Cù Trọng Xoay và những kỷ niệm rất "xoáy" thời thơ ấu

28/01/2012 08:57
Theo Đang Yêu
Ngoài những trò nghịch ngợm, đầu têu khiến thầy cô đau đầu, thì với bạn bè ở lớp, GS Xoay lại là 1 người bạn "chơi rất được" và là 1 bí thư chi đoàn nhiệt tình.
Nổi tiếng từ khi xuất hiện trong chương trình “Hỏi xoáy đáp xoay” như một hiện tượng, nhưng sau cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo, “Giáo sư” Cù Trọng Xoay mới thực sự thành cái tên “hot” trên báo chí. Một đồng nghiệp đang công tác tại một tờ báo điện tử nói với tôi rằng, bất cứ cái tiêu đề nào có cái tên “Cù Trọng Xoay”, hay “GS Xoay”, thì y như rằng phóng viên bài viết đó không bao giờ phải lo lắng về số lượng độc giả "click" vào bài viết của mình - thứ vẫn luôn là nỗi ám ảnh của bất cứ phóng viên báo điện tử nào…

"Ngố" và "nghịch" một cách có tố chất từ nhỏ

Mọi người vẫn gọi chàng trai đeo kính cận và có bộ râu khiến anh già hơn so với tuổi 30 rất nhiều với cái tên rất thân ái: “Giáo sư” Cù Trọng Xoay.
"Giáo sư" Cù Trọng Xoay giữa đời thường
"Giáo sư" Cù Trọng Xoay giữa đời thường
Quen với cái tên đó rồi, nên đôi khi nhiều người không biết (còn những người đã biết rồi thì có thể quên) cái tên cha sinh mẹ đẻ của vị “Giáo sư” không bằng cấp nhưng đã được khán giả cấp bằng “dí dỏm này”. Vì thế nên “Giáo sư” Cù Trọng Xoay vẫn thường xuyên phải đi khắp nơi ra rả nói đi nói lại một câu: tên tôi là Đinh Tiến Dũng.

“Giáo sư” Cù Trọng Xoay tên thật là Đinh Tiến Dũng, sinh năm 1980 tại Nam Định. Chàng trai gốc Nam Định nổi tiếng như cồn với chương trình “Hỏi xoáy đáp xoay” và “Cặp đôi hoàn hảo” tâm sự rằng, anh là con trai út trong gia đình có hai anh em trai, bố mẹ đều đã nghỉ hưu.

Bố của “giáo sư” Cù Trọng Xoay là quân nhân đã nghỉ hưu, từng công tác ở Binh chủng Pháo binh. Mẹ anh là cán bộ nhà nước. Bố mẹ của Cù Trọng Xoay – Đinh Tiến Dũng hiện vẫn đang sống ở Nam Định cùng với vợ chồng người anh trai.

Từ khi GS Xoay còn bé và còn chưa nổi tiếng, vẫn chỉ được mọi người gọi là cậu bé Đinh Tiến Dũng, có một thầy bói đã “phán” về anh như sau: cậu bé này là người có số “Thân cư Thiên di”. Theo tử vi thì những người có số “Thân cư Thiên di” là những người năng nổ trong các hoạt động giao tiếp với xã hội, thích phiêu bạt, thích được thay đổi và thích tiếp xúc với nhiều người. Họ là mẫu người của xã hội, mẫu người mà ông bà ta xưa nay vẫn nói là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” hay “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”. Người “Thân cư thiên di” thích hoạt động, thích di chuyển, thích những công việc mới mẻ, luôn thay đổi, luôn sáng tạo.

Những bà vợ có ông chồng mang số “Thân cư thiên di” thì đừng mong các ông sẽ ở nhà dọn dẹp nhà cửa hay cắt cỏ, làm vườn. Cũng đừng buồn với những bữa ăn cơm lạnh, canh nguội bởi các ông có thể về trễ vì phải họp hội, đoàn; vì phải tham gia các hoạt động xã hội; hay làm trăm nghìn thứ công việc ngoài xã hội khác.

