Đạo diễn Thư giãn Cuối tuần VTV3 "xướng tên" vua hài đất Bắc

25/05/2011 00:30
(GDVN) - "Ai là danh hài số 1 đất Bắc"? Phóng viên GDVN đã có buổi trò chuyện với đạo diễn Bùi Thọ Thịnh, người phụ trách chương trình Thư giãn cuối tuần VTV3.

(GDVN) - Tìm lời kết cho câu hỏi "Ai là danh hài số 1 đất Bắc", phóng viên Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với đạo diễn Bùi Thọ Thịnh, người phụ trách chương trình "Thư giãn cuối tuần" đang phát trên VTV3.

{iarelatednews articleid='2943,2745,2435,2346,969'}

Vị tổng đạo diễn này cho rằng Việt Nam hiện chưa có ai xứng đáng được tôn xưng là vua hài. Thế nhưng, anh cũng thẳng thắn phân loại các diễn viên hài thành các đẳng cấp khác nhau theo cách nhìn nhận của riêng mình.

Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh.
Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh.



Nhiều danh hài xứng là số 1

- Là một đạo diễn chuyên làm các chương trình hài trên truyền hình như "Gặp nhau cuối tuần", "Gặp nhau cuối năm" và bây giờ là "Thư giãn cuối tuần", anh có thể đơn cử một gương mặt cho danh hiệu "Danh hài số 1 đất Bắc"?

Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh: Các diễn viên hài miền bắc không nhiều, thế nhưng để đánh giá ai là số 1, ai là số 2 thì chắc chắn không ai đánh giá được. Với tôi Công Lý, Xuân Bắc, Vân Dung, Tự Long…ai cũng là số 1.

Diễn viên hài mỗi người có một sự thông minh riêng, cái duyên riêng. Ví dụ như Quang Thắng, ngoài cái duyên về hình thể còn có cái duyên trong cách thoại, cách xử lý thông minh, bản năng. Đó là cái duyên trời cho. Cũng là những lời nói đó nhưng qua miệng người khác thì bình thường không gây cười, còn qua miệng Quang Thắng lại rất hài hước. Trong mắt tôi, họ đều rất tài năng và đáng yêu nhưng khán giả mới là người quyết định vị trí của họ. Dẫu rằng không ai hoàn chỉnh cả, ai cũng có khiếm khuyết nhưng không đáng để nói vì mặt mạnh của họ trội hơn nhiều.

- Trong chương trình "Thư giãn cuối tuần" phát sóng trên kênh VTV3 tối thứ 7 hàng tuần, anh lựa chọn bộ đôi Công Lý, Tự Long vào vai anh copy và anh bơm vá. Phải chăng anh đánh giá tài năng của họ hơn những bộ đôi khác?

Không phải thế. Tôi chọn Công Lý, Tự Long đơn giản là vì họ hợp với vai diễn đó, không gian đó chứ không phải là ưu ái riêng. Như Xuân Bắc diễn rất thông minh và duyên dáng nhưng lại không thể vào vai những nhân vật chuyên kiếm sống ở hè đường như vậy.

Hay bộ đôi Quang tèo và Giang còi thì lại phù hợp với mảng nông thôn. Từ hình thể cho đến cách diễn khiến cho anh bán lợn và anh chăn vịt này mặc định hình ảnh của mình trong lòng khán giả nông thôn. Tức là mỗi một diễn viên hài thành công đều chiếm giữ một góc hài nào đó mà không ai có thể thay thế được.

- Thế nhưng có một số người cho rằng Xuân Bắc giờ pha trò rất nhạt?

Có người cho rằng đôi lúc Xuân Bắc phát ngôn chưa hợp với khán giả nhưng theo tôi thì không thể phủ nhận Bắc cực thông minh. Anh ấy biết gẩy cả bạn diễn của mình lên. Trong hài thì vai trò đạo diễn không nhiều mà chủ yếu ở khả năng và sự nhanh nhạy, tinh tế của diễn viên.

- Trong các diễn viên hài nữ, anh thích ai nhất?

Ở ngoài Bắc tôi ấn tượng nhất vẫn là Vân Dung, còn phía nam là Hồng Vân. Nếu phải so sánh 2 nhân vật này thì tôi thấy rất khó vì họ đều có mặt mạnh riêng.

Vân Dung có cách diễn cuốn hút, hấp dẫn, cách xử lý linh hoạt. Kịch bản nhiều khi chỉ là tình huống, là "khung xương" nhưng Vân Dung đều xử lý câu thoại rất tinh tế và bất ngờ để lấy được tiếng cười của khán giả. Chị Hồng Vân cũng là người cực kỳ thông minh, phản ứng rất nhanh và ngẫu hứng. Nếu bắt tôi phải chọn 1 người thì không khác gì đánh đố. Tôi chỉ có thể lựa chọn họ khi đặt trong một kịch bản với những nhân vật cụ thể mà thôi.

Vân Dung và Công Lý trong Thư giãn cuối tuần.
Vân Dung và Công Lý trong Thư giãn cuối tuần.



- Tôi thấy cũng nhiều khán giả chia sẻ rằng họ thích nhất là nghệ sĩ Xuân Hinh. Nhưng cũng có nhiều người "tẩy chay" danh hài này vì cho rằng lời thoại của Xuân Hinh ngày càng tục. Anh có bình luận gì về những ý kiến trên?

Xuân Hinh thật sự bản năng và tài năng. Tuy nhiên anh ấy không tham gia quá nhiều vào sân khấu hài mà chỉ tham gia những cái anh ấy thích, làm bằng ngẫu hứng. Đó là sự khác biệt của nghệ sĩ này. Trên sân khấu Xuân Hinh có thể một mình gây hoạt náo, nếu có tương tác với bạn diễn cũng chỉ là phụ họa.

Còn về lời thoại tục như nhiều người nhận xét thì thật ra, hầu như trong hài đều có yếu tố tục nhưng quan trọng là người ta xử lý cái tục đó như thế nào. Xuân Hinh tục thật nhưng cái tục của anh ấy vẫn rất duyên và chấp nhận được vì nó không quá đỗi trần trụi.

Việt Nam chưa có vua hài

- Là một đạo diễn gắn bó với hài gần chục năm nay, anh có thể phân chia một cách tương đối đẳng cấp của các diễn viên hài mà anh từng cộng tác và theo dõi?

Đúng là trong đầu của một đạo diễn như tôi thì có sự phân chia đẳng cấp của các diễn viên hài nhưng cũng chỉ là tương đối thôi. Tốp 1 có thể nhắc đến những cái tên như Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý, Vân Dung, Quang Thắng, Quốc Khánh, Chí Trung, Xuân Hinh, Phạm Bằng... Một nhóm khác có thể kể đến là Thành Trung, Chiến Thắng, Bình Trọng, Đức Khuê, Quang tèo, Giang còi. Hiệp gà thì gần gần tốp 1. Công Vượng thì tôi không biết nên xếp vào tốp nào. Tôi cũng chưa mời Vượng tham gia một tiểu phẩm nào của mình.

- Căn cứ nào để anh đưa ra sự xếp loại trên?

Tôi phân chia như trên là dựa vào việc đánh giá tài năng và sự đam mê, gắn bó với sân khấu hài của mỗi diễn viên. Trong đó quan trọng nhất vẫn là căn cứ vào tài năng của họ. Thế nhưng trong tốp 1 nếu yêu cầu tôi phải tìm ra người nào xuất sắc nhất thì tôi không thể làm được vì họ bằng bằng như nhau cả.

- Thế giới từng có vua hề Sác lô (Charlie Chaplin). Sau Sác lô, người ta lại say mê danh hài Pháp Louis de Funes và Rowan Atkinson (diễn viên thủ vai Mr Bean) của nước Anh. Theo anh vì sao ở Việt Nam chưa có ai được tôn xưng là "vua hài"?

Trước đây có một thời khán giả miền Nam coi NSƯT Bảo Quốc là vua hài trong đó. Nhưng theo tôi ở Việt Nam chưa có ai xứng với danh hiệu này cả. Thế giới tôn sùng Charlie Chaplin là vua hài vì tài năng và đẳng cấp của ông vượt lên hẳn so với các diễn viên cùng thời. Ở Việt Nam chưa nghệ sĩ nào làm được điều đó.

- Anh có thể so sánh một chút giữa hai thế hệ diễn viên hài như NSND Mạnh Tuấn với các danh hài trẻ bây giờ?

Giữa hai thế hệ chỉ có sự khác biệt về độ tuổi diễn viên chứ không khác biệt về tiếng cười. Theo tôi thì thế hệ đi trước rất giỏi khi áp dụng ca dao tục ngữ, thơ ca hò vè vào trong lời thoại của nhân vật, còn giới trẻ bây giờ lại tiếp nhận nhiều thông tin hơn, tính thời sự tốt hơn vì vậy có ngôn từ mới mẻ hơn, hiện đại hơn. Các cụ ngày xưa được thừa hưởng, tích lũy văn hóa dân gian trong cuộc sống của họ còn hài bây giờ thì thô hơn. Bên cạnh đó các tích chèo cổ được đúc kết từ nhiều đời chứ không mang tính công nghiệp và sản xuất hàng loạt như bây giờ.

Hiện nay, không thể làm những cái lặp lại như ngày xưa được mà mỗi ngày phải nghĩ ra một cái mới, có thể chưa hay nhưng phải mới. Chính thế những người làm hài bây giờ gặp rất nhiều khó khăn khi phải phục vụ, đáp ứng được đông đảo người xem với tần suất liên tục như các chương trình "Thư giãn cuối tuần".

Linh Huệ