Nhà văn Y Ban: Huyền Chíp - sự dối trá đã thò ra!

24/09/2013 07:59
Đỗ Tuyết
(GDVN) - Thông tin về cuốn sách “Xách ba lô lên và đi” của Huyền Chíp đang được rất nhiều người quan tâm, thế nhưng không ít người cho rằng Huyền đang “lừa dối” hàng ngàn độc giả bởi câu chuyện về cuộc hành trình của cô đã bị hư cấu.
Trước những xôn xao về sự thật của hành trình đi 25 quốc gia (Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ) với khởi đầu 700 USD (khoảng 14,7 triệu đồng), ngày 19/9 trong buổi họp báo ra mắt tập 2 "Đừng chết ở Châu Phi", Huyền Chip đã trả lời những thắc mắc của nhiều độc giả. Những chi tiết trong cuốn sách như việc Huyền Chip tự kiếm việc làm thêm trên đường đi để có tiền sinh hoạt và mua vé máy bay đi tiếp được nhiều độc giả có mặt trong buổi họp báo 'chất vấn' tác giả trẻ.
Tuy nhiên, theo nhiều thành viên có mặt tại buổi họp báo, Huyền Chíp đã có lúc mất bình tĩnh trước câu hỏi trực tiếp của khán giả, thậm chí bí quá, cô nói: "Tôi không có trách nhiệm trả lời anh!".

Chi tiết trong nội dung cuốn sách khiến dân mạng nghi ngờ rằng Huyền Chíp có thật sự là tác giả?
Chi tiết trong nội dung cuốn sách khiến dân mạng nghi ngờ rằng Huyền Chíp có thật sự là tác giả?
Chưa kể, hành vi "xóa bỏ" những trang viết trước đây của Huyền Chíp trên mạng cũng là một trong những nguyên nhân dấy lên hồ nghi của mọi người, bởi nếu nó là trung thực thì không cần phải xóa bỏ vội vã như vậy.
Ngoài ra, trên một số diễn đàn còn minh họa những hình ảnh hài hước chứng minh cho sự mâu thuẫn giữa câu trả lời của Huyền Chip và thực tế mà cô đã viết trong cuốn sách. Rầm rộ nhất là thông tin Huyền Chip nói về đoạn trong sách cô kể bị xe máy tông gãy "ống đồng", sau đó ba tuần đã có thể bay nhảy, vi vu.
Trả lời về câu hỏi này của một độc giả, Huyền khẳng định: “Xin lỗi bạn, mình không có nói cái đoạn đấy trong sách”. Tuy nhiên, sau một hồi tranh cãi, cô thừa nhận là bị gãy chân do có thể không tin vào thần linh khi ở Ấn Độ. Lý giải cho việc hồi phục quá nhanh chóng, Huyền Chip cho rằng “mỗi người có một cách bình phục nhanh chậm khác nhau”.
Hình ảnh Huyền Chíp ở Châu Phi và bìa cuốn sách Xách ba-lô lên và đi
Hình ảnh Huyền Chíp ở Châu Phi và bìa cuốn sách Xách ba-lô lên và đi
Sau đó, nhiều ý kiến đưa ra  nếu như chính cô viết nên cuốn sách, có thể coi nó như một đứa "con đẻ" của mình vậy làm sao Huyền lại không nhớ trong khi đó chuyện có thật đã  xảy ra với cô.
Về việc chấn thương này, Phó chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tạo hình - Bệnh viện Bỏng Quốc gia từng cho biết, thời gian để hồi phục sau khi gãy ống đồng ít nhất là 2 tháng. Tùy từng trường hợp như gãy kín hay gãy hở, bó bột hay phẫu thuật, thời gian phục hồi có thể lâu hơn. Tuy nhiên, chắc chắn sau 3 tuần người bệnh không thể hoạt động mạnh ngay được. Do đó, việc leo núi sau 3 tuần gãy ống đồng là điều khó có thể xảy ra.
Liên quan đế bộ sách Xách ba-lô lên và đi của Huyền Chíp, tờ Người đưa tin dẫn lời nhà văn Y Ban rằng, bà có theo dõi lùm xùm quanh cuốn sách của Huyền Chip. Nhà văn cho hay: “Bản thân tôi là người sáng tác nên tôi hiểu những điều hư cấu trong tác phẩm hoàn toàn có thể thay đổi, nay hư cấu thế này, mai lại thế khác. Các nhà văn viết tiểu thuyết thường phải lập sơ đồ tuyến tính nhân vật hẳn hoi để tránh nhầm lẫn. 
Nhưng nếu đã là tác phẩm dạng hồi ký, cẩm nang như thế này (Xách ba-lô lên và đi ) thì tác giả không được phép sai lầm. Nếu đó là sự thật thì tác giả phải nhớ. Nếu Huyền Chip thực sự gãy chân, cô ấy phải nhớ ngay. Nhưng ở đây, sự dối trá đã thò ra”.
Nhà văn nói thêm, bà không bình luận gì thêm về vụ lùm xùm cuốn sách của Huyền Chip, nhưng “cô bé đó mới có 23 tuổi. Thôi cứ để cuộc đời dạy cho cô ấy bài học!”.
Theo bình luận của một số thành viên trên các diễn đàn có thể nói, qua những nghi vấn và "chứng cứ" mà dư luận đưa ra, cũng như qua phần trả lời của Huyền Chip tại buổi họp báo, có thể tạm nhận định rằng: Sự thật về cuốn sách hay chuyến đi của Huyền Chip như thế nào vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.
Đỗ Tuyết