Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (20) - Tuổi trẻ không hối tiếc

18/06/2018 07:40
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - "Tuổi trẻ không hối tiếc" là cuốn sách của tác giả Huyền Chíp vốn đã nổi tiếng với hai cuốn “Xách ba lô lên và đi” và “Giấc mơ Mỹ-Con đường đến Stanford”.

LTS: Tiếp tục đọc giùm bạn những kiến thức hữu ích, trong tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ những ghi chép thực sự tâm đắc trong cuốn sách "Tuổi trẻ không hối tiếc" của tác giả Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chíp).

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Đó là tác phẩm thứ tư của cô gái Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chíp) vốn đã nổi tiếng với hai cuốn “Xách ba lô lên và đi” và “Giấc mơ Mỹ-Con đường đến Stanford”.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở quê lúa Hải Hậu, Huyền Chíp từ chối vào đại học để rong ruổi khắp Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh.

Ban đầu khi khởi hành trong tay Huyền Chíp chỉ có 700 USD. Không biết sợ là gì cô gái vừa đi vừa tìm việc để làm với mong muốn thỏa chí tìm hiểu thế giới.

Lúc dừng lại là khi một lúc nhận được học bổng từ ba trường Đại học lớn ở Mỹ.

Huyền Chíp đã tỏ ra có quyết tâm rất cao khi hoàn thành tốt đẹp cả bằng Cử nhân lẫn bằng Thạc sĩ tại Đại học Stanford danh giá với chuyên môn về Trí tuệ nhân tạo, một trong những lĩnh vực cơ bản của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư hiện nay.

Cuốn sách do Nhà xuất bản Phụ nữ và Công ty cổ phần xuất bản và giáo dục Quảng Văn phát hành. Đây là cuốn sách mà các bạn trẻ rất đáng mua để đọc và chiêm nghiệm.

Tác giả Huyền Chíp chụp ản cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: tác giả cung cấp).
Tác giả Huyền Chíp chụp ản cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: tác giả cung cấp).

Tôi chỉ xin trích ra ít câu mà tôi thực sự tâm đắc và muốn dành cho các bạn trẻ.

- Ngày hôm nay nhìn lại, nhiều người khen tôi dũng cảm, dám vượt qua quy tắc, định kiến xã hội để đi con đường của riêng mình. Nhưng tại thời điểm tôi đưa ra quyết định không tuân theo những quy tắc, định kiến xã hội đó, hầu hết mọi người lại kêu tôi dại dột và ra sức ngăn cản.

- Đi tìm con đường của chính mình thật khó khăn khi chưa biết con đường đó là gì. Điều đó lại càng khó hơn khi mình được sinh ra và lớn lên trong một môi trường nhấn mạnh chữ “ta” hơn chữ “tôi”, được răn đe phải luôn nghe lời người lớn, được giáo dục để tìm thấy sự an toàn trong đám đông.

- Nhưng nếu được quay ngược thời gian, liệu tôi có chọn con đường khác không? Không. Tôi đã sống thật với bản thân. Tôi đã cháy hết mình để có một tuổi trẻ không hối tiếc.

- Xã hội thường dựng lên hình ảnh người thành công đơn độc, tay trắng làm nên mà không cần nhờ cậy ai cả. Sự thật là không ai thành công mà không có sự giúp đỡ của người khác.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (20) - Tuổi trẻ không hối tiếc ảnh 2Thầy Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn(15): Bạn còn trẻ nên bạn có thể đi lầm đường

- Cuộc sống không phải là một cuộc chạy marathon đơn độc, mà là một trò chơi đồng đội. Không ai có thể làm được điều gì đó to lớn mà không trở thành một phần của một đội to lớn hơn bản thân họ.

- Sức cám dỗ của đồng tiền rất lớn và những định kiến xã hội về người giàu, người nghèo đã khiến chúng ta trở nên yếu đuối trước sự cám dỗ đó.

- Đồng tiền không bao giờ có thể mua được khoảng thời gian đã mất, hay làm nguôi dịu những tiếc nuối nó mang lại.

