Cát-xê Tiến Đoàn "ngưỡng vọng" cát-xê Hà Anh

06/07/2011 00:16
(GDVN) - Nhưng thực tế, so với cuộc sống của các mẫu nữ, đời sống của mẫu nam ở Việt Nam “kém cạnh” hơn nhiều.

(GDVN) - Trong tưởng tượng của rất nhiều người, hẳn cuộc sống người mẫu nam như thiên đường: cát-xê cao ngất, diện đồ hiệu, xài xe sang, ở khách sạn cao cấp… Nhưng thực tế, so với cuộc sống của các mẫu nữ, đời sống của mẫu nam ở Việt Nam “kém cạnh” hơn nhiều.

{iarelatednews articleid='5620,4320,3316,3113'}

Dù nổi tiếng vẫn chật vật với nghề!

Theo bà Thúy Nga, Giám đốc Công ty người mẫu Elite Việt Nam, thông thường giá cát-xê, sự săn đón của các thương hiệu thời trang đối với mẫu nam và mẫu nữ cùng đẳng cấp luôn có một sự chênh lệch nhất định. “Cát-xê mẫu nam luôn thấp hơn mẫu nữ cùng đẳng cấp, tuy nhiên, tùy trường hợp mới có thể đưa ra sự chênh lệch đó nhiều hay ít. Trong 1 chương trình mà cần sự có mặt của mẫu nam và nữ quan trọng như nhau, sự chênh lệch giá cát-xê sẽ không quá lớn, các trường hợp khác sự chênh lệch có thể gấp 1,5 đến 2 lần”, Bà Nga nói. 

Hà Anh luôn được đánh giá cao trong giới mẫu VN.
Hà Anh luôn được đánh giá cao trong giới mẫu Việt Nam.

Khi phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đề nghị đưa ra một con số cụ thể, so sánh giữa Nam vương Tiến Đoàn và siêu mẫu Hà Anh, bà Nga cho biết: “Tôi chưa từng làm việc với Tiến Đoàn nên không biết mức cát-xê người mẫu này, vì vậy không thể đưa ra kết luận. Còn cát-xê của Hà Anh luôn là mức cao nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay”.

Về vấn đề này, Giám đốc Venus Khắc Tiệp cũng khẳng định, mẫu nam luôn bị thua thiệt rất nhiều so với mẫu nữ, từ show diễn đến tiền cát-xê. Tiến Đoàn dù đoạt giải cao nhất trong một cuộc thi sắc đẹp thế giới thì nếu các chương trình có cả Hà Anh - Tiến Đoàn tham gia, Hà Anh vẫn luôn nhận được mức cát-xê cao hơn.

Giải thích cho sự “kém cạnh” của mẫu nam so với mẫu nữ, cả vị giám đốc Venus và giám đốc Elite đều đưa ra quan điểm chung: Trong các buổi biểu diễn có cả mẫu nữ và nam, vai trò verdette thường thuộc về người nữ, còn người mẫu nam chỉ đóng vai trò làm nền, như một dạng “có nam có nữ mới nên xuân”.

Và, đây không hẳn chỉ là hiện tượng riêng làng thời trang Việt Nam, trên thực tế, nó là quy luật chung trên toàn thế giới. Lý do dẫn đến sự “kém cạnh” trên là mẫu nữ dễ quảng cáo, trình diễn hơn mẫu nam trong hầu hết các sản phẩm. Dĩ nhiên, trừ một số sản phẩm đặc trưng cho nam giới như đồ lót nam hay dao cạo râu (dù vậy, mẫu nữ vẫn có thể diễn cùng mẫu nam chính cho các sản phẩm này).

“Tôi nghĩ đơn giản chỉ là nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, của thị trường”, bà Thúy Nga nhìn nhận.

Người mẫu Tiến Đoàn cho biết, chênh lệch giá catse giữa mẫu nam và nữ là chuyện bình thường.
Người mẫu Tiến Đoàn cho biết, chênh lệch giá cát-xê giữa mẫu nam và nữ là chuyện bình thường.

Ông Tiệp đưa ra lời khuyên, dù có là mẫu nam hàng đầu Việt Nam hiện nay thì để đảm bảo có một cuộc sống đầy đủ từ thu nhập chính đáng bằng nghề người mẫu là rất khó. Vì vậy, nên nắm bắt cơ hội tham gia vào các lĩnh vực khác như đóng phim, kinh doanh...

Một số mẫu nam sẵn sàng làm... trai bao?


Để có cái nhìn rõ hơn vấn đề thu nhập của mẫu nam, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi vấn đề này với Nam vương Tiến Đoàn, quán quân Mr International 2008. Tiến Đoàn thừa nhận, ở VN giá cát-xê, sự săn đón của các thương hiệu thời trang đối với mẫu nam và mẫu nữ cùng đẳng cấp (cùng A, B chẳng hạn) đúng là có sự chênh lệch. Thua thiệt ở đây thuộc về mẫu nam. “Lĩnh vực thời trang thiết kế đa phần dành cho phụ nữ, nên mẫu nữ có nhiều show và thù lao tốt hơn”, Tiến Đoàn lý giải.

Trước luồng thông tin trong làng mẫu nam, vì thu nhập nhấp một số người sẵn sàng làm trai bao, Tiến Đoàn nhận định: Tôi không hoàn toàn phủ nhận việc có hay không một số người chọn con đường “lấy tình đổi tiền”. Không chỉ riêng nghề mẫu, mà trong xã hội, rất nhiều người chọn con đường này, đơn giản vì nó dễ đi. Đó là lựa chọn của mỗi người.

“Nhan nhản ra đó những việc bạn trẻ này cặp với đại gia kia để nuôi sống bản thân mình. Tuy nhiên, trong trường hợp là người nổi tiếng sẽ bị chú ý hơn (bị chú ý hơn khác hoàn toàn với số lượng nhiều hơn). Vậy đấy, “có người này người kia, có tốt có xấu mới là một xã hội” - tôi đã từng đọc ở đâu đó và rất tâm đắc với quan điểm này”.

Đồng tình với Tiến Đoàn, giám đốc Venus Khắc Tiệp cho hay, vì thu nhập thấp, anh từng thấy một số mẫu nam đi làm trai bao. “Tôi nghĩ, đó là chuyện hết sức bình thường. Bởi mỗi người một cuộc sống, một sự lựa chọn. Và, quan trọng hơn cả, là suy nghĩ, lựa chọn đó là đúng với họ. Tôi không có ý kiến gì liên quan đến cuộc sống cá nhân những người đó”.

Dẫu thu nhập người mẫu nam ở VN “hẻo” hơn phái đẹp, thì theo đánh giá của nhiều người trong nghề, mẫu nam ở Việt Nam vẫn nhiều cơ hội kiếm tiền  hơn so với mẫu nam trên thị trường thế giới. Lý do, người mẫu nam của ta nếu không có show vẫn có thể đóng phim, diễn kịch, quay quảng cáo, hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực khác. Ở các nước tiến tiến, việc người mẫu đóng phim, kịch, hoặc kinh doanh là điều rất khó khăn vì mọi cái đều đã đi vào chuyên nghiệp. Do vậy, trên thế giới, mẫu nam không nổi tiếng đều sống rất chật vật với nghề.

Vy Oanh