HH Dương Thùy Linh 'bắt bệnh' dốt sử của học sinh Việt Nam

14/12/2012 07:37
V.T
(GDVN) - Trong loạt bài trắc nghiệm kiến thức lịch sử, đời sống dành cho học sinh cấp tiểu học của Báo Giáo dục Việt Nam, không ít học sinh Hà Nội tỏ ra không biết hoặc mù mờ về kiến thức lịch sử, đời sống.
Đơn cử, khi được hỏi về các vị anh hùng dân tộc như Yết Kiêu, Bà Triệu... nhiều học sinh trả lời không biết. Lại có học sinh nhầm lẫn Sơn Tinh là thần nước, Yết Kiêu làm nghề cắm cọc, Thánh Gióng quê ở miền núi...Số học sinh khác nói thích đọc truyện doremon, nhưng lại không thích học lịch sử, không biết bánh chưng được gói bằng lá gì, không biết bánh giầy hình gì?

Mang vấn đề trên tham khảo ý kiến Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh - một người đẹp có học thức cao trong giới showbiz - cũng là một người mẹ trẻ, chị tâm sự: "Linh chưa có con đến tuổi đi học để biết cách dạy lịch sử bây giờ của thầy cô ra sao. Nhưng trước đây, tôi nhớ là môn này dạy rất chán, chủ yếu là đọc cho các học sinh chép, học gạo để trả bài cho xong. Nhiều khi kiểm tra, học sinh quay cóp, giáo viên cũng lờ đi, vì môn lịch sử cũng chỉ là môn phụ, không quan trong như toán, văn, ngoại ngữ. Mà thi đại học thì chỉ khối C mới cần học lịch sử, nên các bạn thi khối khác thường không quan tâm, bố mẹ cũng không đặt nặng vấn đề con cái phải giỏi môn lịch sử".

"Việc dạy lịch sử là vô cùng quan trọng để một đứa trẻ hiểu được nguồn gốc, nòi giống của mình ra sao". Ảnh: Văn Trinh
"Việc dạy lịch sử là vô cùng quan trọng để một đứa trẻ hiểu được nguồn gốc, nòi giống của mình ra sao". Ảnh: Văn Trinh

Lý giải việc học sinh hiện nay phần nào thiếu hiểu biết về các nhân vật lịch sử, ít chú ý học lịch sử, Dương Thùy Linh nêu quan điểm: Xã hội vẫn đang trong quá trình phát triển, người dân vẫn chưa được thoả mãn về mặt vật chất nên họ không đề cao những môn học không tạo ra được vật chất. Cái này là phản ứng tự nhiên như tháp Maslow về các nhu cầu của con người trong bộ môn kinh tế. Khi đã thoả mãn những nhu cầu căn bản, mọi người mới tìm đến văn hoá, đến những giá trị cao hơn để nuôi dưỡng tinh thần.

"Ở các nước phát triển, những khu nghèo dân trí vẫn rất thấp và họ thường không quan tâm là lịch sử nước họ như thế nào. Thế nên sự hiểu biết về lịch sử và văn học đôi khi thể hiện đẳng cấp trong xã hội. Chính vì thế mà mọi người rất cố gắng học hỏi những môn xã hội", Dương Thùy Linh nói.

Tuy nhiên, theo lời hoa hậu, không phải môn lịch sử không cần thiết trong xã hội hiện đại, mà nó chưa đóng vai trò thiết yếu khi xã hội còn khó khăn, cuộc sống còn bị chi phối quá nhiều bởi đồng tiền bát gạo.

"Việc dạy lịch sử là vô cùng quan trọng để một đứa trẻ hiểu được nguồn gốc, nòi giống của mình ra sao, để nó tự hào về quê hương, xứ sở. Nhưng để làm sao một đứa trẻ thích học lịch sử phải là trách nhiệm của các nhà giáo dục. Với cách dạy tẻ nhạt, nội dung không phong phú, không hấp dẫn được học sinh thì việc học sinh dốt lịch sử không đáng trách, mà đáng trách là do phương pháp dạy chưa chuẩn, điều kiện chưa cho phép. Ở nước ngoài, trẻ em học lịch sử tốt vì có điều kiện về bảo tàng, công cụ học tập", Thùy Linh nhấn mạnh.

Hiện tại, con trai Dương Thùy Linh mới được 21 tháng tuổi và chị cho biết, luôn muốn con trai hiểu về văn hoá, tập tục Việt Nam, những câu truyện cổ tích. 

"Tôi muốn giúp con tìm hiểu lịch sử qua những vở kịch múa rối, nhưng sẽ làm từ từ chứ không ép. Bây giờ, tôi đã đọc truyện cây tre trăm đốt cho con hàng ngày trước khi con đi ngủ. Trẻ con muốn trân trọng văn hoá, lịch sử thì cần phải được tạo thói quen từ trong trứng nước và điểm bắt đầu đầu tiên là từ sự khích lệ của bố mẹ và yếu tố quyết định là một người thầy giỏi", Hoa hậu cho hay.

V.T