Hãy tạo ra những đứa trẻ tự do, hồn nhiên và tinh nghịch

29/11/2019 12:13
An Nhiên
(GDVN) - Bố mẹ đừng đặt nặng vấn đề thành công hay thất bại của trẻ mà hãy vui mừng vì con có can đảm chọn con đường riêng, dù gian nan thế nào.

“Trẻ em như tờ giấy trắng”. Hành vi, cách ứng xử, cách nghĩ của phụ huynh và những người lớn xung quanh sẽ định hình một đứa trẻ sẽ trở thành người như thế nào khi chúng lớn lên: Chúng sẽ trở thành người làm được mọi thứ, biết tôn trọng, quan tâm đến người khác hay thờ ơ và vô cảm với mọi thứ xung quanh?

Bố mẹ hãy tạo cho trẻ nhiều cơ hội trải nghiệm

Việc tạo cho trẻ nhiều cơ hội được trải nghiệm là rất cần thiết. Trong tâm hồn đứa trẻ vốn được trang bị sẵn tính tự giác, trẻ con lại rất hiếu kỳ rất thích được trải nghiệm.

Nếu trao tự do cho những hành động xuất phát từ tinh thần tích cực hành động ấy, tức là cố gắng trong khả năng có thể không góp ý (không can thiệp), không làm thay (bảo bọc quá mức) thì việc giáo dục con sẽ đạt hiệu quả tốt hơn nữa.

Bố mẹ hãy tạo cho trẻ có nhiều cơ hội được khám phá, trải nhiệm cuộc sống.
Bố mẹ hãy tạo cho trẻ có nhiều cơ hội được khám phá, trải nhiệm cuộc sống.

Tuyệt đối không được la mắng khi con thất bại

Tất nhiên sự trải nghiệm của con sẽ kéo theo nhiều thất bại. Sự thất bại sẽ khiến con hăng hái tiến đến thử thách dành cho mình, đó là cố gắng thực hiện để lần sau không còn thất bại nữa.

Ví dụ, những đứa trẻ có tính tự giác phát triển thuận lợi, khi học đến lớp hai, lớp ba, trẻ có xu hướng muốn làm thử những thứ mạo hiểm.

Ví dụ, sau khi ăn xong, bố mẹ nhờ trẻ dọn chén bát trên bàn: “Mang vào bếp giúp mẹ nhé”. Đứa trẻ đáp: “Vâng ạ”, sau đó liền chất cao chén bát lên trên một cái đĩa, định nâng cái đĩa đó đặt lên vai để bê đi y như cách mà những người giao mì soba vẫn làm.

Nhìn thấy cảnh như vậy, bố mẹ sẽ nói gì nào? Phải chăng bố mẹ sẽ la lên: “Con cầm đàng hoàng cho mẹ”, hoặc là “Đừng có cầm cái kiểu đó”.

Bởi vì bố mẹ sợ con mình thất bại: “Chồng chén bát mà rơi xuống thì mệt”. Điều đó còn gây ra tổn thất về vật chất nữa. Hẳn là bố mẹ cũng lo lắng nếu như mình không nói gì thì làm sao rèn được con. Rất nhiều bố mẹ muốn góp ý với con lúc đó.

Tuy nhiên, tôi sẽ không bao giờ góp ý gì khi thấy một đứa trẻ làm như vậy. Bởi vì tôi hiểu được cảm giác của trẻ.

Hành động vác mâm mì cao chót vót của người giao mì soba khiến cho trẻ cảm thấy hiếu kỳ nên trẻ hăng hái tự mình làm thử. Những đứa trẻ hăng hái làm thử như thế là những trẻ có tính tự giác phát triển thuận lợi.

Tuy nhiên, khi tự bản thân trẻ nhận ra sức của mình chưa đủ để thực hiện hành động ấy, trẻ sẽ không tiến xa thêm. Nhưng nếu bố mẹ nghĩ rằng trẻ sẽ làm, rồi lên tiếng thì lúc đó, lời ngăn cản của bố mẹ sẽ trở thành lời thôi thúc trẻ làm thử ngay trò mạo hiểm ấy.

