Nhạc sĩ của "Đất nước trọn niềm vui" qua đời tại Vũng Tàu

05/09/2013 10:08
Liễu Phạm
(GDVN) - Vào hồi 16h ngày 4/9, nhạc sĩ Hoàng Hà, tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng như Đất nước trọn niềm vui, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Cùng hành quân giữa mùa xuân... qua đời tại bệnh viện Lê Lợi (Vũng Tàu).
Theo lời chia sẻ của con trai nhạc sĩ Hoàng Hà, nhạc sĩ Hoàng Lương cho biết, cha của anh mất do tuổi cao sức yếu. Năm nay nhạc sĩ Hoàng Hà 84 tuổi, thời gian qua ông gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Lễ viếng bắt đầu vào sáng mai (6/9) tại tư gia trên đường Lê Quý Đôn (Vũng Tàu). Lễ truy điệu, an táng sẽ diễn ra vào ngày 7/9.

Cuộc đời ít biết 

Nhạc sĩ Hoàng Hà sinh ngày 1 tháng 12 năm 1929 tại vùng hoa ven Tây Hồ, Hà Nội. Tên khai sinh của cố nhạc sĩ là Hoàng Phi Hồng. Nhạc sĩ Hoàng Hà là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng, trong đó có bài Đất nước trọn niềm vui, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Cùng hành quân giữa mùa xuân... Ngoài nghệ danh Hoàng Hà, ông còn có một nghệ danh khác là Cẩm La.

Cha ông làm nghề kí lục, mất sớm vào năm Hoàng Hà mới 9 tuổi. Còn mẹ ông là một thợ may, con gái của một người lính Tunisia gốc Pháp. Gia đình Hoàng Hà có 12 anh chị em, nhưng chỉ có ông và người em Hoàng Phi Hùng là còn sống đến lúc trưởng thành. Sau khi cha của Hoàng Hà qua đời, mẹ ông ở vậy nuôi con và sớm tham gia cách mạng. Để đỡ đần cho gia đình, năm 13 tuổi Hoàng Hà cũng vào làm việc ở trong một xưởng in.

Nhạc sĩ Hoàng Hà qua đời ở tuổi 84.
Nhạc sĩ Hoàng Hà qua đời ở tuổi 84.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, vào tháng 10 năm 1945, Hoàng Hà thoát ly gia đình tham gia cách mạng và trở thành Tổng phụ trách thiếu niên toàn huyện Yên Lãng (Phúc Yên). Cùng năm đó, ông chuyển sang tỉnh đảng bộ Phúc Yên và bắt đầu sáng tác nhạc. Ca khúc đầu tiên được ông sáng tác vào năm 1947 với bút danh Hoàng Hà. Trong giai đoạn này, Hoàng Hà đã được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tận tình giúp đỡ, chỉ bảo.

Cũng thời gian này, Hoàng Hà đã cho ra đời một số tác phẩm có tiếng tăm như Hò dân công, Vui lên đường. Nhưng chỉ đến năm 1956 khi “Ánh đèn cầu Việt Trì” ra đời, tên tuổi của Hoàng Hà mới được nhiều người biết đến.

Đến thập niên 1960, tên tuổi và tài năng âm nhạc của Hoàng Hà được khẳng định trong làng âm nhạc cách mạng Việt Nam, với những ca khúc có tiếng tăm thời bấy giờ như Ngày cách mạng thứ bảy, Làng ta làm thuế,...

Nhạc sĩ Hoàng Hà cũng là một trong số những người tham dự đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957) với tư cách người sáng lập. Tấm thẻ hội viên hội Nhạc sĩ của Hoàng Hà lúc đó mang số hiệu là 01 - theo Hoàng Hà thì có lẽ vì ông là người ở xa nên mọi người ưu tiên phát cho ông tấm thẻ đặc biệt đó.

Năm 1962, nhạc sĩ Hoàng Hà ra Hà Nội theo học khoa sáng tác – lý luận hệ đại học ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam tại vị trí biên tập viên.

Trong một thời gian dài sau đó, Hoàng Hà ít viết nhạc mà chủ yếu tập trung vào công tác biên tập và giới thiệu tác phẩm của đồng nghiệp. Tuy nhiên đến giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam, Hoàng Hà bắt đầu sáng tác trở lại và cho ra lò một số nhạc phẩm nổi tiếng với bút danh Cẩm La. Ông dùng bút danh này như là một lời tri ân tới những người dân làng Cẩm La đã cứu ông thoát chết trong một trận càn của quân Pháp khi xưa. Về lựa chọn bút danh Cẩm La, Hoàng Hà đã lý giải:

Đất nước trọn niềm vui là ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Hoàng Hà.
Đất nước trọn niềm vui là ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Hoàng Hà.

Trong các ca khúc của Hoàng Hà, những người lính tham chiến tại mặt trận Trường Sơn có một vị trí đặc biệt - đến mức đã có ý kiến cho rằng "Thơ Trường Sơn chỉ có Phạm Tiến Duật, nhạc Trường Sơn chỉ có Hoàng Hà". Hoàng Hà cũng sáng tác nhiều bài hát thiếu nhi nổi tiếng như Con mèo ra bờ sông, Cùng múa hát mừng xuân, ông lý giải rằng tình yêu trẻ con và động vật đã giúp ông sáng tác ra những bài hát này.

Ca khúc nổi tiếng nhất của Hoàng Hà là bài Đất nước trọn niềm vui, được nhạc sĩ sáng tác vào đêm 26 tháng 4 năm 1975 tại nhà riêng ở Hà Nội. Bài hát được giao cho Đài Tiếng nói Việt Nam vào ngày hôm sau và được thể hiện lần đầu tiên bởi ca sĩ Trung Kiên. 

Nhạc sĩ Hoàng Hà lập gia đình với bà Minh Phúc, một phụ nữ kém ông 6 tuổi. Hai người có với nhau 5 mặt con nhưng trong đó chỉ có nhạc sĩ Hoàng Lương là nối nghiệp nhạc sĩ của cha. Con gái duy nhất của Hoàng Hà là Hoàng Yến - nữ thẩm phán Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội.

Nhạc sĩ Hoàng Hà được đánh giá là một người chăm lo cho gia đình và rất thương mẹ, thương em. Trong ngày cưới của mình, ông đã ôm người em trai mà khóc vì cho rằng sau khi lấy vợ thì sẽ không còn điều kiện lo cho mẹ và em được nữa. Ông cũng rất yêu quý mẹ và vợ mình, họ là hai người phụ nữ mà ông hay nhắc đến nhiều nhất.

Đến năm 1985 ông vào định cư ở Bà Rịa - Vũng Tàu, một phần nhằm thuận tiện cho việc chăm sóc mẹ già đang ốm trên đường Lê Quý Đôn. 

Trong cuộc đời mình, nhạc sĩ Hoàng Hà đã nhận được Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng Ba, Huân chương Kháng chiến (chống Mỹ) hạng Hai, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huy chương "Vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật"... Năm 1999 ông được trao giải thưởng đặc biệt của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho Giao hưởng hợp xướng Côn Đảo. Năm 2002, ông được giải Nhất giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam với bài Tiếng rừng dương...

Liễu Phạm