- Dĩ nhiên chúng ta cần tiền để sống, nhưng có một sự khác nhau giữa việc có đủ tiền để cảm thấy thoải mái và kiếm nhiều tiền nhất có thể.

- Cuộc sống là một cuộc chơi với nhiều mức độ khó khác nhau. Khi xuất sắc ở một mức độ, cần chuyển lên chơi ở một mức độ khó hơn với nhiều thử thách mới. Những ngươi chơi ở mức độ dưới tiềm năng của bản thân sẽ có được một sự an toàn tẻ nhạt. Họ không bao giờ gặp thất bại nhưng cũng sẽ chẳng bao giờ nâng cao được trình độ bản thân hay biết được phần thưởng tuyệt vời gì đang chờ đợi họ ở mức độ cao hơn.

- Nhiều người dành bốn năm quý báu của tuổi trẻ để lấy một tấm bằng mà tốt nghiệp xong sẽ không bao giờ dùng. Thật là lãng phí.

- Ai cũng cần học, dù bạn có đang ngồi trên ghế nhà trường hay không. Tôi có thể lười lên lớp, nhưng tôi chưa bao giờ lười học. Tôi học tiếng Anh, học viết, học cách nộp đơn tìm việc, học về quan hệ xã hội, học cách quản lý thời gian, học cách chắt lọc cái hay cái dở từ những luồng tư tưởng khác nhau, học cách tư duy để không bị lừa.

- Những người tôi gặp ý thức được rằng trở thành người lớn cần sự trưởng thành về ý thức và trách nhiệm - và họ nỗ lực để đạt được sự trưởng thành đó.

- Nhiều người coi làm người lớn là một điều mặc định - họ trở thành người lớn khi cơ thể trưởng thành, biết làm chuyện người lớn, hay trở thành bố mẹ trẻ em, trong khi thái độ và trách nhiệm của họ vẫn chưa vượt qua ngưỡng của trẻ vị thành niên.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (20) - Tuổi trẻ không hối tiếc ảnh 3Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (14): Hạnh phúc là không chờ đợi

- Để trở thành người lớn bạn cần có ba điều: Chịu trách nhiệm cho bản thân. Đưa ra những quyết định độc lập.Và độc lập về mặt tài chính.

- Mỗi lần làm một việc gì đó, chúng ta phải tự đặt câu hỏi liệu cách chúng ta làm đã có thể được coi là người lớn hay chưa.

- Chúng ta hay dạy con không nên nói chuyện với người lạ, thay vì dạy chúng cách phân biệt người tốt, kẻ xấu.

- Chúng ta thường chở con mình, hay kèm cặp nó đi mọi nơi, khi mà nó có thể tự đi bằng xe buýt, xe đạp hay thậm chí đi bộ.

- Chúng ta thường xuyên nhắc nhở con em mình làm bài tập về nhà - đôi khi giúp con làm bài tập, đôi khi làm luôn bài hộ con. Con vì thế không biết cách ưu tiên các việc cần làm, không biết quản lý khối lượng công việc. Hay chịu trách nhiệm hoàn thành công việc đúng thời hạn mà không có người nhắc nhở.

- Chừng nào bạn còn phụ thuộc vào ai đó về mặt tài chính, chừng đó bạn còn cho họ những quyền kiểm soát nhất định đối với cuộc sống của bạn.

- Sau đây là một số kinh nghiệm cùng kiến thức về tài chính mà tôi thu thập được: Không bao giờ là quá sớm để nghĩ đến chuyện đầu tư. Cần có quỹ tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp. Bớt tiền tiêu vào những điều xa xỉ. Có ngân sách chi tiêu cho từng khoản mỗi tháng. Chỉ có con khi bạn đã sẵn sàng để nuôi con.

- Chịu trách nhiệm cho bản thân là thừa nhận rằng mình phạm sai lầm và những điều tồi tệ đến với mình là do bản thân mình đưa ra - điều này đòi hỏi sự dũng cảm không phải ai cũng có.

