Ngày Tết và truyền thống gia giáo

04/02/2022 07:10
Nguyễn Hùng Vĩ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tết đẹp trước hết là đẹp cho chính gia đình mình. Và con chữ treo lên cũng là ước vọng dạy dỗ con cái.

LTS: Nhân dịp Tết đến xuân về, nhà nghiên cứu văn hóa dân gia Nguyễn Hùng Vĩ có bài viết chia sẻ về chủ đề giáo dục trong gia đình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

Quan niệm Tết như là một di sản văn hóa tinh thần hàng đầu của tổng thể văn hóa Việt Nam, chúng ta có thể thấu hiểu nó ở nhiều phương diện: sự tồn tại bền lâu, tính phổ biến cộng đồng, điểm bùng phát tâm thức, cảm hứng uống nước nhớ nguồn, tinh thần cố kết nhân tâm, giá trị tập hợp quốc gia, sự trình diễn giá trị văn hóa, khát vọng sống hạnh phúc, cơ hội ứng xử văn minh, tinh thần vị tha hỷ xả v.v…

Nhưng cụ thể nhất, Tết là của gia đình, là về với gia đình, nơi chôn rau cắt rốn, nơi từng con người nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện cả quãng đời ấu thơ của mình, nơi ông bà cha mẹ ta dành hết sự yêu thương, chăm sóc để ta lớn lên, tự lập, tồn tại giữa cuộc đời rộng lớn và phức tạp này.

Tết là của gia đình, là về với gia đình. (Ảnh minh họa trên Baogialai.com.vn)

Tết là của gia đình, là về với gia đình. (Ảnh minh họa trên Baogialai.com.vn)

Những cuộc hồi hương dịp Tết chủ yếu là để mỗi người trở về nơi ngôi nhà gốc gác của mình, dù đó đang vất vả thiếu thốn hay đã khang trang thịnh vượng. Hướng về tổ tiên, chia ngọt sẻ bùi, giao lưu tình cảm, trao đổi tâm tư, chúc tụng chân tình, chung vui thành quả… đó là ứng xử đẹp của Tết.

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.

Câu đối dân gian mộc mạc đó không hiểu vì sao lại có sức sống lâu bền làm vậy. Mỗi năm khi Tết đến, nó lại bật ra trong tâm thức mỗi người. Vừa tồi tội, vừa thương thương lại vừa rộn ràng, mong ngóng. Cũng như Tết, cũ thì thật cũ mà nó mới cũng thật là mới. Có lẽ không phải cái vỏ ngôn từ nó hay, nó lạ, nó kỳ công, mà chắc vì nó mộc mạc, đời thường, dân dã.

Thấy nó tồi tội vì có lẽ hơn ngàn năm lịch sử, người dân mình thật nghèo, quanh năm ăn uống kham khổ, chỉ mong ba ngày Tết có tý mỡ màng của thịt mỡ và bánh chưng, kèm tý hăng chua của vị hành muối.

Thấy nó thương thương vì đó là ký ức sẽ không phai mờ của lớp người trên tuổi 30, khi cuộc đời họ đa phần sống qua đói khổ của chiến tranh ác liệt và thời hậu chiến đói nghèo. Cái thời đó chưa xa.

Nó vui vui rộn ràng là vì trong việc kể tên 6 thứ Tết, tác giả đôi câu đối đã dành một nửa cho văn hóa tinh thần: vui mắt (câu đối đỏ), tín ngưỡng (cây nêu), vui tai (tràng pháo): nói theo ngôn ngữ nhà Phật là những thứ thuộc về nhãn căn, ý căn và nhĩ căn.

Điểm bừng sáng có lẽ nằm ở ba chữ “câu đối đỏ”.

Người Việt trong lịch sử ít có điều kiện học hành. Cả một trường kỳ lịch sử, lo ăn, lo mặc, lo tồn tại dường như choán hết trí lực của họ. Đến năm 1945 mà còn đến 95% mù chữ thì cũng đủ nói lên điều đó. Nhưng cái gọi là điều kiện khó khăn và tinh thần hiếu học lại là hai chuyện khác nhau. Họ trọng chữ nghĩa và người có chữ.

Có một cơi trầu sang biếu cụ / Xin đôi câu đối để thờ ông”, đôi câu đối truyền ngôn là của Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đó cho ta thấy sự trọng thị của người bình thường trước vong linh người đã khuất thể hiện qua việc nhất thiết phải xin được chữ nghĩa về thờ. Con chữ được thiêng hóa.

Ngày Tết, trên thúng mẹt các bà các chị đi chợ về, thế nào cũng có câu đối đỏ, tranh Đông Hồ hoặc tranh Hàng Trống màu tươi nguyên, rực rỡ. Dù nhà tranh vách nứa hay cửa ngăn bức bàn thì con chữ cũng được treo lên khắp nơi rực rỡ.

Tết đẹp trước hết là đẹp cho chính gia đình mình. Và con chữ treo lên cũng là ước vọng dạy dỗ con cái.

Trong đạo học ngày xưa, người ta đặc biệt chú trọng hai chữ gia giáo.

Hai cái chữ “gia giáo” này vốn có hai nghĩa mà từ điển ghi nhận: nghĩa đầu tiên chính là giáo dục gia đình (như ta quan niệm hiện nay) và nghĩa rộng chỉ những người được giáo dục gia đình cẩn thận, sống tử tế, có lễ nghĩa.

Ngày xưa, câu khen không gì mừng hơn là khen “con nhà gia giáo”, câu rủa không gì đau hơn là “con nhà mất d…”. Điều này là hoàn toàn có thực.

Số phận ngôn từ nhiều khi cũng như số phận con người vậy, có thể vì biến thiên xã hội mà nó bị kỳ thị, quên đi hoặc lạnh nhạt, kiêng dè. Từng có một thời các từ vựng như "sinh viên”, “giảng viên”, “cử nhân” bị bẵng đi để thay vào đó là “học sinh đại học”, “cán bộ giảng dạy”, “tốt nghiệp đại học”. May mà đến hôm nay nó lại đã phục sinh. Gia giáo cũng tương đồng số phận.

Cái ấn tượng những người có điều kiện học hành thời xưa là thuộc thành phần đủ ăn, cao hơn là có của, giàu có, người thông chữ là thuộc tầng lớp trí thức, phân biệt với nhân dân lao động. Vì cái ấn tượng một thời đó đã ăn sâu thành vào lý xã hội mà thân phận hai chữ gia giáo lênh đênh nổi chìm.

Đến hôm nay, cụm từ “giáo dục gia đình” đang nổi lên không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn bộ thế giới trước báo động con người, vì cá nhân, mà mất dần đi nguồn cội của hạnh phúc gia đình, trong đó có sự giáo dục làm người với vai trò quan trọng hàng đầu của gia giáo.

UNESCO chủ trương: Học để hiểu biết, học để làm việc, học để chung sống, học để khẳng định mình. Học để chung sống là học để ứng xử tốt đẹp, để tôn trọng pháp luật, tôn trọng người khác, là nhân văn, là tin cậy, vị tha, yêu thương, lễ nghĩa giữa con người với con người.

Cũng như tổng thể giáo dục nói chung, giáo dục gia đình là một quá trình trao truyền để “trồng người”, cả về thể chất lẫn tinh thần, gồm cả lối sống, tri thức, kỹ năng, đạo đức, nhân phẩm, thiên hướng, khát vọng, thái độ lao động, thẩm mỹ và nhân văn.

Môi trường gia đình là môi trường cộng đồng thiết thân nhất, trực tiếp và hiện sinh nhất để hình thành một nhân cách cá nhân trong xã hội.

Gia đình giúp ta trưởng thành và cũng chính là chốn cuối cùng đón nhận ta khi cay đắng, cô đơn, thất bại và thất vọng.

Gia giáo xưa nay hằng dạy con người như vậy. Khi vai trò của gia giáo, vì bất cứ lý do nào đó mà lung lay, thì chắc chắn nhân cách cá nhân sẽ xuống cấp, xã hội sẽ rối ren.

Người xưa thường dạy ta là trước trách mình rồi sau mới trách người. Ấy vậy mà thông thường, cứ có những tình trạng như trẻ em hư, dựa dẫm ỷ lại, nghiện game, nghiện chất kích thích, bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên… là khắp nơi, người ta đổ tội hết lên cho nhà trường và giáo dục.

Đành rằng, thói quen “đổ lỗi” là một căn tính xấu con người, nhưng “con nhà gia giáo” chắc chắn họ sẽ ứng xử cẩn trọng hơn, “tiên trách kỷ” để nhìn lại mình hơn.

Các xã hội hoàn toàn hoàn thiện, hoàn toàn tốt đẹp có lẽ chỉ có trong thần thoại, trong tôn giáo hoặc trong những kỳ vọng không tưởng.

Đòi hỏi một điều kiện ảo tưởng như thế, trách cứ một xã hội chưa được như kỳ vọng tưởng tượng như thế liệu có hơn được việc rất thực tế là ngay chính nơi này – gia đình, ngay ở thời điểm này – hôm nay, ngay trong việc này – gia giáo, ta sẽ quan tâm, tự nhiệm, bỏ công sức cho chính con cái mình và trong nhà mình.

Không đâu xa, chúng ta cứ ngẫm quanh mình, từ thôn làng đến phố thị, trong những bi kịch gia đình, thì bị kịch “cha bòn con bỏ”, những đứa con hủy hoại cả một cơ nghiệp cha mẹ dày công xây dựng, chiếm một phần không ít.

Ngẫm một lúc, chúng ta sẽ thấy ngay, đa số những bất hạnh ấy xảy ra là từ sự gia giáo bị sao lãng, điều kiện, công phu và kỹ năng giáo dục gia đình bị coi nhẹ. Đến lúc cơ sự đã xảy ra, ngồi ân hận thì đã quá muộn màng.

Trong những ngày chuẩn bị Tết cổ truyền, kỷ niệm ấu thơ tràn về, từ trẻ đến già, mỗi người lo toan một việc.

Đứa nhỏ nhất cũng được giao cho một việc trong niềm tin cậy của cha mẹ, ông bà. Đứa dọn nhà, đứa lau đồ lễ, đứa cắm hoa treo tranh.

Bên nồi bánh chưng quây quần, được người lớn dặn sang năm mới ăn nói lễ phép, không cãi cọ, văng tục mà nó dông cả năm.

Giờ giao thừa được mặc bộ quần áo mới đứng lạy trước bàn thờ trước sân “như người lớn”.

Sáng mùng Một được nhận lì xì chúc tụng, rồi đến lượt mừng tuổi ông bà trong lễ nghĩa kính trọng. Lại được đứng trước bàn thờ gia tiên để không quên nguồn cội. Tất cả điều đó đều là gia giáo. Gia giáo tạo nên gia phong, làm vững nền gia đạo.

Hạnh phúc trên nền tảng kinh tế phát triển là tất nhiên, nhưng hạnh phúc sống vững bền trong tình yêu thương và sự tôn trọng con người có thể là hơn thế.

Nguyễn Hùng Vĩ