Lời thầy bói nói có vẻ ứng nghiệm với “Giáo sư” Cù Trọng Xoay, vì cứ nhìn vào công việc mà "Giáo sư" Cù Trọng Xoay làm bây giờ thì rõ ràng Cù Trọng Xoay chẳng thể chối cãi anh là một người có số “Thân cư thiên di” (vì thế cô gái đang yêu và đang “nhăm nhe” lấy “Giáo sư” Cù Trọng Xoay làm vợ hãy sẵn sàng chuẩn bị tinh thần cho những bữa cơm lạnh, canh nguội khi Cù Trọng Xoay đang mải mê bay bổng với công tác Đoàn ở FPT, với một cô gái xinh đẹp như Phương Linh hoặc hơn Phương Linh trong một phiên bản nào đó của “Cặp đôi hoàn hảo” trong tương lai, hay với chương trình “Hỏi xoáy đáp xoay” khiến khán giả mê tít trên truyền hình).

Chính Cù Trọng Xoay cũng thừa nhận vì cái số “thân cư thiên di” của mình nên anh phải sống xa nhà đi làm ăn, kiếm tiền và lập nghiệp ở một nơi sầm uất hơn là Thủ đô Hà Nội và cách nhà tới…80km.

Nhìn Cù Trọng Xoay mỗi lần xuất hiện trong chương trình “Cặp đôi hoàn hảo” và trong chương trình “Hỏi xoáy đáp xoay” trên VTV, dễ dàng hình dung ra thời thơ ấu của vị “Giáo sư” này đương nhiên không thể yên bình, êm ả.
Giáo sư Xoay và Phương Linh trên sân khấu cặp đôi hoàn hảo. Kiểu ngơ ngơ đáng yêu của giáo sư làm bao fan điêu đứng.
Giáo sư Xoay và Phương Linh trên sân khấu cặp đôi hoàn hảo. Kiểu ngơ ngơ đáng yêu của giáo sư làm bao fan điêu đứng.
Trong chương trình “Hỏi xoáy, đáp xoay” Cù Trọng Xoay thường khiến khán giả cười ồ thích thú với những câu trả lời thông minh, dí dỏm; trong “Cặp đôi hoàn hảo”, Cù Trọng Xoay khiến khán giả vỗ đùi đen đét vì những câu hỏi “xoay” và câu trả lời “xoáy” vào giám khảo khó tính Lê Hoàng.

Nhưng trong ký ức của bố mẹ, thì hồi nhỏ, “Giáo sư” Cù Trọng Xoay là một cậu bé cực ngố, như lời Cù Trọng Xoay vẫn đùa là “ngố một cách có tố chất từ nhỏ”.

Bố mẹ Cù Trọng Xoay kể rằng hồi nhỏ, “Giáo sư” Xoay – Đinh Tiến Dũng là một cậu bé bụ bẫm, hiền lành, không hề già và đẹp trai hơn bây giờ rất nhiều. Nhưng cũng ngố hơn bây giờ rất nhiều. Ngố đến mức mà có một lần vào dịp Tết Đoan ngọ khi “Giáo sư” Xoay còn bé, vì mẹ vội đi làm Nhà nước nên trước giờ đi làm đã vội chạy vào phòng gọi Cù Trọng Xoay dậy ra ăn mận để “diệt sâu bọ”. Mẹ chạy đi chạy lại, đến lúc về vẫn thấy Cù Trọng Xoay đang ngồi im bên cạnh đĩa mận, mắt chăm chăm nhìn vào đĩa mận như tìm kiếm một thứ gì đó. Mẹ Cù Trọng Xoay bèn hỏi, sao không “diệt sâu bọ đi” thì Cù Trọng Xoay thật thà đáp rằng: “Nãy giờ con có tìm thấy con sâu nào đâu mà diệt”.

