Hà Nội bảo tồn biệt thự Pháp cổ để làm trung tâm văn hóa

27/04/2022 16:14
Theo Baochinhphu.vn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Căn biệt thự có diện tích đất lên tới 993 m2, nằm tại vị trí góc ngã tư Hàng Bài - Trần Hưng Đạo, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX.

Sáng 27/4, Thành phố Hà Nội phối hợp với đại diện chính quyền Vùng Ile-de-France (Cộng hoà Pháp) tổ chức khởi công dự án bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự Pháp cổ tại 49 Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài.

Hà Nội bảo tồn biệt thự Pháp cổ tại 49 Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài - Ảnh: VGP/Gia Huy

Hà Nội bảo tồn biệt thự Pháp cổ tại 49 Trần Hưng Đạo - 46 phố Hàng Bài - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tham dự sự kiện có có Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Dương Đức Tuấn; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery…

Theo Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, khu phố Pháp là một di sản đô thị quý giá, góp phần tạo nên bản sắc của không gian đô thị Thủ đô Hà Nội. Đến nay, các biệt thự Pháp đều tuổi đời trên dưới một thế kỷ đã chịu nhiều tác động trong quá trình sử dụng.

Vì vậy, Hà Nội xây dựng kế hoạch gìn giữ các di sản này mà trước mắt là bảo tồn, trùng tu thí điểm ngôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài với sự hỗ trợ kỹ thuật của vùng Ile-de-France (Cộng hòa Pháp).

Căn biệt thự có diện tích đất lên tới 993 m2, nằm tại vị trí góc ngã tư Hàng Bài - Trần Hưng Đạo, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX.

Đây là một trong những công trình còn giữ nguyên được nhiều giá trị kiến trúc. Dự án sẽ được trùng tu theo đúng các nguyên tắc và phương pháp đang được áp dụng tại Pháp để làm dự án trùng tu kiểu mẫu cho các dự án khác tương tự đối với các công trình thời Pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Biệt thự 46 Hàng Bài - 49 Trần Hưng Đạo sẽ được đưa vào khai thác với chức năng là Trung tâm giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội.

Những người yêu di sản khi đến đây sẽ được tìm hiểu về quá trình hình thành khu phố Pháp, những ảnh hưởng và giao thoa văn hóa Pháp - Việt không chỉ về mặt kiến trúc, đô thị mà trong cả lối sống trong suốt giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.

Bên cạnh đó, đây cũng sẽ là nơi giới thiệu các nguyên tắc cơ bản cần lưu ý khi tiến hành một dự án trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị đối với một công trình kiến trúc Pháp cổ.

Ngoài ra, công trình sau khi hoàn thành bảo tồn cũng được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm đến du lịch mới và là địa điểm để tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại và kinh tế giữa Việt Nam và Pháp.

Ngôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài được bảo tồn với sự hỗ trợ kỹ thuật của vùng Ile-de-France (Cộng hòa Pháp) - Ảnh: VGP/Gia Huy

Ngôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài được bảo tồn với sự hỗ trợ kỹ thuật của vùng Ile-de-France (Cộng hòa Pháp) - Ảnh: VGP/Gia Huy

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu quận Hoàn Kiếm tập trung chỉ đạo chủ đầu tư thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của Nhà thầu thi công, trách nhiệm của nhà thầu tư vấn giám sát nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, của các đơn vị. Đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng kỹ thuật được phê duyệt, sớm hoàn thành và đưa công trình vào khai thác, sử dụng có hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 3/2023, song, lãnh đạo Thành phố đề nghị quận cùng các đơn vị phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm hơn kế hoạch.

Các sở, ngành của Thành phố sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho quận Hoàn Kiếm triển khai dự án; tiếp tục phối hợp với các quận, huyện và các đơn vị có liên quan rà soát, kiểm tra và lựa chọn biệt thự cũ và các công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 để đưa vào danh mục chỉnh trang, bảo tồn.

Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn đề nghị Sở Quy hoạch kiến trúc phối hợp Sở Xây dựng hoàn thành danh mục các công trình kiến trúc khác có giá trị báo cáo Thành phố phê duyệt. Thông qua việc triển khai dự án "Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà Biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài", Phó Chủ tịch yêu cầu xây dựng quy trình, xác định cơ chế chỉnh trang, bảo tồn các biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố.

Thông qua dự án, Thành phố Hà Nội mong muốn cộng đồng có thể nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích của hài hòa giữa bảo tồn với phát huy, khai thác giá trị di sản. Với chức năng mới như vậy, công trình sẽ trở thành một điểm đến văn hóa mới của quận Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung.

Theo Baochinhphu.vn