- Tôi rất thích câu nói về tuổi 22 của đầu bếp huyền thoại Anthony Bourdain: Nếu bạn 22 tuổi, khoẻ mạnh, khao khát học hỏi và tiến bộ, tôi khuyến khích bạn nên đi - đi xa và rộng nhất có thể. Ngủ trên sàn nhà nếu bạn phải làm như thế. Tìm hiểu xem người ta sống, ăn uống và nấu nướng thế nào. Học hỏi từ con người - bất cứ nơi nào bạn đến.

- Rào cản lớn nhất của việc học hiện nay không phải là học phí, giáo viên hay giáo trình, mà là người học có muốn học hay không. Kiến thức đầy rẫy trên mạng. Nếu muốn học về chủ đề gì chỉ cần dùng Google tìm kiếm là sẽ ra hàng đống tài liệu liên quan. Chúng ta không thể dồn kiến thức vào đầu người không muốn học. Người muốn học sẽ chủ động tìm ra cách để học.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (20) - Tuổi trẻ không hối tiếc ảnh 4Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (17) - Làm chủ cuộc đời

- Các công ty ép buộc nhân viên phải làm việc quá thời gian, cho dù vì bất cứ lý do gì, đều là bóc lột. Nhiều bạn trẻ sa vào cái bẫy này vì họ không biết đến các công ty tốt đẹp hơn.

- Nếu đọc sách nhiều mà toàn đọc ngôn tình, truyện ma, võ hiệp thì không biết người đó được gì ngoài đắm chìm trong ảo mộng.

- Goodreads là mạng xã hội cho những người yêu sách. Trang web này dường như có tất cả các cuốn sách trên đời, ai đọc xong cuốn sách nào đều có thể viết bình luận về cuốn sách đó. Hãy đọc những bình luận trước khi quyết định đọc cuốn sách nào đó.

- Nếu phải chọn duy nhất một ngoại ngữ để học nên chọn tiếng Anh, bởi đây vẫn là ngôn ngữ giao tiếp toàn cầu và là ngôn ngữ chính thức của khoa học. Một đứa trẻ ba tuổi ở Mỹ nói được tiếng Anh thì chẳng có lý do gì để người lớn như mình không học được.

- Chúng ta đang sống trong một thời kỳ lạm phát bằng cấp, bằng đại học là thứ nếu thiếu sẽ khiến người ta nhướng lông mày lên thắc mắc một chút, nhưng nếu có thì chẳng ai thèm để ý…

Nhưng Đại học là cơ hội tuyệt vời để xây dựng mối quan hệ với những người cùng đam mê, chí hướng. Họ có thể giúp đỡ bạn rất nhiều trong sự nghiệp sau này. Ngay cả khi người đó không giúp ích cho sự nghiệp của bạn, có một người bạn tốt chia sẻ đam mê với mình là một sự xa xỉ không phải ai cũng có.

- Theo quan điểm của Mỹ, đại học là khoảng thời gian để bạn khám phá đam mê và năng lực của bản than. Sinh viên được khuyến khích học các môn học thuộc các ngành khác nhau để mở rộng góc nhìn của bản thân. Năm đầu tôi chọn học đến chục ngành khác nhau. Trước khi vào đại học tôi nghĩ mình thích ngành khoa học xã hội. Khi học thử lớp khoa học máy tính ở trường tự nhiên tôi lại thích và giờ theo đuổi ngành này.

- Đại học là khoảng thời gian mà bạn có thể ngã đau mà không sợ bị hậu quả lâu dài. Bạn rất có thể chưa có sự nghiệp, chưa có tiền, cũng như chưa phải gánh vác trên vai trách nhiệm gì. Nói nôm na là bạn chưa có gì để mất.

- Hãy học một lớp khó nhằn. Hãy theo đuổi một dự án điên rồ. Hãy xin thực tập ở công ty lớn. Hãy thử sức với một dự án khởi nghiệp. Hãy làm những điều không tưởng để xem giới hạn của bản thân mình ở đâu. Đừng làm mọi chuyện vì tiền. Bạn còn có cả đời để kiếm tiền.

Các bạn thân mến!

Cuốn sách này của Huyền Chíp dày 303 trang. Tôi mới đọc giùm bạn đến trang 111. Xin dành phần tiếp theo cho bài Đọc giùm bạn số 21.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng