trên mạng xã hội về cuộc sống khi em sinh ra là người khuyết tật.

Những lời chia sẻ của My đã nhận được sự tán dương, cổ vũ của nhiều người bởi ý chí “tàn nhưng không phế” của em.

Dù khuyết tật nhưng Nguyễn Lê Phương My luôn lạc quan trong cuộc sống. (Ảnh: NVCC)

Dù khuyết tật nhưng Nguyễn Lê Phương My luôn lạc quan trong cuộc sống. (Ảnh: NVCC)

My viết: “Ngày xưa khi tôi sinh ra vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng đến khi tôi 9 tháng tuổi, tôi vẫn chỉ nằm một chỗ và cười, trong khi bạn cùng trang lứa đã biết ngồi. Bố mẹ đưa tôi đến bệnh viện Nhi Trung ương để khám và bác sĩ kết luận tôi mắc bệnh “loạn trương lực cơ”…

Tôi được bố mẹ kể lại, khi đó có 23 bạn ở viện mắc bệnh giống tôi nhưng sau đó vài năm thì chỉ còn duy nhất mình tôi trên thế gian này… Năm 17 tuổi, tôi trúng tuyển hồ sơ online xin việc nhưng lại không được nhận vào làm phần vì chưa đủ tuổi lao động, phần vì là người khuyết tật. Khi đó, tôi từng suy nghĩ tiêu cực nhưng nghĩ về ông bà, bố mẹ thì tự nhủ phải lạc quan và đặt ra mục tiêu tự chủ về kinh tế...”, Nguyễn Lê Phương My chia sẻ.

7 tuổi biết ngồi, 10 tuổi biết đi

Sau một thời gian dài bố mẹ đưa My đi chạy chữa nhiều nơi, khi lên 7 tuổi thì My mới ngồi được và cánh tay phải cầm nắm được đồ vật. Thấy vậy, bố mẹ quyết định cho cô con gái vào học lớp 1 (học muộn 1 năm học), để con gái biết cái chữ, con số.

Tuy nhiên quãng đường đến trường với My đầy những khó khăn ngay từ ban đầu. Cô giáo lo em không thể học được, còn phụ huynh khác thì sợ con họ ngồi cùng My sẽ bị ảnh hưởng đến học tập.

Trước điều này, bố mẹ nản lòng nhưng cô con gái gắng giọng nói tiếng “ư ư”, cùng bàn tay xua xua phản đối.

Nguyễn Lê Phương My chụp ảnh cùng bố mẹ. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Lê Phương My chụp ảnh cùng bố mẹ. (Ảnh: NVCC)

Thấy vậy, bố mẹ đến đề xuất với cô giáo: “Cô cho cháu học thử 1 tuần nếu không được vợ chồng em cho cháu về”.

Lời đề nghị đó được cô giáo chủ nhiệm chấp nhận và sau đó My đã vượt qua được thử thách. Tuy nhiên khó khăn chưa dừng lại.

Hàng ngày, ông nội đèo My trên chiếc xe đạp để đến trường, rồi My được ông bế vào lớp học. Khi bóng dáng ông nội xa dần thì My lại hứng chịu những ánh nhìn miệt thị của các bạn trong lớp.

Lúc ra chơi, trong khi các bạn nô đùa thì My chỉ ngồi một chỗ, em bị bạn học trêu chọc và coi như “người ngoài hành tinh”.

Những lúc như vậy, My chỉ biết buồn tủi. Em mong đợi buổi học sớm kết thúc để được ông nội đến đón về.

Khi về nhà, My lại tập đi và rồi sau không biết bao lần ngã đầu gối rớm máu, lên 10 tuổi thì em chập chững đi như đứa trẻ 1 tuổi. Gia đình vui sướng vì có tia hi vọng cho em.

Học hết lớp 7, em quyết định nghỉ học để bố đưa đi chạy chữa căn bệnh quái ác.

Tình yêu thương và nghị lực

Trong một lần được bố cho đến nhà người quen chơi, My bỗng chạnh lòng khi nghe thấy lời đùa bâng quơ:“Phiên bản lỗi nhà ông đây à, 2 thằng anh nó cao to đẹp trai mà con bé này thì ....”.

My bật khóc và đòi về, còn bố em thì nắm tay con gái và nói to: “Cho dù con tôi nó có xấu hay đẹp, dù ông trời có cho tôi cục thịt thì nó vẫn là con tôi, tôi vẫn yêu thương và trân trọng con bé”.

Nghe những lời nói đó của bố, trong lòng em cảm thấy ấm áp được bao bọc chở che, em vượt qua được sự tự ti.

Năm 2020, Nguyễn Lê Phương My giành giải Nhất bộ môn cờ vua dành cho người khuyết tật, giải do một đơn vị cộng đồng tổ chức. (Ảnh: NVCC)

Năm 2020, Nguyễn Lê Phương My giành giải Nhất bộ môn cờ vua dành cho người khuyết tật, giải do một đơn vị cộng đồng tổ chức. (Ảnh: NVCC)

Trong thời gian My đi chữa bệnh, bố vừa lọ mọ từ buổi đêm đến sáng sớm mưu sinh với nghề mổ lợn, sau đó lại tranh thủ về đón em đi. Hai bố con gắn bó bên nhau lúc thì ở viện Nhi để phục hồi chức năng, rồi đi châm cứu. Ai mách chỗ nào dù ngoài Bắc hay trong Nam thì hai bố con lại lên đường.

Thành công lớn nhất trong công cuộc chạy chữa bệnh cho My là giờ đây em có thể đi lại, giọng nói ngọng nghịu, sử dụng được hai bàn tay dù không được linh hoạt.

My sử dụng đôi bàn tay đó để học Word, Excel… với mong muốn có một công việc văn phòng. Vào năm 2017, em nộp hồ sơ xin việc và trúng tuyển nhưng khi phỏng vấn trực tiếp, phía công ty cho rằng em chưa đủ độ tuổi lao động, là người khuyết tật nên họ không nhận.

Khi đó, em suy nghĩ tiêu cực nhưng rồi lại tự nhủ với bản thân rằng như vậy sẽ phụ công chăm sóc, hi vọng của ông bà, cha mẹ. Từ đây, bản thân My đặt ra quyết tâm tự lập về kinh tế trong tương lai, em lao vào kinh doanh nhiều loại mặt hàng và cũng may mắn thành công khi đã có được một mức thu nhập tạm ổn.

Sau những khó khăn, thất bại rồi thành công, Nguyễn Lê Phương My nhận ra rằng: “Con người thì ai cũng có khiếm khuyết, nếu chúng ta biết chấp nhận nó thì tôi tin đó sẽ là điểm mạnh. Hãy cởi mở và yêu đời hơn”.

Mạnh Đoàn