Sau khi trả lời một câu “ngố không chịu được” khiến cả gia đình cười nghiêng ngả, cậu bé Đinh Tiến Dũng – sau này là “Giáo sư Xoay” lại leo lên giường ngủ tiếp, mẹ lay thế nào cũng nhất quyết không chịu dậy để “tìm và diệt sâu bọ” nữa.

Hồi nhỏ, Cù Trọng Xoay là một cậu bé học hành rất thông minh, thường xuyên được bầu làm cán bộ lớp vì thành tích học tập tốt, nhưng cũng là cậu học trò luôn chịu khó đầu têu những trò “nhất quỷ nhì ma”.

Có một tuổi thơ với quá nhiều trò nghịch ngợm, nên giờ hỏi Cù Trọng Xoay cái hình ảnh gì khiến anh nhớ nhất trong thời thơ ấu, thì Cù Trọng Xoay không chần chừ đáo rằng, anh nhớ nhất là cái cảnh ngày xưa cứ mỗi lần đi họp phụ huynh về là bố lại gọi cậu con trai út đến, một tay cầm sổ liên lạc, một tay cầm thước kẻ, rồi đọc từng tội một của con trai mà cô giáo ghi trong sổ liên lạc.

Cứ đọc xong một tội, bố lại giơ thước kẻ lên để chuẩn bị phạt một roi. Nhưng cậu bé Đinh Tiến Dũng – Cù Trọng Xoay cũng là một cậu bé dẻo mỏ và láu cá. Cứ mỗi lần thấy bố chuẩn bị giơ thước kẻ lên, Cù Trọng Xoay lại rối rít xin lỗi bố.

Vốn cưng chiều cậu con trai út vừa thông minh, vừa dễ thương, lại rất giỏi nịnh bố, nên hầu như bố chỉ “giơ cao đánh khẽ” chứ chẳng mấy khi đánh Cù Trọng Xoay vì những trò nghịch dại hay những lần phạm lỗi đó.
Có lẽ Cù Trọng Xoay chưa bao giờ tiết lộ với bố mình rằng ngày cấp 3, chính bố anh đã từng là “nạn nhân” của những trò “láu cá” của con trai út.

Hồi đó, Cù Trọng Xoay đi học xa nhà chỉ có chiếc xe đạp cọc cạch. Thỉnh thoảng trời mưa, trời rét, Cù Trọng Xoay bỗng nhiên lười đạp xe đi học. Thế là lại nghĩ ra một chiêu: tranh thủ lúc bố không để ý, Cù Trọng Xoay lén ra  xì lốp xe đạp, để lấy cớ xe bị hỏng, bị thủng săm, nhờ bố chở đến trường bằng xe máy.

Bố Cù Trọng Xoay vốn “ngây thơ” nên chẳng hình dung ra được những trò quái chiêu của cậu con trai, thế nên lần nào “xe đạp thủng xăm”, bố lại ăn mặc chỉnh tề đưa Cù Trọng Xoay đến trường. Trên đường bố đưa đến trường, Cù Trọng Xoay tranh thủ ngủ thêm một lúc cho hết cơn buồn ngủ, hoặc tranh thủ ngồi nhẩm lại bài cũ mà tối qua vì mải chơi quá nên chưa học thuộc.

“Bảng thành tích đen” xuất chúng thời đi học


Gia đình không có ai làm nghệ thuật, nhưng Cù Trọng Xoay lại rất thích vẽ, thích ca hát (dù hát không hay như ca sĩ và vẽ không đẹp như họa sĩ). Bố Cù Trọng Xoay là người rất thích vẽ.

Khi Cù Trọng Xoay còn bé, thấy con trai thỉnh thoảng vẽ vời, ông lập tức mời thầy về dạy vẽ cho con, với ước mơ con mình sau này sẽ thành họa sĩ (nhưng Cù Trọng Xoay không trở thành họa sĩ như mơ ước của bố, mà đi học kỹ sư nông nghiệp, tham gia hoạt động Đoàn, rồi trở thành “Giáo sư” Xoay nổi tiếng hiện nay).

