Bé V.A đã bị bỏ rơi bởi sự vô cảm của những người xung quanh

08/01/2022 06:50
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo các chuyên gia, sự vô cảm của xã hội, những người xung quanh đã tiếp tay cho tội ác của Nguyễn Võ Quỳnh Trang khiến bé V.A thiệt mạng

Học online cô giáo đã không thể hiểu học trò

Ngày 5/1 tờ Công an thành phố Hồ Chí Minh, chuyên trang của báo Công an nhân dân đưa tin, ngày 04/01/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đã ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về việc khởi tố bổ sung vụ án “Giết người” và “Che giấu tội phạm”; đồng thời có Quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (sinh năm 1995, quê Gia Lai, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh) về tội “Giết người” và có Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Kim Trung Thái về tội “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm” để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Võ Quỳnh Trang Ảnh: Công an thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Võ Quỳnh Trang Ảnh: Công an thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Kim Trung Thái. Ảnh: Công an thành phố Hồ Chí Minh

Nguyễn Kim Trung Thái. Ảnh: Công an thành phố Hồ Chí Minh

Trước đó ngày 22/12/2021, Công an Phường 22, quận Bình Thạnh tiếp nhận tin báo về việc cháu N.T.V.A (sinh năm 2013, trú Quận 1) tử vong tại Bệnh viện Vinmec.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã tiến hành điều tra, qua đó đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội “Hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật hình sự.

Ngày 31/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Kim Trung Thái (sinh năm 1985, về hành vi ngược đãi hành hạ con.

Theo kết quả điều tra của công an quận Bình Thạnh, Trang thường xuyên đánh đập, bắt con riêng của Thái làm việc nhà. Nghi phạm đã dùng roi mây để “dạy dỗ” bé, gần đây khi roi gãy Trang chuyển sang dùng thanh gỗ.

Thái thừa nhận đã chứng kiến con gái bị Trang dùng roi, cây đánh trong thời gian dài. Nhiều lần, người cha này cũng tham gia vào việc “dạy dỗ” bé.

Sự việc cháu V.A bị Nguyễn Võ Quỳnh Trang bạo hành đến chết đã gây phẫn nộ cho dư luận và là nỗi đau của xã hội.

Bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bác sỹ Nguyễn Trọng An nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho biết:

“Trên lý thuyết trẻ em được bảo vệ bởi rất nhiều cơ quan ban ngành. Văn bản pháp luật quy định có 17 cơ quan chính thức từ cấp Ủy ban Quốc gia đến Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến ủy ban nhân dân các tỉnh, chưa kể chính quyền địa phương, ....”

Tuy nhiên theo bác sỹ Nguyễn Trọng An để bảo vệ trẻ em thì cần phụ thuộc vào yếu tố con người. Con người có kiến thức, ý thức nhưng phải có trách nhiệm và làm theo khẩu hiệu “Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em” và thực hiện các điều khoản quy định ở luật và Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em như chúng ta đã cam kết thì trẻ em mới được bảo vệ một cách thật sự.

Nếu chỉ hô hào khẩu hiệu trong khi con người thiếu đạo đức công vụ thì trẻ em vẫn bị bạo hành.

Vì thế yếu tố con người đóng vai trò quan trọng, cần phải đào tạo, rèn rũa, nâng cao trách nhiệm để thực hiện đúng nhiệm vụ được giao.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD). Ảnh: Trung Dũng

Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD). Ảnh: Trung Dũng

Theo quan điểm của bác sỹ Nguyễn Trọng An để sự việc bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành dẫn đến tử vong thì trách nhiệm gần nhất thuộc về các cơ quan ban ngành ở địa phương nơi bé cư ngụ.

Đối với nhà trường, trong trường hợp cháu bé 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành dẫn đến tử vong, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cháu học online nên rất khó để nhà trường có thể quản lý được nếu các bậc phụ huynh không quan tâm.

Hầu hết học sinh tiểu học trong giờ học online cũng cần có bố mẹ hoặc người lớn kèm cặp. Dịch COVID-19 và các biện pháp giãn cách xã hội khiến trẻ em bị cô lập và đối mặt với nhiều rủi ro.

Khi trẻ nghỉ học, các nhà trường không nên bỏ bẵng mà vẫn cần có sự thăm hỏi định kỳ, kiểm tra tình hình của trẻ. Trẻ em như những hạt giống nhỏ, phải được chăm sóc, vun trồng bằng những bàn tay yêu thương.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An lí giải: “Để nhận được thông tin của trẻ cô giáo cũng phải nhận được thông tin từ phụ huynh và tăng cường tương tác với phụ huynh nhiều hơn.

Trong trường hợp của bé V.A, với bậc phụ huynh như thế thì thầy cô giáo rất khó có thể nhận được thông tin của bé.”

Sự vô cảm của những người xung quanh đã tiếp tay cho tội ác

Bày tỏ quan điểm về sự ra tay tàn độc của Nguyễn Võ Quỳnh Trang với bé V.A, Tiến sĩ, Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng động cơ xuống tay tàn bạo của những người thân đối với con trẻ bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, cha mẹ và người thân không coi trẻ em là đối tượng được bảo vệ đặc biệt của xã hội và pháp luật.

Trong khi người lớn có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ cho sự phát triển bình thường, lành mạnh của các con.

Vì thiếu hiểu biết nên họ không biết tác động cơ học vào cơ thể non nớt của trẻ em với sức đề kháng, khả năng chịu đựng còn rất hạn chế, nên rất dễ để lại những tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tâm lý, nguy cơ tử vong là rất cao.

Bên cạnh đó, những bậc cha mẹ, người thân này không biết kiểm soát “tâm, thân, khẩu, ý” để kiềm chế cơn giận dữ của bản thân và có hành động nguy hiểm mỗi khi trẻ mắc lỗi, Trung tá Đào Trung Hiếu chia sẻ.

Tiến sĩ, Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng sự vô cảm của những người xung quanh trước các biểu hiện trẻ bị bạo hành đã tiếp tay cho cái ác. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến sĩ, Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng sự vô cảm của những người xung quanh trước các biểu hiện trẻ bị bạo hành đã tiếp tay cho cái ác. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự việc này còn bắt nguồn từ sự vô cảm của những người xung quanh trước các biểu hiện trẻ bị bạo hành.

Chính những điều này đã tiếp tay cho tội ác.

Nhiều người mang quan niệm dạy con là “chuyện nhà người ta”.. xen vào là “mất lịch sự”, … Ví dụ, hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hay nghe tiếng khóc cần lập tức báo chính quyền, nhân viên y tế hay giáo viên khi nhận ra dấu hiệu bạo lực ở trẻ nhỏ cũng cần báo cáo ngay. Những hành động bạo hành sẽ được ngăn chặn sớm.

Thêm vào đó ở đô thị, lối sống “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”, hàng xóm không biết nhau, không giao lưu trò chuyện, không quan tâm đến những chuyện không liên quan đến mình, … là rất phổ biến, nên nhiều người không thể biết chuyện gì đang xảy ra bên nhà hàng xóm.

Ở nhiều gia đình vẫn duy trì nếp suy nghĩ bạo lực với trẻ em là điều cần thiết.

Nhiều người viện dẫn câu “thương cho roi cho vọt” để giải thích cho thói quen dùng vũ lực, đòn roi mỗi khi trẻ nghịch ngợm, làm trái ý hay kết quả học tập không như người lớn mong muốn.

Các vụ xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, thậm chí còn tăng nhiều hơn trong thời gian giãn cách vì COVID-19, báo hiệu cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để trẻ em thực sự được an toàn trong chính mái nhà của mình, Tiến sĩ, Trung tá Đào Trung Hiếu chia sẻ.

Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện. Đáng nói, 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân. Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi vẫn là điều mà các bậc cha mẹ lý giải cho hành động của mình.

Nguồn VTV

* Tài liệu tham khảo:

[1] https://congan.com.vn/vu-an/vu-bao-hanh-be-8-tuoi-tu-vong-khoi-to-bo-sung-vu-an-giet-nguoi-va-che-giau-toi-pham_125500.html

Nhật Tân