Bố mẹ cần tạo điều kiện cho trẻ được tự do vận động.
Bố mẹ cần tạo điều kiện cho trẻ được tự do vận động.

Tóm lại, hiện tượng trẻ muốn làm thử có nghĩa là khả năng vận động của trẻ đã phát triển thêm một bước nữa. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất vui. Và dĩ nhiên là tôi sẽ cầu nguyện để trẻ bê thành công đống bát đĩa ấy.

Nếu trẻ bê thành công, tôi sẽ thể hiện niềm vui ra mặt. Tôi cũng sẽ nói: “Con làm hay quá”. Hẳn là trẻ sẽ đáp: “Mọi việc cứ để cháu lo”. Trẻ sẽ thể hiện ra mặt vẻ mãn nguyện vì đã thành công. Thế nên tôi quyết định sẽ trông cậy vào trẻ.

Làm thế nào để rèn trẻ làm được mọi thứ?

Khi tôi đề xuất hãy cho trẻ tự do, hãy ngừng huấn luyện, chắc chắn sẽ có người đặt câu hỏi vậy không cần rèn trẻ cũng được à.

Đa số những người đặt câu hỏi này là những người theo chủ nghĩa huấn luyện, luôn mong trẻ răm rắp nghe theo những gì mình bảo, kỳ vọng con sẽ giống như một đứa trẻ có phong cách chỉn chu đúng như khuôn mẫu.

Những bố mẹ như thế rất xem trọng cái khuôn, họ không nghĩ đến việc giáo dục tâm hồn cho con trẻ. Họ đặt nặng những điều thiên hạ đánh giá, họ muốn con được đào tạo ưu tú. Họ kiêu hãnh khi được nghe những lời khen như “Con anh chị giỏi quá, chẳng bù thằng nhóc nhà tôi”.

Vì muốn “hơn bạn, hơn người”, họ đã ra sức đào tạo con cái theo khuôn mẫu mà họ cho rằng sẽ giúp con ưu tú, giỏi hơn chúng bạn. Con cái mang lại cho họ thể diện, vì thế nếu con cái làm gì khiến họ mất thể diện, họ sẽ không chấp nhận.

Họ luôn nói làm những điều đó vì hạnh phúc của con nhưng thực chất, những điều ấy chẳng liên quan đến hạnh phúc của con, đó chẳng qua chỉ là những thứ bề ngoài.

Hạnh phúc thật sự là được sống đúng với chính mình, được bước đi trên đường đời của mình để thực hiện điều đó. Hạnh phúc thật sự là được tự do trải nghiệm, tự do làm những gì mình mong muốn. Dù có thất bại, hay thành công cũng không quan trọng.

Quan trọng là được trải nghiệm quá trình thất bại hay thành công đó, vì chắc chắn con sẽ có được những trải nghiệm vô cùng phong phú.

Bố mẹ đừng đặt nặng vấn đề thành công hay thất bại của trẻ mà hãy vui mừng vì con có can đảm chọn con đường riêng, dù gian nan thế nào.

Trích sách Giáo dục không la mắng – do First News phát hành.

Giáo dục không la mắng được Giáo sư Nobuyoshi Hirai viết nên từ chính những trải nghiệm mà ông đã quan sát tìm hiểu và nghiên cứu về trẻ em trong suốt nhiều năm qua.

Giáo sư Nobuyoshi Hirai (1919-2006) tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tokyo và khoa Y, Đại học Tohoku.

Ông là thành viên Phòng nghiên cứu Aiiku thuộc Hội Bà mẹ Trẻ em Aiiku và là giáo sư trường Đại học nữ Ochanomizu.

Năm 1970 ông là giáo sư trường Đại học nữ Otsuma, từ 1990 là giáo sư danh dự của trường Đại học nữ Otsuma.

Ngoài ra ông còn là một tiến sĩ y khoa, hội trưởng Hội Nghiên cứu Nhi đồng học.

An Nhiên