Cù Trọng Xoay còn “thừa kế” của bố khả năng chơi trống. Khi còn bé, thấy bố thỉnh thoảng chơi trống, cậu nhóc Đinh Tiến Dũng cũng mang dùi ra đập đập, gõ gõ. Nhưng chỉ khác là nếu như bố thích chơi trống chèo, thì Cù Trọng Xoay lại chỉ thích chơi trống hiện đại. Cù Trọng Xoay bị ảnh hưởng rất nhiều từ bố, đặc biệt là tính hài hước và lạc quan của ông. Ngay cả công việc hiện nay mà Cù Trọng Xoay đang làm ở FPT cũng có gì đó rất giống với công việc của bố khi ông còn công tác ở Binh chủng Pháo binh.

Trong gia đình, Cù Trọng Xoay cũng gắn bó với bố hơn cả. Công việc bận bịu nên “giáo sư” Xoay không mấy khi có cơ hội về thăm nhà. Nhưng hễ có dịp về nhà, anh lại dành cả buổi để trò chuyện với bố. Hai bố con Cù Trọng Xoay khá là “dân chủ” và hợp chuyện nhau. Nhiều khi hai bố con tranh luận với nhau như hai người bạn vong niên, về đủ các vấn đề từ tầm thường đến cao siêu, nên hầu như bữa cơm nào của hai bố con cũng kéo dài lê thê và sẽ còn lâu mới kết thúc nếu không bị mẹ Cù Trọng Xoay thỉnh thoảng đi ra liếc mắt, đi vào đằng hắng.

Thành tích nghịch ngợm thời đi học của Cù Trọng Xoay nếu kể chi tiết có thể viết thành mấy kỳ báo mà vẫn “câu khách”. Từ bé Cù Trọng Xoay đã là cậu học trò nổi bật về thành tích học tập, nhưng cũng “nổi bật” không kém ở khả năng nghịch ngợm.

12 năm đi học, Cù Trọng Xoay nổi loạn đủ 12 năm. Năm học lớp 2, mới 8 tuổi, vì mải nô đùa nghịch ngợm với bạn bè, Cù Trọng Xoay đã ngã đập đầu vào thềm lớp, máu me be bét trên đầu, khiến thầy cô cuống quýt, phải đưa đi khâu đến 8 mũi, đến giờ vẫn còn “di chứng” là một cái sẹo to đùng.

Năm học lớp 5, Cù Trọng Xoay ghi danh vào “bảng thành tích đen” của mình một chiến công chói lọi khi một mình đập vỡ kính cửa sổ của lớp học vừa mới xây sửa lại xong. Thầy chủ nhiệm biết chuyện, giận tím tái mặt mày, đã lập tức gọi “thủ phạm” lên văn phòng nhà trường gặp Ban Giám hiệu để viết bảng kiểm điểm, không quên phạt cho vài roi để cảnh cáo.

Khi học cấp 3, Cù Trọng Xoay được bầu làm Bí thư lớp. Vốn là người nhiệt tình, sôi nổi, Cù Trọng Xoay hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của một Bí thư Chi đoàn. Nhưng bên cạnh đó, Cù Trọng Xoay cũng khiến các thầy cô ở trường PTTH tiếp tục đau đầu với những trò nghịch ngợm do mình đầu têu.

Thời học cấp 3, Cù Trọng Xoay thường xuyên rủ các bạn trong lớp trốn học đi đá bóng. Sau nhiều lần trốn học tập thể, các cô giáo bộ môn phản ánh tình trạng này lên thầy chủ nhiệm. Thầy chủ nhiệm rất giận, yêu cầu Cù Trọng Xoay về mời phụ huynh lên để gặp gỡ. Nhưng có ăn gan hùm, Cù Trọng Xoay cũng không dám mời mẹ lên để thấy “tố tội” với mẹ. Thế nên với tính láu cá vốn có của mình, Cù Trọng Xoay lập tức nghĩ ra một phương án an toàn hơn: dùng tiền ăn sáng dành dụm được để thuê một bác bán rau đúng giả làm phụ huynh đến gặp thầy.

Đúng ngày hẹn với thầy, Cù Trọng Xoay đĩnh đạc đưa “mẹ” đến. Nhưng thầy chủ nhiệm vừa nhìn thấy “mẹ” Cù Trọng Xoay đã mím môi cười. Thầy vẫn tỉnh bơ gặp “phụ huynh” của Cù Trọng Xoay, khiến “chàng” thở phào vì nghĩ rằng mình đã tai qua nạn khỏi. Nhưng sau khi gặp “phụ huynh” xong và tiễn “phụ huynh” ra về, thầy gọi Cù Trọng Xoay đến và phán một câu “xanh rờn”: “Mai ông mời mẹ thật của ông đến đây gặp tôi”. Sau này Cù Trọng Xoay mới vỡ lẽ ra “mẹ thật” của mình “trớ trêu thay” lại chính là con gái nuôi của mẹ vợ thầy chủ nhiệm, nên lẽ dĩ nhiên thầy chẳng hề lạ gì mẹ Cù Trọng Xoay.

Ngoài những trò nghịch ngợm, đầu têu khiến thầy cô đau đầu, thì với bạn bè trong lớp, Cù Trọng Xoay lại là một người bạn “chơi rất được” và là một Bí thư Chi đoàn rất nhiệt tình.
Từ chàng kỹ sư nông nghiệp đến “Giáo sư” Xoay được mến mộ trên truyền hình

Năng khiếu nghệ thuật của Cù Trọng Xoay đã sớm được “bộc lộ” (tuy chưa nhiều) từ thời còn học cấp 3. Năm lớp 11, Cù Trọng Xoay tham dự một hội thi nhỏ của trường cấp 3 bằng một vở kịch do chính anh viết.
Tuy vở kịch đó không được giải do nội dung chủ yếu là gây cười chứ không đưa được các nội dung mà BTC quy định vào. Tuy nhiên, vở kịch đó đã đặt mốc khởi đầu cho “con đường nghệ thuật” của Cù Trọng Xoay sau này, khi giờ đây anh đã là một “tay” viết kịch bản có thương hiệu cho chương trình “hỏi xoáy, đáp xoay” và “Gặp nhau cuối năm”.

Học hết cấp 3, Cù Trọng Xoay thi đỗ vào trường Đại học Nông nghiệp, trở thành sinh viên K44, chuyên ngành cây trồng. Ra trường với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp, nhưng Cù Trọng Xoay lại gắn bó với công tác Đoàn.

Từ thời đi học, với cái duyên hài hước và khả năng hát hò không quá tệ, cùng với kinh nghiệm làm Bí thư Chi đoàn từ hồi cấp 3, Cù Trọng Xoay đã sớm thành trở thành một thành viên tích cực trong công tác Đoàn trường Đại học Nông nghiệp, từng trải qua các chức vụ như Chủ tịch Hội Sinh viên khoa Nông học, rồi trở thành Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Nông nghiệp, và là một trong những thành viên của trường Đại học Nông nghiệp tham dự SV 2000. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp, anh đi theo ngành công tác thanh niên, công tác tại Thành đoàn Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Đại học, với cái duyên nợ với công tác Đoàn, Cù Trọng Xoay về công tác tại Trung ương Đoàn.
"Giáo sư" Xoay đã từng rất nổi tiếng từ thời học sinh
"Giáo sư" Xoay đã từng rất nổi tiếng từ thời học sinh
Nhưng vì muốn thỏa chí thử sức vẫy vùng ở những môi trường làm việc phóng khoáng, cuối cùng, Cù Trọng Xoay đã về đầu quân cho FPT và gắn bó với Tập đoàn FPT – một môi trường vốn luôn được đánh giá là trẻ, năng động, sáng tạo và nhiệt tình – từ đó cho đến bây giờ.

Là người chuyên nhiệm vụ tổ chức sự kiện nội bộ ở FPT, đây chính là cơ duyên khiến Cù Trọng Xoay – Đinh Tiến Dũng nhận được lời mời viết kịch bản cho “Gặp nhau cuối năm” và rồi trở thành “Giáo sư” Xoay trong chương trình “Hỏi xoáy đáp xoay”.

Theo Cù Trọng Xoay, nguyên nhân chính khiến anh được nhận nhân vật “Giáo sư” Xoay là bởi đây là một nhân vật cần một ngoại hình “ngơ ngơ” kiểu học nhiều và bị “ngộ chữ”. Thật may (và cả không may) là Đinh Tiến Dũng lại có vẻ bề ngoài đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu này.

Cái tên “Giáo sư” Cù Trọng Xoay là do cây hài Xuân Bắc đặt. Ban đầu trong chương trình, “Giáo sư” Xoay có tên là Charlie Xoay. Nhưng Xuân Bắc sau vài lần vui miệng gọi là Cù Trọng Xoay, mọi người thấy cái tên quá hay và quá hợp nên “chết danh” cho đến giờ.

Giờ thì Xuân Bắc đã có lần “tự nhận” với vẻ mặt rất tủi thân là trong chương trình “Hỏi xoáy, đáp xoay”, “Giáo sư” Cù Trọng Xoay đã vượt mặt Xuân Bắc trở thành người chiếm trọn tình cảm của khán giả theo dõi chương trình.

Gặp ở ngoài, ai cũng giật mình bởi cái “độ trẻ” của anh so với trên truyền hình, không có vẻ nghiêm nghị, đĩnh đạc của một vị giáo sư uyên bác mà khán giả biết đến mỗi tối thứ 7, một Cù Trọng Xoay – Đinh Tiến Dũng ngoài đời trẻ trung và phong trần hơn rất nhiều.

Anh tâm sự: “Thậm chí chị bán rau gần nhà còn tưởng “ông” trên tivi là bố tôi chứ không phải tôi. Từ dạo mang bộ dạng này, mỗi lần về quê là kiểu gì tôi cứ ru rú ở nhà không dám ra ngoài, vì hễ thò đầu ra khỏi cửa là bị “hỏi xoáy”: “Ai lại để râu thế hả con, trông mày còn già hơn cả bố mày”.

Đành phải ngụy biện là tại cháu sắp... lên hình, lên hình xong thì cháu cắt. Đâm ra lần sau về mọi người lại chuyển sang hỏi thăm: “Thế vẫn chưa lên hình xong hả con”.

Tự cho rằng mình là người lạc quan, “thích đi tìm những nụ cười để tặng nhau” nên với bất kỳ vấn đề gì anh cũng nhìn bằng góc nhìn vui vẻ và truyền niềm vui, suy nghĩ tích cực đến khán giả qua các tác phẩm hài của mình.

Người có nguy cơ lấy phải ông chồng có số “thân cư thiên di” Cù Trọng Xoay có thể là MC Hồng Nga của chương trình “8 giờ tối thứ 6” trên VTV2 – cũng đang công tác tại FPT cùng Cù Trọng Xoay.
"Giáo sư" Cù Trọng Xoay và "cô gái bí mật"
"Giáo sư" Cù Trọng Xoay và "cô gái bí mật"
Đây được xem là “cô gái bí mật” của Cù Trọng Xoay và vừa cùng “giáo sư” Xoay kỉ niệm 1200 ngày yêu. Không biết lấy phải một ông chồng có số “thân cư thiên di” thì sẽ phải chịu những nỗi khổ gì, nhưng chắc chắn rằng cô gái nào may mắn (hoặc không may mắn) trở thành vợ của “Giáo sư” Cù Trọng Xoay” thì nhất định sẽ được 2 điều: Điều thứ nhất là những lời chúc phúc từ đông đảo fan của “Giáo sư”; điều thứ hai là sẽ thường xuyên được cười bởi những trò dí dỏm của một vị “Giáo sư” tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành “gây cười”.
Theo Đang Yêu